Chiến lược nào giúp “xóa sổ” ung thư cổ tử cung tại TPHCM?
Trong phiên Toàn thể của Hội nghị khoa học thường niên lần thứ IX do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp Hội Phụ sản TPHCM và Hội CHU Grenoble (Pháp) tổ chức vào ngày 29/6/2024, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề cập, một trong những chiến lược giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người phụ nữ chính là “xóa sổ” ung thư cổ tử cung. Đây cũng là chiến lược chung của Tổ chức Y tế thế giới - WHO kêu gọi toàn cầu.
Nhìn lại tình hình ung thư cổ tử cung từ thế giới đến Việt Nam
Chuyên gia thông tin, cho đến nay, ung thư cổ tử cung (UTCTC) vẫn là mối lo ngại trên toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022, thế giới có 660.000 trường hợp mắc mới và 350.000 ca tử vong chiếm đến 53%. Tại Việt Nam có 4.177 mắc mới UTCTC và 2.420 (57.9%) ca tử vong hàng năm.
Một con số khác cho thấy, UTCTC là căn bệnh phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trên toàn thế giới, mỗi phút trôi qua sẽ có 1 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, đây cũng là ung thư nữ phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi, mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này và 14 người mắc mới. Tỷ lệ hiện mắc ở TPHCM là 10,9% cao gấp 4-5 lần tại Hà Nội với tỷ lệ 2%.
“Từ thực tế này cho thấy chúng ta cần phải quan tâm đến UTCTC hơn nữa. Bởi vì cổ tử cung là cửa ngõ nối cơ quan sinh dục và sinh dục trong của người phụ nữ. Mà một gia đình mất đi người vợ, người mẹ sẽ thiếu hụt rất nhiều về tình cảm, sự hạnh phúc” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết bày tỏ.
Tuy vậy, may mắn hơn rất nhiều loại ung thư khác là UTCTC có nguyên nhân, có thể dự phòng được và nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị khỏi, theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết. Đề cập đến nguyên nhân gây UTCTC, chuyên gia thông tin, hơn 95% các trường hợp đều có liên quan đến nhiễm HPV kéo dài. Virus này có hơn 200 chủng khác nhau, trong đó 2 chủng liên quan mật thiết với UTCTC là 16 (chiếm đến 48,5%) và 18 (34,3%). Do đó, điều quan trọng là cần phải tầm soát được nhóm này để giảm tỷ lệ UTCTC.
3 cấp dự phòng ung thư cổ tử cung
Trong dự phòng sẽ có 3 cấp, gồm cấp 1 là tiêm phòng HPV, thay đổi lối sống, cấp 2 là tầm soát UTCTC và cấp 3 là phát hiện, điều trị hiệu quả các sang thương tiền ung thư.
“Tiêm phòng HPV là một trong những giải pháp dự phòng hiệu quả UTCTC, hầu như các nước đều áp dụng. Việt Nam là một trong những nước được giới thiệu việc tiêm phòng trong quốc gia nhưng chưa được thực hiện thường quy. Thuốc chủng ngừa HPV được nghiên cứu từ năm 1991 và đến năm 2006 Hiệp hội thuốc và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) chấp nhận cho phép sử dụng thuốc chủng ngừa Gardasil tứ giá, và đến năm 2019 vắc xin cửu giá” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết.
Tính đến năm 2023 trên toàn cầu có 6 loại thuốc ngừa HPV, đa số đều ngừa 2 chủng 16 và 18. Riêng tại Việt Nam, có 3 loại thuốc chủng ngừa HPV là nhị giá (ngừa chủng 16, 18), tứ giá (ngừa chủng 6,11,16,18) và cửu giá (ngừa chủng 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58). Cửu giá đã được triển khai tại các bệnh viện, trung tâm tiêm chủng ở Việt Nam.
Tiêm chủng HPV không chỉ phòng ngừa UTCTC mà còn gây ra nhiều loại ung thư khác. Do vậy, FDA Hoa Kỳ đã thống nhất tiêm chủng HPV phòng ngừa ung thư CTC, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng, đầu mặt cổ từ 2020, áp dụng cho cả nam và nữ từ 9 - 26 tuổi và chính thức mở rộng từ 27 - 45 tuổi từ năm 2018.
“Phác đồ đầu tiên WHO đưa ra tiêm là 0-1-3 hay 0-2-4. Tuy nhiên, năm 2016, FDA Hoa Kỳ chuyển phác đồ tiết kiệm hơn, đối với người dưới 15 tuổi sẽ tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tháng và trên 15 tuổi vẫn là 3 liều.
Đến năm 2022, sau một loạt các nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, WHO khuyến nghị phác đồ tiêm chủng HPV với người từ 9-20 tuổi sẽ tiêm 1 hay 2 liều - đây là cuộc cách mạng đối với phác đồ tiêm chủng, bởi vì rất có giá trị với các quốc gia đang phát triển và những nước khó khăn về ngân sách; và từ 21 tuổi sẽ tiêm 2 liều, cách nhau tối thiểu 6 tháng.
Tại Việt Nam, năm 2024, Bộ Y tế đã mở rộng tuổi tiêm chủng đối với HPV 27-45 tuổi” - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết.
Trong dự phòng cấp 2, tầm soát UTCTC đóng vai trò chủ đạo, nhằm phát hiện sớm các sang thương tiền ung thư và UTCTC. Ngày nay, hệ thống tầm soát gắn liền với hệ thống khám phụ khoa và ngày càng có nhiều phương tiện đa dạng, phong phú và chính xác để tầm soát UTCTC.
Việc tầm soát UTCTC thường được thực hiện trên người phụ nữ có quan hệ tình dục tuổi 25-65, ưu tiên nhất là giai đoạn 30-49, bởi vì độ tuổi này có tần suất mắc bệnh cao nhất trong tất cả các khoảng tuổi trong lứa tuổi sinh đẻ. Sau 65 tuổi có 2 lần sàng lọc âm tính có thể dừng sàng lọc UTCTC.
Về tần suất sàng lọc, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nên thực hiện lặp lại mỗi 5 năm đối với xét nghiệm HPV nguy cơ cao, 3 năm đối với xét nghiệm tế bào CTC hoặc VIA (acid acetic).
Chuyên gia thông tin thêm, theo Bộ Y tế, hiện nay có 3 nhóm xét nghiệm tầm soát UTCTC. Thứ nhất là xét nghiệm HPV nguy cơ cao (HPV PCR, HPV DNA, HPV mRNA, protein E6HPV, p161NK4a). Thứ hai là xét nghiệm tế bào CTC (Pap’smear cổ điển, Pap nhúng dịch). Thứ ba là quan sát CTC với acid acetic (VIA). Đây là xét nghiệm còn nhiều tranh cãi vì ít chính xác hơn, nhưng lại thuận tiện cho các vùng sâu - vùng xa, do đó vẫn giữ xét nghiệm này vì mục đích những nơi không có phương tiện tầm soát UTCTC sẽ có thể thực hiện để phát hiện tổn thương CTC, “có còn hơn không làm”.
Bên cạnh đó, trong thời gian sắp tới sẽ có những kỹ thuật mới, điển như ứng dụng AI trong sàng lọc UTCTC sẽ là một trong những phương tiện để sàng lọc chính xác và nhanh chóng với thời gian trả kết quả trong vòng 30 phút so với HPV, xét nghiệm tế bào CTC đòi hỏi thời gian tính bằng ngày hoặc hàng tuần.
Bộ Y tế cho rằng, nếu chúng ta đầu tư 1 USD vào việc dự phòng thì sẽ tiết kiệm được 11 USD về kinh tế và 20 USD kinh tế và xã hội. Dự phòng UTCTC rất quan trọng vì vừa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Đề cập đến dự phòng cấp 3, chuyên gia cho biết, UTCTC có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Theo đó, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn 0 là 100%, con số này sẽ còn 80-90% nếu ở giai đoạn I , 50-60% ở giai đoạn II, 25-35% nếu ở giai đoạn III. Đặc biệt, nếu phát hiện muộn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn IV dưới 15%. Đây là những con số rất thuyết phục cho thấy bác sĩ Sản Phụ khoa đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nói.
Tuy nhiên, đề cập đến tình hình dự phòng UTCTC tại Việt Nam, chuyên gia cho biết, tại nước ta mặc dù đã triển khai nhiều năm nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin HPV và tỷ lệ khám sàng lọc UTCTC còn thấp. Thống kê năm 2021 cho thấy, chỉ 12% phụ nữ, trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vắc xin HPV và 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc UTCTC.
Theo một ước tính của WHO, nếu Việt Nam chỉ tập trung vào tiêm chủng HPV thì đến năm 2084 mới có thể thanh toán UTCTC. Nếu kết hợp giữa tiêm chủng HPV 90% trẻ em gái vị thành niên; 70% phụ nữ được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung; 90% phụ nữ bị tiền ung thư hoặc đang bị UTCTC được sự điều trị đầy đủ, Việt Nam có thể ngăn ngừa 286.006 trường hợp ung thư và 301.846 ca tử vong do ung thư vào năm 2100; đồng thời, có thể thanh toán UTCTC vào năm 2055, sớm hơn 29 năm so với chỉ tiêm vắc xin HPV cho nữ giới.
“Tại Việt Nam, quy định Pháp luật đã ban hành để có cơ sở pháp lý cho bác sĩ Sản Phụ khoa cũng như các nhà hoạch định chính xác triển khai chiến lược xóa bỏ UTCTC tại nước ta. Điển hình như nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình TCMR giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đề nghị đưa tiêm ngừa UTCTC vào chương trình TCMR từ 2026 với nguồn ngân sách địa phương, tuy nhiên trong giai đoạn 2022 - 2025 khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.
Ngoài ra, thông tư 09 của Bộ Y tế quy định việc khám sức khỏe, tầm soát UTCTC cần thực hiện trong khám sức khỏe hằng năm của người sử dụng lao động. Đây cũng là bước tiến rất lớn bởi vì trước đây không có điều này” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
3 mục tiêu quan trọng trong chương trình thanh toán ung thư cổ tử cung tại TPHCM
Thông tin về chương trình thanh toán UTCTC tại TPHCM, chuyên gia cho biết, mục tiêu tổng quát là đến năm 2055 giảm tỷ lệ mắc mới dưới 1/100.000 và giảm tỷ lệ tử vong do UTCTC dưới 0.5/100.000. Trong đó, mục tiêu cụ thể là đạt 90% tiêm chủng HPV cho bé gái/ trai 9-18 tuổi và thanh niên 18-26 tuổi; tầm soát ung thư CTC cho phụ nữ tuổi sinh đẻ (18-45) ít nhất 1 lần trong mỗi 3 năm đạt 70%; 90% sang thương tiền ung thư và ung thư được xử lý phù hợp và kịp thời.
Trong đó, để đạt mục tiêu tiêm chủng 90% cho người 9-26 tuổi, chuyên gia đề cập đến giải pháp phối hợp từ nhiều yếu tố. Với cộng đồng cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông. Về nhà trường cần tuyên truyền giáo dục cho học sinh, phụ huynh và phối hợp y tế tổ chức tiêm phòng HPV tại trường học. Đối với y tế cần nhân viên y tế tiên phong, cung cấp thông tin chuyên môn, vận động chính sách địa phương triển khai chương trình và tổ chức tiêm phòng HPV tại các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở.
Kinh phí để tiêm chủng HPV phòng 9 chủng tối thiểu 1 liều là 2.500.000 đồng, phụ huynh học sinh tự chi trả. Bên cạnh đó, học sinh khó khăn có kinh phí ngân sách thành phố/ sự đồng hành của các mạnh thường quân, phối hợp các ngân hàng thực hiện chương trình tiêm ngừa trả góp, phối hợp nhà cung cấp vắc xin giảm giá. Ngoài ra cần có kinh phí truyền thông cho ngành y tế, đài truyền hình, đài phát thanh, báo giấy và báo điện tử.
Để đạt mục tiêu thứ 2 là tầm soát UTCTC với 70% phụ nữ tuổi sinh đẻ có 1 lần sàng lọc UTCTC mỗi 3 năm cần có các giải pháp như bắt buộc các gói khám sức khỏe cho nhân viên ở các cơ quan xí nghiệp, công ty… PHẢI có xét nghiệm tầm soát UTCTC, thực hiện sàng lọc UTCTC cho các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do. Điều này rất cần sự chung tay, phối hợp của Liên đoàn lao động, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, theo PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết.
Để mục tiêu thứ 3 là điều trị hiệu quả 90% phụ nữ có sang thường tiền ung thư và ung thư có vai trò của Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Ung Bướu. Trong đó, Bệnh viện Phụ sản cần nâng cao năng lực bác sĩ Sản Phụ khoa, điều trị tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm còn Bệnh viện Ung Bướu chuyển giao kỹ thuật nhằm giảm tải, điều trị kịp thời và nâng cao trình độ, kỹ thuật điều trị ung thư giai đoạn muộn hiệu quả.
Cuối cùng, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết đánh giá, chương trình thanh toán UTCTC tại TPHCM là một chương trình thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ và nhất là giúp hàng ngàn đứa trẻ không phải mồ côi mẹ, tiết kiệm chi phí cho xã hội. Đây là chương trình lớn đòi hỏi sự đồng lòng phối hợp nhiều cơ quan, đoàn thể và nhất là sự quan tâm của lãnh đạo thành phố.
Do đó, chuyên gia kỳ vọng: “Mong rằng TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ vô cùng hiếm để bắt gặp UTCTC trong một tương lai gần. Mong rằng tất cả chúng ta cùng làm vì một tương lai tương đẹp của thành phố thân yêu của chúng ta”.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình