Dân số đông dẫn đến thách thức trong nhiệm vụ phòng chống mù lòa của cả nước
“Thống kê năm 2016, Việt Nam có 2 triệu người mù, hằng năm số ca tồn dư cũng như mắc mới khoảng 100.000 - 150.000 người. Trong đó, bệnh đục thủy tinh thể tật khúc xạ, bệnh võng mạc đái tháo đường tương đối có thể kiểm soát được. Tuy nhiên về bệnh lý Glaucoma và các bệnh gây mù lòa ở trẻ em vẫn chưa đạt” - đây là một trong những nội dung được đề cập tại Phiên 3 của Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức.
Viêm tai giữa là nguyên nhân đứng thứ ba dẫn đến nghe kém ở trẻ em
Tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức, TS Phạm Hoàng Long đã đem đến bài báo cáo “Viêm tai giữa ở trẻ em và các vấn đề cần lưu ý tại phòng khám và tuyến y tế cơ sở”.
Chuyên gia cho biết: “Viêm tai giữa là quá trình viêm nhiễm trong tai giữa, bất kể nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh. Viêm tai giữa là nguyên nhân thứ ba thường gặp nhất gây nghe kém ở trẻ em với tỷ lệ 30,82/10.000 trẻ. Nghe kém có thể xem là biến chứng hay di chứng thường gặp nhất của viêm tai giữa”.
Về phân loại các thể bệnh, viêm tai giữa cấp tính các triệu chứng xuất hiện nhanh, thời gian khởi phát bệnh đến khi khám dưới 3 tuần; Viêm tai giữa thanh dịch (viêm tai giữa bán cấp) là tình trạng ứ dịch trong tai giữa mà không có các triệu chứng của viêm cấp tính; Viêm tai giữa mạn tính, tiến trình viêm không phục hồi của tai giữa và xương chũm, trên 3 tháng từ lúc khởi phát.
Viêm tai giữa cấp (AOM) là bệnh lý với bệnh sử khởi phát trong vòng 24 - 48 giờ và có một hoặc hơn các dấu hiệu hay các triệu chứng như đau tai, chảy tai, sốt hoặc dễ bị kích thích. Đây là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em, trẻ càng nhỏ tỷ lệ viêm tai giữa cấp càng cao. Ở Hoa Kỳ, 8,8 triệu trẻ em (11,8%) được chẩn đoán viêm tai giữa trong năm 2006. Chi phí điều trị và được kê toa kháng sinh nhiều nhất trong các bệnh lý ở trẻ em.
Trẻ viêm tai giữa cấp tính, 66% có biểu hiện sốt (thường không sốt > 40°C). Biếng ăn, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và nhức đầu. Trẻ có thể khóc thét, kích thích và lơ mơ. Ngoài ra, thường có biểu hiện đau tai (50 - 60% số trẻ), kéo tai, ôm tai hay chà xát vào tai.
“Trẻ thường bị đánh thức và than phiền đau tai nhiều hơn vào buổi tối và trong các giấc ngủ ngắn, vì vòi nhĩ bị suy giảm chức năng khi trẻ nằm xuống. Trẻ lớn có thể than phiền nghe kém, ù tai và chóng mặt, nên việc chẩn đoán sẽ dễ dàng hơn so với trẻ nhỏ. Đây cũng là khó khăn đối với chuyên ngành nhi” - TS Phạm Hoàng Long chia sẻ thêm.
Đối với màng nhĩ bị thủng cấp thường sung huyết và dày, có thể thấy dịch ở ống tai ngoài là mủ, thanh dịch hoặc nhầy. Các triệu chứng màng nhĩ đục, phồng và kém di động được cho là yếu tố chẩn đoán viêm tai giữa cấp có giá trị nhất.
TS Phạm Hoàng Long lưu ý: “Đối với trẻ nhỏ việc soi tai là cần thiết, tuy nhiên rất khó khăn vì trẻ đau và dễ kích thích. Vì vậy, việc thăm khám phải nhanh và cố gắng nhìn vào bên trong”.
Giảm triệu chứng đau tai trong 3 - 7 ngày cho dù có sử dụng kháng sinh hay không, đặc biệt trong 24 giờ đầu acetaminophen, ibuprofen, giảm đau tại chỗ (benzocaine, procaine, lidocaine) hiệu quả với trẻ > 5 tuổi. Đối với trẻ < 6 tháng tuổi, đi nhà trẻ, nếu triệu chứng viêm tai giữa nặng cần nhập viện điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch và theo dõi.
