Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ sử dụng vitamin A liều cao, trẻ có nguy cơ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch

Hội nghị khoa học thường niên năm 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức gồm 1 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề. Trong đó, phiên thứ 3 của hội nghị tập trung vào cập nhật kiến thức về các vấn đề thường gặp ở trẻ em.

2/3 các trường hợp tay chân miệng nặng từ tỉnh chuyển đến

Tập trung vào vấn đề “Điều trị bệnh tay chân miệng biến chứng nặng”, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch LCH Nhi khoa TPHCM cho biết: “Tay chân miệng là dịch bệnh của cả nước, đặc biệt là TPHCM. Hiện tại, đỉnh dịch đã giảm, tuy nhiên số ca nặng vẫn tăng. Thống kê của Viện Pasteur có 26 trường hợp tử vong, năm ngoái là 2 trường hợp. Song hành cùng tay chân miệng là dịch sốt xuất huyết, với 21 trường hợp tử vong. Mặc dù giảm so với năm ngoái nhưng cần hết sức cảnh giác bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết ở trẻ em”.

Nghiên cứu hồi cứu 148 trường hợp bệnh tay chân miệng nặng được điều trị tại khoa Hồi sức trong thời gian từ tháng 5 - 9/2023 nhằm rút ra một số nhận xét, kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng biến chứng nặng, qua đó đưa ra một số biện pháp cải thiện tỷ lệ tử vong.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch LCH Nhi khoa TPHCM

Theo đó, đa số là trẻ dưới 3 tuổi, 2/3 các trường hợp từ tỉnh lên và số ca độ 3 khá nhiều. Qua khảo sát các biến chứng hô hấp, biến chứng nặng gồm có ngưng thở, tím tái, phù phổi cấp; thở bất thường gồm thở không đều, thở nhanh nông, thở bụng, rút lõm ngực, khò khè, thở rít.

Trong đó, thở bất thường thường nhầm lẫn với bệnh lý viêm phổi, viêm thanh quản hoặc hen suyễn. Đến khi phun khí dung, mạch trẻ từ 160 lên đến 180, 200 mới phát hiện chẩn đoán nhầm. Những trường hợp này, thường không có biểu hiện tay chân miệng ngoài da, rất kín đáo.

Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh, phải đặt nội khí quản sớm. Khi trẻ giật mình, chới với, bứt rứt, khó chịu là một biểu hiện thần kinh cần hết sức cảnh giác. Ngoài thở bất thường, còn triệu chứng khác là rối loạn tri giác, trẻ thất thần, có cơn vắng ý thức đến khi đụng vào mới giật mình phản xạ. SpO2 dao động, không ổn định là một rối loạn thần kinh thực vật.

“Kết quả điều trị cho thấy, thời gian nằm khoa cấp cứu hồi sức trung bình khoảng 1 tuần và có 2 trường hợp tử vong (1,4%), di chứng 4 trường hợp (2,7%) phải lệ thuộc vào máy thở. Như vậy, Việt Nam đã đi kịp tiến bộ so với khu vực và trong tương lai sẽ có vắc xin tiêm ngừa bệnh tay chân miệng, để tránh các trường hợp nặng cho trẻ” - BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến chia sẻ thêm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nghe kém cao nhất khu vực

Với chủ đề “Tầm soát khiếm thính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, TS.BS Phạm Đình Nguyên - Phó Chủ tịch LCH Tai mũi họng Nhi TPHCM chia sẻ: “Trẻ nghe kém được ví như búp bê trong tủ kính. Trẻ sẽ nhìn những thay đổi xung quanh với tâm trạng bức bối, bất lực vì không thể diễn tả được cảm xúc, mong muốn cũng như tương tác với những thay đổi đó. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và can thiệp sớm, giúp trẻ quay lại cuộc sống bình thường là vấn đề cần thiết và tiên quyết, đặc biệt là trong thời gian gần đây”.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế, hiện nay có khoảng 278 triệu người nghe kém, tỷ lệ này sẽ thay đổi tùy khu vực, đặc biệt rất cao ở khu vực Châu Á. Tùy theo các nghiên cứu khác nhau, tỷ lệ người nghe kém ở Châu Á có thể từ 4 - 9%. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nghe kém gần như cao nhất khu vực.

Tại Việt Nam, theo các thống kê trước đây, cứ 1.000 trẻ sinh ra sẽ có khoảng 1 - 2 trẻ nghe kém bẩm sinh. Trung bình mỗi năm có 1.200 - 1.400 trẻ nghe kém bẩm sinh chào đời. Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận con số này tăng lên, có thể lên đến 4.000 - 5.000 trẻ/năm.

Chuyên gia cho biết: “Phần lớn trẻ không được phát hiện nghe kém do cha mẹ thiếu thông tin hoặc hoàn cảnh kinh tế không cho phép hoặc ở vùng sâu vùng xa điều kiện y tế chưa tầm soát được. Đến khi phát hiện trẻ đã qua giai đoạn hiệu quả để can thiệp.

Bân cạnh đó, hầu như không rõ nguyên nhân gây khiếm thính, không rõ yếu tố nguy cơ. Chỉ khoảng 50% các trường hợp còn lại có thể phát hiện được nguyên nhân như gia đình có người bị điếc, nhiễm trùng bào thai, bất thường sọ mặt”.

Nghe kém/điếc/khiếm thính là tình trạng ngưỡng nghe trung bình từ 30 - 40db hoặc hơn ở những tần số quan trọng trong giao tiếp bằng lời dẫn truyền hay tiếp nhận ở một hay cả hai bên tai. Mức độ nghe kém (Hearter Fortnum): Điếc nhẹ là dưới 39db; Điếc vừa từ 40 - 69db; Điếc nặng từ 70 - 94db; Điếc sâu là trên 95db.

Về cơ chế dẫn truyền, điếc dẫn truyền là phần bất thường xảy ra trong quá trình dẫn âm thành từ bên ngoài vào, từ tai ngoài, tai giữa, đến tai trong. Điếc tiếp nhận là những gì liên quan từ tai trong chuyển vào thần kinh. Nếu ảnh hưởng cả 2 vấn đề gọi là điếc hỗn hợp.

TS.BS Phạm Đình Nguyên - Phó Chủ tịch LCH Tai mũi họng Nhi TPHCM

Giai đoạn phát triển ngôn ngữ (Hildman Agnes) gồm có: Điếc trước khi biết nói < 2 tuổi; Điếc trong giai đoạn tập nói 2 - 5 tuổi; Điếc sau giai đoạn tập nói > 5 tuổi.

Phân loại này còn dựa vào thời gian xuất hiện (Nottingham & Hearter). Nếu xuất hiện ngay khi vừa sinh ra, gọi là điếc bẩm sinh, tuy nhiên giai đoạn này rất khó để chẩn đoán là điếc bẩm sinh hay điếc mắc phải. Sau giai đoạn hình thành ngôn ngữ trẻ bắt đầu có biểu hiện điếc và điếc tiến triển từ từ, tăng dần theo thời gian, thường trở nên “điếc đặc” trước 15 tuổi. Điếc xuất hiện muộn là sau độ tuổi thanh thiếu niên.

TS.BS Phạm Đình Nguyên thông tin: “Tại Việt Nam các chương trình tầm soát thường dừng lại ở bước cơ bản, dựa vào tối tượng có nguy cơ cao, chưa tầm soát sơ sinh rộng rãi, chỉ tập trung vào các thành phố lớn, có điều kiện cao. Nghiên cứu gần đây cho thấy, có 8% trẻ dưới 2 tuổi nghe kém”.

Các phương pháp khảo sát gồm 2 nhóm. Nhóm chủ quan bao gồm: đo thính lực đơn âm, đo thính lực bằng hành vi, đo thính lực bằng kích thích hình ảnh, đo thính lực bằng đồ chơi. Nhóm khách quan sẽ cho kết quả chính xác hơn như: sử dụng nhĩ lượng đồ, đo phản xạ cơ bàn đạp, đo âm ốc tai, đo điện thính giác thân não,…

5% trẻ sơ sinh mắc dị tật dính thắng lưỡi

Chương trình được tiếp nối với bài báo cáo “Trẻ chậm nói - nguyên nhân, cách phát hiện, xử trí” của ThS.BS.CK2 Võ Quang Phúc - Ủy viên BCH LCH Tai mũi họng TPHCM.

Theo Hoa Kỳ, tần suất các dị tật bẩm sinh ở trẻ em cao nhất là khiếm thính, thứ hai là hở hàm ếch, thứ ba là bệnh Down. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, bất thường ở các cơ quan phát âm tai mũi họng, khiếm thính bẩm sinh chiếm từ 1/1.000 - 5/1.000; hở hàm ếch 1,5/1.000 và ngắn dây thắng lưỡi là 5%. Ngoài ra, rối loạn phổ tự kỷ, tại Việt Nam ước tính 1% và các bệnh lý nhiễm trùng sau sinh như viêm màng não, bại não, xuất huyết não,… sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ.

Hoạt động nói gồm 3 giai đoạn. Thứ nhất là sinh âm, xảy ra ở thanh quản. Thứ hai là cộng hưởng, lọc và lan truyền âm, trong đó xoang đầu, mặt là những khoang rỗng giúp cho âm thanh tiếng nói được êm ấm, vang vọng và truyền cảm. Thứ ba là cử động cấu âm, nghĩa là tạo ra giọng nói đặc trưng, các âm rõ ràng khiến người nghe hiểu được và phụ thuộc vào khả năng cử động bình thường của các bộ phận cấu âm (miệng, lưỡi, hàm dưới, môi).

Lưỡi có 4 chức năng quan trọng là nói, nếm, nhai và nuốt. Khi ăn, lưỡi giữ thức ăn ở gần răng để thức ăn được nhai nát rồi sau đó lưỡi đưa thức ăn nhuyễn về sau để nuốt xuống dạ dày. Ngoài ra, lưỡi cử động rất nhịp nhàng phối hợp với môi, răng và vòm miệng để tạo ra tiếng nói.

Nguyên nhân trẻ chậm nói, có thể do khiếm khuyết cơ quan trong vòm miệng, bệnh lý về não và thần kinh, thính lực kém (khiếm thính bẩm sinh), shock tâm lý.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ môi trường gia đình, cha mẹ ít tiếp xúc với trẻ từ đó ảnh hưởng đến kích thích ngôn ngữ. Ảnh hưởng từ não bộ như bệnh lý của mẹ lúc mang thai hoặc can thiệp sản khoa, bệnh lý của bé lúc mới sinh như viêm phổi, viêm phế quản, viêm màng não… Rối loạn phổ tự kỷ, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ, trong đó có sự phát triển ngôn ngữ.

Trong giai đoạn từ 5 - 6 tháng tuổi, một số trẻ mắc bệnh vẫn chưa phát ra âm thanh hoặc tín hiệu nào, phụ huynh nên quan tâm, đưa trẻ đi khám kịp thời để có phương án điều trị. Từ tháng thứ 7 - 12, các em bé chậm nói vẫn chưa bập bẹ các từ đơn giản hoặc không thể bắt chước một vài từ của người lớn, cần đến khám tuyến y tế cơ sở để được bác sĩ tư vấn.

Đối với những em bé bình thường, từ tháng 12 trở đi, khả năng nói dần tăng lên, các con có thể nghe và hiểu một số mệnh lệnh đơn giản của người lớn. Trong khi đó, trẻ em chậm nói thường phát triển ngôn ngữ chậm hơn rất nhiều.

ThS.BS.CK2 Võ Quang Phúc cho biết: “Phương pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ từ gia đình là tương tác với trẻ thường xuyên, gia đình nên dành nhiều thời gian chơi với con, cho bé chơi với các bé cùng trang lứa. Liên tục bổ sung từ ngữ mới cho bé để tăng vốn từ vựng. Khuyến khích giao tiếp bằng mắt, khi bạn nói chuyện với con hãy cố gắng hướng sự chú ý của con vào mình. Khi tự tin hơn, trẻ cũng sẽ nói nhiều hơn. Nếu cần thiết, có thể đưa trẻ đến trung tâm hỗ trợ nhờ các bác sĩ, chuyên gia về âm ngữ trị liệu can thiệp”.

Dính dây thắng lưỡi là một trong những dị tật bẩm sinh mà trẻ có thể mắc phải do dây thắng lưỡi bị ngắn và làm hạn chế những cử động bình thường của đầu lưỡi. Theo thống kê, có khoảng 5% trẻ sơ sinh mắc phải dị tật này, với tỷ lệ ở bé trai nhiều hơn bé gái.

Do kích thước lưỡi không đủ dài nên sự vận động của lưới cũng bị ảnh hưởng. Vì lưỡi khó khăn trong việc di chuyển để chạm lên phía trên vòm miệng hoặc chạm sang phía niêm vòm má. Thắng lưỡi ngắn khiến trẻ khó khăn trong việc bú mẹ. Thậm chí, trẻ không thể bú được, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ và mẹ trở nên lo lắng.

Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến vấn đề nuốt. Lợi ích của lưỡi là đẩy thức ăn xung quanh trong khoang miệng, khi phanh lưỡi ngắn việc di chuyển lưỡi khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc cơ chế ăn nhai, nuốt của trẻ bị ảnh hưởng.

Phát âm khó khăn hơn, thậm chí phát âm sai vì lưỡi ngắn. Việc nhận biết ảnh hưởng này phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, khi trẻ ở độ tuổi đã biết nói, phát âm sẽ có thể nhận biết rõ hơn. Bên cạnh đó, tình trạng răng miệng sẽ bị ảnh hưởng, tật dính thắng lưỡi cũng là một trong những nguyên nhân gây nên vấn đề sai khớp cắn ở trẻ.

Chuyên gia chia sẻ cách nhận biết tật dính thắng lưỡi ở trẻ nhỏ: “Dây thắng lưỡi bị ngắn một cách bất thường; Dây thắng lưỡi bị dính và ngay cạnh đầu lưỡi hoặc lưỡi; Trẻ không thể đưa lưỡi chạm vào răng cửa hàm trên; Không thẻ đưa đầu lưỡi ra khỏi răng cửa hàm dưới quá 1 - 2 mm; Gặp khó khăn khi đưa lưỡi chuyển động sang 2 bên; Khi bé thè lưỡi ra ngoài nhìn thấy hình trái tim”.

Kỹ thuật cắt thắng lưỡi tùy thuộc lứa tuổi của trẻ. Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đầu trẻ được giữ chặt có thể chỉ bôi hoặc tiêm thuốc tê và dùng dao điện cắt thắng lưỡi. Trẻ có thể được bú ngay sau khi cắt thắng lưỡi; Đối với trẻ lớn hơn, trẻ có thể cắt thắng lưỡi dưới gây tê hay gây mê, dùng máy cắt đốt hay dao mổ để cắt thắng lưỡi sau đó khâu lại.

ThS.BS.CK2 Võ Quang Phúc nhấn mạnh những lưu ý sau phẫu thuật: “Không cho trẻ sờ vào vùng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng hoặc gây chảy máu. Uống thuốc đúng theo toa bác sĩ. Ngày đầu tiên nên cho trẻ uống sữa/ăn thức ăn lỏng, nguội; cho uống nhiều nước và không cho trẻ ăn thức ăn nóng. Nếu trẻ bị khâu một số mũi ở vùng dưới lưỡi, nên hướng dẫn trẻ thực hiện một số bài tập vận động lưỡi, giúp lưỡi di động tốt và tránh sẹo sau này. Ngoài ra, nếu có gì bất thường, nên đưa trẻ đến bác sĩ khám lại”.

ThS.BS.CK2 Võ Quang Phúc - Ủy viên BCH LCH Tai mũi họng TPHCM

Tật sứt môi, hở hàm ếch thường đi kèm với nhau. Sứt môi là hiện tượng môi trên phát triển không đều, khiếm khuyết một phần môi trên tạo ra khe nứt ở một hay cả hai bên đường giữa của môi trên. Hở hàm ếch là sự khiếm khuyết trong phát triển vòm miệng tạo ra khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi.

Tật sứt môi và hở hàm ếch ở thai nhi thường có 3 dạng: Sứt môi nhưng không bị hở hàm ếch; Hở hàm ếch nhưng không sứt môi; Cả sứt môi và hở hàm ếch. Sứt môi, hở hàm ếch có thể chữa khỏi nhờ phẫu thuật sau khi sinh.

Nguyên nhân bị hở hàm ếch do yếu tố di truyền, có người cận huyết thống bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Mẹ bị nhiễm virus trong thời kỳ đầu mang thai khoảng từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 như nhiễm virus Rubella, cảm cúm… Mẹ sử dụng vitamin A liều cao (có nguy cơ gây quái thai). Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ axit folic, vitamin B12 và vitamin B6. Mẹ nghiện rượu, thuốc lá hoặc bố mẹ mắc bệnh lậu, giang mai không điều trị triệt để. Tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại, nhiễm tia phóng xạ.

Hậu quả là trẻ nói giọng mũi. Mũi có vai trò trong việc nói, giúp cộng hưởng âm thanh, làm lời nói vang hơn. Khi nghẹt mũi hay giảm dung tích khoang mũi xoang sẽ thay đổi âm sắc giọng gọi là giọng mũi bịt (ít). Ngược lại, khi tăng dung tích mũi đặc biệt ở người sức môi hở vòm sẽ tạo âm vang hơn gọi là giọng mũi hở (nhiều).

Biểu hiện nói ngọng là âm thanh phát ra khi nói chuyện không rõ ràng, các âm tiết có thể bị mất âm, sai lệch âm. Nói nhanh nhưng âm ngữ phát ra khó nghe, khó hiểu. Một số trường hợp có biểu hiện nói chậm, nói khó, nói từng chữ không rõ âm. Cách cử động môi, lưỡi, hàm dưới,... khó khăn, chậm hoặc không đúng cách. Hơi thở ngắn, nhịp thở không đều khi cố gắng phát âm.

Thời điểm tốt để phẫu thuật hở hàm ếch, đối với những trẻ bị hở hàm ếch có sứt môi (sứt môi 1 bên) là khi bé trên 3 tháng tuổi và cân nặng trên 5kg. Đối với những trẻ bị hở hàm ếch có sứt môi (sứt môi toàn bộ 2 bên) thường là khi trẻ được 6 tháng tuổi và cân nặng trên 6kg. Đối với những trẻ bị hở hàm ếch không sứt môi (chẻ vòm họng), thường khi trẻ được 18 tháng tuổi và cân nặng khoảng 10kg.

Âm ngữ trị liệu nhi khoa giúp trẻ hình thành và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ thông qua việc tương tác một - một, trong nhóm nhỏ hoặc trong lớp học. Âm ngữ trị liệu có thể giúp xử lý các vấn đề về phát âm như chậm nói, nói không rõ ràng, gặp nhiều lỗi khi phát âm.

ThS.BS.CK2 Võ Quang Phúc khẳng định: “Chậm nói có nhiều nguyên nhân, trong đó ngắn dây thắng lưỡi và hở hàm ếch có thể ảnh hưởng đến sự phát âm của trẻ, cần phải can thiệp phẫu thuật. Có thể phòng ngừa trong thời gian mang thai bằng các biện pháp dinh dưỡng, sử dụng thuốc hợp lý theo toa bác sĩ,… khám thai định kỳ. Sau phẫu thuật cần có thời gian luyện phát âm cho bé nếu cần (âm ngữ trị liệu). Sự phối hợp điều trị giữa bác sĩ - chuyên viên âm ngữ trị liệu (speech language therapy) - giáo viên - gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc nghe, nói, giao tiếp, học tập của trẻ”.

Xem thêm:

>>> Chủ tịch, Phó chủ tịch cùng các chuyên gia đầu ngành của 23 Liên chi hội chuyên khoa báo cáo tại hội nghị khoa học của Hội Y học TPHCM

>>> Những điểm mới trong điều trị tăng huyết áp, giải pháp giảm nguy cơ tim mạch ở người cao tuổi

>>> Cập nhật các phương pháp chăm sóc và điều trị tại tuyến cơ sở

>>> Rối loạn khứu giác có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X