Cập nhật các phương pháp điều trị, hồi sức sơ sinh, cai máy thở ở trẻ sinh non và cực non
Tại phiên ID của Hội nghị khoa học thường niên lần thứ IX do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng Hội Phụ sản TPHCM và Hội CHU Grenoble (Pháp) tổ chức 29/6/2024 đã mang đến các bài báo cáo liên quan đến lĩnh vực sơ sinh. Chuyên đề này nhằm hướng đến mục tiêu phát hiện sớm các bất thường thai nhi, từ đó tối ưu hóa quản lý và điều trị, mang đến dự hậu tốt nhất cho trẻ.
Trẻ sinh non chiếm tỷ lệ thấp nhất nhưng có tỷ lệ tử vong cao nhất
Liên quan đến vấn đề “Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị của trẻ sinh cực non tại Bệnh viện Hùng Vương”, ThS.BS Phạm Hoàng Thiên Thanh - Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết: “Trẻ sinh non là trẻ sinh trước 37 tuần tuổi thai. Hiện nay, có nhiều cách phân loại trẻ sinh non, tuy nhiên trẻ cực non được thống nhất là trẻ sinh trước 28 tuần. Đây là nhóm trẻ chiếm tỷ lệ thấp nhất (khoảng 5%) nhưng có tỷ lệ tử vong cao nhất (trên 25%)”.
Theo nghiên cứu của Hoa Kỳ, trung bình mỗi năm có 15 triệu trẻ sinh non, trong đó có 750.000 trẻ sinh cực non. Đây là nhóm trẻ dễ gặp phải kết cục xấu về ngắn hạn như: nhiễm trùng, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, loạn sản phế quản phổi, bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non và kết cục xấu về dài hạn như: trên 50% có rối loạn phát triển tâm thần vận động mức độ trung bình - nặng, trên 15% sống lệ thuộc vào chăm sóc y tế, 25% tử vong.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, năm 2021 có 33.139 trẻ được sinh ra. Trong đó, 4.507 trẻ cần nhập khoa Sơ sinh, trong số này có 4,6% trẻ cực non tháng và tỷ lệ sống sót đến khi xuất viện chỉ 29,2%
Kế hoạch hành động Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, có mục tiêu tiêu cụ thể là giảm tỷ suất tử vong ở trẻ sinh, thể hiện mối quan tâm của xã hội đối với nhóm trẻ này.
Nghiên cứu từ 01/03/2022 - 31/03/2023 tại Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, 55,8% trẻ cần hồi sức tim phổi, tỷ lệ hồi sức phòng sanh thành công là 98,2%.
Về đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng phổ biến là: Bệnh màng trong chiếm 84,4%, rối loạn huyết động chiếm 77,5%, rối loạn tri giác là 74,8%, nhiễm trùng sơ sinh muộn là 65,8%, rối loạn đông máu 76,77%, giảm tiểu cầu chiếm 66,67% và giảm HCT chiếm 56,07%. Tỷ lệ sống sót cho đến khi xuất viện là 34,2%.
Yếu tố liên quan đến tử vong bao gồm: Mẹ dưới THPT, không tiêm trưởng thành phổi; Tuổi thai, cân nặng lúc sanh, vòng đầu, chiều dài, điểm Apgar; Xuất huyết phổi, rối loạn tri giác, rối loạn huyết động, tổn thương thận cấp; DR-CPR, PDA không điều trị.
ThS.BS Phạm Hoàng Thiên Thanh chia sẻ: “Vấn đề giảm tỷ lệ tử vong trẻ sinh cực non và giảm sinh cực non là câu chuyện của bác sĩ Sản trong việc chăm sóc tốt thai kỳ để giảm sinh cực non, đặc biệt là những thai kỳ nguy cơ. Việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sinh cực non dường như là câu chuyện của bác sĩ Sơ sinh là làm sao hồi sức phòng sinh tốt, chăm sóc tốt tại khoa Sơ sinh, Kangaroo tốt và quá trình sau khi xuất viện.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh - bức tranh đẹp nhất mà chúng ta muốn thấy không chỉ là cứu sống những trẻ sơ sinh cực non, mà là mang lại cuộc sống thực sự có giá trị sau này cho các em. Để vẽ nên bức tranh này cần có mảnh ghép không thể thiếu là sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ Sản và bác sĩ Nhi từ giai đoạn trước sanh như sử dụng corticoid, magie sunfat, cũng như hồi sức tại phòng sanh và chăm sóc sau sanh”.
Việt Nam cần có phác đồ hồi sức trẻ sau sinh phù hợp
Trong bài báo cáo “Chọn lựa phác đồ Hồi sức sau sinh phù hợp điều kiện của Việt Nam” - BS.CK2 Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Đỡ sinh và hồi sức trẻ mới sinh là những thực hành y khoa lâu đời nhất của lịch sử y khoa”.
Hiện tại, Việt Nam đang có 2 phác đồ được sử dụng là: Phác đồ của Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, được đào tạo qua chương trình NRP và phác đồ của Hội đồng Hồi sức châu Âu được đào tạo qua chương trình NLS.
NRP và NLS về cơ bản giống nhau. NRP bao gồm hồi sức cơ bản và chuyên sâu. NLS chú trọng tư thế, thông khí ít xâm lấn, giảm sử dụng oxy. Kỹ năng hồi sức cơ bản theo phác đồ NLS (Neonatal Life Support) của Hội đồng Hồi sức châu Âu phù hợp với điều kiện y tế của Việt Nam vì chú trọng những bước hồi sức sơ sinh cơ bản và hỗ trợ trẻ sinh non.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Việt nam theo thống kê của Bộ Y tế năm 2019, có 391 bệnh viện tuyến tỉnh (đã loại trừ các bệnh viện chuyên khoa Da liễu, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền). Ước tính số cơ sở y tế thực hiện kỹ năng hồi sức sơ sinh cơ bản nhiều gấp đôi số cơ sở y tế thực hiện kỹ năng hồi sức sơ sinh chuyên sâu.
Hồi sức sau sinh cơ bản bao gồm: Đánh giá ban đầu; Gọi người hỗ trợ; Ổn định thân nhiệt, kích thích thở; Điều chỉnh tư thế; Thông khí áp lực dương; Ấn tim; Dùng thuốc qua nội khí quản, thông tĩnh mạch rốn; Hỗ trợ trẻ sinh non; Cấp cứu ngưng tim ngưng thở các trường hợp suy sụp đột ngột sau sinh (SUPD).
Hồi sức sau sinh chuyên sâu gồm: Đặt nội khí quản; Chọc hút khí màng phổi; Hồi sức các trường hợp đặc biệt; Tư vấn gia đình các trường hợp đặc biệt; Làm việc nhóm hiệu quả.
Hiện tại, chương trình “Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh” theo Hướng dẫn của Hội đồng Hồi sức châu Âu đã được Bộ Y tế phê duyệt năm 2022. Tính đến tháng 6/2024 đã có 29 khóa NLS được tổ chức ở miền Bắc, 6 khóa ở TPHCM và 5 khóa ở Huế với 818 học viên của 57 tỉnh thành.
Chương trình thiết kế 2 ngày, 4 buổi, chú trọng các kỹ năng hồi sức sơ sinh cơ bản, ấn tim, sử dụng thuốc. Song song huấn luyện kỹ năng hồi sức sơ sinh, Newborns VN tài trợ huấn luyện đội ngũ instructor để chuyển giao chương trình NLS, hiện tại đã có 40 instructor được cấp bằng.
BS.CK2 Nguyễn Thị Từ Anh nhấn mạnh: “Hồi sức sau sinh dựa trên cơ sở sinh lý chuyển tiếp từ cuộc sống trong tử cung sang cuộc sống ngoài tử cung. 2 can thiệp quan trọng nhất khi trẻ cần hỗ trợ là ổn định thân nhiệt và đẩy dịch từ trong phế nang ra giúp phổi thông khí hiệu quả.
Các bệnh viện tuyến cuối cần rèn luyện các kỹ năng hồi sức chuyên sâu, công tác hội chẩn tiền sản phối hợp đa chuyên khoa và tư vấn, hỗ trợ tâm lý gia đình bệnh nhi. Việt Nam cần có phác đồ hồi sức trẻ sau sinh phù hợp cho các cấp điều trị ban đầu, điều trị cơ bản và điều trị chuyên sâu”.
90% trẻ dưới 26 tuần mắc hội chứng suy hô hấp
Tập trung vào vấn đề “Cai máy thở ở trẻ sinh non mắc hội chứng suy hô hấp”, BS.CK2 Lê Anh Thi - Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương thông tin: “Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh (bệnh màng trong) là 1 trong các bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non, do thiếu hụt surfactant dẫn đến xẹp phổi, giảm độ giãn nỡ phổi, giảm oxy máu, tăng công thở”.
Bệnh lý này có liên quan mật thiết đến tuổi thai, tuổi thai càng nhỏ thì tỷ lệ mắc càng cao. Ở nhóm trẻ dưới 26 tuần, tỷ lệ mắc hội chứng suy hô hấp lên đến 90%.
Về điều trị, thở máy xâm lấn là một trong những phương pháp hỗ trợ hô hấp quan trọng tại NICU. Theo thống kê ở nhóm trẻ cực nhẹ cân có đến 89% cần thông khí cơ học, 95% nhóm sống sót phải thở máy xâm lấn. Trẻ dưới 28 tuần có 74% phải thở máy xâm lấn ngay sau sanh.
Biến chứng của tình trạng này rất trầm trọng như viêm phổi liên quan đến thở máy, loạn sản phế quản phổi, biến chứng về thần kinh,… Để kiểm soát hô hấp cho trẻ sơ sinh non tháng có hội chứng suy hô hấp có rất nhiều vấn đề: Tại phòng sanh có hồi sức phòng sanh đúng cách, thở CPAP sớm; Tại NICU ưu tiên thở không xâm lấn, nếu thở máy nên chọn mode VTV, quan trọng là cai máy càng sớm càng tốt. Một số vấn đề hỗ trợ khác: Surfactant, caffein, corticosteroids …
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, có rất nhiều loại máy thở cùng các mode thở khác nhau. Một số mode thở thường sử dụng ở các trung tâm sơ sinh là: Kiểu thở kiểm soát áp lực, kiểu thở kiểm soát thể tích và kiểu thở cai máy rung tần số cao.
Nghiên cứu cho thấy, thở NIPPV có tỷ lệ đặt nội khí quản trở lại thấp hơn CPAP. Đối với nhóm trẻ trên 28 tuần, phương pháp thở HFNC tương đương CPAP sau rút nội khí quản. Thở NHFOV là một trong những phương pháp mới hiện nay. NHFOV có tỷ lệ thất bại sau rút nội khí quản 72 giờ thấp hơn NIPPV. Tuy nhiên, tất cả các RCT thực hiện tại Trung Quốc, không đồng nhất trong thiết kế nghiên cứu và cỡ mẫu. NIV-NAVA hiệu quả hơn NCPAP, NIPPV sau rút nội khí quản. Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí khá cao và thời gian sử dụng sonde dạ dày có kèm điện cực ngắn.
BS.CK2 Lê Anh Thi khẳng định: “Tỷ lệ trẻ sinh non, suy hô hấp, thở máy xâm lấn cao. Vì vậy, rút ngắn thời gian thở máy xâm lấn là một trong những biện pháp cần thiết. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược cai máy và rút nội khí quản phù hợp với điều kiện của mỗi trung tâm, chăm sóc sau cai máy”.
>>> Chiến lược nào giúp “xóa sổ” ung thư cổ tử cung tại TPHCM?
>>> Tiếp cận chẩn đoán trước sinh các bất thường ở quý 3 thai kỳ
>>> Lợi ích kinh tế của sàng lọc Thalassemia trong việc giảm gánh nặng bệnh tật
>>> Hóa giải nỗi lo về u buồng trứng trong thai kỳ, sữa chưa về sau sinh và trẻ hóa vùng kín sau sinh
>>> Từ sàng lọc chẩn đoán đến chăm sóc và quản lý thai phụ đái tháo đường thai kỳ
>>> Cách lựa chọn và sử dụng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình