Hơn 60% bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát
Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2023 do Hội Y học TPHCM tổ chức, BS.CK2 Đỗ Chính Thắng - LCH Tâm thần TPHCM - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Tâm thần TPHCM cảnh báo, sau đại dịch COVID-19, bệnh trầm cảm có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý, có đến 2/3 số bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát và 10-15% đã thực hiện hành vi tự sát.
3 triệu chứng chính và 7 triệu chứng phổ biến cảnh báo trầm cảm
Chuyên gia dẫn chứng thống kê của Tổ chức Y tế thế giới - WHO cho thấy, 3,8% dân số (280 triệu người) mắc trầm cảm. Trong đó, người trưởng thành chiếm 5%, nữ nhiều hơn nam gấp 1,5-2 lần và người trên 60 tuổi chiếm 5,7%.
Tại Việt Nam, có 3-6% dân số mắc căn bệnh này. Riêng tại TPHCM, tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023, trong 13.700 người cao tuổi được khám, tầm soát sức khỏe tại trạm y tế, phát hiện có 420 người (3,05%) có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng.
Đáng chú ý, năm 2020 - trầm cảm là nguyên nhân thứ 2 gây suy giảm chức năng nghề nghiệp và dự báo đến năm 2030 sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu. Hơn 700.000 người chết do tự tử mỗi năm. Tự tử cũng là 1 trong 4 nguyên nhân gây tử vong trong độ tuổi từ 15-29 tuổi.
BS.CK2 Đỗ Chính Thắng cho biết, trầm cảm là trạng thái rối loạn cảm xúc gây trở ngại tới khả năng lao động, học tập, các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống. Về biểu hiện cảnh báo trầm cảm, chuyên gia nhấn mạnh 3 triệu chứng chính, đó là khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hứng thú, giảm năng lượng dẫn đến sự mệt mỏi và giảm hoạt động.
Song song đó, còn có 7 triệu chứng phổ biến khác, bao gồm giảm sút sự tập trung và sự chú ý; giảm sút tính tự trọng và lòng tự tin; có những ý tưởng bị tội và không xứng đáng; bi quan; ý tưởng/hành vi tự huỷ hoại bản thân hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn kém ngon.
“Nếu bệnh nhân có có 2/3 triệu chứng chính và 2/7 triệu chứng phổ biến khác được chẩn đoán trầm cảm nhẹ, trung bình. Nếu bệnh nhân có 3/3 triệu chứng chính và 4/7 triệu chứng phổ biến khác, chẩn đoán trầm cảm nặng. Ở tuyến cơ sở hoặc đa khoa, khi bệnh nhân có ý tưởng/hành vì tự sát, ý nghĩ về cái chết tái diễn nhiều lần cần nhận biết đây chính là cấp cứu trầm cảm” - BS.CK2 Đỗ Chính Thắng khuyến cáo.
Ngoài ra, ở mỗi lứa tuổi khác nhau thì biểu hiện cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn ở thanh thiếu niên thì dễ cáu gắt, bốc đồng, chống đối xã hội, lạm dụng chất gây nghiện, sợ trường học, trốn học, bỏ nhà. Ở người cao tuổi, triệu chứng trầm cảm bị che dấu bởi các than phiền cơ thể thường xuyên (đau đầu, đau bụng, đau lưng)… Hoặc đối với trầm cảm sau sinh thường diễn ra trong 4 tuần đầu, thậm chí là 1 năm đầu sau sinh.
Một người bị trầm cảm, không phải do họ “yếu”
Chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho rằng, khi một bệnh nhân bị trầm cảm không phải chỉ do họ “yếu” - với nguyên nhân nội tại như các chất dẫn truyền thần kinh trung ương, trục dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận mà còn bởi vì nhiều yếu tố khác. Điển hình như gen - di truyền, cha mẹ/ ông bà trầm cảm thì con/ cháu cũng có khuynh hướng dễ gặp phải căn bệnh này hơn.
Ngoài ra, trầm cảm còn do nhiều tác động từ môi trường sống (cấp hay mạn), ví dụ mất cha mẹ sớm - nghiên cứu chỉ ra người con mất cha mẹ trước 11 tuổi sau này dễ bị trầm cảm hơn hoặc mối quan hệ giữa mẹ-trẻ sơ sinh (10 - 18 tháng đầu đời, bỏ bú sớm, mẹ đi làm sớm…) cũng dẫn đến khuynh hướng trẻ dễ dẫn đến trầm cảm sau này; hoặc mất vợ/chồng, người thân, thất nghiệp (tỷ lệ trầm cảm cao gấp 3 lần), nhà ở thiếu thốn, kinh tế kém, địa vị kinh tế xã hội thấp.
Bệnh trầm cảm ảnh hưởng toàn diện đến người bệnh. BS.CK2 Đỗ Chính Thắng đề cập, có đến 97% bệnh nhân than phiền mệt mỏi, 84% không tập trung, còn gây giảm hứng thú tình dục. Trầm cảm cũng dẫn đến giảm khả năng học tập (bỏ học), nghỉ việc, không muốn giao tiếp xã hội,... Đó là chưa kể, trầm cảm còn làm nặng thêm các bệnh lý nội khoa (đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh lý tim mạch) do thay đổi khác nhau trong chế độ ăn uống và nghỉ ngơi.
“Trên hết, người bệnh trầm cảm luôn phải đối diện với nỗi sợ trở thành gánh nặng của gia đình, mặc cảm tự ti và đưa đến tự huỷ, tự sát. Có đến 2/3 số bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát và 10-15% đã thực hiện hành vi tự sát” - BS.CK2 Đỗ Chính Thắng đề cập đến những con số đáng chú ý.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, trầm cảm có thể điều trị được, điều quan trọng là đừng để quá muộn. Các giải pháp điều trị trầm cảm gồm có thuốc, tâm lý, choáng điện có gây mê - nhưng hiện nay ít được chỉ định. Ngoài ra còn có các phương pháp mới như rTMS (kích thích từ trường xuyên sọ) và ứng dụng Esketamine giúp cắt đứt ý tưởng tự sát rất nhanh trong vòng 24 giờ.
“Về thuốc, hiện có các phác đồ điều trị chuyên khoa với các thuốc chống trầm cảm SSRI, SNRI… Điều trị tâm lý ở mức độ nhẹ và trung gồm có tâm lý liệu pháp, tâm lý nhận thức hành vi, tâm lý kích hoạt. Lưu ý, trầm cảm nặng là chỉ định phải nhập viện, đó là một cấp cứu tâm thần. Ngoài ra còn có hỗ trợ xã hội bao gồm nghỉ ốm, nghỉ BHXH, nghỉ dưỡng cho bệnh nhân để hồi phục, và phục hồi chức năng” - BS.CK2 Đỗ Chính Thắng cho biết.
Làm sao để tiếp cận ý tưởng tự sát của bệnh nhân trầm cảm?
Theo chuyên gia, vấn đề khó nhất cần được đề cập - ai sẽ là người phát hiện ra trầm cảm? Đầu tiên phải chính là bản thân người bệnh (với các biểu hiện mệt mỏi, không còn muốn đi làm…), hai là người gần nhất (gia đình - vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em…), và xã hội (từ hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp; nhân viên y tế - bác sĩ, điều dưỡng đa khoa, chuyên viên tâm lý xã hội…).
Để nhận biết được trầm cảm, bệnh nhân - người nhà - xã hội trước tiên là phải có kiến thức về căn bệnh này, từ truyền thông (HCDC, báo đài…), giáo dục tâm lý. Đối với nhân viên y tế thì cập nhật kiến thức, đào tạo ngắn (hội nghị, hội thảo, lớp tâm thần cơ bản 3 tháng), hướng tới phát hiện và can thiệp sớm trầm cảm, phát hiện dấu hiệu trầm cảm nặng, ý tưởng hành vi tự sát và cấp cứu tâm thần.
Chuyên gia hướng dẫn, ở tuyến cơ sở hoặc bác sĩ đa khoa có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ sàng lọc - đánh giá, phát hiện bệnh nhân trầm cảm. Lưu ý, khi người thầy thuốc đặt câu hỏi “Có ý tưởng tự sát hay không?”, câu trả lời thường là “không”, nhưng thực sự không phải vậy. Do đó, cần hợp thức hóa - đổi một câu trả lời âm tính (KHÔNG) bằng cách tái cấu trúc lại câu hỏi theo một cách khác. Chẳng hạn như: Anh nghĩ sao về cái chết? Đi qua một địa điểm nào đó anh có thấy gì không?...
Khi phát hiện người bệnh có ý tưởng tự sát, cần thực hiện 2 vấn đề. Một là cam kết không tự sát (hay còn gọi là “Hợp đồng ngăn ngừa tự tử”, “Hợp đồng không gây hại”, có thể bằng miệng hoặc viết ra giấy. BS.CK2 Đỗ Chính Thắng đưa ra tình huống để tiếp cận bệnh nhân, ví dụ như “Tình trạng của anh cần nhập viện. Nhưng người bệnh và người nhà không đồng ý thì điều trị ngoại trú cũng được nhưng hứa với tôi đừng chết nha”.
“Bởi vì một người có ý tưởng tự sát, khi chuẩn bị hành động đó, lời hứa này có thể sẽ tác động với họ, giảm - ngừng - chậm lại một chút. Điều này rất quan trọng. Mặc dù nghe có vẻ rất hình thức nhưng đây là điều “nhắc nhớ” rất quan trọng với người bệnh trầm cảm” - chuyên gia nhấn mạnh.
Hai là lập kế hoạch an toàn, được thảo luận giữa bệnh nhân và nhân viên chăm sóc y tế đảm bảo được hiệu quả ngăn ngừa hành vi tự sát trong tương lai. Trong kế hoạch an toàn này có 3 vấn đề cần lưu ý. Một là số điện thoại - những người mà bệnh nhân có thể gọi hoặc đến khi có khủng hoảng. Hai là hoạt động tự giúp - ví dụ như nghe nhạc, đi tắm, đi dạo, đến thăm ai đó, nhưng lưu ý không gợi mở hoạt động như đi gần hồ bơi, hồ nước hay leo lên cầu… Ba là tự niệm chú- Tự nhủ: “mình luôn có những người yêu thương mình ở bên cạnh”, hoặc “sau cơn mưa trời lại sáng”… Cách thức này cũng có thể hiệu quả giúp trầm cảm giảm bớt ý định tử tự tức thời.
Cuối cùng, chuyên gia đúc kết, trầm cảm sẽ không còn là sự lo lắng quá mức của gia đình xã hội một khi chúng ta hiểu nguyên nhân trầm cảm, hiểu được cách phát hiện và ứng phó với trầm cảm, điều trị sớm, đúng hướng, tốt nhất vẫn là dự phòng. “Chúng ta, gia đình và xã hội cùng chăm lo cùng chung tay để vượt qua trầm cảm” - Chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần TPHCM đề cập.
Mời bạn đọc theo dõi bài viết về các phiên chuyên đề tại Hội nghị Khoa học thường niên 2023 của Hội Y học TPHCM:
>>> Những điểm mới trong điều trị tăng huyết áp, giải pháp giảm nguy cơ tim mạch ở người cao tuổi
>>> Cập nhật các phương pháp chăm sóc và điều trị tại tuyến cơ sở
>>> Rối loạn khứu giác có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
>>> Dân số đông dẫn đến thách thức trong nhiệm vụ phòng chống mù lòa của cả nước
>>> Mẹ sử dụng vitamin A liều cao, trẻ có nguy cơ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch
Hội nghị khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín và nhận được sự đón chờ của các y bác sĩ trên cả nước. Năm 2023, với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp tại phòng khám và tuyến y tế cơ sở”, hội nghị được kỳ vọng góp phần củng cố, nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở - tuyến y tế nền tảng trong việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hội nghị đón nhận hơn 300 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1.800 y bác sĩ theo dõi trực tuyến, với 31 bài báo cáo đến từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các chuyên gia của 23 Liên chi hội chuyên khoa tại TPHCM. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình