Hotline 24/7
08983-08983

Trẻ sắp quay lại trường học, nên tiêm vắc xin nào để bảo vệ trước 4 bệnh nguy hiểm?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định tiêm ngừa phế cầu chính là “vũ khí tối thượng” giúp trẻ chủ động phòng vệ trước 4 căn bệnh nguy hiểm: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Phần 1: 4 bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu gây ra, cha mẹ đã biết chưa?

1. Cần làm gì để bảo vệ trẻ trước sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn?

Trước sự nguy hiểm của phế cầu khuẩn, các bậc phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con yêu thưa BS? Từ khi đại dịch COVID-19 phủ sóng khắp toàn cầu các biện pháp như tránh tiếp xúc hoặc đến nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng trở nên phổ biến hơn, liệu những điều này có giúp ích trong việc bảo vệ trẻ khỏi phế cầu khuẩn?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Vi khuẩn phế cầu lây lan thông qua cơ chế giọt bắn tương tự như virus SARS-CoV-2. Như vậy, nhiều bậc phụ huynh lập tức liên sẽ tưởng đến thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng tránh bệnh COVID-19, trong đó có biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay.

Tuy nhiên, nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi thường có nguy cơ cao mắc bệnh do phế cầu. Song, việc đeo khẩu trang cho những trẻ này cũng là một vấn đề nan giải. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể áp dụng những thông điệp khác trong khuyến cáo 5K, chẳng hạn như hạn chế để trẻ đến nơi đông người và vệ sinh tay thường xuyên.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh có thể tăng cao hàng rào bảo vệ trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ - một cách hiệu quả giúp trẻ có sức đề kháng cao để đối mặt với nhiều bệnh, trong đó có phế cầu.

Tuy nhiên, những cách kể trên đều là phương pháp tạm thời, thụ động mà chúng ta đang cố gắng bảo vệ trẻ. Thay vào đó, chúng ta có thể giúp trẻ chủ động bảo vệ bản thân bằng cách chủng ngừa. Có thể nói, chủng ngừa phế cầu là một “vũ khí tối thượng” trong phòng ngừa phế cầu.

2. Việc trì hoãn tiêm ngừa phế cầu ảnh hưởng gì đến trẻ?

Như BS có chia sẻ thì việc tiêm vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn là một vũ khí tối thượng giúp bảo vệ trẻ. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19 vừa rồi, khi làn sóng COVID-19 còn khá phức tạp thì việc tiêm ngừa cho trẻ em cũng bị trì hoãn khá nhiều. Vậy điều này ảnh hưởng như thế nào, thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Trong đại dịch vừa rồi, chúng ta gặp khó khăn từ nhiều phía. Nhiều phụ huynh rất muốn cho con đi tiêm ngừa nhưng cũng không thể bởi ngay thời điểm đó những hệ thống tiêm ngừa cũng hoạt động rất hạn chế. Bên cạnh đó, những yếu tố ảnh hưởng khác như: tâm lý e ngại ra đường hoặc khu vực nhà ở bị cách ly,… cũng khiến việc tiêm ngừa phế cầu cho trẻ bị trì hoãn rất nhiều.

Khi chúng ta dần mở cửa, trẻ bắt đầu quay trở lại trường học, nếu trẻ không nhận được những mũi tiêm ngừa quan trọng thì khả năng mắc các bệnh lý - lẽ ra có thể ngừa bằng vắc xin sẽ gia tăng và để lại những hệ luỵ rất lớn.

Chính vì vậy, đây chính là thời điểm rất tốt để quý phụ huynh có thể đưa trẻ tiêm nhắc lại những mũi còn thiếu, trong đó có vắc xin ngừa phế cầu.

3. Vắc xin có hiệu quả bảo vệ với cả 4 bệnh do phế cầu khuẩn gây ra?

Vắc xin liệu có giúp trẻ phòng vệ toàn diện trước cả 4 mặt bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng máu do phế cầu gây ra hay chỉ có tác dụng đối với 1 bệnh, thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Khi nhắc đến vắc xin ngừa phế cầu, một số phụ huynh sẽ liên tưởng đến chữ “phế”, nghĩa là “phổi”, nên nghĩ rằng vắc xin chỉ ngừa được một bệnh lý là viêm phổi.

Tuy nhiên, vắc xin hoàn toàn có thể ngừa được tất cả những bệnh lý do phế cầu gây ra, kể cả những bệnh lý có biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao như: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa.

4. Thời điểm nào nên chủng ngừa phế cầu cho trẻ?

Thưa BS, đâu là “thời điểm vàng” để chủng ngừa phế cầu khuẩn cho trẻ em? Vì sao?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Vắc xin phế cầu có thể bắt đầu tiêm cho trẻ khi đủ 6 tuần tuổi. Theo đó, kể từ mốc 6 tuần tuổi trở đi, “thời điểm vàng” để tiêm vắc xin phế cầu cho trẻ chính là thời điểm sớm nhất mà phụ huynh có thể đưa trẻ đi chủng ngừa.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành Y

5. Sau tiêm vắc xin ngừa phế cầu, bao lâu mới có kháng thể?

Liệu trình chủng ngừa phế cầu cho trẻ gồm bao nhiêu mũi, vào những mốc nào? Sau khi tiêm vắc xin ngừa phế cầu, bao lâu mới có kháng thể? Nếu tiêm đủ số mũi trẻ sẽ được bảo vệ trong bao lâu và khi trưởng thành có cần tiêm nhắc lại?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Mốc thời gian tiêm ngừa phế cầu sẽ thay đổi tuỳ vào loại vắc xin sử dụng và lứa tuổi của trẻ.

Ví dụ, trẻ dưới 6 tháng thì thường được chỉ định tiêm 3 mũi vắc xin. Theo đó, mũi đầu tiên sẽ bắt đầu khi trẻ đủ 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tiêm mũi đầu tiên khi trẻ đã 2 - 4 tháng tuổi, sau đó tiêm mũi nhắc. Do đó, khi phụ huynh đưa trẻ tới khám, các bác sĩ sàng lọc sẽ tư vấn lịch tiêm phù hợp nhất cho trẻ.

Một vấn đề mà nhiều người quan tâm chính là làm sao biết được trẻ đã sinh ra kháng thể hay chưa, liệu có cần phải thực hiện xét nghiệm đo kháng thể tương tự như bệnh COVID-19. Thực tế, chúng ta không phải thực hiện xét nghiệm này bởi nếu trẻ đã nhận đủ những mũi tiêm ngừa theo khuyến cáo thì khả năng rất cao đã tạo được kháng thể bảo vệ bản thân.

6. Tiêm ngừa phế cầu khuẩn với các vắc xin khác có gây tương tác?

Trẻ từ độ tuổi 6 tuần trở lên là bắt đầu chủng ngừa nhiều loại vắc xin khác nhau như virus Rota, 6 trong 1. Nếu tiêm thêm vắc xin phế cầu trong giai đoạn này có gây tương tác thuốc không thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Nhiều phụ huynh thường lo lắng về độ an toàn, cũng như hiệu quả của vắc xin.

Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh vắc xin ngừa phế cầu có thể tiêm cùng lúc với hầu hết những vắc xin còn lại. Tất nhiên sẽ có một vài trường hợp rất hiếm vắc xin phế cầu sẽ không tiêm chung được với 1, 2 loại vắc xin. Theo đó, các bác sĩ sàng lọc sẽ tư vấn cho quý phụ huynh về tình huống này.

Ngoài ra, quý phụ huynh có thể yên tâm rằng nếu tiêm vắc xin ngừa phế cầu cùng trong một ngày hoặc khoảng cách gần với những vắc xin khác thì hiệu quả cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

14. Tiêm nhiều vắc xin cùng lúc có khiến trẻ dễ gặp tác dụng phụ hơn?

Nhiều mẹ bỉm sữa lo lắng, việc tiêm nhiều vắc xin cùng lúc sẽ gây quá tải khiến cơ thể khó hấp thu và dễ gặp tác dụng phụ hơn, điều này có đúng không ạ? Những loại vắc xin nào cần tiêm xa thời điểm chích phế cầu?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều quý phụ huynh. Thực tế sẽ không có chuyện nếu trẻ tiêm ngừa nhiều vắc xin cùng lúc thì phản ứng tác dụng phụ sẽ tăng lên. Hầu như khi tiêm nhiều vắc xin thì tác dụng phụ cũng tương đồng với việc tiêm 1 loại.

Có những nghiên cứu cho thấy khi tiêm nhiều vắc xin cùng lúc thì tác dụng phụ sẽ tăng lên một chút, từ mức độ 1 sẽ tăng lên mức độ 1,2 hay 1,3. Nhưng cũng có những nghiên cứu cho thấy kết quả ngược lại rằng khi tiêm nhiều vắc xin như vậy thì tác dụng phụ sẽ hạ xuống từ mức độ 1 xuống mức độ 0,8 hoặc 0,9. Nhìn chung, các tác dụng phụ xảy ra sẽ không thay đổi nhiều.

Ngay từ khi mới sinh ra, kể cả sinh non, dù cơ thể vẫn rất yếu nhưng trẻ đã có thể tiếp nhận được những mũi vắc xin như lao hoặc viêm gan siêu vi B mà không gặp vấn đề gì hết. Ngay cả những việc trẻ ăn dặm hay sinh hoạt hằng ngày thì mỗi ngày trẻ sẽ tiếp xúc với hàng ngàn kháng nguyên mới. Vậy nên, không có lý do gì trẻ chỉ tiếp xúc với một vài kháng nguyên đã được tinh lọc và nghiên cứu kỹ lại có thể làm cho trẻ nguy hiểm hoặc không an toàn.

Xin trân trọng cảm ơn Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GSK đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X