Hotline 24/7
08983-08983

Mốc 6 tuần tuổi có ý nghĩa như thế nào trong việc chủng ngừa virus Rota?

Theo BS.CK1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, thời điểm sớm và tốt nhất để chủng ngừa virus Rota cho trẻ là 6 tuần tuổi. Vì nếu chủng ngừa sớm khả năng tạo miễn dịch của trẻ chưa tốt, ngược lại sẽ khiến trẻ nhiễm virus và mắc bệnh nặng.

Phần 1: Tiêu chảy cấp do virus Rota ở trẻ nhỏ nguy hiểm như thế nào?

1. Tầm quan trọng của vắc xin phòng virus Rota

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song may mắn virus Rota lại có vắc xin phòng ngừa. Trước tiên xin hỏi BS, vắc xin có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ trẻ trước virus Rota? Trước đó trong lịch sử, liệu nó đã tạo ra cuộc “cách mạng” nào trong việc phòng ngừa?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Virus Rota lây truyền qua đường phân, miệng và chỉ cần 1 lượng ít virus đã có thể lây truyền bệnh. Loại virus này rất cứng đầu với các chất tẩy rửa thông thường, ví dụ rửa tay bằng xà phòng chỉ giúp trôi virus không diệt được mầm bệnh.

Trong khi đó, 55% trường hợp nhập viện tiêu chảy đều do virus Rota. Bệnh gây ra viêm dạ dày ruột, trẻ sẽ ôn ói và tiêu chảy nhiều.

Với trẻ nhỏ chỉ có thể điều trị bằng cách bù nước, nên nếu trẻ càng nhỏ thì việc bù nước càng khó khăn. Bên cạnh đó, nếu nôn ói nhiều thì nguy cơ tử vong càng cao.

Mặc dù không có thuốc điều trị đặc hiệu virus Rota, nhưng may mắn hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật đối với trường hợp tiêu chảy do virus Rota thì cách lựa chọn tốt nhất vẫn là cho trẻ tiêm vắc xin.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, tuổi tối thiểu để tiêm vắc xin phòng virus Rota an toàn và hiệu quả là bắt đầu từ 6 tuần tuổi.

2. Liệu trình tiêm vắc xin phòng virus Rota cần bao nhiêu liều?

Trẻ em ở độ tuổi nào cần được chủng ngừa virus Rota thưa BS? Một liệu trình cần bao nhiêu liều? Vì sao mỗi trẻ cần phải uống đủ 2 liều và cần hoàn tất chủng ngừa trước 6 tháng tuổi ạ?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Hiện, tại Việt Nam sẽ có liệu trình gồm 2 liều hoặc liệu trình 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 4 tuần.

Ví dụ, với liệu trình 2 liều chỉ cần đưa trẻ tới cơ sở tiêm chủng 2 lần là có thể hoàn thành phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota.

Do đó, tôi mong muốn các bậc phụ huynh không nên ngần ngại khi đưa con/em mình tới bệnh viện hoặc cơ sở tiêm chủng để được uống phòng tiêu chảy do virus Rota.

BS.CK1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC

3. Vì sao 6 tuần tuổi là “thời điểm vàng” tiêm vắc xin phòng virus Rota?

6 tuần tuổi là mốc chủng ngừa lý tưởng do virus Rota. Nhưng xin hỏi BS, lý do nào các nhà khoa học lại chọn mốc này là “thời điểm vàng” mà không phải là những cột mốc khác trong hành trình phát triển của trẻ ạ? Nếu chủng ngừa trễ hơn thời điểm tối đa là sau 6 tháng tuổi, liệu hiệu quả của vắc xin có được trọn vẹn?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Có lẽ bất kỳ người cha người mẹ nào cũng đều mong muốn bảo vệ con mình sớm nhất có thể bởi chúng ta đều biết rằng trẻ nhỏ khi bị thường sẽrất nặng. Hiểu được nỗi lo lắng này, các nhà khoa học đã nghiên cứu thời gian lý tưởng nhất để chủng ngừa các loại virus cho trẻ. Kết quả cho thấy, nếu chủng ngừa sớm quá thì khả năng tạo miễn dịch của trẻ chưa tốt nhưng nếu chủng ngừa trễ quá thì trẻ đã bị nhiễm virus và mắc bệnh nặng.

Theo đó, thời điểm sớm và tốt nhất để chủng ngừa cho trẻ chính là 6 tuần tuổi. Người ta ước tính rằng, nếu chúng ta bỏ chi phí để phòng ngừa tiêu chảy bằng cách uống vắc xin, cải thiện nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì “cứ 1 đồng bỏ ra chúng ta sẽ lãi được 25 đồng”. Bởi trên thực tế, nếu trẻ bị bệnh thì phụ huynh sẽ tốn rất nhiều chi phí như: tiền nhập viện, thuốc, tã,…

4. Làm sao để phòng tránh virus Rota cho trẻ?

Ngoài vắc xin, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh virus Rota cho trẻ? Nhất là trong mỗi giai đoạn khác nhau như: trẻ biết bò, trẻ tập đi và khi vào độ tuổi đi nhà trẻ.

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Virus Rota lây từ đường phân - miệng, có nghĩamầm bệnh trong các hạt phân từ trẻ bị nhiễm virus Rota có thể truyền sang miệng của trẻ khác. Nguyên nhân là do vệ sinh đồ chơi của trẻ bị bệnh không đảm bảo, hoặc không vệ sinh đầy đủ mặt bàn, sàn nhà, thức ăn, nước uống,…

Theo đó, để phòng ngừavirus Rota, quý phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

Đối với trẻ biết bò, giai đoạn này trẻ vẫn còn nhỏ nên phụ huynh vẫn nên đảm bảo trẻ được bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng tuổi, thậm chí có thể cho trẻ bú đến 2 tuổi. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn dặm đúng cách, đúng tuổi. Thông thường, sau khi em bé tròn 6 tháng tuổi thì bắt đầu tập ăn dặm. Vì vậy, ba mẹ không nên cho con ăn sớm quá, đặc biệt nếu trẻ ăn trước 4 tháng tuổi thì rất dễ bị tiêu chảy.

Đối với trẻ tập đi, những trẻ này thường thích khám phá, ngậm đồ chơi hay bất cứ thứ gì cầm trên tay. Do đó, những đồ vật xung quanh trẻ cần phải đảm bảo sạch sẽ.

Đối với trẻ ở độ tuổi đi nhà trẻ, các cô giáo phải được huấn luyện rằng nên đặc biệt vệ sinh sạch sẽ cho trẻ sau khi chúng đi đại tiện. Bởi vết dơ chúng ta thấy chỉ bằng mắt thường, trong khi đó virus có thể lan rộng ra nên chúng ta phải chú ý vấn đề này. Nếu con có dấu hiệu tiêu chảy hay cảm sốt thì phụ huynh nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi đến khi ổn rồi mới trở lại trường để không để lây cho những đứa trẻ khác.

Đối với trẻ lớn, chúng ta cần phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích trẻ hạn chế nên mua đồ ăn trước cổng trường vì đa số thường không đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt,phụ huynh nên dạy trẻ rửa tay thường xuyên bởi đôi tay là nơi mà trẻ thường đưa lên miệng nhất.

Tóm lại, chúng ta cần phải đảm nguồn nước uống thật sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

5. Liệu có thể chủng ngừa virus Rota và phế cầu khuẩn cùng lúc?

Thưa BS, bé nhà em được 6 tuần tuổi. Em được biết đây là thời điểm để chủng ngừa virus Rota, phế cầu khuẩn. Em có thể cho bé chủng ngừa 1 lúc 2 loại vắc xin này không ạ? Vắc xin phòng Rota liệu có phản ứng với các vắc xin khác?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Hiện nay, tại Việt Nam, vắc xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus và vắc xin ngừa phế cầu khuẩn đều được khuyến cáo tiêm từ lúc trẻ đủ 6 tuần tuổi.

Một đứa trẻ khi mới sinh đã được tiêm 2 mũi cùng 1 lúc, vừa ngừa lao, vừa ngừa viêm gan B. Có thể thấy, trẻ có thể tiếp xúc với nhiều loại kháng nguyên trong cùng một lúc và hệ miễn dịch hoàn toàn có thể đảm bảo được vấn đề sinh ra đáp ứng miễn dịch để phòng bệnh.

Vì vậy, những nhà sản xuất khiđã khuyến cáo thời gian chủng ngừa thì họ đã có những nghiên cứu chứng minh được độ tuổi an toàn để tiêm cho trẻ. Nếu vắc xin đảm bảo an toàn và hiệu quả thì chúng ta có thể cho trẻ chủng ngừa cùng một lúc 2 loại vắc xin ngừa tiêu chảy và phế cầu khuẩn trong cùng một ngày.

6. Có thể hoãn uống liều 2 vắc xin ngừa virus Rota đến khi nào?

Thưa BS, con tôi được BS cho uống 2 liều Rota, hiện tại bé đã uống được liều 1 nhưng cho giãn cách vì COVID-19 nên chưa uống được liều 2. Vậy có thể hoãn liều 2 đến khi nào ạ?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Trẻ có thể bắt đầu một liệu trình uống vắc xin từ 6 tuần tuổi. Với mỗi vắc xin khác nhau sẽ có số liều khác nhau.Nếu bạn đã được bác sĩ tư vấn 2 liều và trẻ bắt đầu tiêm từ 6 tuần tuổi thìthời gian uống liều thứ 2 có thể cách liều 1 là 4 tuần. Tuy nhiên, nếu đã trễ lịch chủng ngừa liều 2 thì trẻ vẫn có thể hoãn trong vòng 6 tháng.

Do đó, khi đã qua giai đoạn hết giãn cách thì bạn nên đưa trẻ đến cơ sở tiêm chủng sớm nhất có thể để chủng ngừa liều còn lại, giúp trẻ được bảo vệ một cách tốt nhất.

7. Trẻ đang bị tiêu chảy thì có uống ngừa virus Rota được không?

Thưa BS, con tôi bị tiêu chảy thì có uống ngừa virus Rota được không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh. Nếu bé nhà bạn đang bị tiêu chảy thì chúng ta nên tạm hoãn uống vắc xin trong 3 ngày.Bởi khi uống, vắc xin cần ở lại trong ruột của trẻ để tạo ra sức đề kháng. Nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì vắc xin sẽ không giữ được lâu trong ruột trẻ nên sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin. Vì vậy, chúng ta nên chờ vài ngày cho trẻ hết tiêu chảy rồi, sức khoẻ đã ổn định trở lại thì có thể có trẻ uống sớm nhất cho thể.

8. Trẻ đã chủng ngừa, liệu có nhiễm virus Rota không?

Thưa BS, con tôi đã uống 2 liều vắc xin Rota rồi. Không biết là đã uống rồi thì có nhiễm virus nữa hay không ạ?

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn trả lời: Bạn có thể liên tưởng đến COVID-19, sau tiêm vắc xin chúng ta vẫn có thể bị nhiễm nhưng triệu chứng sẽ nhẹ hơn. Mục đích của vắc xin COVID-19 là để ngừa chúng ta không bị bệnh nặng, không bị tử vong. Vắc xin ngừa Rotavirus cũng vậy, người ta thấy rằng khi chúng ta uống vắc xin thì khả năng không bị bệnh là 75%, hiệu quả giúp trẻ không trở nặng (không phải nhập viện cấp cứu, tử vong) lên tới hơn 90%.

9. Những điều cần lưu ý trong và sau khi chủng ngừa virus Rota?

Nhờ BS hướng dẫn giúp em, những điều cần lưu ý trong và sau khi chủng ngừa virus Rota ạ. Chẳng hạn như sau khi tiêm ngừa thì vị trí tiêm sẽ có khả năng sưng, đỏ. Vậy còn những loại vắc xin uống như Rotavirus thì cần theo dõi như thế nào sau khi về nhà ạ? Nên xử lý sao khi trẻ gặp tác dụng phụ sau khi chủng ngừa Rota?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Nhiều người thường có suy nghĩ rằng tiêm sẽ khác uống nhưng cả 2 đều là từ gọi chung của tiêm chủng. Vì vậy, dù là hình thức tiêm chủng nào thì trẻ cũng có phản ứng tại chỗ toàn thân.

Ví dụ, nếu tiêm vắc xin tại chỗ có những biểu hiện như nóng, đỏ, đau toàn thân, sốt, rối loạn tiêu hoá, mệt mỏi, quấy khóc thì uống ngừa tiêu chảy cũng sẽ có những triệu chứng tại chỗ như số lần đi đại tiện tăng hơn, rối loạn tiêu hoá, sốt, mệt mỏi.

Một điều mà quý phụ huynh nên nhớ là dù tiêm hay uống vắc xin thì theo quy trình tiêm chủng và Bộ Y tế quy định, khi đến gặp bác sĩ tư vấn phụ huynh phải trình bày đầy đủ tình trạng bệnh lý của con mình.

Bất cứ trường hợp tiêm hay uống vắc xin trẻ đều phải ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn những triệu chứng trẻ có thể mắc phải khi về nhà để từ đó phụ huynh có thể theo dõi, chăm sóc.

Chẳng hạn, một đứa trẻ bị rối loạn tiêu hoá, có thể nôn hoặc tiêu chảy nhiều lần nhưng vẫn bú tốt thì phụ huynh vẫn cứ theo dõi tại nhà.Trong trường hợp trẻ có số lần tiêu chảy hoặc nôn quá nhiều mà không thể bù nước được thì phụ huynh cần phải đưa trẻ đến bệnh viện.

Ngoài những triệu chứng kể trên, trẻ sau tiêm chủng vắc xin cũng có thể gặp phản ứng phản vệ. Do đó, ngoài việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng thì khi về nhà các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn phụ huynh theo dõi những dấu hiệu để khi cần thiết thì có thể đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Ví dụ, tác dụng tại chỗ của vắc xin Rota có thể là trẻ quấy khóc nhiều hơn, đau bụng, nôn mửa hoặc phân có máu. Lúc này,phụ huynh cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ có thể xác định được đây là trường hợp như thế nào và có những xử trí một cách tốt nhất.

10. Trẻ đã bị tiêu chảy do virus Rota, có cần chủng ngừa nữa không?

BS ơi, con tôi vừa mới bị tiêu chảy do virus Rota. Nhờ BS cho biết con tôi có cần phải chủng ngừa Rota virus nữa không ạ?

BS.CK1 Bạch Thị Chính trả lời: Dù trẻ có bị tiêu chảy rồi đi chăng nữa thì vẫn nên cho trẻ uống vắc xin vì thực tế có nhiều virus gây ra bệnh tiêu chảy nên dù có uống vắc xin rồi đi chăng nữa thì trẻ vẫn có khả năng nhiễm những virus khác.

Theo tôi, con của bạn mặc dù được chẩn đoán là tiêu chảy do Rota thì bạn vẫn nên cho cháu tiếp tục uống ngừa tiêu chảy đủ liều như những đứa trẻ bình thường khác. Phụ huynh cần hiểu rằng, bình thường trẻ có thể bệnh nặng lần đầu và vẫn có nguy cơ bị lần nữa. Vì vậy, bạn đừng nghĩ rằng con mình bị tiêu chảy do virus Rota rồi là không bị nữa.

Trân trọng cảm ơn Liên Chi Hội Bác Sĩ Gia Đình TPHCM và VPĐD GSK Việt Nam đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X