Phát hiện tiền ung thư cổ tử cung dù không có triệu chứng nào bất thường
Trong quá trình thăm khám sức khỏe tổng quát cho chị N.V.A.B (26 tuổi), các bác sĩ tại Bernard Healthcare đã phát hiện các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung trên người bệnh, dù không hề có triệu chứng bất thường nào.
Thời điểm đến Bernard Healthcare thăm khám, chị T cho biết bản thân không có triệu chứng bất thường nào. Chị không bị đau bụng, không xuất huyết âm đạo bất thường, kinh nguyệt hoàn toàn bình thường.
Qua khai thác bệnh sử, chị T từng điều trị viêm âm đạo do nấm và vẫn chủ động thực hiện các xét nghiệm tầm soát quan trọng định kỳ.
Trong quá trình thăm khám phụ khoa chuyên sâu, bác sĩ đã đánh giá cẩn thận và tư vấn cho nữ bệnh nhân thực hiện Pap-smear (phết tế bào cổ tử cung) nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung. Kết quả cho thấy có sự xuất hiện của tế bào gai không điển hình với ý nghĩa không xác định (ASC-US). Bên cạnh đó, khi xét nghiệm HPV Genotype, ghi nhận dương tính với HPV type 42, 43, 44.
Bác sĩ tại Bernard Healthcare nhận định, các chủng virus HPV dương tính ở nữ bệnh nhân chưa phải là các type nguy cơ cao và không hiếm gặp, nhưng để tránh bỏ sót nguy cơ bệnh lý ung thư nguy hiểm, bệnh nhân vẫn được chỉ định thực hiện soi cổ tử cung. Kết quả ghi nhận âm đạo có ít khí hư, cổ tử cung có tình trạng lộ tuyến kích thước 1,5cm.
Tổng hợp kết quả xét nghiệm và cận lâm sàng, bác sĩ tiếp tục bấm sinh thiết tổn thương tại cổ tử cung để đánh giá rõ hơn tình trạng biến đổi tế bào niêm mạc. Kết luận cuối cùng là tân sinh trong biểu mô gai độ 3 - CIN 3, hay còn gọi là tổn thương tiền ung thư.
Trước tình trạng biến đổi nghiêm trọng trên tế bào niêm mạc cổ tử cung, bác sĩ Bernard Healthcare đã nhanh chóng giới thiệu bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa sâu về phụ sản. Chị T được chỉ định thực hiện thủ thuật khoét chóp cổ tử cung theo đúng phác đồ điều trị. Đồng thời, kế hoạch điều trị chi tiết và theo dõi sát sao cũng được thiết lập nhằm quan sát cẩn thận sự tiến triển hoặc biến đổi của tổn thương nếu có. Bệnh nhân được yêu cầu tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung sau điều trị.
Ung thư cổ tử cung không chỉ là vấn đề của phụ nữ trung niên, mà còn đang đe dọa sức khỏe của các bạn gái trẻ. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm tuổi dưới 30 đang tăng lên đáng kể. Do đó, việc tầm soát và phát hiện sớm các tổn thương này đóng vai trò then chốt trong việc phòng ngừa và tăng hiệu quả điều trị.
Bác sĩ Bernard Healthcare khuyên rằng phụ nữ nên chủ động tiêm ngừa vaccine HPV và thực hiện các xét nghiệm tầm soát định kỳ.
- Tiêm ngừa vaccine HPV để phòng tránh nguy cơ nhiễm các type HPV nguy cơ cao.
- Thực hiện định kỳ các xét nghiệm tầm soát như Pap-smear và HPV-DNA, soi cổ tử cung (VIA, VILI), đặc biệt nếu bạn từ 30 tuổi trở lên, có tiền sử quan hệ tình dục hoặc yếu tố nguy cơ khác.
- Theo dõi sức khỏe phụ khoa thường xuyên và tìm sự hỗ trợ của bác sĩ khi có các triệu chứng sức khỏe sinh sản bất thường.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình