Hotline 24/7
08983-08983

Cách giúp trẻ học online tại nhà hiệu quả và không ảnh hưởng sức khỏe

Học online trẻ sẽ phải sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài có thể dẫn đến mỏi mắt, đau đầu. Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Mời bạn đọc theo dõi phần chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh ngay trong bài viết dưới đây!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ưu nhược điểm của học trực tuyến là gì?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, tính đến thời điểm này đã có 28 địa phương cho học sinh lùi thời gian đến trường sau Tết do đại dịch COVID-19 phức tạp và chuyển sang hình thức học online. Nhiều người lo lắng rằng, việc học trực tuyến này sẽ không mang tới nhiều hiệu quả. Xin hỏi BS, những ưu điểm và hạn chế của học trực tuyến là gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc học online được chia thành 2 nhóm:

- Thứ nhất: một số người không có thời gian để đến trường nên học online, thường đây là những người lớn. Rất nhiều người thành công nhờ vào phương pháp học online. Ngay cả những bạn đang học đại học nếu muốn học thêm về toán, lý, hóa,…, vô mạng truy cập google, youtube sẽ cung cấp thêm rất nhiều kiến thức. Nếu biết cách học thì đây là một phương pháp khá hữu ích và có nhiều lợi điểm cho những ai không có thời gian để đến lớp.

- Thứ hai trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, các em nhỏ bắt buộc phải học online:

+ Lợi điểm: có thể học tại nhà không cần mặc đồng phục; có thể vừa nghe giảng vừa uống nước, ăn bánh,… Có thể chủ động được góc ngồi có đủ ánh sáng.

+ Bất lợi: Không có sự tương tác ngược lại giữa thầy giáo và học trò. Các bạn nhỏ đến trường không chỉ được đi học mà còn phải được vui chơi, sinh hoạt cùng bạn bè; nhưng nếu học tại nhà thì trẻ không được vui chơi nhiều cùng bạn bè nữa đây là điều khá đáng tiếc. Tuy nhiên với phương pháp học online như vậy các bé vẫn có thể tương tác qua video với nhau qua những giờ nghỉ ngơi.

Nên nhớ việc học online trong trường hợp này là không thể thay thế được. Nếu không chịu học (trẻ dù hay lớn hay nhỏ) sẽ bị mất bài; khi quay trở lại trường lớp sẽ phải học thêm nhiều, rất cực.

Nếu chúng ta cố gắng cùng nhau làm tốt trong việc chống dịch ở thời điểm này thì thời gian học online cho các bé sẽ ngắn lại và các em sẽ sớm được hòa nhập với môi trường có lớp học, thầy cô, bạn bè và được tương tác qua lại với nhau tốt hơn.

2. Cách giúp con thiết lập thời gian biểu sau nghỉ Tết

Trong thời gian nghỉ trẻ được vui chơi thỏa thích, vì vậy khi hết Tết trẻ thường “biếng học” tìm đủ mọi lý do để trốn tránh. Với những trẻ nhỏ, nhất là cấp 1, cha mẹ cần làm gì để giúp con thiết lập thời gian biểu cho hợp lý?

Các bậc phụ huynh đóng vai trò như thế nào trong việc này, nên vạch sẵn kế hoạch để con thực hiện hay nên hướng dẫn để con tự xây dựng thời khóa biểu cho riêng mình?

BS Trương Hữu Khanh:

Việc sau khi nghỉ Tết, nghỉ hè dù có vui mấy thì vẫn phải đi học lại. Thật ra khi đã quen nghỉ và sau đó chúng ta tái khởi động lại việc đi học cho trẻ cũng phần nào khiến trẻ hơi buồn và chán. Việc các bé hơi buồn, khó chịu và luyến tiếc thời gian nghỉ là chuyện hết sức bình thường. Chúng ta cần giải thích cho trẻ việc đi học là bắt buộc có như vậy trẻ mới lớn được; khuyên răn từ từ trẻ sẽ vô khuôn phép.

Tuy nhiên, nên khuyên và dặn dò trẻ một ngày trước khi đi học. Ví dụ, trẻ được nghỉ tới mùng 6 Tết thì từ mùng 5 chúng ta đã phải nói với trẻ. Đừng để trẻ vui chơi quá đà tới tận khi đi học mới bắt đầu nói với trẻ, ép trẻ thì đây là điều sai lầm. Tâm lý của mỗi đứa trẻ luôn dễ dàng chỉ cần biết cách nói trẻ sẽ nghe theo.

Nên để trẻ xây dựng thời khóa biểu cho riêng mình nếu không thì chúng ta nên dặn dò trẻ ăn giờ nào, ngủ giờ nào và chơi giờ nào,… tùy vào mỗi gia đình. Đa số các em bé nhỏ dưới cấp 3 thì cần bắt buộc bố mẹ sẽ phải tham gia trong việc thay đổi thói quen cho trẻ, vì ít khi nào trẻ có thể tự làm được điều này.

3. Làm sao để con tự giác học tập?

"Tự học" là một khái niệm không mới. Nhưng để thực hiện việc tự học đúng nghĩa và hiệu quả, lại là một quá trình đòi hỏi sự quyết tâm, kỷ luật của người học. BS có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm, làm thế nào để các bậc phụ huynh giúp các con xây dựng tính tự giác trong học tập?

BS Trương Hữu Khanh:

Con nít chắc chắn sẽ ham chơi hơn ham học. Tỉ lệ tự học chỉ xảy ra ở tình huống như: khi trẻ sắp thi chuyển cấp, sắp thi học kì,… Việc chúng ta nhắc nhở trẻ khi đi học lại, khi chuẩn bị đến kì thi,… là chuyện hết sức bình thường. Cần khuyên trẻ trước một ngày khi đến lớp.

Để việc học online có hiệu quả nên giúp trẻ lựa chọn một chỗ ngồi học tốt, âm thanh, ánh sáng tốt, thông tin nghe được từ giáo viên rõ ràng… Ở giai đoạn đầu cần giám sát khi trẻ học vì tính tự giác đối với trẻ ở thời điểm này còn rất kém; đặc biệt nếu tự ngồi ở nhà học.

4. Lưu ý khi học online để không ảnh hưởng sức khỏe?

Trẻ sử dụng máy tính, điện thoại để học trong thời gian dài có thể dẫn đến mỏi mắt, đau đầu. Làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Cần lưu ý gì khi học online để không ảnh hưởng sức khỏe?

BS Trương Hữu Khanh:

Cha mẹ cần lưu ý những điều như sau:

  • Màn hình phải đủ lớn đủ sáng (không quá sáng)
  • Khoảng cách giữa trẻ ngồi với màn hình phù hợp.
  • Âm thanh nghe được phải thật tốt, đường truyền mạng tốt
  • Trang bị tai nghe không quá lớn.
  • Cần chú ý trang bị thêm nước
  • Tính toán thời gian gian giải lao, nghỉ ngơi, tập thể dục tại chỗ.

5. Giúp con không cảm thấy bi bách khi ở nhà, cha mẹ nên làm gì?

Thời gian nghỉ dài ngày do COVID-19 có thể khiến trẻ cảm thấy bí bách, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. BS có thể chia sẻ những việc gì các em có thể thực hiện tại nhà, vừa giải tỏa tâm lý, vừa hữu ích cho sức khỏe?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi chúng ta quyết định học online hay cho trẻ hạn chế ra ngoài thì chúng ta cần có những khoảng thời gian tập thể dục, vận động, vui chơi, giải trí. Hiện nay trong tình hình dịch bệnh không phải tất cả mọi người đều không được ra đường vì chỉ những tỉnh phong tỏa mới áp đụng điều này. Ở những tỉnh khác vẫn có thể cho trẻ ra khoảng không vui chơi nhất định. Tập cho trẻ đeo khẩu trang, rửa tay,…

Tôi rất thông cảm cho các bậc phụ huynh bởi ở thời điểm này chúng ta tốn rất nhiều thời gian; vừa đi làm phải vừa chăm con, lựa chọn giờ giấc dẫn con đi ra ngoài, thể dục thể thao vận động. Tuy nhiên đây cũng có thể xem như là khoảng thời gian để chúng ta gắn bó hơn với trẻ.

6. Cách bảo vệ con khi trở lại trường học mùa COVID-19?

Khi mùa dịch COVID-19 kết thúc, trẻ em trở lại trường học thì bản thân các em và phụ huynh cần lưu ý điều gì thưa BS? Nên trang bị kỹ năng gì cho trẻ và chuẩn bị những vật dụng cần thiết nào để phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn?

BS Trương Hữu Khanh:

Có lẽ các bé rồi cũng sẽ phải đi học lại, vấn đề quan trọng là thời gian, tôi cũng hy vọng điều này sớm hơn. Ở nhà mãi cũng thành thói quen khi đi học trở lại chúng ta nên nhắc nhở trẻ ở giai đoạn đầu mình phải mang khẩu trang, không được đến những nơi không cần thiết, tới trườn rồi về nhà, lên kế hoạch cụ thể cho trẻ.

Khi xã hội thoải mái thì chúng ta sẽ sinh hoạt bình thường như lúc trước. Cần nhắc nhở trẻ không nên đi lung tung đặc biệt là những trẻ ở tuổi vị thành niên lớp 8, 9, 10. Cần giáo dục trẻ nơi nào đến được, nơi nào đến thì nên mang khẩu trang.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X