Hotline 24/7
08983-08983

4 bệnh nguy hiểm do vi khuẩn phế cầu gây ra, cha mẹ đã biết chưa?

Vi khuẩn phế cầu lại là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm phổi… Sau thời kỳ giãn cách xã hội, trẻ sắp quay trở lại trường hợp, đây là lúc các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kiến thức để bảo vệ con tốt hơn.

1. Vi khuẩn phế cầu nguy hiểm thế nào?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi năm trên thế giới có gần nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh gây ra bởi vi khuẩn phế cầu. Đây là thống kê chung trên thế giới, xin hỏi BS tỷ lệ ở Việt Nam thì thế nào? Vi khuẩn này có phổ biến ở nước ta?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Theo thống kê của WHO (năm 2015), trong 667 triệu trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới, có khoảng 9 triệu trẻ mắc phải những căn bệnh liên quan đến phế cầu mỗi năm, riêng khu vực Đông Nam Á chiếm đến 4,4 triệu trong số này.

Có thể thấy, gánh nặng mà vi khuẩn phế cầu gây ra chỉ riêng ở Đông Nam Á đã lên đến gần 48%. Không chỉ vậy, những căn bệnh do phế cầu gây tử vong tại khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 88.500 ca mỗi năm. Trong đó, những ca tử vong liên quan đến viêm phổi chiếm 80%, viêm màng não do phế cầu khoảng 12%, còn lại là những bệnh lý khác.

Những thống kê ở Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ tương tự. Các nghiên cứu về viêm phổi ở cả miền Bắc và miền Nam đều cho thấy viêm phổi liên quan đến phế cầu chiếm tỷ lệ khoảng 70 -80%. Với bệnh viêm màng não, thống kê tại những Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy tác nhân phế cầu gây ra bệnh này chiếm đến hơn 70%. Mặt khác, căn bệnh viêm tai giữa có vẻ nhẹ nhàng hơn so với nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não nhưng lại là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Trước khi con người sản xuất được vắc xin phế cầu, có đến 83% trẻ dưới 3 tuổi ít nhất mắc viêm tai giữa một lần. Hiện nay, khi đã có vắc xin phế cầu, tỷ lệ này đã giảm đi. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có vắc xin thì cũng có đến 60% trẻ dưới 4 tuổi ít nhất một lần bị viêm tai giữa. Tất cả những con số trên cho thấy được phế cầu là tác nhân rất thường gặp.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM, Phó khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1

2. Cơ chế xâm nhập của vi khuẩn phế cầu ra sao?

Để hiểu rõ hơn, nhờ BS giải thích phế cầu khuẩn là gì và khi xâm nhập vào cơ thể qua những con đường nào và gây ra những bệnh lý gì?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Phế cầu là một loại vi khuẩn và có khả năng gây bệnh. Vi khuẩn phế cầu lây lan qua cơ chế giọt bắn trên đường hô hấp, tương tự như cơ chế lây lan của COVID-19 mà chúng ta đã quá quen thuộc trong đại dịch vừa qua.

Tuy nhiên, ngoài lây qua đường hô hấp, một số trường hợp phế cầu lây qua những vật vây nhiễm. Ví dụ, trẻ thường chơi chung đồ chơi, nếu trên đó có dính những giọt bắn từ người đã nhiễm phế cầu thì đây có thể là nguồn lây cho trẻ.

Hiện nay, phế cầu liên quan đến khá nhiều bệnh, nhưng có 4 căn bệnh chính thường được đề cập đến bởi chúng đem lại nhiều biến chứng nặng nề, bao gồm: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm tai giữa.

>>> Trẻ viêm màng não 4 lần đều do phế cầu: Mẹ đừng chần chừ cho con đi tiêm ngừa!

3. Đâu là biến chứng do vi khuẩn phế cầu khuẩn gây ra?

Được biết, 4 bệnh do phế cầu khuẩn gây ra viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng máu đều tiến triển rất nhanh. Với mỗi mặt bệnh này, nếu không điều trị, người bệnh sẽ phải gánh chịu hậu quả và di chứng ra sao? Tỷ lệ tử vong và đưa đến biến chứng như thế nào?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Đối với mặt bệnh viêm màng não, đây là một căn bệnh có thể đem lại biến chứng khá nặng. Thống kê của khu vực châu Á nói riêng và một số nước trên thế giới nói chung cho thấy, tỷ lệ tử vong của bệnh viêm màng não do phế cầu gây ra chiếm khoảng 50%.

Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ những trung tâm điều trị lớn tại Việt Nam, chẳng hạn như Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) hoặc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho thấy, tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 10% nhưng tỷ lệ biến chứng thì rất cao. Nếu chẳng may bị viêm màng não, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề như: điếc, giảm thính lực, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động. Không chỉ riêng bản thân người bệnh, viêm màng não còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đối với mặt bệnh viêm phổi, tỷ lệ tử vong thường ít hơn, khoảng 1,6%. Nghĩa là cứ khoảng 100 ca viêm phổi sẽ có khoảng 1,6 ca tử vong. Tuy nhiên, nếu điều trị viêm phổi trễ hoặc chọn sai kháng sinh thì vi khuẩn có thể xâm nhập trong máu, khiến tỷ lệ tử vong tăng lên đến 20%.

Bên cạnh đó, phế cầu khuẩn còn gây ra nhiều mặt bệnh khác, chẳng hạn như viêm tai giữa nhưng gánh nặng do bệnh gây ra thường ít hơn. Song, như đã chia sẻ ở phần trước, đây là bệnh lý rất thường gặp. Nếu viêm tai giữa không được điều trị kịp thời thì trong thời gian ngắn bệnh sẽ đem đến hàng loạt biến chứng cho trẻ như: viêm tai xương chũm, viêm tai xương đá. Không chỉ vậy, do hệ thống tai giữa rất gần với não nên nếu vi khuẩn xâm nhập thì có thể gây tụ mủ dưới màng cứng gây áp xe não, thậm chí dẫn đến tử vong.

"Bộ mặt" của phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) gây ra 4 bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

4. Tại sao phế cầu khuẩn "canh me" tấn công trẻ nhỏ?

Như BS vừa chia sẻ, phế cầu khuẩn khu trú ở vùng hầu họng của hầu hết mọi người. Nhưng dường như trẻ em lại là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe nhất. Vì sao phế cầu khuẩn lại “nhăm nhe” vào trẻ em thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Không chỉ đơn thuần ở trẻ em, một số nhóm đối tượng khác cũng có nguy cơ mắc các bệnh lý phế cầu. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi là lứa tuổi rất dễ mắc các bệnh do phế cầu gây ra, để lại gánh nặng lớn nhất.

Ví dụ, bệnh viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết thường “nhăm nhe” trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, gánh nặng của viêm màng não sẽ tập trung nhiều hơn ở trẻ dưới 2 tuổi. Một số giả thuyết lý giải rằng do miễn dịch của trẻ em chưa được hoàn thiện. Một số quan điểm khác cho rằng cấu trúc của vòi thông nối giữa tai giữa đến vùng mũi họng ở lứa tuổi nhỏ thường ngắn và hẹp, dễ bị tắc nên trẻ là đối tượng có nguy cơ dễ bị nhiễm bệnh, trong đó có bệnh lý do phế cầu.

5. Trẻ nào dễ bị lây vi khuẩn phế cầu?

Trẻ thường dễ bị lây phế cầu khuẩn qua tình huống nào, thưa BS?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ dễ bị nhiễm phế cầu khuẩn, bao gồm: các yếu tố thuộc môi trường, bản thân trẻ và một số yếu tố thuộc vi khuẩn đó.

Với nguyên nhân xuất phát từ bản thân trẻ, chúng ta có thể kể đến vấn đề suy dinh dưỡng. Những trẻ suy dinh dưỡng dễ bị nhiều bệnh lý, chẳng hạn như viêm phổi do phế cầu. Việc trẻ không được bú mẹ, mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp trên, trào ngược dạ dày thực quản, viêm phổi tái phát nhiều lần cũng là những yếu tố khiến trẻ dễ gặp phải những bệnh cảnh do phế cầu.

Bên cạnh đó, nếu trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, đặc biệt là khói thuốc, hoặc khi trẻ học trong trường rất đông học sinh mà điều kiện vệ sinh kém thì nguy cơ mắc những bệnh lý phế cầu tăng lên rất nhiều.

Đối với vi khuẩn cũng vậy, phế cầu có rất nhiều chủng và có những chủng sẽ thường gây viêm tai giữa hơn những chủng khác.

6. Dấu hiệu nào giúp nhận diện trẻ nhiễm vi khuẩn phế cầu?

Trẻ em đôi khi chưa thể diễn đạt dễ dàng về những khó chịu trong cơ thể cho người lớn. Liệu dấu hiệu đặc trưng nào giúp nhận diện trẻ đã nhiễm phế cầu khuẩn không ạ? Hoặc với mỗi mặt bệnh, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng máu, đâu là triệu chứng điển hình cảnh báo các bậc phụ huynh?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Những triệu chứng của các căn bệnh do phế cầu sẽ thay đổi tùy theo thể bệnh.

Chẳng hạn, với bệnh viêm màng não, các biểu hiện giúp phụ huynh có thể nhận diện là: sốt cao, đau đầu và nôn ói nhiều. Với bệnh viêm phổi, trẻ sẽ có những biểu hiện như: sốt cao, thở nhanh hoặc khó thở. Hay viêm tai giữa, triệu chứng thường gặp chính là đau tai.

Tuy nhiên, những trẻ nhỏ vẫn chưa biết nói sẽ khó có thể trình bày cho bố mẹ biết những bất thường mà mình đang gặp phải. Thay vào đó, những biểu hiện ở nhóm trẻ này thường rất kín đáo, chẳng hạn như: trẻ quấy khóc mãi không nín hoặc ôm tai. Nếu bố mẹ không tinh ý nhận ra những biểu hiện này thì sẽ bỏ sót.

Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi sẽ có những triệu chứng không đặc hiệu như: sốt, bú kém hoặc không chịu chơi đùa… Phụ huynh phải lưu ý bởi đây chính là dấu hiệu cảnh báo rất nhiều bệnh ở trẻ, trong đó có cả bệnh lý do phế cầu.

Việc phát hiện bệnh sẽ dễ dàng hơn đối với nhóm trẻ từ 3 - 5 tuổi, khi khả năng giao tiếp của trẻ đã hoàn thiện. Lúc này, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ cho bố mẹ biết những triệu chứng mà mình đang gặp phải.

Sốt cao - một trong những dấu hiệu nhận diện viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn phế cầu gây ra cho trẻ (Ảnh minh họa)

7. Những khó khăn và thách thức trong điều trị bệnh do vi khuẩn phế cầu

Phế cầu khuẩn thường được điều trị như thế nào thưa BS? Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Nhi khoa, theo BS đâu là vấn đề khó khăn nhất trong điều trị bệnh do phế cầu khuẩn gây ra?

TS.BS Nguyễn An Nghĩa trả lời: Khó khăn nhất trong điều trị các bệnh phế cầu có lẽ là dùng kháng sinh bởi nếu dùng sai sẽ để lại nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, việc điều trị trễ cũng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, những khó khăn trong thực tế lâm sàng không chỉ đơn thuần ở việc điều trị mà còn ở bước nhận định bệnh. Ví dụ, với những trẻ rất nhỏ (khoảng 12 - 13 tháng tuổi) thì triệu chứng thường không rõ ràng nên khó nhận định. Nếu quý phụ huynh không chú ý kỹ sẽ dễ bỏ sót.

Nếu chúng ta phát hiện kịp thời và đưa trẻ vào bệnh viện khó khăn kế tiếp chính là chọn kháng sinh. Một số trường hợp chọn kháng sinh ban đầu không chính xác. Hoặc ngay cả những trường hợp chọn kháng sinh đúng thì vẫn có một vài trẻ gặp phải tình trạng kháng thuốc.

Chính vì lý do này mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá vi khuẩn phế cầu là một trong 15 tác nhân cần được chú ý và dồn nguồn lực tìm sáng sinh mới để điều trị. Bởi ngay cả khi đã dùng kháng sinh đúng thì việc kháng thuốc cũng sẽ khiến trẻ gặp phải những biến chứng nặng nề và có khả năng tử vong vẫn cao. Hoặc nếu đã cứu được trẻ thì khả năng cao trẻ sẽ gặp phải những di chứng (chẳng hạn như sang chấn tâm lý) khiến thời gian điều trị cũng kéo dài. Ngoài ra, những tổn thất về chi phí cũng là khó khăn mà chúng ta phải tính đến.

Xin trân trọng cảm ơn Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam và VPĐD GSK đã đồng hành cùng chương trình!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X