Trích rạch màng nhĩ được chỉ định khi màng nhĩ căng phồng ứ mủ trong hòm nhĩ, trẻ đau tại nhiều, điều trị kháng sinh không hiệu quả. Đặt ống thông nhĩ và nạo VA được chỉ định ở trẻ có viêm tai giữa cấp tái phát (3 đợt trong 6 tháng hay 4 đợt trong 1 năm, đã có 1 đợt viêm tai giữa cấp trước đó 6 tháng).
Biến chứng của viêm tai giữa cấp trong xương thái dương là viêm xương chũm, viêm mê nhĩ, liệt mặt, viêm xương đá, nghe kém, áp xe dưới màng xương. Đối với nội sọi sẽ gây viêm màng não, viếm tắc xoang tĩnh mạch bên, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch sigma.
Viêm tai giữa thanh dịch/viêm tai giữa ứ dịch/tai keo (glue ear) là nguyên nhân ảnh hưởng đến thính lực ở trẻ em thường gặp nhất, đặc biệt ảnh hưởng đối với trẻ chưa phát triển ngôn ngữ, gây các rối loạn về hành vi dẫn đến teo màng nhĩ, túi co lõm, cholesteatoma… Gặp ở 85% trẻ có biểu hiện ứ dịch tai giữa.
Về dịch tễ, tuổi thường gặp từ 2 - 6 tuổi, trẻ trải qua giai đoạn viêm tai giữa cấp tính và chuyển sang viêm tai giữa thanh dịch nếu không được điều trị tích cực. Bệnh chiếm tỷ lệ 50% ở trẻ dưới 1 tuổi, 60% trẻ dưới 2 tuổi và 60 - 85% trẻ có dị tật bất thường vùng sọ mặt.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm yếu tố chính như tuổi/giới; bẩm sinh, gen; hở vòm/hội chứng Down; dị ứng/miễn dịch. Ngoài ra, còn có các yếu tố môi trường như nhà trẻ; bú bình; sử dụng núm vú giả; hút thuốc lá; tình trạng kinh tế xã hội kém; mùa/viêm hô hấp trên (viêm tai giữa cấp).
Đối với viêm tai giữa thanh dịch, triệu chứng cơ năng gần như không có triệu chứng, vô tình đi khám mới phát hiện và trẻ có cảm giác đầy tai, kéo tai, đau tai, ù tai, rối loạn thăng bằng hoặc nghe kém ở trẻ lớn, chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn hành vi. Về triệu chứng thực thể, khi khám tai màn nhĩ màu xám đục, vàng, xanh, màu hổ phách, giảm di động khi khám bang đèn soi tai có gắn bộ phận bơm khí.
Thủng nhĩ là tính chất bắt buộc của viêm tai giữa mạn tính mủ, có thể do chấn thương, do đặt ống thông nhĩ hay do một đợt viêm tai giữa cấp không lành. Cơ chế nhiễm trùng có thể do nhiễm khuẩn từ ống tai ngoài qua lỗ thủng vào tai giữa hoặc vi khuẩn có thể đi ngược từ vòi nhĩ gây nhiễm trùng.
Trẻ có tiền căn chảy mủ tai kéo dài, từng đợt. Trước đó có tiền căn viêm tai giữa cấp tái phát, tiền căn thủng nhĩ do chấn thương hay được đặt ống thông nhĩ. Thường nghe kém ở tai chảy mủ. Có thể sốt, chóng mặt, đau tai đây là biến chứng ở xương thái dương hay nội sọ. Bệnh nhân chảy mủ tai mạn sau khi được điều trị nội khoa tích cực khả năng hình thành cholesteaoma rất cao.
“Điều trị viêm tai giữa mạn tính bằng nội khoa, trong đó, lựa chọn thuốc nhỏ tai thích hợp, chăm sóc vệ sinh tai tích cực và kiểm soát mô hạt viêm. Nên hướng dẫn phụ huynh vệ sinh tai cho trẻ. Đối với điều trị phẫu thuật sẽ tùy thuộc mức độ bệnh lý” - TS Phạm Hoàng Long khuyến cáo.
Khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa cúm, viêm gan B, thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella trước thời điểm mang thai
Tiếp nối chương trình là bài báo cáo “Cập nhật chủng ngừa y học gia đình - vắc xin cho gia đình và người chăm sóc” của PGS.TS.BS Phạm Lê An - Chủ tịch LCH Bác sĩ Gia đình TPHCM.
PGS.TS.BS Phạm Lê An cho biết: “Các chương trình chủng ngừa trên toàn thế giới nhằm vào trẻ em, giúp giảm ngoạn mục các bệnh phòng ngừa được bằng vắc xin. Tuy nhiên chưa hoàn toàn kiểm soát được ở vị thành niên và người lớn ngay khi đạt tỷ lệ bao phủ cao ở trẻ em về vắc xin phòng ngừa. Các cá thể chưa nhiễm tự nhiên hay chưa được chủng ngừa đều có nguy cơ và tạo thành nhóm nguy cơ khi sống cùng gia đình với trẻ đã chủng ngừa”.
Hiện nay, khuynh hướng chủng ngừa cổ điển chỉ ở trẻ em đã phát triển rộng thành chủng ngừa cho mọi lứa tuổi như vị thành niên, thai kỳ, người cao tuổi, nhóm bệnh mãn tính… Xu hướng trong chủng ngừa ở trẻ em hiện nay đã chuyển đổi vắc xin từ dạng uống sang dạng tiêm hoặc vắc xin liên hợp, vắc xin đa giá và vắc xin HPV có thể chống lại ung thư hoặc thay thế vắc xin với các thành phần khác nhau.
Hiện nay, trẻ em có thể sử dụng nhiều vắc xin cùng một lúc. Ngoài ra, còn có chiến lược Cocoon, chủng ngừa cho mọi người trong nhà là trung gian tiếp xúc, là nguồn lây cho trẻ. Bảo vệ sơ sinh thật sớm với ho gà, cúm thông qua chủng ngừa bổ sung Tdap (tetanus, diphtheria and acellular pertussis)/cúm mùa cho mẹ và các thành viên trong gia đình sơ sinh.
Vắc xin tiền hôn nhân, các loại vaccine cần thiết nên tiêm phòng trước khi mang thai, bao gồm vắc xin ngừa cúm, viêm gan B, thủy đậu và sởi - quai bị - Rubella đều được khuyến cáo tiêm trước thời điểm mang thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng.
Điều trị bàn chân khoèo trong tuần đầu hoặc tháng đầu sau sinh là lý tưởng nhất
Tập trung vào vấn đề “Kết quả mạng lưới điều trị bàn chân khoèo bẩm sinh theo phương pháp Ponseti”, ThS.BS Huỳnh Mạnh Nhi - Phó Chủ tịch LCH Chỉnh hình nhi TPHCM thông tin: “Bàn chân khoèo là tật bẩm sinh, chiếm tỷ lệ 1/1.000 trẻ sinh ra. Ở bệnh lý này, gân và dây chằng co rút nên chân bé bị biến dạng, với 4 đặc trưng: chân bị vòm, khép (áp), gót vẹo trong, nhón gót (gập lòng)”.
Điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti, điều trị sớm trong tuần đầu hoặc tháng đầu là lý tưởng nhất. Sau khi sinh bác sĩ cho bé nắn, bó bột và thay bột mỗi tuần, mang giày nẹp đến 5 tuổi. Phương pháp này có chi phí thấp, dùng bột đơn thuần, bác sĩ, điều dưỡng đều có thể thực hiện và hiệu quả đạt được lâu bền.
ThS.BS Huỳnh Mạnh Nhi cho biết: “Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM trong nhiều năm liền là bệnh viện dẫn đầu về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý và chấn thương chỉnh hình, nhận nhiều bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng và sinh viên y khoa từ nhiều tỉnh thành phía nam, và cả miền Trung, miền Bắc đến học.
Từ năm 2009, giới thiệu phương pháp Ponseti đến các học viên, để khi có thể triển khai tại đơn vị. Các Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương có bé sinh ra với bàn chân khoèo, được các đồng nghiệp nắn bó bột xong, gửi đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM tiếp tục quy trình tiểu phẫu gân gót, rồi trở lại mang giày nẹp với các đồng nghiệp ở bệnh viện phụ sản.
Một nhóm zalo Ponseti thực hành với gần 100 thành viên đã ra đời trong những năm COVID-19 hoành hành để liên kết và hỗ trợ các đồng nghiệp, đến nay vẫn còn hoạt động, là nơi cung cấp các thông tin, kinh nghiệm trong điều trị ở các địa phương”.
Nhiều nơi đã duy trì và phát triển phương pháp Ponseti để ngày càng nhiều bé được hưởng lợi ích từ phương pháp này. Ở các bệnh viện chuyên khoa, trước đây nhiều bé phải mổ lớn, nay hầu như chỉ còn mổ các bé bị bỏ quên, đến trễ hoặc là các bàn chân khoèo khó trị.
Thống kê năm 2016, Việt Nam có 2 triệu người mù
Với bài báo cáo “Đánh giá hiệu quả chương trình phòng chống mù lòa TPHCM”, TS.BS Nguyễn Chí Trung Thế Truyền - LCH Nhãn khoa TPHCM đã cập nhật đến hội nghị các con số: “Theo thống kê, khảo sát năm 2016, Việt Nam có 2 triệu người mù, hằng năm số ca tồn dư cũng như mắc mới khoảng 100.000 - 150.000 người.
Do đó, năm 2017, Chương trình Phòng chống mù lòa Quốc gia ra đời. Với mục tiêu đến năm 2030, giảm tỷ lệ mù lòa xuống < 4/1.000 người dân (tỷ lệ mù lòa ở người ≥ 50 tuổi là < 12/1.000 người); Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên > 3,5/1.000 người; Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt > 80%; Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt > 95%”.
Từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng chống mù lòa. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phòng chống mù lòa. Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa như tật khúc xạ, bệnh đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh Glaucoma, các bệnh gây mù lòa ở trẻ em.
Đồng thời, xây dựng chương trình giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, tăng cường phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa mắt các trình độ, đặc biệt chú ý đào tạo chuyên ngành mắt trẻ em. Củng cố kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng và tăng cường hợp tác quốc tế.
Về công tác tổ chức và chỉ đạo, nhóm hành động trong chiến lược Phòng chống mù lòa TPHCM do Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM phụ trách thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình hoạt động, cũng như đánh giá hằng năm đối với các đơn vị chăm sóc mắt quận huyện và các tỉnh thành phía Nam theo phân công chỉ đạo tuyến của Bộ y tế.
Về phát triển mạng lưới chăm sóc mắt, bệnh viện mắt đã xay dựng ở mỗi trạm y tế đều có một cán bộ tập huấn về chăm sóc mắt ban đầu. Tại mỗi trường học từ mẫu giáo đến cấp 3 có một cán bộ được tập huấn đo thị lực, truyền thông giáo dục sức khỏe mắt và xử trí ban đầu, cấp cứu các chấn thương mắt cho học sinh.
Kiểm soát mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể. Trong đó, phẫu thuật miễn phí là 28.775 ca, phẫu thuật miễn phí ngoại viện 11.550 ca (Với nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân trong và ngoài nước, các tập đoàn, công ty, hiệp hội, cá nhân, hội nhóm…).
Kiểm soát mù lòa do tật khúc xạ, đã tổ chức tập huấn cho 2.444 cán bộ y tế tại các cơ sở y tế trường học, xây dựng các bản điểm, thiết kế và phân phối bảng thị lực tút gọn cho cơ sở y tế và quận huyện, truyền thong giáo dục sức khỏe về tật khúc xạ tại các trường học.
Về kiểm soát bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần được khám đáy mắt ngay khi mới chẩn đoán và sau đó mỗi 1 - 2 năm/lần. Bệnh nhân đái tháo đường type 1 cần được khám đáy mắt 3 - 5 năm/lần sau khi chẩn đoán.
Đánh giá kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa, TS.BS Nguyễn Chí Trung Thế Truyền cho biết: “Bệnh đục thủy tinh thể tật khúc xạ, bệnh võng mạc đái tháo đường tương đối có thể kiểm soát được. Tuy nhiên về bệnh lý Glaucoma và các bệnh gây mù lòa ở trẻ em vẫn chưa đạt”.
Về mặt khó khăn, dân số ngày càng đông dẫn đến thách thức cho nhiệm vụ phòng chống mù lòa của cả nước; Thiếu vật tư và trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo; Cơ chế đấu thầu vật tư thiết bị y tế còn nhiều khó khăn; Dịch vụ khúc xạ tư nhân phát triển mạnh nhưng chưa có sự quản lý chặt chẽ về chuyên môn; Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa TPHCM chưa được cập nhật và tái bổ nhiệm từ năm 2012 đến nay, cũng như hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Về tầm nhìn thương lai, chuyên gia chia sẻ: “Cần sớm kiện toàn ban chỉ đạo mới về phòng chống mù lòa của TPHCM; Cần có chính sách pháp lý thuận lợi, dễ dàng hơn để hỗ trợ cho việc mua sắm và đầu tư trang thiết bị, cũng như xây dựng nhiều chương trình khám, điều trị và công tác đào tạo;
Mở rộng các chương trình và thu hút nguồn quỹ hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để các hoạt động có chất lượng và quy mô hơn; Thực hiện các nghiên cứu khoa học đa trung tâm với sự phối hợp của nhiều cơ sở điều trị. Công nghệ thông tin hổ trợ xây dựng dữ liệu lớn, xác định mô hình và tỷ lệ bệnh tật được cập nhật hàng quý, hàng năm”.
Xem thêm:
>>> Những điểm mới trong điều trị tăng huyết áp, giải pháp giảm nguy cơ tim mạch ở người cao tuổi
>>> Cập nhật các phương pháp chăm sóc và điều trị tại tuyến cơ sở
>>> Rối loạn khứu giác có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
>>> Mẹ sử dụng vitamin A liều cao, trẻ có nguy cơ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình