Hotline 24/7
08983-08983

Cha mẹ nên hay không nên can thiệp vào tiền lì xì của trẻ?

Câu nói quen thuộc nhất trong ký ức của mỗi đứa trẻ là “Đưa lì xì đây, mẹ giữ hộ, bao giờ lớn mẹ trả!". Thế nhưng giờ lớn rồi mà số tiền lì xì năm xưa vẫn không thấy đâu. Nếu cha mẹ nào đang gặp vấn đề này, hãy cùng theo dõi phần tư vấn của BS Trương Hữu Khanh để có cách giải quyết nhé!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Làm sao để trẻ không so sánh tiền lì xì?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, một trong những lý do to đùng khiến trẻ con đặc biệt thích Tết, đó chính là được lì xì. Nhưng xã hội hiện đại, việc lì xì đôi khi lại biến tướng thành cuộc trao đổi của người lớn. Xin hỏi BS, phụ huynh cần khéo léo dạy trẻ ra sao để chúng không so sánh thiệt hơn của số tiền được nhận?

BS Trương Hữu Khanh:

Để có thể tập cho trẻ việc quản lý và sử dụng tiền khi người khác cho mình như thế nào có lẽ cần một quãng thời gian dài - suốt quá trình lớn lên của trẻ; không riêng gì tiền lì xì Tết. Trẻ có rất nhiều cơ hội để nhận được một phần quà trong đó là tiền.

Ví dụ: một đứa trẻ có ý thức tốt sẽ lấy tiền bỏ ống heo để dành làm chuyện này chuyện kia. Tiền lì xì cũng thế, cha mẹ có thể hướng dẫn và giáo dục trẻ tiết kiệm bằng việc bỏ ống heo chẳng hạn; và bản thân các bậc phụ huynh cũng đừng xem đây là một vấn đề gì đó quá lớn.

Nếu bạn giáo dục và chỉ bảo trẻ tiết kiệm tiền sau này lấy ra phục vụ cho trẻ thì câu chuyện sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản.

2. Trẻ vòi vĩnh tiền lì xì, cha mẹ cần làm gì?

Thực tế, nhiều phụ huynh còn “muối mặt” hơn nữa vì con “vòi vĩnh” tiền lì xì của khách đến chúc Tết. Những lúc như thế này, các ông bố bà mẹ nên tháo gỡ ra sao để không ngại ngùng cho cả đôi bên? Dạy con nhận tiền lì xì sao cho văn minh, lịch sự?

BS Trương Hữu Khanh:

Theo tôi việc trẻ thích được lì xì trong Tết không phải lỗi của đứa trẻ mà chính bản thân chúng ta phải nhận thấy đây là lỗi của người lớn. Nhưng người lớn nào đó không có thói quen lì xì thường xuyên hoặc lì xì cho trẻ một số tiền không xứng đáng thì cũng không phải là lỗi của phụ huynh đó.

Quan trọng, cha mẹ phải dạy trẻ biết cách lễ phép thế nào với người lì xì đừng gieo vô đầu một đứa trẻ rằng đương nhiên khi khách đến chơi nhà là phải lì xì, nếu làm như vậy lâu dần trẻ sẽ có thói quen vòi vĩnh.

Không nên tạo cho trẻ một tâm lý so sánh; người này lì xì nhiều người kia lì xì ít. Hãy tạo cho trẻ thói quen biết cách sử dụng số tiền lì xì của mình để làm gì: mẹ giữ hoặc bỏ ống heo sau này lấy ra để mua sắm dụng cụ học tập, quần áo, … giúp trẻ biết cách tự động phối hợp với chúng ta sử dụng đồng tiền một cách phù hợp nhất.

3. Trẻ bao nhiêu tuổi có thể thảo luận về tiền bạc?

Trẻ em ngay từ khi sinh ra đã được nhận phong bao lì xì nhưng không phải độ tuổi nào cũng thích hợp để lắng nghe về tài chính hay tiền bạc. Theo BS, độ tuổi nào tốt nhất để thảo luận về tiền bạc với trẻ em?

BS Trương Hữu Khanh:

Theo tôi trẻ trên 10 tuổi mới cần phải hiểu về cách xài tiền; dưới độ tuổi này nếu được nhận tiền lì xì thì nên xem như đây là đồng tiền bỏ ống để làm việc gì đó có ích mang tính từ thiện, phục vụ bản thân,…

4. Bố mẹ nên hay không nên can thiệp vào tiền lì xì của trẻ?

Câu nói quen thuộc nhất trong ký ức của mỗi đứa trẻ là “Đưa lì xì đây, mẹ giữ hộ, bao giờ lớn mẹ trả!". Thế nhưng giờ lớn rồi mà số phận đống lì xì năm xưa vẫn còn mơ hồ và vô định quá. Vấn đề đặt ra là, bố mẹ nên hay không nên can thiệp vào việc sử dụng tiền lì xì của trẻ? BS có gợi ý nào để bố mẹ dạy con sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều quan trọng ở đây là lời hứa, thật sự mà nói nếu đã hứa thì phải làm, phải nhớ, chắc chắn trẻ sẽ rất hợp tác; đừng thất hứa với trẻ đừng nói những câu như: “mẹ quên là mẹ có giữ tiền của con, mẹ quên mất rồi, …”.

Chúng ta nên nhớ trẻ có một trí nhớ rất tốt và chúng thường nhắc lại; cho nên một khi đã hứa thì phải lưu ý nhớ và thực hiện cho đúng lúc đó sẽ không có có câu chuyện xảy ra là “ai giữ tiền” mẹ hay con?

Lẽ đương nhiên có những tình huống bố mẹ nên cùng ngồi với con để cùng nhau thảo luận. Cần hiểu đồng tiền trẻ xài đúng hay sai, là người lớn thì cần dạy trẻ biết phân biệt đúng sai thật công bằng như một tình bạn và đừng bao giờ áp đặt.

5. Cần lưu ý gì khi cho trẻ sử dụng điện thoại, iPad trong dịp Tết?

Ngoài vấn đề cho - nhận lì xì, một vấn đề khác cũng khiến bố mẹ đau đầu không kém. Tết cũng là dịp con được nghỉ học, nhất là khi dịch phức tạp như hiện nay. Nhiều bố mẹ cho con thoải mái sử dụng điện thoại đi động, iPad. Bố mẹ nên lưu ý gì để tránh việc này trở thành lợi bất, cập hại?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi em bé ở nhà chúng ta nên xây dụng một thời gian biểu lên lịch cho trẻ làm gì khi ở nhà. Ngủ, ăn, chơi, sinh hoạt, vận động giờ nào; đừng tạo cho trẻ thói quen mùa Tết hoặc nghỉ học vì dịch COVID-19 là cho trẻ chơi và sử dụng điện thoại thoải mái; làm như vậy sẽ mất đi thói quen tốt của trẻ.

Lúc ở nhà trẻ cần có thời gian giải trí, công nghệ nhưng cũng cần có thời gian vận động ngủ và ăn đều độ. Tốt nhất là các bậc phụ huynh nên tạo cho trẻ một thời khóa biểu để trẻ ăn uống và chơi đúng giờ tránh tình trạng béo phì, ít vận động, nghiện điện thoại, … Nếu không khuyên răn khắt khe như vậy khi trở lại đi học trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với thời gian đầu.

6. Cách giữ nề nếp sinh hoạt của con trong suốt dịp Tết?

Tết là dịp nhiều phụ huynh đau đầu về con cái khi sinh hoạt đời thường bị đảo lộn. BS có bí quyết nào giúp bố mẹ sắp xếp thời gian sinh hoạt, cũng như chúc Tết, chơi xuân, mà vẫn đảm bảo nề nếp của con?

BS Trương Hữu Khanh:

  • Điều đầu tiên là ngủ: phải trước 21 giờ
  • Giờ ăn sáng, trưa, tối phải cố định (ăn uống khoa học không ăn quá nhiều cũng không ăn quá ít)
  • Phải có một giấc ngủ trưa nhất định
  • Phải dành ra một khoảng thời gian buổi chiều để vận động.
  • Cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc sau đó mới đến một chế độ ăn uống hợp lý.
  • Trong dinh dưỡng cần có đạm, rau xanh, trái cây
  • Nên nhớ ăn đúng bữa đủ chất; ngủ đủ giấc, uống đủ nước thì chắc chắn sức đề kháng sẽ tăng lên.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X