Cập nhật điều trị, xử trí và phòng ngừa các vấn đề về cơ xương khớp
Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức diễn ra với nhiều phiên báo cáo hấp dẫn quy tụ hơn 2.100 người tham dự. Trong phiên 4, các chuyên gia đã trình bày những nội dung xoay quanh việc chẩn đoán và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến xương khớp.
Biến dạng khớp bàn tay là một biến chứng muộn của các bệnh lý cơ xương khớp
Trong phiên 4 tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức, PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc - Chủ tịch LCH Tự miễn Cơ xương khớp đã trình bày bài báo cáo “Biến dạng khớp bàn tay: viêm khớp dạng thấp hay bệnh lý khác”.
Chuyên gia chia sẻ: “Nguyên nhân gây biến dạng khớp bàn tay do các bất thường của xương, khớp và mô mềm. Liên quan đến khớp, những tổn thương sẽ gây phá hủy trực tiếp vào xương của người bệnh. Các nguyên nhân biến dạng bàn tay thường gặp trên lâm sàng”.
Đau và tổn thương khớp bàn tay tưởng đơn giản nhưng đôi khi rất dễ nhầm lẫn. Trong chẩn đoán nếu nhầm là “sai 1 li đi 1 dặm” vì viêm khớp dạng thấp mà không nhận diện ra, không điều trị đúng, đợi đến khi biến dạng khớp thì điều trị sẽ không thể trở lại bình thường được.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý rất thường gặp, xếp hàng đầu trong số các bệnh tự miễn. Đây là một bệnh lý gây ra viêm mãn tính màng hoạt dịch của các khớp. Biểu hiện thông qua các triệu chứng như sưng, đau ở những khớp nhỏ ngoại vi. Đặc biệt trong khớp bàn tay, bàn chân nhưng thường gặp nhất ở khớp bàn tay.
Triệu chứng lâm sàng đặc trưng của viêm khớp dạng thấp là ngoài những tổn thương ở khớp nhỏ ngoại vi, người bệnh còn xuất hiện những tổn thương mang tính chất đối xứng hai bên và lan tỏa. Triệu chứng cứng khớp buổi sáng kéo dài (hơn 30-60 phút).
Trong các đợt tiến triển thường không sốt hoặc sốt nhẹ (nếu sốt cao cần cẩn trọng), sưng nề đau không đỏ nhiều, không tổn thương khớp liên đốt xa ở giai đoạn đầu, phản ứng viêm tăng, bệnh không cấp tính, xét nghiệm huyết thanh… Người bệnh nên lưu ý các bệnh lý khác như viêm khớp do virus, do nhiễm khuẩn hay lupus đỏ hệ thống.
PGS.TS.BS Cao Thanh Ngọc đưa ra kết luận cho bài báo cáo, thoái hoá khớp hay đau những khớp ở gối và cột sống là tình trạng rất dễ chẩn đoán nhưng trong điều trị sẽ kéo dài. Biến dạng khớp bàn tay là một biến chứng muộn của các bệnh lý cơ xương khớp. Nguyên nhân rất đa dạng, đặc điểm biến dạng có thể rất đặc trưng nhưng cũng có thể chồng lắp lên nhau.
Đối với những bệnh lý ở bàn tay sẽ dễ chẩn đoán nhầm, nếu trong trường hợp phát hiện bệnh sớm sẽ được tiếp nhận điều trị sớm và mang lại những hiệu quả rất tốt cho người bệnh. Những bệnh lý viêm khớp dạng thấp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị ở giai đoạn tích cực, có thể đưa bệnh nhân trở lại cuuộc sống bình thường. Để có thể chẩn đoán chính xác nhất, ngoài việc phân biệt viêm hay không viêm cũng cần có một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên biệt.
10 % số người bệnh tiểu đường gặp tình trạng ngón tay cò súng
Tiếp nối phiên báo cáo với chủ đề “Ngón tay cò súng - Đau khớp chu vai: xử trí và chỉ định phẫu thuật” của BS.CK2 Lê Gia Ánh Thỳ - Phó Chủ tịch LCH Nội soi khớp TPHCM.
Chuyên gia cho biết, ngón tay cò súng là hiện tượng kẹt hoặc vướng khi gập hoặc duỗi ngón tay gây đau hoặc hạn chế vận động ở khớp ngón tay. Tình trạng này chiến 2-3% dân số bình thường và chiếm 10% số người bệnh tiểu đường.
Nữ giới gặp phải tình trạng này nhiều hơn nam giới. Ngón tay cò súng xảy ra ở người lớn thường ở 45 tuổi trở lên, ở trẻ nhỏ là dưới 8 tuổi. Ngón nhẫn và ngón cái là hai nơi có tầng suất mắc phải bệnh cao. Với phương pháp mổ mở để giải phóng gân và ròng rọc A1, tỷ lệ thành công rất cao.
“Nguyên nhân gây ra tình trạng ngón tay cò súng thường không được xác định rõ. Có sự mất tương xứng giữa bao gân và gân, làm hẹp bao gân khiến gân dính vào bao gân gây ra tình trạng ngón tay cò súng. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh khác như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, lớn tuổi, hoạt động dùng lực quá mức (máy khoan, rung, kềm, kéo,…)”, BS.CK2 Lê Gia Ánh Thỳ chia sẻ.
Triệu chứng khỏi phát không rõ ràng, đau mặt lòng gốc ngón tay, vướng hoặc bật, đau khi gập và duỗi ngón. Người bệnh có thể bị cứng và kẹt khớp nhiều sau một thời gian dài ngưng hoạt động, tình trạng đau và co cứng bớt khi hoạt động nhẹ nhàng.
Trong chẩn đoán bệnh, đa số bệnh nhân có thể được chẩn đoán lâm sàng. Các triệu chứng thường gặp nhất khi thăm khám là đau khi ấn bao gân, nhất là ở vị trí ròng rọc A1. Ngón tay bệnh nhân dày và sưng ở mặtr lòng gốc ngón, có cảm giác vướng và kẹt khi gập duỗi ngón.
Chỉ định phẫu thuật được đưa ra khi điều trị bảo tồn không cải thiện. Phẫu thuật cắt ròng rọc A1, đường mổ nhỏ, tỷ lệ thành công 99% trên người bệnh không tiểu đường, 77% thành công trên bệnh nhân tiểu đường. Sau mổ, người bệnh có thể vận động ngón tay ngay, nên nâng cao tay sẽ giúp giảm sưng và đau. Có thể cần 4-5 tháng để ngón tay hết sưng và cứng ngón.
Tóm lại, trước khi tiến thành phẫu thuật cần chẩn đoán chính xác trước mổ thông qua khám lâm sàng hoặc thực hiện phương pháp siêu âm, ghi nhận co rút ngón tay trước mổ. Nên giải thích trước cho bệnh nhân về khả năng kéo dài thời gian hồi phục (thời gian từ lúc đau đến lúc mổ, co rút khớp PIP trước mổ, gân gập tưa, tiểu đường lâu năm).
Xem thêm: Hiệu chỉnh cơ xương khớp có phải là một phương pháp vật lý trị liệu?
Nguyên nhân chính của tổn thương tì đè là do áp lực tại chỗ tăng và kéo dài
Tập trung vào vấn đề “Cập nhật điều trị và phòng ngừa tổn thương do tì đè”, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch LCH Điều trị vết thương TPHCM thông tin:“Tổn thương do tì đè ảnh hưởng đến sinh mạng, chất lượng sống của bệnh nhân và chi phí chăm sóc sức khỏe của gia đình và xã hội. Tổn thương tì đè thường xuất hiện thứ phát sau một bệnh lý khác”.
Theo một nghiên cứu tại phần Lan (2018-2019) trên 5.902 bệnh nhân tại khoa cấp cứu và phục hồi chức năng, tổn thương tì đè (TTTĐ) chiếm 12,7%. Tỷ lệ mắc trong bệnh viện chiếm 10%. Bệnh nhân tổn thương tì đè thường có các bệnh nội khoa như đái tháo đường, tăng huyết áp, mạch máu, giảm hoặc mất tri giác...
Nguyên nhân chính của bệnh là do áp lực tại chỗ tăng và kéo dài. Các đồng thuận cho rằng các tổn thương tì đè là những tổn thương có thể tác động để ngăn ngừa được.
“Một định nghĩa mới từ năm 2016 đánh giá tổn thương tì đè là một tổn thương tại chỗ da và mô mềm dưới da, thường tại các mỏm nhô xương hoặc liên quan đến dụng cụ y khoa hoặc các dụng cụ khác. TTTĐ có thể hiện diện khi da còn nguyên hoặc là do vết loét và đau. Bệnh là hậu quả của áp lực cao, kéo dài hoặc áp lực kết hợp với lực trượt kéo. Sự chịu dựng của mô mềm cũng có thể ảnh hưởng thêm bởi môi trường tại chỗ (Microclimate), dinh dưỡng, các yếu tố bệnh lý kết hợp và tình trạng mô mềm.” chuyên gia cho biết thêm.
Nguyên tắc trong điều trị phòng ngừa tổn thương tì đè, thứ nhất, cần giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương (giảm áp lực, tại chỗ giảm co kéo, dinh dưỡng...). Thứ hai là cần kiểm soát các bệnh nội khoa đi kèm. Thứ ba, bảo vệ và thúc đẩy liền vết thương. Băng vết thương (VAC...), các chất diệt khuẩn tại chỗ, toàn thân, cắt lọc, HBO,... Thứ tư , điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị là cắt lọc, chuyển, xoay vạc. Cuối cùng là cần phối hợp với các chuyên khoa trong điều trị để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Phòng ngừa tổn thương tì đề cần thực hiện tái phân bố áp lực (giảm áp lực ma sát và kéo trượt). Tăng diện tích bề mặt tiếp xúc (giảm áp lực tương tác), giảm áp lực (loại bỏ áp lực khỏi vùng nguy cơ).
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn đi đến kết luận: “Giảm áp lực, thay đổi điểm tì đè, bảo vệ da, loại bỏ lực xé, cọ sát là những điều quan trọng nhất trong phòng ngừa tổn thương do tì đè. Tiếp đến là kiểm soát các bệnh nội khoa như đái tháo đường, tăng huyết áp, nâng tổng trạng, dinh dưỡng... Sau cùng là chăm sóc và điều trị vết thương.
Chìa khóa phòng ngừa TTTĐ là phối hợp nhóm điều trị đa chuyên khoa, kết hợp với Nội khoa, Tiêu hoá - Tim mạch, Dinh dưỡng… Quan trọng nhất là đào tạo, huấn luyện, cảnh báo, phòng ngừa và phát hiện sớm các tổn thương tì đè trước khi các triệu chứng trở nặng”.
Dựa vào 3 nguyên nhân cứng khớp khuỷu để điều trị phòng ngừa sau chấn thương
TS.BS Vũ Xuân Thành - LCH Phẫu thuật bàn tay đã đem đến bài báo cáo về “Chẩn đoán điều trị phòng ngừa cứng khớp khuỷu sau chấn thương”
“Vận động khớp khuỷu không đau, đảm bảo chức năng bình thường, cho phép con người định vị bàn tay trong không gian. Sau khi gặp chấn thương, một chuỗi các sự kiện có thể xảy ra khiến tầm vận động thụ động giảm gây ảnh hưởng đến chức năng và tác động bất lợi đến bệnh nhân.
Tần suất của tình trạng cứng khớp khuỷu không rõ ràng, nhưng những người bị chấn thương năng lực cao hoặc bất động kéo dài sẽ có tỷ lệ cứng khớp khuỷu nhiều hơn” - Chuyên gia chia sẻ.
Cứng khớp khuỷu được định nghĩa khi khuỷu tay gấp nhỏ hơn 120 độ, duỗi lớn 30 độ hoặc sấp/ngửa bé hơn 45 độ. Nhưng còn tuỳ thuộc vào nhu cầu mỗi cá nhân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cứng khớp khuỷu là do sự co rút mô mềm, sự tạo xương lạc chỗ, Cal lệch hoặc không lành xương của gãy phạm khớp hoặc ngoài khớp.
Trong việc phòng ngừa, dựa vào 3 nguyên nhân gây cứng khớp khuỷu. Ví dụ sự co gút mô mềm , quá trình viêm, hoạt hóa nguyên bào sợi và nguyên bào sợi cơ bắt đầu sớm sau chấn thương. Trong trường hợp này, các chuyên gia đề nghị nên tập các bài tập chủ động sớm, có thể chủ động vận động liên tục hoặc thụ động liên tục.
Chỉ định điều trị bảo tồn tuỳ thuộc vào mức độ nặng và thời gian diễn tiến, ảnh hưởng chức năng, nhận được sự các nhân hóa và được đồng thuận của bệnh nhân. Các phương pháp vật lý trị liệu là nẹp và vận động dưới gây mê.
Tóm lại, trong chẩn đoán điều trị phòng ngừa cứng khớp khuỷu sau chấn thương cần hạn chế khả năng định vị bàn tay trong không gian để vận động chi trên được tối ưu. Nguyên nhân bất thường ở xương, mô mềm, hay kết hợp cả hai.
Nguyên nhân gây cứng khớp khuỷu là cơ sở để phân loại, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị. Phục hồi chức năng sớm tránh bất động tối thiểu, khi vận động tối thiểu có thể điều trị phẫu thuật. Khoa học cơ bản ngày càng tiến bộ khiến cho vấn đề điều trị cứng khớp khuỷu cũng ngàn càng tiến bộ.
>>> Những điểm mới trong điều trị tăng huyết áp, giải pháp giảm nguy cơ tim mạch ở người cao tuổi
>>> Cập nhật các phương pháp chăm sóc và điều trị tại tuyến cơ sở
>>> Rối loạn khứu giác có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
>>> Dân số đông dẫn đến thách thức trong nhiệm vụ phòng chống mù lòa của cả nước
>>> Mẹ sử dụng vitamin A liều cao, trẻ có nguy cơ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình