Hotline 24/7
08983-08983

Cập nhật các điểm mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29

Ngày 2/12/2023, Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29 đã diễn ra với 6 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề 7 đề cập đến các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị gan - mật - tụy và chuyên đề 8 bao gồm những nội dung xoay quanh điều trị bệnh lý viêm ruột  mạn tính (IBD).

Bệnh gan và xơ gan được dự đoán tăng đáng kể

Đề cập đến vấn đề “Các yếu tố ảnh hưởng đến sống còn 5 năm trên bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”, BS Trần Thị Thu Cúc - Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã thông tin: “Ung thư biểu mô tế bào gan là một trong những loại ung thư phổ biến nhất toàn trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, ghi nhận có thêm 905.677 ca bệnh mới và đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư ở cả hai giới”.

Thực hiện nghiên cứu trên 334 trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong khoảng thời gian từ 01/01/2016 - 31/12/2020. Kết quả cho thấy, tuổi trung bình trong mẫu nghiên cứu là 62,67 tuổi; tỷ lệ nam gấp 3 lần nữ.

Có rất ít các trường hợp phát hiện u ở giai đoạn rất sớm (giai đoạn 0). Đa số các trường hợp trong mẫu nghiên cứu được điều trị bằng phương pháp TACE (37,3%) và phối hợp nhiều phương thức điều trị.

Nhóm bệnh nhân chỉ điều trị chăm sóc giảm nhẹ có tỷ lệ tử vong cao, trong khi các bệnh nhân trong nhóm điều trị bằng phương pháp TACE, RFA, phẫu thuật và điều trị đa mô thức có tỷ lệ sống cao. Ngoài ra, ở nhóm bệnh nhân được điều trị bằng Sorafenib có tỷ lệ sống và tử vong là như nhau.

BS Trần Thị Thu Cúc kết luận: “Tỷ lệ sống còn 5 năm trên bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định khá cao. Phối hợp điều trị đa mô thức và RFA giúp giảm nguy cơ tử vong đáng kể.

Các trường hợp RFA là các trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều này cho thấy, việc theo dõi các đối tượng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng sống còn ung thư biểu mô tế bào gan”.

Với bài báo cáo “Xơ gan: Chúng ta có thể thay đổi quỹ đạo?”, PGS.TS Võ Duy Thông - Đại học Y Dược TPHCM đã đưa ra một số chia sẻ: “Bệnh gan và xơ gan được dự đoán sẽ tăng đáng kể. Việc áp dụng các hướng dẫn, khuyến cáo là quan trọng trong cải thiện kết quả của bệnh nhân, giảm tỷ lệ nhập viện và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Một trong những quan tâm là thực hiện các biện pháp chất lượng đối với bệnh nhân xơ gan để có thể mang lại kết quả lâu dài tốt hơn”.

PGS.TS Võ Duy Thông - Đại học Y Dược TPHCM

Chẩn đoán sớm IBD là một thách thức

Đề cập đến nội dung “Giá trị của giải phẫu bệnh trong chẩn đoán IBD: Khó khăn - thử thách và giải pháp”, TS.BS Võ Thị Ngọc Diễm - Đại học Y Dược TPHCM lưu ý 4 vấn đề đối với mỗi mô bệnh học để chẩn đoán IBD: Thứ nhất, IBD cần được chẩn đoán dựa trên cùng lúc nhiều tiêu chuẩn vàng. Vì vậy, cần có sự kết hợp thông tin giữa lâm sàng, bao gồm cả nội soi hình ảnh học - xét nghiệm và giải phẫu bệnh trong chẩn đoán IBD nhất là chẩn đoán lần đầu.

TS.BS Võ Thị Ngọc Diễm - Đại học Y Dược TPHCM 

Thứ hai, các nhà lâm sàng giúp định hướng chẩn đoán, gợi ý chẩn đoán phân biệt và đưa ra những yêu cầu khác đối với giải phẫu bệnh và đối với các chuyên ngành phối hợp khác.

Thứ ba, các nhà nội soi có thể cung cấp chi tiết về mục tiêu khảo sát, những vấn đề khác thấy được khi nội soi cũng như cải thiện chẩn đoán giải phẫu bệnh.

Cuối cùng, các nhà phẫu bệnh có vai trò quan trọng trong thiết lập chẩn đoán đầu tiên, giúp theo dõi diễn tiến và chẩn đoán phân biệt các bệnh lý khác.

Tiếp nối chương trình với bài báo cáo “Những cân nhắc lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán và điều trị IBD”, BS.CK2 Lê Thanh Quỳnh Ngân - Bệnh viện Tâm Anh TPHCM cho biết: “IBD gồm 2 thể là viêm loét đại tràng và viêm ruột mãn tính. Đối với viêm ruột mãn tính, các tổn thương không liên tục, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa từ dạ dày, ruột non, hậu môn,… và tổn thương xuyên thành. Còn viêm loét đại tràng có tổn tương từ trực tràng đi lên”.

BS.CK2 Lê Thanh Quỳnh Ngân - Bệnh viện Tâm Anh TPHCM 

Để chẩn đoán sớm IBD là một thách thức và chiến dịch “Treat to target” là xu hướng mới trong điều trị hiện nay. Thuốc sinh học ngày càng đóng vai trò chính trong IBD thể trung bình và nặng. Nên sử dụng sớm thuốc sinh học hoặc anti interleukin 12/23 trên đối tượng nguy cơ cao hoặc đã thất bại với phương pháp cổ điển. Bên cạnh đó, cần cá thể hóa điều trị và tư vấn bệnh nhân trước điều trị.

Tỷ lệ tái phát viêm ruột lupus khá thấp, chiếm 13,5%

Tập trung vào vấn đề “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh viêm ruột lupus tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM”, ThS.BS. Nguyễn Đình Chương - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Viêm ruột lupus (Lupus enteritis) là biến chứng hiếm gặp. Ảnh hưởng của bệnh lupus trên hệ tiêu hóa rất đa dạng, trong đó có tình trạng viêm ruột, nhưng chưa được mô tả nhiều trong y văn.

Đối với điều trị tại khoa Tiêu Hóa, bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM từ 01/2018 - 01/2023, bệnh nhân được chẩn đoán lupus nếu thỏa mãn tiêu chuẩn của SLICC 2012 (Systemic Lupus International Collaborating Clinics).

Viêm ruột lupus được chẩn đoán nếu thỏa mãn cả 3 tiêu chuẩn sau: có triệu chứng tiêu hóa; tổn thương dày thành ruột dài và lan tỏa; cần phải khởi động corticosteroid hay phải tăng liều so với ngoại trú.

ThS.BS. Nguyễn Đình Chương - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM 

Tổng cộng có 17 bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn nghiên cứu. Độ tuổi trung vị là 34 và tất cả đều là phụ nữ. Ba triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng (100%), ói (94,1%) và tiêu chảy (76,5%). Viêm ruột lupus thường ảnh hưởng ruột non (94,1%) hơn là toàn bộ ống tiêu hóa (58,8%).

Hầu hết bệnh nhân đáp ứng với corticosteroid (40 mg methylprednisolon hoặc tương đương), ngoại trừ một trường hợp phải dùng liều cao. Có 2 bệnh nhân tử vong vì các biến chứng khác. Tỷ lệ tái phát viêm ruột lupus khá thấp (13,5%) sau thời gian theo dõi trung vị là 9,5 tháng.

ThS.BS. Nguyễn Đình Chương kết luận: “Viêm ruột lupus nên được nghĩ đến ở những bệnh nhân lupus vào đợt cấp và có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, ói. Corticosteroid, với liều tương đương 40mg methyprednisolon, là điều trị đầu tay và thường đạt hiệu quả. Dấu hiệu comb sign trên CT bụng có thể là yếu tố dự báo tái phát viêm ruột lupus”.

Bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn

Trong bài báo cáo “Chẩn đoán phân biệt bệnh Crohn: Góc nhìn từ lâm sàng”, ThS.BS Huỳnh Nguyễn Đăng Trọng - Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Bệnh Crohn là tình trạng viêm mạn tính ở ruột với đặc trưng là tổn thương có tính nhảy cóc, xuyên thành, và có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn. Không có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh Crohn. Để chẩn đoán bệnh cần kết hợp giữa triệu chứng lâm sàng, nội soi, hình ảnh học, và giải phẫu bệnh”.

Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng rất quan trọng trong chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt bệnh Crohn. Các ví dụ về việc khai thác bệnh sử có ích cho chẩn đoán bao gồm tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, cơ địa tăng đông, suy thận mạn giai đoạn cuối đang lọc máu, bệnh lý mạch máu (viêm đại tràng thiếu máu cục bộ), sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (lao, CMV), và sử dụng NSAIDs (bệnh ruột do NSAIDs). Khám lâm sàng tìm các dấu hiệu gợi ý như loét miệng và sinh dục, nấm miệng (HIV), hạch ngoại vi (lao, lymphoma), tổn thương da (ban xuất huyết Henoch Schonlein, lao).

ThS.BS Huỳnh Nguyễn Đăng Trọng - Bệnh viện Chợ Rẫy 

Nội soi hồi đại tràng đóng vai trò then chốt trong chẩn đoán bệnh. Cần sinh thiết đủ số lượng mẫu (ít nhất 2 mẫu ở mỗi vị trí từ 5 vùng của đại tràng và hồi tràng cuối). Cần sinh thiết để đánh giá tình trạng nhiễm lao. Các xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm nhuộm kháng acid, cấy lao, và PCR lao. Nội soi dạ dày và nội soi ruột non được chỉ định trong những trường hợp cụ thể.

CT, MRI ruột giúp phát hiện thêm tổn thương ở ruột non và các biến chứng như chít hẹp/dò. Hình ảnh học giúp phát hiện tổn thương ngoài ruột như hạch hoại tử (lao).

ThS.BS Huỳnh Nguyễn Đăng Trọng khuyến cáo: “Cần tăng cường sự liên hệ giữa bác sĩ lâm sàng và bác sĩ giải phẫu bệnh. Các tổn thương gợi ý bệnh Crohn bao gồm viêm đại tràng mạn tính khu trú từng vùng, hình ảnh xoắn vặn các hốc tuyến, và u hạt. Nhuộm hóa mô miễn dịch trong trường hợp nghi ngờ (lymphoma, CMV, lao).

Soi phân tìm ký sinh trùng đường ruột (amip, giun lươn), calprotectin phân. Ngoài ra, có thể thực hiện các xét nghiệm bổ trợ khi nghi ngờ lao gồm Xquang ngực thẳng, Interferon gamma release Assay (IGRA)”.

>>> 10 chuyên đề được cập nhật tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29

>>> Cập nhật, tiếp cận chẩn đoán và điều trị H.pylori, GERD kháng trị

Hội nghị Khoa học Tiêu hóa toàn quốc lần thứ 29 diễn ra trong 2 ngày (1/12 và 2/12/2023). Đây là lần thứ 3 hội nghị được tổ chức tại TPHCM, quy tụ 1.200 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ quan tâm đến lĩnh vực tiêu hóa - gan mật trong nước và quốc tế về tham dự.

Hội nghị năm nay bao gồm 10 chuyên đề với 72 bài báo cáo, bao quát tất cả các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiêu hóa. Trong đó, 57 báo cáo trực tiếp tại hội trường, 5 chuyên đề về các chủ trương, báo cáo tổng quan và các nghiên cứu mới về bệnh lý gan - mật - tụy, bệnh lý tiêu hóa trên, nội soi, nội soi can thiệp, nội soi siêu âm. Đặc biệt, có 10 báo cáo của 7 báo cáo viên quốc tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,…

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X