Những điểm mới không thể bỏ lỡ hội nghị khoa học thường niên của Hội Loãng Xương TPHCM
Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII của Hội Loãng xương TPHCM sẽ chính thức diễn ra vào thứ 7, ngày 10/6/2023 tại Đà Nẵng, với chủ đề được đánh giá thiết thực, phù hợp với bối cảnh đương đại: “Loãng xương - Thoái hóa khớp và tác động của quá trình đô thị hóa, lão hóa dân số”.
Biến cố gãy xương do loãng xương nặng nề tương đương đột quỵ, nhồi máu cơ tim
PGS.TS.BS Lê Anh Thư - Chủ tịch Hội Loãng Xương TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, loãng xương và thoái hóa khớp là 2 bệnh lý phức tạp, thường gặp nhất của chuyên ngành Thấp khớp học, có liên quan đến nhau, đến nhiều bệnh lý chuyển hóa mạn tính khác và cũng chịu tác động của nhiều bệnh lý khác nhau. Trên hết, loãng xương và thoái hóa khớp lại thường đồng mắc và gia tăng ở người cao tuổi.
Trong khi thoái khớp gặp ở 20% dân số, thì cứ một trong ba người phụ nữ (33%) và một trong năm người nam giới (20%) trên 50 tuổi bị loãng xương. Gãy xương, mất khả năng vận động là những hậu quả nghiêm trọng của loãng xương và thoái hóa khớp, không chỉ để lại gánh nặng kinh tế xã hội, suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn làm tăng nguy cơ tử vong cũng như nguy cơ mắc các bệnh khác.
Một con số khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình: gần 25% bệnh nhân bị gãy xương vùng hông sẽ tử vong trong vòng 12 tháng sau biến cố gãy xương. Vì vậy, biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quỵ trong bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim trong các bệnh mạch vành.
Trước những ảnh hưởng của hai bệnh lý này đến sức khỏe nói chung, đặc biệt sức khỏe của người cao tuổi nói riêng trong bối cảnh đô thị hóa - già hóa của toàn cầu và tại Việt Nam, Hội Loãng Xương TPHCM đã lựa chọn bối cảnh này trở thành chủ đề chính trong hội nghị khoa học thường niên được tổ chức mỗi năm một lần.
3 điểm nhấn đặc biệt của Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII
Với nhiều điểm nhấn, hội nghị năm 2023 hứa hẹn sẽ mang đến nhiều góc nhìn khoa học mới thú vị. Thứ nhất, chương trình dự kiến quy tụ hơn 200 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, các chuyên gia về bệnh lý loãng xương với 6 phiên và 3 báo cáo cho mỗi phiên.
Trong đó có sự tham dự của nhiều tên tuổi uy tín của ngành y tế trong và ngoài nước như GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, TS.BS Phạm Việt Thanh - hai nguyên Giám đốc Sở Y Tế TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Y học TPHCM, PGS.TS Trương Văn Việt - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng các thành viên BCH Hội loãng xương TPHCM.
Đặc biệt, sự tham gia của GS Nguyễn Văn Tuấn từ trường Đại học Công nghệ Sydney, Australia là một trong những điểm sáng của hội nghị. Ông là người đồng sáng lập Hội Loãng xương TPHCM, luôn đồng hành với mọi hoạt động của Hội trong nhiều năm qua.
Ngoài ra, tại các phiên của Hội nghị sẽ có sự tham gia của GS.TS Võ Tam (Đại học Y Dược Huế và Hội Thấp khớp học miền Trung), PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (Hội Thấp khớp học Việt Nam), PGS.TS Lê Bạch Mai (Hội Dinh Dưỡng Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào (Hội Nội Tiết ĐTĐ Việt Nam), PGS.TS Nguyễn Văn Trí (Hội Lão khoa TPHCM), PGS.TS Nguyễn Đình Khoa (Bệnh viên Chợ Rẫy), TS.BS Tăng Hà Nam Anh (Bệnh viện Tâm Anh), TS.BS Võ Xuân Sơn (Phòng khám Quốc Tế EXSON)…
Thứ hai, chương trình được nhiều chuyên gia đánh giá là rất phong phú và khoa học. Trong đó, nội dung tập trung đề cập đến tác động của đô thị hóa và lão hóa, dân số lên loãng xương và thoái hóa khớp, đi từ các vấn đề đương đại đến các thành tựu cùng xu hướng mới trong điều trị, các thách thức và giải pháp trong phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý - điều trị 2 bệnh lý này.
Theo đó, các báo cáo viên sẽ đưa ra một số thực trạng về tình trạng thiếu kiến thức, thiếu quan tâm, thiếu chẩn đoán, thiếu điều trị… dẫn đến việc kiểm soát loãng xương và thoái hóa khớp còn nhiều hạn chế ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đồng thời đề cập tới nhiều khía cạnh lâm sàng, sự tác động của bệnh lý nội tiết chuyển hóa khác nhau lên người cao tuổi, các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc ở người cao tuổi, cũng như các giải pháp hữu hiệu, các thuốc mới… để kiểm soát - quản lý hiệu quả hơn.
Đặc biệt, các bài cáo cáo còn nhấn mạnh hơn việc phòng ngừa gãy xương tái phát ở những người đã bị gãy xương, đây cũng là vấn đề còn khá hạn chế ở nước ta. Song song đó, qua các bài báo cáo cũng giúp người tham dự nhìn nhận toàn diện về vai trò của dinh dưỡng, trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị hai bệnh lý này. Nhất là chú trọng giải quyết vấn đề thiếu hụt canxi, các vi chất dinh dưỡng vốn đang còn rất phổ biến trong cộng đồng và là các yếu tố nguy cơ quan trọng mà con người có thể can thiệp.
Thứ ba, theo GS Nguyễn Văn Tuấn, điểm nhấn khác biệt trong hầu hết các hội nghị của Hội Loãng xương TPHCM đó là luôn có những báo cáo từ những nghiên cứu “original” (tức không phải “tổng quan”). “Hội nghị năm 2023 có đến 10 nghiên cứu original như thế, điển hình như ứng dụng trí năng nhân tạo (AI) trong loãng xương; vấn đề đa bệnh lý ảnh hưởng đến loãng xương; ảnh hưởng của lối sống đến mất xương; mật độ xương ở bệnh nhân thoái hóa khớp…” - chuyên gia đến từ Australia nhấn mạnh.
Bên cạnh các điểm đặc biệt trên, hội nghị lần này còn có phần Gặp gỡ chuyên gia (Meet the Experts) để cùng tham luận và thảo luận một số ca lâm sàng phức tạp liên quan đến nhiều bệnh lý khác. Đây cũng chính là giải pháp giúp các bác sĩ lâm sàng có thêm kinh nghiệm trong chẩn đoán, kiểm soát và quản lý người bệnh loãng xương, thoái hóa khớp trên thực tế lâm sàng.
Chương trình sẽ diễn ra trực tiếp tại Khách sạn Grand Mercure, Đà Nẵng vào ngày 10/6/2023, từ 7h30 - 21h. Nội dung chi tiết, vui lòng truy cập TẠI ĐÂY. Ngoài ra, Kênh thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi là đơn vị truyền thông cho Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XVII. Người tham dự có thể đón xem chương trình hội nghị khoa học online bằng cách quét mã QR và truy cập vào link: https://www.youtube.com/playlist?app=desktop... |
|
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình