Người bệnh tuyến giáp: cường giáp, suy giáp, viêm giáp, bướu giáp ĂN gì và KIÊNG gì?
Bệnh tuyến giáp có nhiều loại: cường giáp, suy giáp, viêm giáp, bướu giáp… mỗi tình trạng không giống nhau. Vậy đâu là thực phẩm bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp cần bổ sung? Loại thực phẩm nào nên hạn chế khi mắc bệnh tuyến giáp? Tất cả sẽ được ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Bệnh viện Bình Dân giải đáp.
1. Ba nguyên tắc dinh dưỡng chính người bệnh tuyến giáp cần tuân thủ
Trước hết xin bác sĩ cho biết là chế độ ăn cho người bệnh lý tuyến giáp nhìn chung cần lưu ý điều gì?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Bác sĩ điều trị Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bình Dân trả lời: Trước tiên là cần ăn cân đối, đầy đủ các chất đạm, đường, béo, vitamin, khoáng chất và đa dạng các nhóm thực phẩm.
Bên cạnh đó cần nhớ 3 nguyên tắc:
Thứ nhất, cung cấp đủ vitamin và các nhóm vi chất thiết yếu:
Trong đó, quan trọng nhất là i-ốt: Đây là yếu tố cốt lõi để tổng hợp hormone tuyến giáp, nhưng phải dùng đúng mức. Thiếu i-ốt có thể gây suy giáp - phình giáp bẩm sinh, nhưng thừa i-ốt lại dễ gây nặng thêm tình trạng cường giáp hoặc bệnh tự miễn tuyến giáp như viêm giáp Hashimoto. Các tài liệu đều nhấn mạnh cần cung cấp đủ i-ốt, do đây là thành phần rất quan trọng để tổng hợp hormon tuyến giáp.
Một vấn đề cần luu ý, nếu bổ sung I-ốt quá thấp có thể gây phì đại tuyến giáp, suy giáp. Ngược lại nếu cung cấp I-ốt quá nhiều có thể làm tăng cường tổng hợp hormon tuyến gáp, gây ra tình trạng cường giáp, kích hoạt hệ thống viêm làm tuyến giáp viêm nặng hơn. Do đó I-ốt là điểm cần nhấn mạnh trong đặc tính của bệnh lý tuyến giáp.
Các chất sắt, kẽm, vitamin B12, vitamin D, và canxi cần lưu ý cung cấp đủ vì chúng cần thiết cho chức năng enzym và tổng hợp hormone tuyến giáp.
Thứ hai, sử dụng các chất chống oxy hóa
Các chất oxy hóa hay còn gọi là các gốc tự do được sinh ra trong quá trình tạo ra hormone tuyến giáp và các chất này sẽ tổn thương tuyến giáp làm nặng thêm tình trạng bệnh lý tuyến giáp. Vì vậy các chất chống oxy hóa sẽ giúp đảo ngược tình trạng này.
Trong đó, Selenium là chất được nghiên cứu và chứng minh nhiều nhất về hiệu quả bảo vệ và điều hòa chức năng tuyến giáp. Chất này có nhiều trong các loại hạt hướng dương, cá ngừ. Tuy nhiên, cần lưu ý cá ngừ có nhiều I-ốt nên cần cân đối trong chế độ dinh dưỡng.
Thứ ba, hạn chế thực phẩm cản trở chức năng tuyến giáp. Có hai nhóm thực phẩm bao gồm: Thực phẩm có chứa nhiều Goitrogenic, vì nó sẽ làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp có thể gây tăng thêm tình trạng phì đại tuyến giáp. Ví dụ: đậu nành, rau họ cải (bông cải, bắp cải, cải xoăn,...).
Thực phẩm gây viêm có: Thực phẩm chứa gluten như các sản phẩm từ bột mì (bánh mì, mì ý) sẽ gây viêm giáp Hashimoto. Thực phẩm tăng sản xuất cytokine gây viêm làm nặng thêm tình trạng tự miễn: đồ chiên rán, dầu mỡ, thức uống - thực phẩm nhiều đường đơn giản, rượu và thuốc lá.
2. Khuyến cáo dinh dưỡng cho các bệnh lý tuyến giáp
Như vậy đối với cường giáp, suy giáp, viêm giáp, bướu giáp thì chế độ ăn có khác nhau như thế nào thưa bác sĩ?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Cường giáp, suy giáp, viêm giáp và bướu giáp đều có cơ chế bệnh sinh riêng biệt, nên chế độ ăn cần được điều chỉnh phù hợp để hỗ trợ điều trị. Để cho người bệnh dễ hiểu bác sĩ sẽ giải thích từng bệnh lý. Tuy nhiên các tình trạng này đôi khi đi cùng nhau hoặc là các giai đoạn khác nhau của bệnh lý trong quá trình điều trị. Vì vậy, nếu các tình trạng này xuất hiện cùng lúc thì phối hợp các nguyên tắc với nhau.
Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp là tình trạng bệnh lý tăng tiết hormon tuyến giáp, từ đó làm tăng nhu cầu sử dụng nặng lượng và có thể gây suy giảm cơ. Trướcđặc điểm bệnh lý đó, cần dùng dinh dưỡng để cung cấp đủ lại lượng năng lượng và lượng đạm đã mất. Đồng thời điều hòa được chức năng của hormon tuyến giáp. Do đó người bệnh cần:
Có một chế độ ăn hạn chế i-ốt: Giảm thực phẩm chứa nhiều i-ốt như seaweed (rong biển), kelp (tảo bẹ), iodized salt (muối i-ốt), và các loại hải sản.
Tăng cường năng lượng và protein: Chọn thực phẩm giàu năng lượng như bơ (avocado), hạt, và protein chất lượng cao từ trứng, cá, thịt gà.
Hạn chế thực phẩm gây kích thích: Tránh caffeine (có trong cà phê, trà) và các thực phẩm cay nóng vì có thể làm tăng triệu chứng hồi hộp, lo âu.
Bổ sung vi chất: Selenium (từ cá ngừ, hạt hướng dương) giúp bảo vệ tuyến giáp. Vitamin D và canxi để phòng loãng xương do cường giáp gây ra
Suy giáp có đặc điểm bệnh lý với chiều hướng đi xuống, ngược lại với cường giáp. Các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng ở bệnh nhân suy giáp là ăn uống không ngon miệng, tiêu hóa chậm. Tuy nhiên, một trong những biến chứng của suy giáp là tình trạng tăng cân của bệnh nhân do chuyển hóa của bệnh nhân thấp hơn bình thường.
Do đó, chế độ ăn khuyến nghị đối với bệnh nhân suy giáp cụ thể là:
Cung cấp đủ i-ốt: Ăn thực phẩm giàu i-ốt. Tuy nhiên, không nên dùng quá mức để tránh gây viêm giáp.
Bổ sung selenium và sắt: Selenium từ hạt hướng dương, tuna; Iron từ nguồn thịt động vật giúp hỗ trợ enzyme tổng hợp hormone tuyến giáp.
Hạn chế thực phẩm nhiều calo rỗng: Kiểm soát cân nặng bằng cách tránh đồ ăn nhanh, đồ uống có đường.
Bệnh viêm giáp
Về bệnh viêm giáp, đây là bệnh lý tự miễn, cơ thể tự động tiết ra kháng thể một cách quá mức để đánh vào trong hệ thống của tuyến giáp. Do đó sẽ nổi trội lên một đặc điểm về dinh dưỡng là:
Hạn chế thực phẩm kích thích viêm: Giảm gluten (từ bánh mì, mì ống) và sữa bò ở người có dấu hiệu không dung nạp. Tránh các chất cytokin được tạo ra trong quá trình chiên, rán thực phẩm, vì vậy cần tránh các loại thực phẩm chiên xào nhiều. Để tránh kích hoạt phảm ứng viêm, người bệnh nhân ăn lượng i-ốt vừa phải, không ăn quá nhiều.
Chống viêm bằng thực phẩm: Tăng thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mọng, cà rốt. Thêm omega-3 fatty acids từ cá hồi, óc chó, hạt chia.
Bổ sung selenium và vitamin D: Selenium đã được chứng minh giúp giảm kháng thể tự miễn tuyến giáp (anti-TPO). Vitamin D hỗ trợ điều hòa miễn dịch.
Bệnh bướu giáp
Đối với bệnh bướu giáp, đây là vấn đề khiến bệnh nhân khá hoang mang vì một số tình huống chỉ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ. Phụ nữ ở độ tuổi trung niên, đi siêu âm phần cổ có thể phát hiện nhân giáp.
Người bệnh bướu giáp cần chú ý một số vấn đề về chế độ dinh dưỡng để hạn chế tăng kích thước, đảm bảo vấn đề thẩm mỹ và hạn chế rối loạn tình trạng tuyến giáp.
Đầu tiên, cần hạn chế thực phẩm chứa goitrogens, vì đây là chất ngăn cản tổng hợp hormon tuyến giáp, từ đó tuyến giáp phải tăng sinh để bù lại sự thiếu hụt này, bướu giáp do đó mà ngày càng to. Các thực phẩm chứa goitrogens thường có trong sản phẩm từ đậu nành, bông cải xanh, và bắp cải, đặc biệt nếu chưa được nấu chín. Nếu phải ăn thì nên trụng nước sôi trước khi ăn (chần qua nhiều lần).
Bên cạnh đó, nên cung cấp đủ i-ốt
Bổ sung EPA nếu khối u ác tính: Khuyến cáo chung trên bệnh nhân ung thư nếu bổ sung 2g EPA mỗi ngày giúp ngăn ngừa tình trạng suy mòn ở bệnh nhận, EPA có đặc tính chống viêm, giúp giảm ổn định tình trạng viêm ở bệnh nhân ung thư.
Thông thường để bổ sung đủ 2g EPA bác sĩ dinh dưỡng sẽ khuyến cáo bệnh nhân sử dụng sữa bệnh lý (ONS) để có thể định lượng được dễ dàng. Ngoài ra EPA có nhiều trong cá hồi, dầu cá.
3. Năm mẹo giúp người bệnh suy giáp ăn uống ngon miệng
Một số người bệnh, đặc biệt là chị em phụ nữ chia sẻ rằng họ bị mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, rụng tóc một thời gian thì được phát hiện suy giáp. Và lúc này cùng với việc điều trị thì bác sĩ cũng có nhắc người bệnh cần tăng cường dinh dưỡng, tuy nhiên lúc này người bệnh thường mệt mỏi nên cũng lười ăn. Không biết bác sĩ có một số mẹo nào để giúp người bệnh ăn uống ngon miệng, và đủ dinh dưỡng hơn không?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Thực tế, bệnh nhân suy giáp không có bất thường về hệ tiêu hóa để ngăn cản tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên về hormon và chuyển hóa nội tiết đã bị thay đổi theo chiều hướng đi xuống. Do đó tất cả mọi thứ kể cả hệ tiêu hóa, nhu động ruột sẽ bị giảm. Từ đó gây ra cảm giác mệt mỏi, sụt cân, chán ăn và rụng tóc là những triệu chứng rất phổ biến ở người bệnh suy giáp.
Đúng như người bệnh đề cập, khi cơ thể mệt mỏi, việc ăn uống trở nên khó khăn hơn, nhưng dinh dưỡng vẫn là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ điều trị và hồi phục. Dưới đây là một số mẹo đơn giản để giúp người bệnh ăn ngon miệng và đủ dinh dưỡng hơn:
1. Bổ sung thêm kẽm dưới dạng viên nén giúp ổn định tuyến giáp và kích thích sự ngon miệng.
2. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn thêm 2-3 bữa phụ với các món như sinh tố, sữa tươi, sữa chua giúp giảm cảm giác đầy bụng do tình trạng suy giáp mang lại.
3. Sử dụng thực phẩm dễ tiêu hóa: do người bệnh suy giáp thường chuyển hóa chậm, dễ bị táo bón nên tốt hơn là nên ăn các món mềm, nhuyễn, nhỏ, ít mỡ.
4. Tăng cường hương thơm và màu sắc của món ăn. Ví dụ sử dụng thêm gừng, hương thảo (tạo mùi), chanh và các loại ớt chuông nhiều màu để tăng sụ bắt mắt.
5. Sử dụng thêm các loại sữa công thức chuyên biệt giúp bổ sung đủ dinh dưỡng.
4. Bổ sung đạm và vitamin để hồi phục sau mổ tuyến giáp
Còn đối với người bệnh sau phẫu thuật tuyến giáp thì họ cần chú ý tăng cường các nhóm chất nào để có thể sớm khỏe lại?
ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Đối với bệnh nhân mới mổ tuyến giáp, cần đặt ra 2 mục tiêu: Mục tiêu ngắn hạn là hồi phục vết mổ sau phẫu thuật. Trong đó, đạm đóng vai trò quan trọng nhất, kèm theo các vitamin như A, D, B12 và khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, selenium giúp nhanh lành vết mổ và điều hòa chức năng tuyến giáp.
Sau đó tùy vào diễn tiến chức năng tuyến giáp sẽ áp dụng nguyên tắc ăn đã được đề cập.
>>> Lưu ý về i-ốt và canxi trong dinh dưỡng khi điều trị bệnh tuyến giáp
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình