Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh hướng dẫn cách giúp trẻ hết biếng ăn, rối loạn tiêu hóa sau Tết

Rất nhiều trẻ em có hiện tượng đầy bụng, chướng hơi, ậm ạch, ăn uống không ngon miệng, táo bón, đi ngoài sau dịp Tết. Nguyên nhân do đâu và làm sao khắc phục? Lời giải đáp đã có trong chương trình giao lưu cùng BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1. Mời bạn đọc đón xem.

1. Vì sao trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa sau mỗi dịp nghỉ Tết?

Mỗi dịp sau Tết rất nhiều trẻ em có hiện tượng đầy bụng, chướng hơi, ậm ạch, ăn uống không ngon miệng, táo bón. Xin hỏi BS Trương Hữu Khanh, vì sao trẻ em thường gặp tình trạng này khi ra Tết ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Nguyên nhân là do thức ăn và giờ ăn. Ví dụ đáng lẽ trẻ phải được ăn bột thì phụ huynh lại cho trẻ ăn bánh kẹo quá nhiều hoặc khi đi chơi cho trẻ ăn nhầm thức ăn đường phố, uống quá nhiều nước ngọt,… khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, chướng bụng, mệt mỏi và dẫn đến biếng ăn. Thói quen ăn uống không giờ giấc trong dịp Tết chính là nguyên nhân khiến em bé biếng ăn cần điều chỉnh và thay đổi sớm.

2. Triệu chứng nhận biết rối loạn tiêu hóa, biếng ăn

Biểu hiện rối loạn tiêu hóa ở trẻ em khá đa dạng nên rất dễ bị nhầm lẫn, xin hỏi BS dấu hiệu nào giúp các bậc phụ huynh nhận biết sớm để có giải pháp phù hợp ạ? Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc tái phát thì ảnh hưởng như nào đến sức khỏe của trẻ thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Rối loạn tiêu hóa là cụm từ rất chung nhưng nó cũng chỉ liên quan đến 2 nhóm: ói, chướng bụng đi cầu. Đi cầu có 2 nhóm khác nhau: đi cầu ra nước hoặc đi nhiều lần nhưng không nhiều nước, thậm chí nặng hơn trẻ có thể đi cầu ra máu.

Nhìn thấy bụng em bé anh ách, bé không chịu ăn, ói nhiều,… đây chính là những dấu hiệu cần để ý quan tâm và đặc biệt có những em bé ham chơi nên vì bị tức bụng nhẹ nên bé không nói với bố mẹ. Nếu phụ huynh thấy trẻ đột nhiên ăn ít than khó chịu ở bụng thì cần theo dõi, nếu có tiêu chảy và ói thì chắc chắn đây là bệnh lý liên quan đến tiêu hóa.

Tình trạng biếng ăn cũng thường gặp sau Tết và bố mẹ cũng bối rối để nhận biết đâu là biếng ăn bệnh lý, đâu là biếng ăn sinh lý, do thay đổi thói quen. BS có thể chia sẻ thêm về cách phân biệt tình trạng này cho các bậc phụ huynh?

Trong những ngày Tết, mọi thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn khiến trẻ ăn không ngon miệng (Ảnh minh họa)

BS Trương Hữu Khanh:

Chán ăn do bệnh lý trẻ thường có các triệu chứng như:

  • Đau miệng ăn không được
  • Bụng đầy hơi
  • Ói

Có một số trường hợp theo lứa tuổi, tới một độ tuổi nào đó đột nhiên trẻ biếng ăn; phụ huynh cần tìm hiểu kĩ. Nhưng nếu một em bé biếng ăn dù là do thói quen, thay đổi nhịp sống hay do sinh hoạt, sinh lý hay bệnh lý đi nữa thì chúng ta cũng cần phải chăm sóc như nhau.

3. Rối loạn tiêu hóa, biếng ăn: Khi nào đi khám, khi nào điều chỉnh tại nhà?

Rối loạn tiêu hóa, biếng ăn khi nào cần đi khám, khi nào có thể điều chỉnh tại nhà?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu em bé vẫn vui chơi, ăn được 1/3 của bữa ăn, không đi cầu ra máu, không nôn ói nhiều, vẫn vui vẻ không sốt cao thì có thể chăm sóc tại nhà bằng cách cho bé ăn nhiều bữa, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, khuyến khích trẻ tự ăn đừng kéo dài bữa ăn quá 30 phút. Hỏi trẻ xem có ăn nhiều bánh mứt, hạt trong ngày Tết hay không từ đó cắt dần và cất bớt những thực phẩm này không để trẻ ăn nhiều nữa như vậy mới cải thiện được tình trạng bệnh hiệu quả.

Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con đau bụng, tiêu chảy, đi phân sống thường có thói quen uống các loại men tiêu hóa và men vi sinh. Vậy men tiêu hóa, men vi sinh có vai trò gì trong quá trình tiêu hóa thức ăn? Trường hợp nào nên dùng men vi sinh, men tiêu hóa cho trẻ, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu em bé bị rối loạn tiêu hóa những vẫn chơi đùa, đi cầu hơi sống một chút thì đa số sẽ tự hết không cần thiết phải cho trẻ uống thuốc. Bởi rối loạn tiêu hóa nghĩa là trẻ ăn một thứ gì đó vào bụng nhưng không hợp, vì vậy cần thời gian tống ra theo đường phân hoặc ói, tống ra 1-3 ngày chứ không phải hết liền. Phụ huynh đừng nóng nảy, quá gấp trong việc can thiệp ngay chuyện em bé của mình đi cầu không bình thường. Chỉ cần lưu ý nếu:

  • Em bé đi cầu ra nước nhiều thì bù nước

Việc sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa là dành cho những bé bị tiêu chảy kéo dài. Còn nếu bé mới 1-2 ngày bị rối loạn tiêu hóa thì không cần uống.

4. Làm sao điều chỉnh thói quen ăn uống cho trẻ sau Tết?

Những thay đổi về ăn uống trong những ngày Tết sẽ tạo thói quen cho trẻ và bố mẹ sẽ khó tập lại dù đã hết Tết. Vậy các bậc phụ huynh cần làm gì để điều chỉnh thói quen ăn uống sau Tết cho bé?

BS Trương Hữu Khanh:

Cần giáo dục tư tưởng cho bé ví dụ: “Con hôm nay được ăn nhiều bánh mứt nhưng không được ăn nhiều quá, hết Tết thì phải ăn uống điều độ để còn giữu sức khỏe đi học lại, con phải ăn đúng giờ,…”. Hãy thỏa thuận với trẻ ngay trong thời gian trẻ đang chơi vui vẻ trong Tết thì sau đó việc ăn uống điều độ lại mới có hiệu quả.

Tuy nhiên nếu trẻ bướng thì cũng vẫn nên khuyên răn không nên dùng áp lực; bởi bản chất của trẻ đó là: chúng biết thể nào chúng cũng phải đi học và ăn đúng giờ. Cần giải thích cho trẻ phải ngồi vào bàn ăn, phải ăn đúng giờ, phải đi học chứ không phải suốt một cuộc đời chỉ để chơi Tết. Cần giáo dục cho trẻ biết bạn bè đi học được thì con cũng phải đi học được, bạn bè ăn đúng bữa được thì con cũng phải ăn đúng bữa,… đừng nuông chiều trẻ.

Đối với trẻ thừa cân, béo phì, các bậc phụ huynh cần làm gì để “kìm hãm” sự thèm ăn của trẻ? Còn đối với trẻ biếng ăn, BS có lời khuyên hữu ích nào cho cha mẹ để khắc phục tình trạng này ạ?

Nên có chế độ tập luyện, dinh dưỡng phù hợp với từng thể trạng của trẻ để tránh thừa cân sau Tết (Ảnh minh họa)

BS Trương Hữu Khanh:

Với trẻ béo phì cần đặc biệt lưu ý cơn thèm ăn có thể trở thành bệnh lý, với những trẻ dư cân trong dịp Tết, đã lỡ rồi thì bắt buộc phải kiêng ăn, cần kiêng ăn cả trong hành động lẫn tư tưởng.

Nếu các bậc phụ huynh nuông chiều trẻ để cho trẻ từ từ tự điều chỉnh thói quen ăn uống thì chắc chắn rất khó. Dù trẻ biết và nhận thức được là dư cân, mập hơn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng cơn thèm ăn đã thắng tất cả mọi thứ, giống như việc trẻ bị “nghiện” ăn vậy. Phụ huynh cần theo dõi con nếu đã vượt quá tầm kiểm soát nên đưa trẻ đến khám BS để BS khuyên răn, cho con một chế độ ăn thế nào là hợp lý, thể dục thể thao để giúp trẻ giảm cân. Béo phì mà để trẻ tự chỉnh thì đa số thất bại.

Với trẻ biếng ăn cũng cần khuyên răn. Một nguyên tắc cho trẻ biếng ăn đó là đừng bao giờ kéo dài bữa ăn quá 30 phút. Tập cho trẻ có thói quen ngồi vào bàn, ghế tự ăn và ăn chung với người lớn; ăn đủ các món đủ chất,... Và các bậc phụ huynh nhớ, hãy tập ngay từ khi trẻ còn nhỏ những điều này để giúp giảm được việc phải đút cho trẻ ăn, phải chiều theo sở thích không tốt của trẻ.

Mời xem thêm các chương trình GLTT cùng BS Trương Hữu Khanh:

>>> Cách giúp trẻ học online tại nhà hiệu quả và không ảnh hưởng sức khỏe

>>> Cha mẹ nên hay không nên can thiệp vào tiền lì xì của trẻ?

>>> Mẹo hay giúp chấm dứt tình trạng say xe ở trẻ

>>> Cha mẹ nên làm gì để giúp con không “nghiện” mạng xã hội?

>>> Trẻ chậm nói đâu phải tự nhiên, cha mẹ cần làm gì?

>>> Cha mẹ cần làm gì để thuyết phục trẻ ngủ 1 mình?

>>> Rửa mũi bằng nước muối tại nhà cho trẻ cần lưu ý gì?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X