Hotline 24/7
08983-08983

Rửa mũi bằng nước muối tại nhà cho trẻ cần lưu ý gì?

Vừa qua có trường hợp một em bé 2,5 tháng tuổi ngừng thở khi được rửa mũi bằng nước muối, khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Để hiểu hơn về vấn đề này mời quý vị cùng theo dõi chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh.

1. Độ tuổi trẻ dễ bị viêm tiểu phế quản?

Thưa BS, thời tiết trở lạnh, các bệnh hô hấp ở trẻ em gia tăng nhanh, trong đó có bệnh viêm tiểu phế quản. Vì sao trẻ nhỏ dễ bị viêm tiểu phế quản? Bệnh thường tấn công trẻ ở độ tuổi nào thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm tiểu phế quản không bao giờ xảy ra ở người lớn, người lớn chỉ có viêm phế quản, viêm phổi; “tiểu” trong viêm tiểu phế quản ở đây được hiểu là “nhỏ”. Trong cây phế quản là đường ống dẫn không khí hít từ ngoài vào tới phế nang để trao đổi khí ở trẻ, có những ống rất nhỏ.

Viêm tiểu phế quản có rất nhiều nguyên nhân nhưng đa phần là do siêu vi, siêu vi được nhắc nhiều nhất trong viêm tiểu phế quản là virus hợp bào (Respiratory Syncytial Virus - RSV) là một tác nhân khá quan trọng.

Tuy nhiên sau viêm tiểu phế quản có thể sẽ để lại cho trẻ nhiều hậu quả như bội nhiễm thêm vi trùng làm cho việc điều trị thêm khó khăn.

Đây là một bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ đặc biệt là em bé dưới 12 tháng và nhất là em bé dưới 6 tháng gần như bé nào cũng phải trải qua 1-2 lần.

Nhiều nhất vẫn là em bé nhỏ dưới 12 tháng thế nào cũng sẽ bị viêm tiểu phế quản 1 lần, càng nhỏ sẽ càng khó điều trị cho bé.

2. Dấu hiệu trẻ mắc viêm tiểu phế quản?

Bệnh đường hô hấp thường có biểu hiện tương đối giống nhau khiến các ông bố bà mẹ bối rối. Xin hỏi BS, những dấu hiệu nào cảnh báo trẻ đã mắc viêm tiểu phế quản? Làm sao nhận diện, phân biệt triệu chứng của viêm tiểu phế quản với những bệnh lý đường hô hấp khác?

BS Trương Hữu Khanh:

Thông thường bệnh đường hô hấp sẽ xuất hiện qua các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi sau đó là mức thở của em bé. Người ta thường chẩn đoán qua việc trẻ bị sốt, ho, sổ mũi có kèm khò khè hay không; bởi nghẹt mũi do khò khè khác với khò khè do đường thở phía dưới.

Riêng tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ và khởi phát bằng các triệu chứng nóng, ho, sổ mũi sau đó trẻ thở khó và khò khè. Chỉ có khám và thậm chí phải chụp hình phổi mới xác định chính xác được.

Nếu phụ huynh thấy trẻ bị như vậy đến mức thay đổi kiểu thở, khò khè nhiều hay bắt đầu khò khè thì cần đưa trẻ đến gặp BS để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS Trương Hữu KhanhBS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Thần kinh công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1

3. Viêm tiểu phế quản, khi nào chăm sóc ở nhà và đi bệnh viện?

Viêm tiểu phế quản, những trường hợp nào có thể chăm sóc tại nhà? Trường hợp nào cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi khám hoặc cấp cứu ngay?

BS Trương Hữu Khanh:

Trong bệnh lý hô hấp không có việc phân ra khi nào hay loại bệnh gì thì cần đến bệnh viện. Đối với phụ huynh nếu thấy em bé khò khè nhiều, bỏ bú, thở không bình thường thì phải đi bệnh viện.

