Phát hiện mắc bệnh hiếm ở nữ giới sau 10 năm điều trị khắp nơi không kết quả
Nữ bệnh nhân M.N.H. (1972, ngụ TPHCM) đến khám chuyên khoa Cơ Xương Khớp tại Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh vì sưng đau vùng xương ức, phát hiện viêm cột sống dính khớp, bệnh lý rất hiếm gặp ở nữ giới.
Người bệnh có tình trạng đau khớp 10 năm nay, đau nhiều khớp như: vùng thắt lưng cùng - mông, cột sống cổ, khớp gối, khớp bàn ngón tay hai bên và khớp cổ chân trái. Thậm chí chị H. đau cả khi nghỉ ngơi, nhiều hơn vào nửa đêm, về sáng. Theo chia sẻ, bệnh nhân đã thăm khám và điều trị nhiều nơi nhưng bệnh chỉ thuyên giảm được một thời gian ngắn.
Khoảng 4 tháng nay, chị H. đau vùng cột sống cổ, xương ức và khớp vai phải gây khó ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận có tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau khớp ức đòn bên phải, hạn chế vận động khớp vai phải, hạn chế cúi ngửa cổ, cứng cột sống cổ. Người bệnh được thực hiện kiểm tra cận lâm sàng, kết quả X-quang cho thấy viêm khớp cùng chậu bên phải, MRI cho biết viêm khớp cùng đòn phải, xét nghiệm miễn dịch: HLA - B27 dương tính.
BS.CK1 Lê Thị Mai - Chuyên khoa Cơ xương khớp, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân chẩn đoán, người bệnh mắc viêm cột sống dính khớp thể hỗn hợp (cột sống và các khớp ngoại vi) hoạt tính bệnh cao. Chị H. được chỉ định điều trị với thuốc kháng viêm và thuốc chống thấp tác dụng chậm. Sau 2 tháng điều trị theo phác đồ triệu chứng bệnh của bệnh nhân cải thiện đáng kể, sinh hoạt hàng ngày gần như bình thường.
Theo bác sĩ, viêm cột sống dính khớp là bệnh lý viêm hệ thống mạn tính, với tổn thương nổi bật ở khớp cùng chậu, cột sống, các khớp trục và kèm theo có thể có những tổn thương ở khớp ngoại vi và toàn thân. Bệnh thường gặp ở nam hơn nữ, với tỷ lệ nam/ nữ là 2-3/1. Bệnh có thể dẫn đến dính khớp và cột sống ở tư thế xấu, đặc biệt ở khớp háng và khớp gối gây tàn phế nặng nề.
Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều khớp khác nhau vào nhiều giai đoạn khác nhau trong cả quá trình bệnh, khiến cho việc chẩn đoán đúng bệnh khá khó khăn.
Đây là căn bệnh tự miễn nên không thể phòng ngừa nhưng có thể thăm khám để phát hiện sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm, trong đó biến chứng nặng nề nhất là bệnh nhân mất khả năng vận động. Ví dụ như cứng thẳng đơ người, không thể gập người, duỗi, ưỡn cột sống. Một số ngườicó triệu chứng ở những khớp ngoại biên như đau khớp ngón tay, viêm khớp ức sườn, đau vùng cổ gáy… Trường hợp bệnh nhân trên khá đặc biệt, đã đi khám ở nhiều nơi, uống đủ loại thuốc từ thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tàu… chỉ kiểm soát được triệu chứng nhưng không hết hẳn. Tóm lại, phát hiện và điều trị sớm là chìa khoá giúp kiểm soát bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống, tránh tàn phế.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình