Hotline 24/7
08983-08983

Đái tháo đường người trẻ - Gánh nặng hiện tại và tương lai

Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức, TS.BS Trần Quang Khánh - Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh, nếu ở các bệnh lý khác, độ tuổi 40, 50 mới được xem là “trẻ hóa” thì ngày nay với đái tháo đường ở người trẻ đã xảy ra khi ở giai đoạn 20, 30 tuổi. Tình trạng này nếu không được xử trí tốt ở “thì hiện tại” sẽ trở thành gánh nặng cho “thì tương lai”.

>>> Hội nghị Khoa học thường niên 2024 BV Nhân dân Gia Định: Nghiên cứu khoa học bao phủ, báo cáo tinh gọn và chật kín người tham dự

Đái tháo đường ở người trẻ, biến chứng đến sớm hơn, nguy cơ tử vong cao hơn

Chuyên gia dẫn chứng một nghiên cứu thực hiện khoảng 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi nhận tỷ lệ ĐTĐ type 2 ở những quốc gia thu nhập bình quân đầu người mức trung bình có sự gia tăng đáng kể so với quốc gia bình quân đầu người cao và cao trung bình, đặc biệt là ở độ tuổi sớm (25-29). “Nếu với các bệnh lý khác như đột quỵ, bệnh thận mạn, trẻ hóa được tính từ 40, 50 thì với bệnh lý đái tháo đường (ĐTĐ) ở người trẻ được định nghĩa là dưới 30 tuổi, thậm chí là 20” - TS.BS Trần Quang Khánh cho biết.

TS.BS Trần Quang Khánh - Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TPHCM

Các yếu tố nguy cơ đưa đến ĐTĐ người trẻ xuất hiện sớm hơn và nặng nề hơn bao gồm béo phì, ĐTĐ thai kỳ, bệnh lý gen, lạm dụng thuốc, rối loạn giấc ngủ (ngủ dưới 6 tiếng một ngày làm gia tăng nguy cơ mắc ĐTĐ)… Trong đó, TS.BS Trần Quang Khánh nhận định ĐTĐ type 2 người trẻ là hậu quả của một đại dịch thế kỷ XXI, đó là béo phì ở thanh thiếu niên.

Nguy hiểm hơn là, những biến chứng mãn tính, biến chứng mắt, thận, thần kinh và ngay cả biến chứng nhồi máu cơ tim sẽ xuất hiện rất sớm trên người trẻ mắc ĐTĐ. Chứng minh cho điều này, chuyên gia đề cập đến một nghiên cứu được đăng tải năm 2023 thực hiện trên khoảng 500 ĐTĐ người trẻ có độ tuổi trung bình 26,4 ± 2,8 và thời gian từ khi chẩn đoán ĐTĐ trung bình là 13 năm, kết quả cho thấy, tích luỹ biến cố mạch máu nhỏ và mạch máu lớn gia tăng rất đáng kể. Đây sẽ là gánh nặng mà người trẻ phải đối diện trong tương lai.

Tương tự như vậy, giới tính (nữ) và tuổi sẽ không còn là yếu tố bảo vệ trước nguy cơ nhồi máu cơ tim trên ĐTĐ người trẻ. Nghiên cứu so sánh biến chứng giữa nhóm ĐTĐ khởi phát từ 18-44 tuổi so với ≥ 45 tuổi trên 7.844 người, thời gian theo dõi trung bình là 3,9 năm, kết quả nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tăng gấp 4 lần ở nữ và gấp 2 lần ở nam ở nhóm ĐTĐ khởi phát trẻ (18-44 tuổi) so với nhóm khởi phát sau 45 tuổi. Đây chính là sự tác động của tình trạng tăng đường huyết mạn tính khiến nhồi máu cơ tim cấp xảy ra ở mức độ cao hơn, theo chuyên gia.

Trong khi đó, ĐTĐ khởi phát sau tuổi 40 ít nguy cơ tử vong hơn ở người ĐTĐ khởi phát ở độ tuổi 15, 20. Điều này cũng đã được các nghiên cứu chứng minh. TS.BS Trần Quang Khánh cho biết, ngay cả khi so sánh với ĐTĐ type 1 (bệnh lý thường được chẩn đoán ở trẻ em, tuổi thanh thiếu niên) cũng cho thấy tỷ lệ tử vong ở người bệnh ĐTĐ type 2 người trẻ cao cho dù khởi phát ở cùng một lứa tuổi (15-30 tuổi).

Do vậy, chuyên gia nhấn mạnh, cần quan tâm ĐTĐ type 2 người trẻ nhiều hơn là ĐTĐ type 1, bởi vì thời gian sống còn, tỷ lệ biến chứng mạch máu nhỏ, tỷ lệ bệnh lý mạch máu lớn và tỷ lệ nhồi máu cơ tim và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn, trong khi tuổi và giới không còn là yếu tố bảo vệ nữa.

Xử trí đái tháo đường ở người trẻ, giải pháp nào khả thi?

Đề cập đến vấn đề xử trí ĐTĐ type 2 ở người trẻ, TS.BS Trần Quang Khánh thông tin, với người trên 18 tuổi có thể sử dụng tất cả các loại thuốc hiện được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, nhưng với bệnh nhân dưới 18 tuổi khuyến cáo và chấp thuận chỉ có metformin và sau đó là insulin. Tuy nhiên, thực tế khi metformin tăng đến liều hiệu quả khoảng 2.000mg, sau một thời gian ngắn 50% bệnh nhân ĐTĐ type 2 ở người trẻ hoàn toàn không kiểm soát được bằng metformin đơn thuần.

Khi đó, Hội ĐTĐ trẻ em và vị thành niên - ISPAD 2022 cũng đưa chỉ dẫn đến metformin rồi tới insulin và sau đó vẫn là một khoảng trống mênh mông. “Khoảng trống” này được hướng dẫn có thể sử dụng nhiều thuốc khác nhau như như đồng vận thụ thể GLP-1… tùy theo HbA1c, tuy vậy những nghiên cứu trên đối tượng này vẫn rất ít ở thời điểm hiện tại” - chuyên gia nêu lên thực trạng.

Để giải quyết cho câu hỏi về vai trò của SGLT-2i và GLP-1 RA trong điều trị ĐTĐ type 2 người trẻ, TS.BS Trần Quang Khánh dẫn chứng các nghiên cứu. Đối với  SGLT-2i, nghiên cứu pha 3 mù đôi gồm 72 người bệnh ĐTĐ type 2 (10-25 tuổi, HbA1c 6,5%-11%) so sánh với placebo sử và Dapagliflozin được chia ngẫu nhiên theo tỷ lệ 1:1, kết quả sử dụng Dapagliflozin có sự khác biệt HbA1c so với placebo có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, cỡ mẫu nghiên cứu nhỏ, thời gian thực hiện chỉ 24 tuần, chưa giải đáp được tính an toàn.

Nghiên cứu DINAMO nhằm mục đích ngăn chặn sớm “đại dịch” béo phì và ĐTĐ ở người trẻ, so sánh 3 nhóm (10-17 tuổi), một nhóm sử dụng Empagliflozin, một nhóm sử dụng Linagliptin và một nhóm glacebo. Kết quả Linagliptin không làm giảm HbA1c có ý nghĩa so với placebo, trong khi đó Empagliflozin làm giảm HbA1c có ý nghĩa so với placebo. Song, chuyên gia cũng nhìn nhận, cỡ mẫu của nghiên cứu nhỏ, mặc dù thời gian nghiên cứu có dài hơn nhưng chưa đủ để ra quyết định thay đổi phác đồ điều trị.

Đối với GLP-1 RA, nghiên cứu ELLIPSE sử dụng Liraglutide trên 104 người từ 10 đến dưới 17 tuổi chia 2 nhóm, mù đôi, so sánh với placebo. Người ta thấy rằng Liraglutide làm giảm HbA1c, giảm đường huyết đói, giảm cân nặng so với nhóm sử dụng placebo có ý nghĩa thống kê.

Trong vấn đề điều trị ĐTĐ ở người trẻ, chuyên gia còn đề cập giữa ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2 còn có dạng ĐTĐ thứ phát, bệnh nhân có hội chứng cushing kèm theo tăng huyết áp, ĐTĐ, có rạn da, biểu hiện to đầu chi… Khi đó, tìm và điều trị nguyên nhân thứ phát cũng sẽ giải quyết được ĐTĐ.

Bên cạnh đó, một vấn đề được TS.BS Trần Quang Khánh nhắc đến ĐTĐ “type 2” người trẻ mà không phải là ĐTĐ type 2, đó chính ĐTĐ đơn gen. "Đây là vấn đề cần sự tinh ý mới phát hiện được tình huống này. Do vậy, bệnh nhân đến khám và trong gia đình càng nhiều người mắc ĐTĐ (nội, ngoại hoặc cả 2 bên) càng cần phải hỏi kỹ tiền căn gia đình và nghĩ nhiều đến ĐTĐ do di truyền, do đột biến gen để có hướng điều trị, đừng “đinh ninh” là ĐTĐ type 2, hoặc  ĐTĐ ở bệnh nhân ĐTĐ dưới 30 tuổi “auto” chẩn đoán ĐTĐ type 1 theo phân loại từ năm 1985. Đối với ĐTĐ đơn gen, điều trị trúng đích với vai trò của Sulfonylureas… được ưu tiên khi điều trị” - chuyên gia nhấn mạnh.

Cuối cùng, TS.BS Trần Quang Khánh khuyến nghị, ĐTĐ (type 2) người trẻ là một vấn đề y khoa thật sự với sự gia tăng đáng kể về tần suất trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập bình quân ở mức trung bình-thấp. Gánh nặng hiện tại chính là sự gia tăng về tỷ lệ thừa cân-béo phì, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose, tiền ĐTĐ chưa được tầm soát và xử trí sớm trong cộng đồng.

Một khi đã chuyển sang ĐTĐ lâm sàng, người trẻ có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng mạn tính, tăng tỷ lệ tử vong so với ĐTĐ type 2 trung niên và ngay cả ĐTĐ type 2. Đây cũng là gánh nặng trong tương lai nếu không có cụ thể trong thì hiện tại” - chuyên gia nhắn nhủ.

>>> Người trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối, tuổi thọ rút ngắn đến 30 năm

>>> Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế trong điều trị suy buồng trứng sớm

>>> 99% bệnh nhân phục hồi tự nhiên sau ngưng tim ngoại viện vẫn phải sống thực vật

>>> Cuộc chiến giảm cân ở người trẻ: Cần nhiều sự kiên trì hơn là động lực nhất thời

>>> Đột quỵ ở người trẻ: Xuất huyết não gặp nhiều hơn, tiên lượng tốt hơn cao tuổi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X