Hotline 24/7
08983-08983

Viêm màng não ở trẻ em: theo dõi sốt, ói, đau đầu để biết khi nào nguy hiểm

Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng của màng não và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Bệnh viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Mời quý vị cùng nghe chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh.

1. Bệnh viêm màng não là gì? Thời điểm xuất hiện của bệnh

BS Trương Hữu Khanh:

Bệnh viêm màng não ở trẻ em não do vi trùng là bệnh rất nặng, được gọi là cấp cứu nội khoa. Tuy nhiên, nếu viêm màng não siêu vi tức là do virus thì bệnh sẽ nhẹ. Chúng ta biết hệ thống não của chúng ta có màng bao quanh não, nó bám sát vào sọ và chạy xuống ống sống. Nói chung, nó có ba lớp màng não, viêm màng não là viêm ngay ở màng đó, khiến cho màng sưng lên, thậm chí là hóa thành mủ. Do đó, một số người gọi đó là viêm màng não mủ hoặc viêm màng não nhiễm trùng.

Nhìn chung, viêm màng não có 3-4 nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân chính là do vi khuẩn thường, virus hoặc vi khuẩn lao, hiếm gặp hơn là do nấm. Đó là các bệnh lý do viêm màng não gây ra. Tuy nhiên, trong thực tế, viêm màng não chủ yếu là do vi khuẩn hoặc virus gây nên.

Bệnh phổ biến vào thời điểm nào trong năm ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm màng não có thể xảy ra quanh năm. Tuy nhiên, khi thời tiết thay đổi bệnh viêm não có thể xảy ra nhiều hơn một chút, đặc biệt là khi trời chuyển sang lạnh. Bởi vì khi trời chuyển sang lạnh, một số em bé có thể bị viêm đường hô hấp. Một số cơ địa đặc biệt, vi khuẩn sẽ xâm nhập từ đường hô hấp vào não, nó gây ra viêm màng não. Hoặc tại thời điểm đó, em bé bị viêm tai cũng dẫn đến viêm màng não.

2. Cách nhận biết viêm màng não

Dấu hiệu nào cho thấy một em bé bị viêm màng não ạ thưa BS. Làm sao có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường?

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm màng não đối với trẻ em không quá khó, rất dễ nhận biết. Chúng ta cần nhớ: sốt, ói, đau đầu là các triệu chứng gần như trung thành với viêm màng não. Ta có thể thấy thóp của trẻ nhỏ bị phồng lên.

Tuy nhiên, có nhiều bệnh có thể gây ra sốt, ói, đau đầu như sốt siêu vi, viêm họng.

Nếu phụ huynh thấy sốt, ói, đau đầu không giảm, sáng nay trẻ bị và bệnh ngày càng nhiều hơn, li bì hơn thì các bậc phụ huynh cần nghĩ ngay trẻ bị bệnh lý ở trong đầu, có khả năng viêm màng não. Nếu để lâu sẽ khiến trẻ li bì, hôn mê, yếu tay chân, thậm chí co giật. Lúc đó, mọi việc đã quá trễ!

Tóm lại, khi thấy con mình sốt, ói, đau đầu thì các bậc cha mẹ cần nghĩ ngay để theo dõi sát để có thể sớm phát hiện được tình trạng viêm màng não.

3. Cách theo dõi trẻ khi có dấu hiệu sốt, ói, đau đầu

Khi em bé bị sốt, ói, đau đầu thì cần theo dõi như thế nào?

BS Trương Hữu Khanh:

Trước hết, các phụ huynh phải cho em bé nghỉ học và có người theo dõi bên cạnh. Ví dụ, buổi sáng bé bị ói, sốt, đau đầu; buổi trưa bé bị ói, sốt, đau đầu nhiều hơn thì cần đưa trẻ đi khám ngay. Còn khi bé bị sốt, ói, đau đầu nhưng sau đó giảm và hết thì thôi.

Trong quá trình theo dõi, các bậc phụ huynh thấy em bé bị li bì quá, bỏ ăn, bỏ uống, lơ mơ, tri giác không tốt, không tỉnh táo, co giật thì chắc chắn cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện ngay.

Thông thường, việc theo dõi này sẽ kéo dài từ 1-2 ngày.

4. Điểm khác biệt giữa viêm màng não ở trẻ và người lớn

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm màng não ở người lớn dễ nhận biết hơn, vì họ có thể cảm tốt hơn chuyện đau đầu, buồn nôn nhưng ở con nít thì sẽ khó hơn. Tuy nhiên, viêm màng não ở trẻ em thường gặp nhiều hơn viêm màng não ở người lớn.

5. Quy trình điều trị của viêm màng não ở trẻ em

Thưa Bs viêm màng não khi đến bệnh viện em bé được BS điều trị thế nào ạ, liệu nằm viện có lâu không?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi mình nghi ngờ một em bé bị viêm màng não mà mình đưa nó đến bệnh viện, quan trọng nhất là mình cần hợp tác. Để biết được em bé có bị viêm màng não hay không thì bác sĩ sẽ lấy nước từ lưng bé để xem dịch não tủy như thế nào. Người nhà sẽ cảm thấy lo nếu họ không hiểu việc lấy nước từ lưng em bé. Dân gian gọi đó là chọc dò tủy sống nhưng chuyên môn gọi là lấy nước ở thắt lưng.

Lý do là khi bị viêm thì nó nằm trong màng não và không thể nhìn thấy được, mình không thể chọc vào đầu được. Rất may, nước trong màng não chảy xuống tủy sống của mình. Mình phải lấy từ lưng ra để quan sát nước đó. Muốn biết em bé có bị viêm màng não hay không, mình phải lấy nước đó ra.

Điều quan trọng thứ hai, mình phải biết được tác nhân gây bệnh là gì, thì chỉ có lấy nước đó thì mình mới biết được. Bác sĩ sẽ phân tích tế bào như thế nào, các chất sinh hóa như thế nào, thậm chí họ còn cấy để tìm nguyên nhân, vì nguyên nhân rất quan trọng để điều trị.

Điều trị viêm màng não càng sớm càng tốt. Nếu mình trì hoãn, sợ chọc tủy là có hại; nhưng thực ra, nó không có hại, chỉ đau một chút. Như vậy, nếu trì hoãn thì điều trị sẽ lâu hơn và có nhiều biến chứng.

Thông thường, điều trị một em bé bị viêm màng não rất cực. Mình phải chích thuốc kháng sinh vào trong máu từ 7-10 ngày, có khi là 21 ngày, thậm chí lâu hơn nữa. Tất cả đều tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, tổng trạng em bé và tổng cơ độ tuổi của bé. Việc điều trị thường kéo dài từ 7-14 ngày.

6. Các xét nghiệm để chẩn đoán viêm màng não

Để chẩn đoán viêm màng não, khi đưa đến bệnh viện em bé được làm các xét nghiệm gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Nếu nghi ngờ em bé bị viêm màng não thì phải đưa bé đến bệnh viện tuyến trên. Một số bệnh viện huyện có thể điều trị được tuy nhiên đa số các trường hợp thường phải được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Bởi vì đây là căn bệnh điều trị khó và lâu dài, đặc biệt là các em bé dưới 12 tháng tuổi.

Xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cũng khá nhiều, bác sĩ phải cấy máu và làm nhiều xét nghiệm, thậm chí là phải làm xét nghiệm nhiều lần. Bởi vì một số em bé, đặc biệt là em bé dưới 6 tháng tuổi thì khi nhìn bên ngoài bé khỏe mạnh nhưng bên trong bé vẫn chưa hết bệnh, phải làm nhiều xét nghiệm. Nói chung, điều trị viêm màng não khó và thời gian kéo dài,  phải làm nhiều thủ thuật, xét nghiệm máu để biết chắc chắn em bé khỏi bệnh.

7. Hậu quả của viêm màng não nếu không điều trị kịp thời

Viêm màng não nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên những hậu quả gì? Một em bé đã bị viêm màng não liệu có thể tái mắc nhiều lần không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Khả năng tái lại viêm màng não ở trẻ rất hiếm, nhưng nó có thể tái lại. Ví dụ như em bé bị viêm tai được chữa đến nơi đến chốn hoặc em bé khiếm khuyết về miễn dịch, em bé bị dị tật trong khung xương khiến cho vi khuẩn dễ lên não hơn, gây viêm màng não.

Một em bé viêm màng não ở giai đoạn trễ thì rất khủng khiếp. Điều trị trễ sẽ khiến màng não dính vào nhau, kháng sinh không còn vào được và để lại nhiều di chứng với nhiều mức độ khác nhau. Có thể em bé sẽ bị điếc, bị giảm thính lực hoặc di chứng về tâm thần vận động, di chứng não ống tủy (tức là não nó phình to ra), di chứng yếu thùy liệt chi, chứng động kinh và nhiều bệnh khác. Do đó, phải phát hiện sớm và điều trị nhanh.

8. Phòng ngừa viêm màng não ở trẻ em

BS Trương Hữu Khanh:

Khi thời tiết đổi mùa, ta phải đảm bảo em bé đủ sức đề kháng: ngủ tốt, uống nước đủ, ăn đủ chất.

Thứ hai, mình phải tham gia chủng ngừa, chủng ngừa đầy đủ các vắc-xin liên quan đến màng não, đặc biệt là mũi 6 trong 1.

Thứ ba, nếu có bệnh lý mạn tính ở tai mũi họng thì cần phải chữa tốt, vì đường lên não thường xuất phát từ vùng tai mũi họng. Nếu mình bị viêm nhưng chữa không ổn định, bệnh cứ tái đi tái lại hoặc bệnh mạn tính ở tai mũi họng sẽ lên màng não.

9. Ngừa lây lan viêm màng não ở trường

Sau khi em bé phát hiện ra viêm màng não, các nhà trường nên làm gì để tránh lây lan ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm màng não do vi khuẩn gây nên sẽ khó lây lan, nhưng viêm màng não siêu vi thì sẽ có thể lây. Viêm màng não siêu vi hay vi khuẩn thì chỉ có bác sĩ biết.

Nếu giáo viên thấy trong trường một em bé nóng, ho, sổ mũi, ói, đau đầu thì mình phải báo ngay với y tế địa phương để họ quyết định đây là tác nhân gì.

10. Lời khuyên dành cho phụ huynh khi có con bị viêm màng não

BS Trương Hữu Khanh:

Các bậc phụ huynh cần nhớ bệnh viêm não là căn bệnh nặng, nếu là do virus thì nó sẽ tự hết. Nhưng quan trọng hơn hết, mình cần phát hiện sớm để xem viêm màng não có phải là vi khuẩn hay không. Nếu cha mẹ thấy em bé sốt, ói, đau đầu và triệu chứng ngày càng nặng thì chắc chắn có liên quan đến màng não.

Nếu trẻ co giật, hôn mê, li bì, yếu tay yếu chân thì chắc chắn phải đưa trẻ đi bệnh viện ngay. Viêm màng não có vắc-xin và ta phải chích ngừa đủ theo hướng dẫn của lịch vắc-xin. Nếu thời tiết thay đổi, mình cần bảo đảm em bé có đủ sức đề kháng: uống nước đủ, ngủ đủ. Nếu nó là bệnh lý tai mũi họng, mình cần chữa cho em bé ổn định nếu không nó có thể lên màng não và gây viêm màng não.

Trọng Dy - Minh Huy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X