Rối loạn khứu giác có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
Các nội dung liên quan đến tai mũi họng, răng hàm mặt như mất khứu giác, sức nghe, chấn thương hàm mặt đã được các chuyên gia trình bày tại phiên 2 của Hội nghị khoa học thường niên năm 2023. Qua đó, cập nhật các kiến thức, những vấn đề cần lưu ý tại tuyến cơ sở để bệnh nhân được điều trị một cách tốt nhất, hạn chế rủi ro.
Âm thoa - dụng cụ đánh giá sức nghe tốt, nên áp dụng tại tuyến cơ sở
Tại phiên 2 của Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức, PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng - Chủ tịch LCH Thính học TPHCM đã trình bày bài báo cáo “Đánh giá sức nghe qua âm thoa, một nghệ thuật bị bỏ quên”.
Chuyên gia cho biết: “Âm thoa gồm 6 món, nếu không đủ bộ nên ưu tiên sử dụng loại 512Hz. Âm thoa lý tưởng được làm bằng hợp kim tốt, rung ở tần số chuyên biệt, duy trì rung ≥ 1 phút và không tạo nên bất kỳ một tạp âm nào”.
Thuận lợi của âm thoa là dễ thực hiện, có thể thực hiện tại giường (phòng khám, tuyến cơ sở, tại nhà) và đánh giá tốt sức nghe. Cách dùng âm thoa, gõ vào cùi chỏ hoặc đầu gối, vị trí gõ 1/3 trên và 2/3 dưới âm thoa, đặt 2 ngành âm thoa song song với tai.
Nghiệm pháp đầu tiên là Schwabach test (đo thời gian cốt đạo). Bình thường thời gian cốt đạo 20 giây, nếu nghe kém dẫn truyền thời gian cốt đạo > 20 giây và nghe kém tiếp nhận thần kinh thời gian cốt đạo < 20 giây.
Nghiệm pháp thứ hai là Bing test đánh giá nghe kém dẫn truyền. Bằng cách đặt âm thoa đang rung lên xương chũm, khi không còn nghe yêu cầu người bệnh dùng ngón tay làm tắc nghẽn ống tai ngoài (20 giây). Bình thường người bệnh sẽ nghe trở lại, nếu không nghe lại là nghe kém dẫn truyền.
Nghiệm pháp thứ ba, Rinne test. Nếu Rinne (+) là bình thường hoặc nghe kém tai trong. Ngược lại Rinne (-) là nghe kém dẫn truyền.
Nghiệm pháp thứ tư, Weber test (so sánh cốt đạo 2 bên). Đặt âm thoa ở trán hoặc đỉnh đầu. Nghe âm đều hai bên là hai tai bình thường. Nếu nghe bên phải lớn hơn là nghe kém dẫn truyền tai phải hoặc nghe kém tiếp nhận tai trái. Nếu nghe bên trái lớn hơn là nghe kém dẫn truyền tai trái hoặc nghe kém tiếp nhận tai phải.
Nghiệm pháp thứ năm là Gelle test (phát hiện cố định xương bàn đạp). Nghe kém tai giữa hoặc nghe kém hỗn hợp để phát hiện cứng khớp xương bàn đạp do xốp xơ tai. Nếu nghe nhỏ hơn trước, Gelle (+) tức xương bàn đạp không bị cứng khớp. Vẫn nghe tiếng âm thoa như trước khi bơm, Gelle (-), có nghĩa xương bàn đạp bị cứng khớp và cố định.
Nghiệm pháp thứ sáu, Stenger test (xác định giả vờ nghe kém). Nguyên tắc Stenger, khi 2 âm đến cả hai tai, chỉ có âm lớn hơn mới được nghe. Thực hiện khi nghi ngờ giả vờ nghe kém một bên, nghe kém 2 tai không đối xứng ≥ 20 dB.
PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng khẳng định: “Đây là dụng cụ đơn giản trong đo thính lực âm đơn giúp phân biệt các dạng nghe kém. Vì vậy, nên áp dụng tại tuyến cơ sở”.
Sau 60 tuổi khứu giác sẽ giảm dần và có thể mất hẳn
Tập trung vào vấn đề “Chẩn đoán và xử trí ban đầu rối loạn khứu giác”, GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu - Chủ tịch LCH Tai mũi họng TPHCM nhấn mạnh: “Rối loạn khứu giác là tình trạng giảm hoặc mất tạm thời khứu giác. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh, đặc biệt nhận thấy qua giai đoạn COVID-19.
Rối loạn khứu giác còn gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ví dụ, trong phòng có cháy nhưng người mất khứu giác không thể nhận biết được và gặp nguy hiểm; hoặc ăn phải thức ăn ôi thiu và nhiễm độc thức ăn; trẻ mất khứu giác, ăn không cảm thấy ngon miệng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, thậm chí suy dinh dưỡng và tử vong”.
Nguyên nhân đe dọa đến khứu giác bao gồm: Nhiều nhất là viêm nhiễm đường hô hấp do siêu vi (cảm cúm, tỷ lệ mất khứu giác khi nhiễm COVID-19 rất cao); Đối với tai mũi họng, tình trạng viêm mũi dị ứng làm phù nề niêm mạc, polyp mũi to làm cản trở đường không khí dẫn đến mất khứu giác;
Mất khứu giác do cơ học tiên lượng tốt hơn; Tình trạng nhiễm trùng xoang như viêm xoang mạn tính, polym mũi, dịch nhầy tiết nhiều cũng cản trở không khí mang phân tử mùi đến khe khứu; Sống trong môi trường có nhiều khí không ô nhiễm, chất bay hơi,…
Chấn thương vùng tai mũi họng, ngay cả chấn thương vùng tháp mũi, vách ngăn, tình trạng phù nề, tụ máu, sống mũi vách ngăn bị vỡ sẽ ảnh hưởng đến lưu thông không khí hít vào đến khe khứu. Dẫn đến đôi khi bệnh nhân mất khứu tạm thời; Trường hợp vỡ sàn sọ, sẽ làm đứt một phần hoặc toàn bộ dây thần kinh khứu giác, gây ra tình trạng mất khứu, ngày nay tỷ lệ hồi phục tình trạng này là 1/5;
Những công nhân vệ sinh trong nhà máy hoặc nhà vệ sinh thường sử dụng thuốc diệt côn trùng, thuốc tẩy rửa, vệ sinh cường độ cao và trong thời gian dài dẫn đến ảnh hưởng khứu giác; Một số thuốc như kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng viên, thuốc tim mạch… cũng có thể gây mất khứu giác;
Một trường hợp khác là mất khứu do sinh lý. Từ năm 30 - 60 tuổi, khứu giác phát triển và ổn định, rất nhạy, đặc biệt đối với phụ nữ. Tuy nhiên, sau 60 tuổi khứu giác sẽ giảm dần và có thể mất khứu giác. Không chỉ vậy, người lớn tuổi còn có thể mắc một số bệnh khác như Alzheimer, Parkinson, Multiple,… đây cũng là nguyên nhân góp phần làm mất khứu giác;
Ngoài ra, mất khứu giác có thể ảnh hưởng từ một số yếu tố khác như ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu chất, thiếu rau; Trẻ có bất thường sọ mặt bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch và rối loạn về mặt nội tiết.
Để điều trị mất khứu giác, phải tái lập sự lưu thông không khí mang phân tử mùi từ ngoài mũi vào bên trong đến hốc mũi. Đầu tiên là nước muối, lấy bớt dịch nhầy, làm niêm mạc mũi sẽ lại, tạo điều kiện cho khe mũi thông thoáng hơn giúp người bệnh nhận ra phân tử mùi sau khi điều trị một thời gian. Phù hợp với bệnh nhân bị viêm mũi xoang mạn, đợt cấp, nhiễm siêu vi,…
Thứ hai là, corticoid dạng xịt hoặc uống. Đối với khứu giác bị rối loạn hoặc mất, việc dùng corticoid dạng uống không có hiệu quả rõ rệt. Ngược lại, corticoid dạng xịt rất hiệu quả với trường hợp viêm xoang, polym mũi, phù nề niêm mạc nhiều ảnh hưởng đến sự tiếp nhận mùi.
Thứ ba, nghiên cứu cho thấy, khi uống omega3 có tác dụng cải thiện khứu giác. Đặc biệt một số trường hợp phẫu thuật vùng mũi xoang, khi sử dụng omega3 sẽ thúc đẩy quá trình hồi phục khứu giác rất hiệu quả.
Thứ tư, vitamin A 10.000 đơn vị, nhỏ vào mũi có tác dụng cải thiện khứu giác 37%, nếu không dùng chỉ cải thiện 22%. Thứ năm, quan trọng nhất của mất khứu giác là huấn luyện mùi, đặc biệt là sau COVID-19 đến nay.
Cấp cứu chấn thương hàm mặt kịp thời làm giảm 25 - 30% tỷ lệ tử vong
Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Đánh giá ban đầu và xử trí cấp cứu chấn thương hàm mặt” của TS.BS Huỳnh Văn Dương - LCH Răng Hàm Mặt TPHCM.
TS.BS Huỳnh Văn Dương cho biết: “Vùng mặt được chia thành 3 tầng: tầng mặt trên, tầng mặt giữa, tầng mặt dưới. Đặc điểm một số trường hợp cấp cứu hàm mặt là tình huống khẩn cấp, thường có liên quan đến các bệnh hệ thống hay đa cơ quan. Vì vậy, phải được chẩn đoán nhanh, chính xác, chuyển bệnh đúng nơi. Lưu ý, trong trường hợp chấn thương, bệnh nhân và người nhà có tâm lý đặc biệt, đòi hỏi phải cẩn thận khi tiếp xúc”.
Giống với xử trí chấn thương ở các vùng khác, đối với vùng mặt phải kiểm soát dấu hiệu sinh tồn là đầu tiên và quan trọng nhất, kiểm soát tình trạng chảy máu, tình trạng đau, huyết áp,… Bên cạnh đó, cấp cứu ban đầu rất quan trọng, nếu cấp cứu kịp thời có thể giảm 25 - 30% tỷ lệ tử vong.
Để đánh giá ban đầu chấn thương mặt, phải đánh giá theo một số bước như đánh giá đường thở, chảy máu, các cơ quan khác, vết thương phần mềm, xương hàm mặt. Quan trọng nhất là xử lý phần xương bên trong trước khi can thiệp phần mềm.
Xương hàm dưới là xương động duy nhất trong sọ mặt. Đối với chấn thương mặt quan trọng nhất là khớp cắn. Khớp cắn đúng phải có 3 cặp răng chạm đều với nhau ở 3 phần hàm khác nhau. Cằm là vùng có rất nhiều cơ, khi gãy xương dưới cằm, toàn bộ khối cơ sẽ kéo xương gãy vào trong làm lưỡi rớt xuống, chèn và làm bệnh nhân khó thở. Nếu chấn thương nặng phải đặt nội khí quản để cấp cứu bệnh nhân.
Xương tầng giữa mặt rất phức tạp, khi gãy xương gò má sẽ có hiện tượng di lệch. Đối với gãy xương hàm trên sẽ gây chảy máu ồ ạt, vì vậy phải cố định xương của bệnh nhân, sử dụng các dụng cụ chuyên biệt.
Chấn thương mặt là trường hợp cấp cứu mang tính khẩn cấp, liên quan đến nhiều cấu trúc như xương phần mềm, các cơ quan xung quanh. Kiểm soát đường thở, chảy máu, khám, chẩn đoán, lọc bệnh kỹ càng giúp bệnh nhân giai đoạn đầu tốt. Đặc biệt, phải xử lý phối hợp với nhiều chuyên khoa.
TS.BS Huỳnh Văn Dương đặc biệt lưu ý: “Đối với các trường hợp cấp cứu chấn thương hàm mặt ngoài việc kiểm soát đường thở, kiểm soát chảy máu thì khớp răng (khớp cắn) là điều bác sĩ ở tuyến có sở rất dễ bỏ sót trong quá trình khám. Vì vậy, khi khám bệnh nhân có chấn thương mặt (bất cứ mức độ nào), phải hướng dẫn bệnh nhân há miệng và cắn lại để kiểm tra khớp răng”.
Xem thêm:
>>> Những điểm mới trong điều trị tăng huyết áp, giải pháp giảm nguy cơ tim mạch ở người cao tuổi
>>> Cập nhật các phương pháp chăm sóc và điều trị tại tuyến cơ sở
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình