Hotline 24/7
08983-08983

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI: 130 đơn vị y tế từ 53 tỉnh thành tề tựu về tham dự

Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI được tổ chức vào ngày 25/11/2023 tại TPHCM được lãnh đạo Ngành Y tế cũng như các chuyên gia hàng đầu về Dinh dưỡng đánh giá cao nội dung khi bàn luận vấn đề nóng hổi đó là ung thư. Đồng thời, qua đó một lần nữa nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng bệnh viện, dinh dưỡng cộng đồng trong công cuộc phòng ngừa, điều trị bệnh lý mạn tính không lây đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa này tại Việt Nam.

Theo đó, Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI do Liên Chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức với chủ đề “Dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị ung thư”. Hội nghị quy tụ 130 đơn vị y tế từ 53 tỉnh thành trên cả nước, thu hút hơn 500 hội viên tham dự trên cả 2 hình thức online và offline.

Nội dung của Hội nghị được trình bày qua 4 phiên khoa học với 12 bài báo cáo, thảo luận và các phiên kết nối. Mỗi phiên tập trung vào chuyên đề cụ thể, đi từ Thách thức và tiến bộ trong phòng ngừa - điều trị ung thư, Khuyến nghị dinh dưỡng trong bệnh ung thư đến Thực hành can thiệp dinh dưỡng trong điều trị ung thư, Môi trường, dinh dưỡng và bệnh ung thư. Báo cáo viên của hội nghị đến từ Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM và các trường Đại học, Bệnh viện, Đơn vị y tế trên toàn quốc.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cho biết, đây là hội nghị thường niên, có tính quốc tế được tổ chức xuyên suốt 11 năm qua, mang lại nhiều chuyên đề chuyên sâu, nhằm nâng cao kỹ năng thực hành trong hệ thống y tế liên quan đến dinh dưỡng và các bệnh lý liên quan. “Đặc biệt, hội nghị năm nay còn chào đón các báo cáo viên tốt nghiệp cử nhân dinh dưỡng thế hệ đầu tiên của Trường Đại học Y Dược TPHCM - một lĩnh vực, nhân lực mới không chỉ trong cộng đồng và còn trong bệnh viện. Hội nghị Dinh dưỡng sẽ luôn tạo điều kiện cho các báo cáo viên trẻ, là lực lượng kế thừa sự nghiệp nâng cao sức khỏe, phòng và điều trị bệnh”.

60% các bệnh lý ung thư có thể phòng ngừa bằng dinh dưỡng và lối sống lành mạnh

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam 

Chủ tịch Liên Chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM bày tỏ mối lo lắng khi ung thư là bệnh lý có số ca mắc và nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trở thành gánh nặng cho chính bản thân người bệnh, cho gia đình, xã hội, tác động sâu sắc đến kinh tế. Điều đáng mừng là, 40-60% các bệnh lý ung thư có thể phòng ngừa được bằng dinh dưỡng và lối sống lành mạnh.

Song, theo Tổ chức Y tế WHO và các Hiệp hội về dinh dưỡng trên thế giới đều cho rằng, các nghiên cứu khoa học, can thiệp hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư còn nhiều khoảng trống. Trong khi đó, nếu thực hành can thiệp dinh dưỡng sớm cho bệnh nhân ung thư giúp giảm thiểu rối loạn dinh dưỡng, là nền tảng để bệnh nhân hoàn thành hiệu quả liệu trình điều trị” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ.

Chuyên gia nhấn mạnh, trong 10 năm gần đây đã có nhiều tiến bộ liên quan đến dinh dưỡng can thiệp trong điều trị ung thư, về hoạt chất sinh học được công bố và đưa vào ứng dụng cho thấy hiệu quả. Thông qua 4 phiên chuyên đề của hội nghị sẽ cung cấp các cập nhật mới, trả lời những vấn đề “cần phải trả lời” cho bệnh nhân, cộng đồng, trong đó có một số chế độ ăn uống được lan truyền và đặt câu hỏi trong thời gian vừa qua.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng đánh giá, Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XI bàn luận về một chủ đề rất nóng bỏng. Bởi ung thư đã và đang có những thay đổi sâu sắc về bộ mặt lâm sàng, nhất là dịch tễ học và đồng thời nhiều vấn đề mới nảy sinh cần tìm giải pháp để đáp ứng với nhu cầu thực tế của bệnh nhân.

Chuyên gia nhìn nhận, mặc dù số bệnh nhân ung thư mắc mới gia tăng do yếu tố nguy cơ phức tạp (ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm), song đây cũng là một tín hiệu tốt cho thấy vấn đề quản lý yếu tố nguy cơ trong cộng đồng được quan tâm đúng mức, kỹ thuật phát hiện sớm ngày càng hiện đại giúp gia tăng cơ hội sống còn cho bệnh nhân càng cao.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Trong lĩnh vực Ung bướu, chúng ta tự hào về những bước tiến bộ về phẫu thuật, xạ trị… nhưng thành công vô cùng thầm lặng cần được nhắc đến nhiều hơn đó chính là dinh dưỡng. Cuộc đấu tranh của bệnh nhân ung thư vô cùng mãnh liệt, liên quan đến sự sống của từng tế bào trong cơ thể.

Vì vậy, dinh dưỡng không chỉ dừng lại ở bệnh viện mà còn trong điều trị ngoại trú. Diễn biến lâm sàng phức tạp không, có kịp “phanh” lại những biến chứng sau can thiệp y tế cho bệnh nhân không… đều có vai trò của dinh dưỡng. Trên hết, can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cũng tạo ra sự hoạt động mãnh liệt cho tế bào lành, tổng động viên toàn lực cơ thể chống lại ung thư. Đây là trọng trách và cũng thách thức của những chuyên gia làm Dinh dưỡng” - PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái cho biết.

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, bệnh nhân ung thư hoàn toàn có cơ hội sống thêm, sống khỏe với rất nhiều sự trợ giúp hữu ích, quy trình chăm sóc dinh dưỡng cần được xây dựng khép kín từ bệnh viện đến cộng đồng và ngược lại, không phải là sự rời rạc, bệnh nhân sau khi ra viện không biết cách ăn uống, không biết cách sử dụng các sản phẩm. Mặt khác, gánh nặng kinh tế của bệnh nhân ung thư là rất lớn. Do đó, cần giảm gánh nặng cho bệnh nhân ung thư bằng cách tận dụng những nguồn dược liệu tốt và ẩm thực Việt Nam cũng cần phải tham gia vào quá trình này.

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng XI có sự tham gia của chủ tọa đoàn... 
...các báo cáo viên giàu kinh nghiệm đến từ Bệnh viện Thống Nhất...
...Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Cả nước có 11 bệnh viện ung bướu

TS.BS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, công tác phòng chống ung thư phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Nếu những năm 2000 chỉ có 3 bệnh viện chuyên khoa Ung Bướu thì đến nay đã có 11 bệnh viện và 83 trung tâm/khoa Ung Bướu tại các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tư nhân.

Đồng thời, nước ta đã làm chủ nhiều kỹ thuật quan trọng trong điều trị ung thư từ phẫu thuật, xạ trị… BHYT cũng thanh toán nhiều thuốc điều trị đặc hiệu và kỹ thuật chẩn đoán, điều trị ung thư. Các chương trình phòng chống ung thư đã cho thấy hiệu quả, giảm số người mắc ung thư trên toàn quốc.

TS.BS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

Phó Cục trưởng cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế bày tỏ, dinh dưỡng đóng góp trực tiếp và gián tiếp trong điều trị ung thư và nhiều bệnh lý khác. Ngay cả các đơn thuốc cũng đều hướng dẫn về việc dùng trước hay sau khi ăn, cho thấy vai trò của dinh dưỡng để dược động học phát huy hiệu quả nhất trong điều trị.

Đến nay vẫn còn nhiều quan điểm về dinh dưỡng trong ung thư, từ kiêng khem quá mức thay thế cả thuốc điều trị, hay trường phái bổ sung hàng loạt đồ bổ, đồ ngon nhất, đến thực tế vẫn có những lo sợ về việc sử dụng yến, vi cá mập sẽ làm mạnh tế bào ung thư hơn tế bào khỏe mạnh. Vì vậy, hội nghị Dinh dưỡng về chuyên đề Ung thư lần này là rất quan trọng cho các y bác sĩ, cho cộng đồng và bệnh nhân” - TS.BS Dương Huy Lương chia sẻ những điều tâm đắc về hội nghị.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM

Đồng quan điểm với các chuyên gia, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, Hội nghị của Liên chi hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM đã trở thành ngày hội khoa học về dinh dưỡng của thành phố.

Ung thư thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm với nguyên nhân phức tạp (di truyền, biến đổi, đặc biệt có liên quan đến lối sống). Với sự gia tăng này, Ngành Y tế cả nước và TPHCM thời gian qua triển khai các chiến lược quản lý trên địa bàn thành phố từ chuyên sâu đến cơ sở.

Trong đó, nhiều năm qua ghi nhận những tiến bộ vượt bậc của chuyên ngành dinh dưỡng, điển hình như tăng cường hồi phục sớm sau phẫu thuật. “Chúng ta biết rằng, trong ung thư, trị liệu chiếm đa phần là phẫu trị. Do đó, việc làm sao để phục hồi sau phẫu thuật, khởi đầu dinh dưỡng cho bệnh nhân ra sao, thiết kế chế độ ăn uống phù hợp với nhu cầu, đảm bảo đáp ứng đủ năng lượng, đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu là rất quan trọng. Phương pháp này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa lĩnh vực Ung Bướu, Gây mê hồi sức, Điều dưỡng đến Dinh dưỡng”.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng chia sẻ thêm, tổng hòa kế hoạch năm 2024 của Ngành Y tế TP sẽ thực hiện những hoạt động trọng tâm về dinh dưỡng lâm sàng. Ngoài ra, hiện thành phố cũng đã xây dựng xong đề đề án chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới cộng tác viên cộng đồng trên địa bàn TPHCM và đang chờ UNBD TP xem xét, phê duyệt.

Nếu được thông qua, địa bàn TPHCM sẽ có hơn 16.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, trong đó có dinh dưỡng cộng đồng. Sự tham gia này sẽ nâng cao việc truyền thông, giúp người dân hiểu được vai trò của dinh dưỡng để hưởng ứng tham gia, tự bảo vệ - chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là tin vui với ngành y tế, cộng đồng, đặc biệt là các đồng nghiệp công tác trong lĩnh vực y tế cơ sở” - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết.

Các chuyên gia chụp hình lưu niệm 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X