Hotline 24/7
08983-08983

360 độ kiến thức về viêm tiểu phế quản ở trẻ em cha mẹ cần nắm vững

Viêm tiểu phế quản là một bệnh về đường hô hấp hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu xuân khiến trẻ bị ho, khò khè và khó thở khiến các bậc làm cha mẹ vô cùng lo lắng, sợ sãi.

1. Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ

Dân gian thường gọi tiểu phế quản là cuống phổi. Hệ thống cuống phổi có nhiệm vụ dẫn không khí từ bên ngoài vào trong từng phần phổi nhỏ (hay gọi là phế nang). Cứ một đoạn các cuống phổi sẽ chia làm đôi và khi chia thành 10 lần như thế sẽ có các phế quản nhỏ gọi là các tiểu phế quản, đường kính chỉ dưới 2mm.

Viêm tiểu phế quản là bệnh rất đặc biệt bởi chỉ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Trong đó, lứa tuổi hay gặp nhất là từ 3-6 tháng, nhóm 2 là 6-9 tháng, nhóm 3 là 9-12 tháng tuổi.

Bệnh có các triệu chứng lâm sàng như ho, khò khè và khó thở nếu ở mức độ nặng.

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính dễ xảy ra ở trẻ nhỏ trong 2 năm đầu đời

Nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản là do virus đường hô hấp, phổ biến nhất hiện nay là virus hợp bào hô hấp, viết tắt là RSV (respiratory syncytial virus), chiếm khoảng 50-70% các trường hợp viêm tiểu phế quản và khả năng lây lan của virus RSV rất cao, chỉ sau virus cúm và sởi.

Người ta ước tính một em bé dưới 2 tuổi có khoảng 90 -100% bị viêm tiểu phế quản ít nhất 1 lần trong đời.

Ngoài virus RSV còn có các loại virus đường hô hấp khác chẳng hạn như Rhinovirus là loại virus gây cảm lạnh thông thường cũng có thể gây viêm tiểu phế quản hoặc Adenovirus thường gây trường hợp bệnh nặng, kéo dài và nhiều biến chứng. Thậm chí virus sởi cũng có khả năng gây viêm tiểu phế quản như thường.

2. Nhận diện cơn ho do viêm tiểu phế quản ở trẻ

Nếu cha mẹ chỉ nghe tiếng ho của con thì không thể đoán được bệnh viêm tiểu phế quản, mà nó sẽ tùy thuộc vào khả năng gây bệnh của virus RSV. Đối với trẻ trên 2 tuổi và người lớn thì chỉ biểu hiện có thể dưới hình thức cảm lạnh thông thường là ho nhẹ vài ngày khỏi mà không cần điều trị đặc biệt.

Nhưng với bé dưới 2 tuổi nhiễm virus RSV này thì 90% sẽ diễn tiến thành viêm tiểu phế quản, tuổi càng nhỏ thì biểu hiện càng nặng.

Đặc biệt với viêm tiểu phế quản, nếu trẻ mắc bệnh này sẽ ho rất nhiều, kiểu ho giống như ho gà, đó là: ho thành cơn dài, trong cơn ho trẻ bị đỏ mặt, thậm chí ngưng thở trong cơn ho và cuối cơn ho sẽ bị ói ra nhiều chất nhớt.

Tuy nhiên, nếu ho gà thường trẻ sẽ ho nhiều tuần, nhiều tháng mới khỏi. Còn bị viêm tiểu phế quản dạng ho gà thường đa phần trong vòng 10 ngày các triệu chứng ho sẽ giảm dần.

Ngoài việc ho, các bé mắc viêm tiểu phế quản rất thường kèm theo triệu chứng khác, ví dụ như khò khè giống như mắc bệnh hen suyễn.

Còn với trường hợp viêm hô hấp trên do cảm lạnh thông thường thì bé sẽ ho ít hay nhiều, thường không kèm triệu chứng khò khè.

3. Viêm tiểu phế quản ở trẻ, có thể điều trị dứt điểm?

Trên nguyên tắc các trường hợp viêm tiểu phế quản do virus thì bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 10-14 ngày, tuy nhiên trong 1 số trường hợp các bé có biểu hiện khó thở, nhịp thở nhanh hơn bình thường hoặc bé thở co lõm lồng ngực thì đây là dấu hiệu bệnh nặng, nhất thiết cha mẹ phải đưa bé tới bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời, cũng như phát hiện các biến chứng.

Khi trẻ có các dấu hiệu khó chịu, nguy hiểm cha mẹ cần đưa trẻ đi bác sĩ để thăm khám và điều trị dứt điểm

Ngoài ra, ở một vài tình huống cũng cần đưa bé đi cấp cứu ngay khi xuất hiệu các triệu chứng nguy hiểm như: Co giật, ngủ li bì không đánh thức dậy được hoặc tím tái. Với bé dưới 3 tháng tuổi bỏ bú hoàn toàn hoặc bú kém (bú ít hơn 1/2 lượng sữa hàng ngày). Bé trên 3 tháng tuổi bị nôn ói hoặc không uống được bất cứ chất lỏng nào.

Viêm tiểu phế quản là một bệnh do virus đường hô hấp, vì vậy phần lớn là điều trị nâng đỡ (điều trị triệu chứng) ở trẻ. Nếu một em bé được điều trị nâng đỡ đúng mức thì khoảng 70% sẽ khỏi trong vòng 10-14 ngày.

Tuy nhiên, 18% các bé bệnh sẽ kéo dài khoảng 3 tuần lễ, và khoảng 9% sẽ kéo dài 4 tuần lễ, cũng không ít các trường hợp bệnh có thể kéo dài đến vài tháng.

Do đó, điều quan trọng trong vấn đề điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ là cần cho các bé ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Nếu bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức thì vẫn nên cho bú, chứ đừng thấy bé ho, nôn ói nhiều mà ngừng lại; thay vào đó nên chia các cữ bú thành nhiều cữ nhỏ sẽ đảm bảo được sữa hàng ngày cho bé bú.

Với các trẻ lớn hơn, cha mẹ nên cho ăn đồ mềm để dễ nuốt và dễ tiêu hóa hơn.

Vấn đề uống nước là điều rất cần thiết khi bé bị viêm tiểu phế quản. Thực tế khi bé bị viêm tiểu phế quản thì cuống phổi nhỏ sẽ có hiện tượng tắc đờm, và nếu bị thiếu nước thì đờm này sẽ đặc quánh lại và tình trạng tắc đàm sẽ nặng và kéo dài hơn.

Ngoài ra, trong trường hợp có nghi ngờ nhiễm khuẩn thì các bác sĩ sẽ cho sử dụng kháng sinh để điều trị triệu chứng.

4. Những điều cha mẹ thường lúng túng khi trẻ bị viêm tiểu phế quản?

Trần Hải Yến – TPHCM

Con em là nam, cháu hiện 5 tuổi. Bị viêm tiểu phế quản 2 năm nay, em đã cho cháu đi khám rất nhiều nơi từ phòng khám cho tới bệnh viện, nhưng cứ chữa khỏi một thời gian cháu lại bị lại. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân vì sao viêm tiểu phế quản khó chữa và hay tái phát thế ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Với câu hỏi của bạn có 2 vấn đề tôi muốn trao đổi đó là:

Thứ nhất, viêm tiểu phế quản là bệnh đặc biệt chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi mà thôi, ở một em bé 5 tuổi như con bạn thì không có bệnh viêm tiểu phế quản.

Thứ 2, viêm tiểu phế quản ở trẻ em nếu có biểu hiện tái đi tái lại nhiều lần thì chúng ta cần cảnh giác với một loại bệnh khác rất phổ biến đó là hen suyễn.

Dấu hiệu hen suyễn cũng có ho, khò khè, khó thở giống trường hợp viêm tiểu phế quản. Do đó, nhất thiết bạn nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Hô hấp nhi để xem bé có đúng bị hen suyễn hay không.

Và nhiều trường hợp phải đo chức năng hô hấp để xác định chính xác bệnh và trên cơ sở đó chúng ta mới có thể điều trị hiệu quả.

Hà Thiên Nhi - thiennhivh…@gmail.com

Em ở Đồng Nai. Bé nhà em 3 tuổi bị ho nặng, tiếng ho có đờm, liệu có phải bị viêm phế quản và có cần dùng kháng sinh không thưa bác sĩ? Cảm ơn bác sĩ và chúc bác sĩ luôn mạnh khỏe, công tác tốt.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Thực tế nếu chỉ dựa trên tiếng ho thì không thể đoán chính xác được bệnh mà cần phải được thăm khám để bác sĩ hỏi rõ bệnh sử đầy đủ, cẩn thận và thậm chí phải làm xét nghiệm cận lâm sàng, chụp Xquang phổi thì mới ra bệnh.

Vì vậy, trường hợp này rất khó để chẩn đoán con bạn có bị viêm phế quản hay không. Tuy nhiên, điều chắc chắc rằng nếu con bạn không có dấu hiệu nguy hiểm hay dấu hiệu bệnh nặng thì nhiều khả năng con bạn chỉ cảm ho thông thường hoặc viêm phế quản do virus thông thường thôi.

Trong trường hợp này bệnh sẽ tự khỏi nếu các cháu được chăm sóc tốt, không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ không mang lại lợi ích gì, và không rút ngắn được quá trình diễn tiến của bệnh, cũng không phòng ngừa được biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn làm các bé bị viêm phổi,…

Ngược lại, nó sẽ làm tốn tiền mua thuốc không cần thiết vì nhiều loại rất mắc tiền. Và dễ bị tác dụng phụ của kháng sinh như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn ói,…

Tuy nhiên, hậu quả lớn nhất của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi là dần dần sẽ xuất hiện tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, như vậy nếu các bé bị bệnh nhiễm trùng thật sự thì việc điều trị kháng sinh sẽ vô cùng khó khăn và không hiệu quả nữa. Chúng ta bắt buộc phải chạy đua các loại kháng sinh rất cao cấp và đắt tiền nhưng tác dụng thì hạn chế.

Nguyễn Trần Diệu Nhi - nguyentrandn…@gmail.com

Xin bác sĩ cho biết, viêm tiểu phế quản ở trẻ được điều trị như thế nào, biến chứng nếu không điều trị kịp thời là gì? Rất mong được bác sĩ hồi âm sớm, chân thành cảm ơn.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Đối với viêm tiểu phế quản thì việc hàng đầu vẫn là điều trị triệu chứng. Chúng ta cần cho các bé ăn uống đầy đủ.

Với các bé nhỏ nên tiếp tục cho bú sữa mẹ, vì bú sữa mẹ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng thì các bé còn được tiếp nhận thêm 1 phần kháng thể kháng virus RSV mà thường có trong sữa mẹ. Mặc dù nồng độ không cao nhưng cũng giúp cho diễn tiến bệnh của các bé thuận lợi hơn so với bé không được bú sữa mẹ.

Với trẻ lớn nên tiếp tục ăn uống như bình thường, không nên kiêng ăn.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ nước cho bé đơn giản bằng đường uống cũng vô cùng hiệu quả. Và đây là thành tố không thể thiếu trong quá trình điều trị, vì thiếu nước sẽ khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.

Bệnh viêm tiểu phế quản nếu không được điều trị sẽ để lại hậu quả là biến chứng suy hô hấp do các phế quản bị tắc nghẽn, đường thở không thông thoáng bé không tiếp nhận đủ oxy và trong trường hợp này nhất thiết phải nhập viện và thở oxy.

Một biến chứng thường gặp liên quan tới tắc nghẽn đường thở đó là xẹp phổi, đặc biệt là bé dưới 3 tháng tuổi.

Ngoài ra, bội nhiễm vi khuẩn cũng rất thường gặp ở các nước đang phát triển như Việt Nam bé sẽ bị viêm phổi thêm ngoài việc bị viêm tiểu phế quản do virus. Trong trường hợp này các bác sĩ buộc phải sử dụng kháng sinh thêm để diệt được vi khuẩn như tác nhân cơ hội cùng với virus hợp bào hô hấp gây bệnh ở trẻ. Hoặc thậm chí có nhiều bé có biến chứng viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiểu.

Một vấn đề nữa cũng đang được quan tâm là gần đây người ta thấy có mối quan hệ giữa viêm tiểu phế quản với bệnh hen suyễn về sau. Thực tế thấy rằng khoảng 1/3 các bé mắc bệnh viêm tiểu phế quản có khả năng bị tái phát và thành hen suyễn thật sự, mặc dù trong gia đình không có ai có cơ địa dị ứng hay mắc bệnh hen suyễn.

Phạm Hà Phương - sgvhaphuong…@gmail.com

Chào bác sĩ! Cháu nhà tôi mới 3 tuổi mà đã mắc bệnh viêm phế quản. Lúc nào cũng thấy cháu ho, thở khò khè, kèm sốt nhẹ, nhìn cháu mệt mỏi vậy gia đình rất lo sợ và cũng đã đưa cháu đi chữa đến nay là gần 1 tuần triệu chứng vẫn không thuyên giảm nhiều. Xin bác sĩ cho biết làm sao giảm cảm giác khó chịu cho trẻ khi bị viêm phế quản ạ?

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Khi bé bị viêm phế quản tái đi tái lại nhiều lần như thế, đặc biệt bé 3 tuổi như cháu của bạn thì việc đầu tiên cần nghĩ tới đó là bé có mắc bệnh hen suyễn hay không.

Trong trường hợp này nhất thiết bạn nên đưa cháu đến khám chuyên khoa để xác định xem có phải bị hen suyễn. Nếu đúng là hen suyễn và với mức độ tái phát thường xuyên thì cháu cần có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Bạn yên tâm, nếu bé đúng bị hen suyên mà được điều trị phòng ngừa thì kết quả sẽ rất khả quan.

Lê Văn Hòa - hoale18…@gmail.com

Em tên Hòa, ở TPHCM. Nhờ bác sĩ hướng dẫn dùng siro trị ho đúng cách khi bị viêm phế quản? Và cho em hỏi thuốc ho Cozzlvy có hiệu quả trong việc điều trị viêm phế quản ở trẻ không? Cảm ơn bác sĩ.

TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 trả lời:

Trẻ em là lứa tuổi đặc biệt, cơ thể các bé đang lớn, nhiều chức năng cơ thể chưa trưởng thành, đặc biệt rất dễ ngộ độc nếu chúng ta sử dụng thuốc không đúng cách.

Vì vậy, theo khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới với trẻ nhỏ nên sử dụng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược an toàn.

Trong dân gian Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại thuốc tương tự như vậy, chẳng hạn như tần dày lá (húng chanh), tắc chưng đường phèn, hoa hồng bạch hấp đường phèn, hoặc nước trà ấm loãng với mật ong để điều trị và vô số các loại thuốc dân gian được lưu truyền ở nước ta.

Bên cạnh những bài thuốc cổ truyền thì gần đây với xu hướng hội nhập thì chúng ta lại tiếp cận với các bài thuốc cổ truyền của các nước phương Tây, trong số đó có thảo dược là từ cao lỏng của lá thường xuân đã được sử dụng hàng ngàn năm nay và đem lại hiệu quả đáng kể trong việc điều trị triệu chứng ho, nhất là ho có đờm.

Hiện, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm tương tự như thế và Cozzlvy là một sản phẩm do công ty Dược Hậu Giang sản xuất, thành phần chính là lá thường xuân. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì việc sử dụng rất an toàn cho các chứng ho có đờm ở trẻ từ 1 tuổi trở lên.

Kính mời quý độc giả cùng đón xem những nội dung tiếp theo trong chuyên đề https://alobacsi.com/benh-ho-o-tre-em/

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X