Hotline 24/7
08983-08983

Người trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối, tuổi thọ rút ngắn đến 30 năm

Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024, do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức, ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến nhấn mạnh, bệnh thận mạn ở người trẻ tuổi để lại hậu quả nặng nề. Chẳng hạn, một người khoảng 40 tuổi nếu phải điều trị thay thế thận thì kỳ vọng sống của bệnh nhân chỉ bằng 1 người bình thường 75 tuổi, nghĩa là tuổi thọ của bệnh nhân bị rút ngắn đến 30 năm.

Nội khoa là một trong 10 phiên hấp dẫn nhất của hội nghị, thu hút sự quan tâm của đông đảo y bác sĩ. TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận định, bệnh lý không lây nhiễm ngày càng gia tăng trong thập kỷ này. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng năm 2020, 4 bệnh không lây nhiễm thường gặp nhất là tim mạch, ung thư, nội tiết, hô hấp mạn tính.

Đây là gánh nặng rất lớn. Tỷ lệ tử vong do bệnh lý không lây nhiễm chiếm đến 75%. Trong khi đó, chi phí điều trị cho bệnh lý không lây nhiễm gấp 40-50 lần so với bệnh lý lây nhiễm. Thông thường, các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, chuyển hóa, béo phì, nội tiết, tiêu hóa… thường xảy ra từ lứa tuổi 50 trở lên nhưng những năm gần đây đã có sự trẻ hóa” - chuyên gia nhấn mạnh.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên 2024 BV Nhân dân Gia Định: Nghiên cứu khoa học bao phủ, báo cáo tinh gọn và chật kín người tham dự

Bệnh thận mạn là khủng hoảng y tế cho các nước thu nhập trung bình và thấp

Trong các bệnh lý không lây nhiễm, bệnh thận mạn ở người trẻ rất đáng được quan tâm và cần lưu ý hơn. Bởi theo ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến - Phó Trưởng khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định mặc dù hiện nay tỷ lệ bệnh thận mạn ở người trẻ chưa cao nhưng đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Do đó, cần tầm soát các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn thường xuyên và cần thực hiện các biện pháp bảo vệ thận, nhất là ở bệnh nhân có nguy cơ cao.

Thông tin từ chuyên gia cho thấy, ước tính trên thế giới có hơn 843 triệu người mắc bệnh thận mạn. Nếu ở năm 2013 bệnh thận mạn là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 19 thì đến năm 2017 đã vươn lên đứng hàng thứ 12. Ước đoán đến năm 2040, bệnh thận mạn là 1 trong 5 năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Bệnh thận mạn không chỉ có tần suất mắc cao, tử vong nhiều mà cũng là một trong những gánh nặng kinh tế. Chi phí y tế điều trị cho bệnh thận mạn rất cao, nhất là khi vào điều trị thay thế thận (thẩm phân phúc mạc, chạy thận nhân tạo, ghép thận), thậm chí còn cao hơn gấp nhiều lần so với chi phí điều trị suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đây được xem là khủng hoảng y tế cho các nước thu nhập trung bình và thấp.

Bệnh thận mạn chủ yếu xảy ra trên người lớn tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở người > 65 tuổi đến 38%, ở người trẻ chỉ khoảng 6%. Tuy nhiên, xu hướng từ năm 2000 - 2020, tỷ lệ mắc bệnh thận ở người trẻ tăng dần, cùng với sự gia tăng về số lượng bệnh nhân mắc bệnh thận mạn thì trong tương lai sẽ có tỷ lệ bệnh thận mạn ở người trẻ tuổi tăng lên rất nhiều lần” - chuyên gia nhấn mạnh.

Bệnh thận mạn ở người trẻ tuổi cũng để lại hậu quả nặng nề. Một bệnh nhân khoảng 40 tuổi nếu vào điều trị thay thế thận thì kỳ vọng sống của bệnh nhân chỉ bằng 1 người bình thường 75 tuổi, nghĩa là tuổi thọ của bệnh nhân rút ngắn đến 30 năm.

Tỷ lệ mắc tăng, hậu quả để lại nặng nề (nguy cơ mắc và kết cục tim mạch xấu tương tự người lớn tuổi), tuy nhiên những vấn đề bệnh thận mạn ở người trẻ (18-40 tuổi) chưa được giải quyết thỏa đáng, khi chưa được nghiên cứu đầy đủ, ít dữ liệu từ các nghiên cứu quan sát hoặc thử nghiệm lâm sàng. Hơn nữa, điều trị chủ yếu dựa vào khái niệm ngoại suy từ nghiên cứu cho bệnh nhi (< 18 tuổi) hoặc người lớn tuổi (>50 tuổi) mắc bệnh thận mạn, theo ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến.

Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn

Lý giải về số lượng người trẻ mắc bệnh thận mạn gia tăng, chuyên gia cho biết, điều này liên quan đến sự gia tăng của các bệnh lý như đái tháo đường (ĐTĐ), tăng huyết áp (THA), béo phì…

ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến dẫn chứng con số thống kê cho thấy, ĐTĐ, THA, bệnh cầu thận chiếm gần 80% nguyên nhân gây bệnh thận mạn. Trong đó, ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn, chiếm khoảng 36%.

Một nghiên cứu tại Hàn Quốc trên hơn 7.000 bệnh nhân ĐTĐ khởi phát sớm và hơn 70.000 bệnh nhân khởi phát muộn được chuyên gia đưa ra tại hội thảo, kết quả cho thấy những bệnh nhân ĐTĐ khởi phát sớm có nguy cơ mắc bệnh thận mạn gấp 1,7 lần so với những bệnh nhân có ĐTĐ khởi phát muộn.

Điều không may là xu hướng mắc ĐTĐ ở người trẻ thanh thiếu niên lại gia tăng. Năm 2004 khi tỷ lệ mắc ĐTĐ ở thanh thiếu niên 5-10/100.000 người thì đến năm 2012 tỷ lệ này lên đến 50/100.000 trẻ vị thành niên. Với xu hướng mắc ĐTĐ sớm ở trẻ vị thành niên gia tăng, tỷ lệ bệnh thận mạn trên người bệnh ĐTĐ type 2 ở độ tuổi vị thành niên cũng gia tăng và trong tương lai chúng ta sẽ đón một lượng lớn bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh thận mạn do ĐTĐ” - chuyên gia cảnh báo.

Tương tự ĐTĐ, THA cũng chiếm một tỷ lệ cao. Thống kê năm 2000, khi sử dụng tiêu chuẩn THA 140/90mmHg thì ghi nhận trong độ tuổi từ 20-29, tỷ lệ THA ở giới nam khoảng 12,7% và nữ là 7,4%; tuổi 30-39 nam 18,4% và nữ 12,6%. Năm 2017, ACC/AHA đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán THA người trẻ là 130/80mmHg, điều này dẫn đến tỷ lệ THA ở người trẻ còn gia tăng thêm nữa. Một nghiên cứu trên 3 triệu bệnh nhân THA ở người trẻ có độ tuổi 20 - 39, từ năm 2009 - 2010, kết quả những bệnh nhân trẻ bị THA cũng tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn và ở nhóm không được điều trị thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nhóm được điều trị.

Bên cạnh ĐTĐ và THA, ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến đề cập còn nhiều yếu tố nguy cơ khác của bệnh thận mạn như tiền ĐTĐ, hút thuốc lá, đặc điểm dân số (mật độ, béo phì, lớn tuổi), môi trường (biến đổi khí hậu, nóng cực đoan, hạn hán, thiếu nước, nước mặn, độc chất, ô nhiễm không khí), bệnh thận tắc nghẽn, tổn thương thận cấp, bệnh thận di truyền, bệnh cầu thận, nhiễm khuẩn, nghèo đói và suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến phát triển thận thai…

Tầm soát sớm bệnh thận mạn ở bệnh nhân có nguy cơ cao ngay từ giai đoạn ban đầu

Phó Trưởng khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhấn mạnh, khi đã có nguy cơ gia tăng mắc bệnh thận mạn dù có kiểm soát tốt thì bệnh thận mạn vẫn có thể xảy ra. Do đó, chiến lược là cần tầm soát sớm bệnh thận mạn ở bệnh nhân có nguy cơ cao ngay từ giai đoạn ban đầu. Phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả, góp phần làm chậm diễn tiến của bệnh thận mạn và kéo dài thời gian chưa cần điều trị thay thế thận. Những người cần tầm soát đó là bệnh nhân ĐTĐ, THA, bệnh tim mạch, tiền sử tổn thương thận cấp/nhập viện, gia đình bị bệnh thận mạn, béo phì, lớn tuổi…

Củng cố thêm cho luận điểm cần phải tầm soát ngay từ giai đoạn đầu, chuyên gia cho biết thêm, ngày nay bệnh thận mạn không đơn độc mà cùng với bệnh lý tim mạch, chuyển hóa tạo thành hội chứng hội chứng tim mạch - thận - chuyển hóa (CKM). Vì vậy, 3 hiệp hội lớn của lĩnh vực này (KDIGO, ESC/ESH, ADA) đều khuyến cáo cần tầm soát sớm bệnh thận mạn cho các bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa và phải thực hiện từ giai đoạn sớm (giai đoạn có nguy cơ) và lặp lại xét nghiệm để tầm soát đối với THA, ĐTĐ hằng năm. Theo đó, thời điểm khởi đầu đối với ĐTĐ type 2 là ngay từ khi mới được chẩn đoán bệnh và đối với ĐTĐ type 1 là 5 năm sau từ khi phát bệnh.

KDIGO 2024 khuyến cáo tầm soát bệnh thận mạn cần phải thực hiện song hành cả 2 xét nghiệm: ước đoán mức lọc cầu thận (eGFR) và albumin niệu (UACR), bởi đây là những dấu chỉ quan trọng và có liên quan mạn mẽ đến nguy cơ tử vong.

Nếu eGFR < 60 ml/phút/1,72m2 hoặc ACR ≥ 30 mg/g cần nghi ngờ có bất thường ở thận và sẽ tiến hành các bước để chẩn đoán xác định bệnh nhân có tổn thương thận cấp. Sau đó sẽ lặp lại xét nghiệm, nếu kết quả bệnh nhân vẫn bất thường trên 3 tháng thì sẽ chẩn đoán bệnh thận mạn.

Theo chuyên gia, phòng ngừa bệnh thận mạn được tiến hành theo 3 cấp. Trong phòng ngừa cấp 1, cần đánh giá xác định yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận mạn (béo phì, ĐTĐ, THA, bệnh nang thận, thận đơn độc, ăn mặn, uống không đủ nước, gen (APOL1) và các yếu tố nguy cơ khác. Đặc biệt là 3 nhóm bệnh nhân có ĐTĐ, THA và gia đình có tiền căn bệnh thận. Từ đó đưa ra giải pháp kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ này.

Sau khi kiểm soát các yếu tố, cần phải tầm soát định kỳ (phòng ngừa cấp 2) để phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh thận mạn. Nếu bệnh nhân mắc bệnh thận mạn cần phải kiểm soát làm chậm tiến triển cũng như kéo dài thời gian chưa cần điều trị thay thế thận.

Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh thận mạn chắc sẽ diễn tiến, chỉ khác là tốc độ nhanh hay chậm. Do đó, trong phòng ngừa cấp 3 chính là cần kiểm soát các biến chứng của bệnh thận mạn cũng như hội chứng ure huyết.

Cuối cùng, khi việc điều trị kiềm hãm tốc độ tiến triển của bệnh không còn hiệu quả, bệnh nhân vào suy thận mạn giai đoạn cuối. Lúc đó sẽ thực hiện các biện pháp điều trị bảo tồn, ghép thận, thay thế thận hoặc điều trị nâng đỡ/chăm sóc giảm nhẹ.

Chế độ ăn nhiều đạm, phốt pho, thịt đỏ, trứng, sữa… làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn

Tại hội nghị, ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến cũng đề cập, việc tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho bệnh nhân gần như bị lãng quên. Ngày nay, với điều kiện kinh tế khá hơn, nhu cầu sử dụng chất đạm gia tăng, tình trạng này cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn. Lý giải về điều này, chuyên gia cho biết, khi sử dụng nhiều chất đạm sẽ làm giảm khả năng tự điều hòa của thận, làm tăng lưu lượng máu ở cầu thận, tăng eGFR và sẽ làm giảm mật độ tế bào podocyte, từ đó làm cho bệnh nhân tiểu albumin, tiểu protein - khởi đầu cho quá trình xơ hóa thận của bệnh thận mạn.

Tương tự, những chế độ ăn có nhiều phốt pho, nhiều thịt đỏ, trứng, sữa cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn. Chế độ ăn DASH (nhiều rau, ít thịt đỏ) dành cho bệnh nhân THA cũng có thể phù hợp cho bệnh thận mạn. Tuy nhiên, nhược điểm của chế độ ăn này có thể làm tăng kali máu ở những bệnh nhân thận giai đoạn 4, 5. “Do đó, chúng ta chỉ áp dụng chế độ ăn này dành cho những bệnh nhân có nguy cơ bệnh thận mạn hoặc bệnh thận mạn giai đoạn 1 đến 3 và không áp dụng cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 4 và 5” - chuyên gia cho biết.

Cuối chương trình, ThS.BS Bùi Thị Ngọc Yến chia sẻ về 8 nguyên tắc bảo vệ thận mà cộng đồng cần ghi nhớ, bao gồm: Giữ cân và hoạt động thể lực; Kiểm tra và kiểm soát đường huyết; Theo dõi huyết áp; Ăn uống lành mạnh, kiểm tra cân nặng; Duy trì uống đủ nước; Không hút thuốc lá; Không uống thuốc giảm đau/ kháng viêm không kê đơn thường xuyên; Kiểm tra chức năng thận khi có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X