Khi đến bệnh viện sau khi chẩn đoán BS sẽ đưa ra cho phụ huynh cách để theo dõi, điều trị, có cần nhập viện hay không và sử dụng thuốc gì, kháng sinh thế nào, theo dõi bao lâu, bắt buộc ở bệnh viện mới biết được.

4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà

Chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà như thế nào? Trong trường hợp trẻ đã đi khám, được BS kê đơn thì khi cho trẻ dùng thuốc ở nhà các bậc phụ huynh cần lưu ý những gì?

BS Trương Hữu Khanh:

Đúng là viêm tiểu phế quản thì có thể điều trị tại nhà bởi bé không có nguy cơ khó thở, thở mệt. Điều trị tại nhà tùy vào mức độ; có thể BS nghi viêm tiểu phế quản mà có bội nhiễm thì BS sẽ cho sử dụng thêm kháng sinh. Nếu không BS cũng sẽ chỉ cho những loại thuốc như hạ sốt, thuốc ho thảo dược, nhỏ mũi, … bắt buộc phải theo dõi sát trẻ.

Đặc biệt trong viêm tiểu phế quản việc cung cấp nước qua nước và sữa rất quan trọng; bởi chỉ cần thiếu nước đàm sẽ khô lại làm tắc những phế quản nhỏ khiến bé càng ngày càng khó thở hơn lúc đó lại phải nhập viện.

Khi em bé bị viêm tiểu phế quản có thể sẽ biếng ăn, biếng bú thì cũng cần chăm cho bé uống từng bữa nhỏ để làm sao cung cấp đủ lượng dịch bằng sữa thì mới bảo đảm khó bị biến chứng hơn.

5. Trị ho do viêm tiểu phế quản bằng bài thuốc dân gian được không?

Nhiều cha mẹ thường cho trẻ sử dụng các bài thuốc dân gian như mật ong, chanh đào ngâm mật ong, lá hẹ hấp đường phèn, hoa hồng bạch trưng đường phèn… để trị ho do viêm tiểu phế quản cho trẻ. BS có thể chia sẻ đôi điều về những việc ứng dụng các phương pháp dân gian này không ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Thật ra đúng là những bài thuốc dân gian của ông bà mình ngày xưa khá là tốt, tuy nhiên khi sử dụng những cái này cần chú ý.

Thứ nhất, nếu em bé dưới 1 tuổi thì cần cẩn thận khi sử dụng mật ong. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng nói rằng mật ong có thể làm giảm ho nhưng những em bé dưới 1 tuổi muốn sử dụng thì phải chưng nóng lên vì trong mật ong có một số vi trùng phải chết đi mới sử dụng được.

Điều quan trọng nhất khi trẻ sử dụng đó là phải làm sao đừng quá cay và quá ngọt vì cay em bé không uống được mà ngọt quá thì khiến em bé sặc. Chỉ cần làm sao chúng ta thử trước, nếm trước là không cay không ngọt. Lẽ đương nhiên trong một công thức nào đó về thảo dược thì họ cũng tính toán bao nhiêu đường, bao nhiêu lá hẹ, bao nhiêu hoa hồng, bao nhiêu rau tần thì phải nghiên cứu ra để làm cho đúng nhưng vẫn phải nếm trước rồi mới cho em bé sử dụng.

Với những công thức bào chế thảo dược được làm đúng theo hướng dẫn không cay quá, không ngọt quá thì khá là an toàn với trẻ.

6. Sau điều trị, trẻ vẫn khó khè, phải làm sao?

Sau hết bệnh, một số trẻ vẫn tồn tại biểu hiện khò khè kéo dài. Đây có phải là dấu bất thường không thưa BS? Sau khi điều trị bệnh, cha mẹ cần lưu ý quan sát con như thế nào ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Đặc thù của viêm tiểu phế quản sau khi đã hết bệnh em bé không còn ho nhiều, ăn uống được, tươi lên được; nhưng vẫn thở khò khè đây là điều bình thường. Thậm chí có thể kéo dài 7-10 ngày; chúng ta không nên gấp gáp và lo lắng quá.

Có một số phụ huynh vì quá lo lắng mà đi tới chỗ này chỗ kia tìm mua các loại thuốc long đàm mà mình không biết, thì sẽ rất nguy hiểm vì có thể làm cho trẻ càng ho thêm. Nếu cần thiết uống thì cần có sự chỉ dẫn của BS nếu bạn thấy bé khò khè nhưng vẫn chơi thì lâu dần sẽ hết chứ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên có một số em bé thuộc về cơ địa suyễn mà người thân không biết thì sau khi viêm tiểu phế quản có một số em bé sẽ bộc lỗ suyễn ra. Nếu thấy trẻ khò khè không giải thích được thì cần phải đi tái khám trở lại để BS xem đây là khò khè do viêm tiểu phế quản hay suyễn rồi sau đó theo dõi như bình thường.

Sau một đợt viêm tiểu phế nếu thấy em bé tươi lên thì cứ theo dõi như bình thường; nhưng phải chú ý có khả năng sau đó bội nhiễm thêm một bệnh khác của đường hô hấp, lúc đó trẻ sẽ thở mệt hơn bỏ ăn và sốt trở lại, lúc này cần đi khám bệnh để BS xác định xem là trẻ có bị bội nhiễm hay không.

7. Rửa mũi bằng nước muối tại nhà cho trẻ cần lưu ý gì?

Vừa qua có trường hợp một em bé 2,5 tháng tuổi ngừng thở khi được rửa mũi bằng nước muối, điều này cũng khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Xin hỏi, trường hợp nào cha mẹ có thể rửa mũi ở nhà, trường hợp nào cần sự hỗ trợ từ các bác sĩ?

BS Trương Hữu Khanh:

Đúng ra việc rửa mũi bé cần hết sức cẩn thận. Em bé 2,5 tháng này bị như vậy là bởi người nhà sử dụng một cái xi lanh hút nước muối sinh lý phun thẳng dô và điều này vô cùng sai lầm, quá nguy hiểm.

Chúng ta đi đâu bị sặc nước dô mũi thì phản xạ đầu tiên là ho sặc sụa, rất khó chịu thậm chí làm cho bản thân muốn bị ngưng thở; chính mình là người lớn mà cảm thấy khó chịu huống chi là em bé. Phản xạ đóng nắp thanh quản lại, phản xạ chặn lưỡi gà để cho nước đừng bị xộc lên xộc xuống đã là chậm rồi đối với bé. Khi bơm nước muối dô mũi chắc chắn sẽ có những giọt đi thẳng vào thanh quản khiến em bé sặc làm co thắt thanh quản tím tái người, điều này tuyệt đối không làm vì cũng sẽ không sạch hơn bằng những biện pháp nhỏ mũi.

Nếu thậm chí khó quá thì người mẹ súc miệng bằng nước muối cho sạch sau đó ngậm và hút nhầy dịch trong mũi ra cho trẻ để trẻ đỡ khó chịu; như vậy mới biết được áp lực nặng nhẹ lên trẻ là như thế nào. Còn những cái xi lanh khi bơm dô mũi trẻ đâu biết được áp lực là như thế nào. Thậm chí khi dùng những phương pháp xịt cũng có thể làm trầy các niêm mạc mũi; đã có những em bé sau khi xịt nhiều khiến bị viêm niêm mạc và chảy máu mũi. Những cái đó không cần thiết phải làm vì nó không có lợi hơn so với việc chỉ cần nhỏ mũi hoặc bắt sâu kèn – bắt sâu kèn là một phương pháp dùng một tờ giấy thấm, chắc, quấn 2 đầu (1 đầu nhỏ, 1 đầu lớn tùy theo mũi em bé nhỏ như thế nào thì đầu nhỏ dài bao nhiêu) đẩy dô mũi bé sau đó để một chút, khuynh hướng là sẽ hút nước trong mũi trẻ ra và chúng ta kéo ra nhẹ nhàng thôi làm như vậy sẽ an toàn cho trẻ.

Riêng trong bệnh viện có những tình huống người ta phải sử dụng dụng cụ có đo áp lực và dụng cụ phải có khử trùng bằng cách hấp vô trùng hoặc thậm chí dùng một lần rồi bỏ rất an toàn và bảo đảm không có vi trùng ở ngoài dô được; cần thiết lắm người ta mới làn nên ở gia đình chúng ta không nên tìm hiểu và áp dụng làm gì.

8. Những sai lầm cần tránh khi vệ sinh mũi cho con?

Chăm sóc mũi có 2 việc:

- Thứ nhất có thể khò khè không phải liên quan đến mũi trẻ mà vẫn cứ đè trẻ ra hút hút hoài; chỉ khi xác định đúng là trẻ nghẹt, chảy nước mũi thì mới cần nhỏ mũi. Có một số em bé nhỏ dưới 2-3 tháng khi khò khè không phải tại nghẹt mũi mà do bé bị mềm đường thở một cách lành tính khi lớn sẽ hết tuy khò khè nhưng vẫn bú bình thường thì không có gì đáng lo ngại. Vì không có em bé nào nghẹt mũi mà bú bình thường đâu, cần để ý điều này cho trẻ.

Không nên dùng xi lanh ép để bơm vào mũi trẻ khiến trẻ quấy khóc, la hét

Khi dùng thuốc nhỏ mũi có 2 loại: 1 loại nước muối sinh lý có khả năng nước muối nồng độ hơi cao vẫn có thể sử dụng được. Còn có những loại thuốc nhỏ mũi làm co mạch thì chắc chắn là không được xài. Sau này người ta có thể chế ra những loại thuốc co mạch giảm sổ mũi an toàn nhưng vẫn chỉ an toàn cho trẻ lớn thôi chứ trẻ nhỏ dưới 12 tháng cần hết sức cẩn thận những cái này nên tuân theo đúng chỉ định của BS.

- Không nên nhỏ những loại thuốc nhỏ mũi không sử dụng cho trẻ em.

- Không nên sử dụng thuốc nhỏ mũi làm co mạch quá 3-5 ngày, cần có chỉ định của BS

- Nếu muốn sử dụng một loại thuốc ho tân dược thì phải tùy theo lứa tuổi. Đa phần các em bé khoảng chừng 18 tháng đổ lại thì thuốc ho tân dược đối với các bé rất khó sử dụng thành ra mình chỉ nên sử dụng các loại thuốc dân gian; còn những loại thuốc trên nên có chỉ định của BS.

- Có những loại thuốc long đàm không sử dụng cho em bé được hoặc nếu sử dụng sẽ khiến bé long đàm và ho thêm. Đặc biệt những em bé lên cơn suyễn khi uống sẽ khiến bé ho thêm.

- Hiện nay thông tin trên mạng rất nhiều cần chọn lọc tham vấn BS kiểm chứng thông tin kĩ càng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

9. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ?

Nhờ BS chia sẻ một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ, nhất là khi trời chuyển lạnh như hiện nay ạ?

BS Trương Hữu Khanh:

Viêm tiểu phế quản là bệnh đặc thù ở trẻ em gần như trẻ dưới 12 tháng. Viêm tiểu phế quản là bệnh theo mùa do thời tiết và do siêu vi (siêu vi này hiện nay chưa có thuốc ngừa). Chúng ta chỉ có thể phòng bệnh bằng cách là tăng sức đề kháng cho bé bú đủ, uống đủ, ngủ đủ.

Tới mùa bệnh, nếu người lớn có mắc bệnh đừng tới gần em bé vì chính người lớn là một nguồn lây cho em bé đặc biệt dưới 6, 12 tháng, nếu tiếp xúc với bé phải mang khẩu trang.

Ngoài ra, cần phải chích ngừa cúm.

Khi em bé mắc bệnh hết sức bình tình, uống thuốc ho thảo dược, nhỏ mũi, theo dõi sát cách em bé thở. Nghi ngờ thấy em bé mệt, bỏ ăn, bỏ bú thì nên đưa đến bệnh viện để BS xác định bé đang bệnh ở mức độ nào từ đó lên phác đồ điều trị tốt nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X