Hotline 24/7
08983-08983

Tiêu chảy cấp do virus Rota ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

Trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota sẽ nguy hiểm ra sao? Có nên dùng kháng sinh để điều trị? Cha mẹ cần chăm sóc con thế nào cho đúng?,... Tất cả thắc mắc trên của quý phụ huynh sẽ được PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp ngay sau đây!

Phần 2: Mốc 6 tuần tuổi có ý nghĩa như thế nào trong việc chủng ngừa virus Rota?

1. Phụ huynh nên cẩn trọng với virus Rota ở trẻ nhỏ

Thưa BS, tiêu chảy cấp là tình trạng phổ biến ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý này là virus Rota. Nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ, tiêu chảy do virus Rota ở Việt Nam phổ biến đến mức nào mà khiến các chuyên gia liên tục đưa ra các cảnh báo? Tình trạng này ảnh hưởng sức khỏe trẻ nhỏ ra sao ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời:

Phần lớn mọi người đều nghĩ tiêu chảy là do vi trùng, hoặc ăn trúng món gì đó dẫn đến bệnh này. Tuy nhiên, tác nhân hàng đầu gây tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em lại là do virus Rota.

Theo thống kê, cứ mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 trẻ em trên thế giới tử vong liên quan đến tiêu chảy do virus Rota.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 2.500 đến 5000 trẻ em tử vong liên quan đến virus Rota. Trong số những trẻ nhập viện, virus Rota chiếm tỷ lệ 55%.

Cho nên, nước ta cũng là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra, và cũng đang phải đối phó rất vất vả với bệnh này.

2. Tại sao trẻ càng nhỏ càng dễ bị “tấn công” bởi virus Rota

Theo thống kê, 95% trẻ em bị nhiễm virus Rota ít nhất 1 lần trước 5 tuổi. Nguyên nhân nào đưa đến điều này thưa BS? Vì sao trẻ em càng nhỏ tuổi càng dễ bị “tấn công” bởi virus Rota? Đường lây truyền và tốc độ lây nhiễm của virus này ra sao ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời:

Tính từ lúc trẻ mới sinh đến 5 tuổi bị nhiễm virus Rota ít nhất 1 lần là tính chung, còn thực tế trung bình phải 2 lần.

Làm cha mẹ rồi mới thấy nuôi 1 đứa con rất khổ sở, nếu con bị tiêu chảy sẽ càng khổ sở hơn. Vì virus Rota gây tiêu chảy rất dữ dội khiến 1 ngày trẻ có thể đi tiêu trên 20 lần. Đặc biệt, virus Rota lại rất hay tấn công trẻ ở độ tuổi 6 tháng đến 2 tuổi.

Nguyên nhân đầu tiên là do trẻ dưới 6 tháng thường bú mẹ hoàn toàn, trong sữa mẹ lại có chất bảo vệ em bé. Nhưng sau 6 tháng trẻ bú mẹ giảm dần và bắt đầu ăn dặm, biết bò, ngồi, cầm nắm đồ chơi và khám phá thế giới xung quanh, lúc này sự bảo vệ từ trẻ chưa nhiều, mà nguồn cung cấp từ mẹ lại giảm đi.

BS.CK1 Bạch Thị Chính - Giám đốc Y Khoa Toàn quốc Hệ thống Tiêm Chủng VNVC (trái) và PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội tổng quát 2, Bệnh viện Nhi đồng 1 (giữa) trong chương trình trò chuyện cùng chuyên gia, phát sóng lúc 20 giờ, ngày 17/12/2021.

Thứ 2, virus Rota rất cứng đầu, sống dai và khó trị, nên cơ hội để trẻ tiếp xúc với nó ngày càng cao. Bên cạnh đó, xà bông rửa tay thông thường lại không thể tiêu diệt được chúng, với các động tác rửa tay đúng cách cũng chỉ làm trôi bớt virus phần nào. Nếu sử dụng nước tẩy rửa hoặc cồn may ra mới có chất tiêu diệt được chúng.

Thứ 3, virus Rota lây lan rất nhanh và khủng khiếp. Ước tính nếu không may nuốt phải 100 con virus Rota, trẻ có thể bị lây bệnh và có triệu chứng tiêu chảy. Trong khi lượng bệnh một người thải ra lại rất nhiều. Ước tính trong 1 ml phân của trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thấy vài trăm triệu, thậm chí đến cả tỷ con virus trong đó.

Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy nguy cơ bị lây nhiễm virus Rota khá cao.

3. Biến chứng ở trẻ bị tiêu chảy do virus Rota là gì?

Như BS vừa chia sẻ, nhiễm virus Rota có thể đưa đến những biến chứng rất nặng, từ mất nước, thậm chí là tử vong. Vậy những biến chứng nguy hiểm này thường rơi vào độ tuổi nào nhiều nhất ạ? Trong đó, biến chứng nào là phổ biến nhất?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời:

Độ tuổi 6 tháng đến 2 tuổi rất dễ bị virus Rota và cũng dễ trở nặng. Thường xảy ra ở trẻ có cơ địa đặc biệt như suy dinh dưỡng, trẻ đang sử dụng thuốc khiến sức đề kháng giảm, hoặc có bệnh lý kèm theo (vừa tiêu chảy vừa viêm phổi/viêm màng não), khi mắc nhiều bệnh 1 lúc sẽ làm cho biến chứng nặng và tử vong nhiều hơn.

Trong rất nhiều loại biến chứng, có 2 loại thường gặp nhất là rối loạn điện giải. Trong cơ thể có rất nhiều chất điện giải như kali, natri, canxi,… khi bị mất nước các chất này sẽ cô đặc và có thể thất thoát, biến đổi, làm ảnh hưởng tim, phổi, não trẻ.

Thứ 2 là tình trạng sốc. Nếu trẻ mất nước không bồi hoàn sẽ dễ khiến trẻ sốc, trụy tim và dẫn đến tử vong.

4. Nguyên nhân khiến tiêu chảy do virus Rota diễn tiến nhanh?

Trong phần 1 BS chia sẻ một thông tin đáng ngạc nhiên: riêng tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do virus Rota. Vì sao tỷ lệ nhập viện này lại cao đến vậy thưa BS? Là vì bệnh diễn tiến nhanh hay vì nguyên nhân nào khác, chẳng hạn như thói quen chăm sóc trẻ chưa đúng cách?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời:

Thứ nhất, bản thân virus Rota là tác nhân hàng đầu. Tại các bệnh viện, đặc biệt Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 ở phía Nam hoặc các bệnh viện Nhi tại phía bắc thấy rằng, 50-55% trẻ nhập viện tiêu chảy thử phân đều chứa virus Rota.

Thứ 2, có thể do cách chăm sóc trẻ không hợp lý. Xu hướng người Việt hoặc các nước đang phát triển nói chung rất thích dùng kháng sinh. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị tiêu chảy liền tự ra hiệu thuốc mua thuốc, trong đó có kháng sinh làm cho tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn.

Thứ 3, đến bệnh viện trễ. Do tự điều trị ở nhà không được mới vội vàng đưa trẻ đến viện, thì tình trạng đã diễn tiến nặng.

5. Tiêu chảy do virus Rota được điều trị ra sao?

Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng vẫn không hiếm gia đình chủ quan trước căn bệnh này. Trong đó, nhiều người cho rằng, kháng sinh có thể điều trị tiêu chảy cấp do virus Rota nên tự ý mua thuốc cho con. Xin hỏi BS tiêu chảy do virus Rota được điều trị như thế nào? Kháng sinh liệu có hiệu quả với virus này? Lạm dụng kháng sinh trong trường hợp này dẫn đến hậu giả gì?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời:

Việc chủ động xử trí sớm tại nhà cũng có mặt lợi, vì không phải trường hợp nào cũng cần tới bệnh viện. Trong đó, điều quan trọng nhất là uống bù nước.

Tuy nhiên, một số cha mẹ lo lắng đã tự mua thuốc cho con uống, trong đó có kháng sinh, hoặc mua bù nước nhưng uống và pha không đúng cách làm hiệu quả giảm đi.

Do đó, khi chăm sóc tại nhà điều quan trọng cần nhớ là phải chăm sóc đúng, khoa học và theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Cụ thể, cần uống nhiều - ăn đủ - tái khám.

Thứ nhất, uống nhiều: Nếu trẻ đang bú mẹ thì nên cho bú liên tục, bú bất cứ khi nào bé muốn, hễ đòi là cho bú. Ngoài ra, có thể uống nước cơm, nước cháo, nước sôi để nguội, nước dừa tươi,… nhưng không nên uống nước có ga hoặc quá ngọt. Vì nước có ga có thể làm trẻ nôn ói và uống quá ngọt khiến trẻ đi cầu nhiều hơn, dẫn đến mất tác dụng khi điều trị.

Thứ 2, ăn đủ: Khi bị tiêu chảy sẽ khó ăn và không ngon miệng nên cố gắng ăn đủ, bằng cách chia nhỏ cữ ăn, đảm bảo cho trẻ đủ năng lượng để vượt qua bệnh và nhiều chất dinh dưỡng để mau hồi phục cơ thể.

Thứ 3, tái khám: Khi trẻ có các dấu hiệu sau cần nhanh chóng cho trẻ đi bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế gần nhất:

  • Nằm lì bì, không tỉnh táo.
  • Nôn ói tất cả mọi thứ, bao gồm cả đồ ăn, nước uống.
  • Đi cầu phân có máu.
  • Sốt hoặc sốt cao (39, 40 độ).
  • Xuất hiện cơn co giật.
  • Linh cảm của mẹ thấy con khác lạ không yên tâm.

6. Cách chăm sóc trẻ khi bị tiêu chảy do virus Rota

Vậy cha mẹ cần chăm sóc con như thế nào khi được chẩn đoán nhiễm virus Rota? Những điều cần làm và những điều cần tránh là gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời:

Giữa rừng thông tin như hiện tại để chọn lựa được thông tin khoa học, hợp lý sẽ rất khó. Do đó, cha mẹ nên theo dõi các chương trình trên đài phát thanh, đài truyền hình, hay các buổi hội thảo tại đại học, bệnh viện dành riêng cho các bậc cha mẹ để có được thông tin chính thống.

Hoặc đọc bài trên mạng nhưng thông tin phải được đính chính từ bác sĩ làm việc tại bệnh viện chuyên ngành đúng với điều mình đang mong muốn.

Tôi nhắc lại khi con bị tiêu chảy cha mẹ cần nhớ 3 điều: uống nhiều - ăn đủ - tái khám ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường.

Ngược lại, không nên cho trẻ uống kháng sinh bừa bãi khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không nghe kinh nghiệm truyền tai nhau, vì có thể phù hợp với trẻ khác nhưng với con mình thì không. Nếu cứ chần chừ ở nhà làm theo những lời khuyên trên sẽ vô tình khiến tình trạng trẻ nặng hơn.

Trân trọng cảm ơn Liên Chi Hội Bác Sĩ Gia Đình TPHCM và VPĐD GSK Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X