Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý về i-ốt và canxi trong dinh dưỡng khi điều trị bệnh tuyến giáp

Cường giáp, suy giáp, bướu giáp… là các bệnh lý tuyến giáp phổ biến, việc điều trị cần tuân thủ về cả uống thuốc, sinh hoạt lẫn chế độ dinh dưỡng. Vậy người bệnh cần lưu ý vấn đề gì trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, đặc biệt là i-ốt và canxi? Thắc mắc sẽ được giải đáp bởi ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Bệnh viện Bình Dân.

1. Lưu ý dinh dưỡng cho người chuẩn bị hoặc đang điều trị i-ốt phóng xạ

Đối với người bệnh ung thư tuyến giáp chuẩn bị hoặc đang trong quá trình điều trị phóng xạ thì việc ăn kiêng sẽ tiến hành như thế nào ạ?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân - Bác sĩ điều trị Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Bình Dân trả lời: Khi điều trị ung thư tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạ (I-131), việc áp dụng chế độ ăn kiêng i-ốt thấp là rất quan trọng để tối ưu hiệu quả điều trị. Vì i-ốt phóng xạ (I-131) được sử dụng để tiêu diệt các tế bào tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật hoặc các tế bào ung thư tuyến giáp. Vì vậy cần giảm lượng i-ốt trong cơ thể để tăng khả năng hấp thu i-ốt phóng xạ của các tế bào tuyến giáp còn sót lại. Tạo điều kiện để i-ốt phóng xạ tập trung nhiều hơn vào tế bào ung thư, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.

Chế độ ăn này hướng tới giảm càng nhiều i-ốt tiêu thụ càng tốt và cần tiêu thụ dưới 50 mcg/ ngày, nghĩa là chỉ ăn 1/3 - 1/5 so với nhu cầu bình thường (bình thường cần 150 mcg/ngày).

Để làm được, không chỉ KHÔNG ăn muối I-ỐT mà còn cần phải tránh hẳn các thực phẩm giàu i-ốt như: các loại thực phẩm có chữ biển - hải: rong biển, cá biển, hải sản; các loại thực phẩm chế biến sẵn; sữa và các sản phẩm từ sữa - trừ các loại sữa công thức chuyên biệt dành cho bệnh lý có in logo trên bao bì “được dùng cho bệnh nhân trước khi xạ trị i-ốt tuyến giáp”; lòng đỏ trứng.

Một số thực phẩm an toàn có thể sử dụng là: Rau củ tươi, trái cây tươi, thịt tươi, dầu thực vật.

Một mẹo dễ nhớ cho các thực phẩm cần tránh là có chữ “biển” và chữ “hải”.

2. Bác sĩ hướng dẫn cách giảm lượng i-ốt trong thực phẩm

Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về cách chế biến thực phẩm giúp giảm i-ốt trong thực phẩm giúp cho các bệnh nhân tuyến giáp cần kiêng i-ốt mà vẫn muốn ăn các thực phẩm chứa i-ốt được không?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Bệnh nhân có thể giảm lượng i-ốt trong các thực phẩm giàu i-ốt bằng các phương pháp chế biến. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giảm được một phần, sau khi thực hiện các biện pháp như bác sĩ hướng dẫn, thực phẩm đó vẫn nằm trong nhóm giàu i-ốt. Vì vậy, bệnh nhân có thể linh hoạt ăn 1-2 lần nếu cần gấp như trong trường hợp đám tiệc, không nên ăn quá nhiều trong thời gian dài.

Một số phương pháp làm giảm i-ốt trong thực phẩm chứa nhiều i-ốt bao gồm:

Thứ nhất, ngâm thực phẩm trước khi chế biến. Do cơ chế của i-ốt là vi chất tan trong nước, nên ngâm thực phẩm trong nước có thể giúp loại bỏ một phần i-ốt. Nếu có thể, hãy ngâm trong nước ấm trong vòng từ 1-2 tiếng trước khi bắt đầu bước thứ hai.

Thứ hai, luộc hoặc chần thực phẩm, do i-ốt tan vào nước luộc khi nấu ở nhiệt độ cao. Một số thực phẩm có thể áp dụng luộc hải sản (tôm, cua, cá) hoặc các loại rau củ trước khi sử dụng. Đổ bỏ nước luộc để loại bỏ lượng i-ốt đã tan. Đối với lòng đỏ trứng (nhiều i-ốt), luộc kỹ và bỏ lòng đỏ, chỉ sử dụng lòng trắng.

Sau khi ngâm ở nước thứ nhất, thực phẩm đó có thể giảm từ 10-20% lượng i-ốt, bước hai có thể giảm thêm 10-30% lượng i-ốt.

Một lưu ý quan trọng là các phương pháp trên không thể loại bỏ hoàn toàn i-ốt.

3. Thiếu canxi là biến chứng thứ phát của các bệnh lý tuyến giáp

Chế độ dinh dưỡng giàu canxi có tác động như thế nào đến việc phục hồi và điều trị bệnh lý tuyến giáp?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Một số tình trạng tuyến giáp liên quan đến canxi là:

Sau phẫu thuật tuyến giáp: Tuyến cận giáp có thể bị tổn thương hoặc cắt bỏ một phần, dẫn đến giảm tiết PTH và gây hạ canxi máu.

Suy giáp: Thiếu hormone T3/T4 làm chậm chuyển hóa, giảm hiệu quả hấp thu canxi tại ruột, đồng thời tăng nguy cơ loãng xương.

Cường giáp: Tăng hormone T3/T4 thúc đẩy tiêu hủy xương quá mức, gây mất canxi từ xương vào máu, dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.

Vì vậy việc thiếu canxi là biến chứng thứ phát của các bệnh lý tuyến giáp, cần bổ sung để tránh các rối loạn do hạ canxi, không phải đây là điều trị phục hồi tuyến giáp. Nếu xét nghiệm có tình trạng hạ canxi hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp bổ sung canxi ở mức 1200 - 1500 mg/ngày, chỉ cao hơn một chút so với nhu cầu khuyến nghị ở người bình thường.

4. Tuân thủ 3 nguyên tắc dinh dưỡng để tránh tái phát bệnh tuyến giáp

Để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh tuyến giáp, ngoài việc phải theo dõi, thăm khám theo hướng dẫn của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng hợp lý có tác động như thế nào?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Vẫn theo 3 nguyên tắc chính của bệnh lý tuyến giáp đã được đề cập từ đầu, các nguyên tắc này giúp ổn định tuyến giáp, giảm khả năng tăng nặng hoặc tái phát bệnh gồm:

- Ổn định chức năng tuyến giáp qua các chất: i-ốt, selenium, sắt;

- Hạn chế các chất gây viêm: sử dụng các chất chống oxy hóa, tránh các chất gây kích hoạt viêm như gluten hoặc đường đơn giản và thức ăn chế biến sẵn;

- Tránh goitrogens để tránh gây phì đại tuyến giáp: tránh đậu nành, bông cải, bắp cải, cải xoăn

5. Uống thuốc thay thế hormone tuyến giáp khi bụng đói mang lại hiệu quả tốt nhất

Khi bị suy giáp, bệnh nhân được dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp, BS thường dặn nên uống khi bụng đói và không nên ăn quá nhiều chất xơ. BS có thể cho biết lý do? Và làm sao để bệnh nhân biết mình đang ăn quá nhiều chất xơ ạ?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Lý do uống thuốc điều trị tuyến giáp khi bụng đói vì levothyroxine là dạng thay thế hormone tuyến giáp (T4), và việc hấp thu thuốc này tại ruột có thể bị ảnh hưởng bởi thức ăn.

Uống thuốc khi bụng đói mang lại hiệu quả tốt nhất vì có thể hấp thu tối ưu tại ruột non. Cụ thể,  levothyroxine được hấp thu chủ yếu ở phần trên của ruột non. Thức ăn trong dạ dày hoặc ruột có thể làm giảm sự hấp thu thuốc. Khi bụng đói, nồng độ thuốc trong máu ổn định hơn, đảm bảo hiệu quả điều trị.

Giải thích cho lý do không nên ăn quá nhiều chất xơ (đặc biệt là loại không hòa tan) có thể làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày và giảm tiếp xúc giữa thuốc và niêm mạc ruột. Điều này làm giảm sự hấp thu levothyroxine và có thể làm mất cân bằng hormone tuyến giáp.

Thế nào là ăn quá nhiều chất xơ?

Chất xơ không hòa tan có nhiều trong rau, khuyến cáo mức sử dụng rau bình thường là ăn 1⁄2 đến 2/3 chén rau tương đương 80g rau mỗi cử và ăn 3 cử mỗi ngày. Ăn nhiều xơ nghĩa là nếu ăn trên 3 chén rau đầy (không tính nước) mỗi ngày.

Người bệnh cần cung cấp chất xơ dưới dạng chất xơ hòa tan có nhiều trong một số thực phẩm như hạt chia, hạt é.

6. Chế độ dinh dưỡng của người bệnh ung thư tuyến giáp là phối hợp cường giáp và suy giáp liệu có hợp lý?

Một số trang mạng đưa ra các món cần kiêng ở người bệnh ung thư tuyến giáp là gộp chế độ ăn của bệnh cường giáp và suy giáp, điều này liệu có hợp lý không ạ?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Cường giáp và suy giáp có những đặc điểm khác biệt rất rõ rệt về chế độ ăn vì trong giai đoạn cường giáp cần bổ sung năng lượng để đáp ứng chuyển hóa đang tăng, bệnh nhân lúc này có xu hướng sử dụng năng lượng nhiều hơn.

Trong giai đoạn suy giáp cần hạn chế năng lượng vì chuyển hóa cơ thể giảm và cơ thể có xu hướng tăng cân và lưu ý đặc biệt về bổ sung sắt và vitamin B12 nếu người bệnh có thiếu máu, cung cấp đủ i-ốt. Đây là những khác biệt rõ rệt với dinh dưỡng trong giai đoạn cường giáp.

Có sự gộp chế độ ăn của bệnh cường giáp và suy giáp ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể vì các món ăn cần kiêng này giống nhau ở chế độ ăn lành mạnh và chế độ ăn ung thư chứ không phải là đặc hiệu cho cường giáp hoặc suy giáp.

Bên cạnh đó, một bệnh nhân ung thư giáp theo diễn tiến bệnh có thể có cường giáp trước sau đó suy giáp do điều trị hoặc ngược lại vì vậy các trang mạng gộp chung mà không giải thích rõ.

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân khuyến cáo, trong giai đoạn suy giáp cần hạn chế năng lượng vì chuyển hóa cơ thể giảm và cơ thể có xu hướng tăng cân và lưu ý đặc biệt về bổ sung sắt và vitamin B12 nếu người bệnh có thiếu máu, cung cấp đủ i-ốt

7. Chế độ ăn cần dựa trên xét nghiệm để xác định rõ bệnh chính và bệnh kèm

Cường giáp, suy giáp và ung thư tuyến giáp, bệnh nhân có cần phải dựa theo xét nghiệm chức năng tuyến giáp và chức năng gan thận để điều chỉnh chế độ ăn không?

ThS.BS Phạm Trần Thiên Nhân trả lời: Cần thiết dựa trên xét nghiệm để xác định rõ chẩn đoán bệnh chính và bệnh kèm để có chế độ ăn phù hợp.

>>> Người bệnh tuyến giáp: cường giáp, suy giáp, viêm giáp, bướu giáp ĂN gì và KIÊNG gì?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X