5 Nguyên nhân khiến bạn đau lưng khi ngủ dậy và cách khắc phục?
Ngủ dậy bị đau lưng thường liên quan đến tư thế ngủ hoặc giường, nệm, gối không phù hợp. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cột sống cần được điều trị sớm nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Vậy, cùng bài viết dưới đây tìm hiểu 5 nguyên nhân khiến bạn đau lưng khi ngủ dậy cũng như cách khắc phục chúng nhé!
5 Nguyên nhân chính gây đau lưng khi ngủ dậy
Ngủ sai tư thế
Ngủ sai tư thế là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau lưng khi ngủ dậy. Tư thế ngủ xấu gây áp lực lớn lên cột sống, làm mất đường cong tự nhiên, lâu dần gây ra các cơn đau nhức lưng và các bệnh lý về cột sống.
Người mắc bệnh đau lưng nếu ngủ sai tư thế thường xuyên sẽ gây căng thẳng lên cột sống, tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là với tư thế nằm sấp. Nhằm cải thiện tình trạng này, bạn cần chọn chiếc gối đầu phù hợp với khoảng cách giữa cổ và vai, đặt thêm một chiếc bên dưới đầu gối khi ngủ.
Sử dụng nệm và gối không phù hợp
Một chiếc nệm kém chất lượng, nệm cũ cũng sẽ khiến bạn đau lưng mỗi khi thức dậy bở nệm có độ đàn hồi kém, quá cứng hoặc quá mềm sẽ tác động trực tiếp lên lưng. Nhiều người bị đau lưng thường xuyên cho biết tình trạng đau nhức, khó chịu ở lưng giảm đáng kể sau khi thay một chiếc đệm mới theo lời khuyên của bác sĩ. Cột sống giảm hoặc không bị căng thẳng sẽ không còn tình trạng đau lưng nữa.
Hoạt động quá sức trước khi ngủ
Làm việc nặng, khuân vác quá sức hoặc tham gia các hoạt động thể thao mạnh sẽ khiến cột sống chịu nhiều áp lực. Khi cơ và dây chằng căng giãn quá mức, bạn sẽ bị đau cột sống, đặc biệt là khi vừa mới ngủ dậy.
Để cải thiện tình trạng này, bạn cần lưu ý đến tư thế trước và sau khi hoạt động với cường độ cao. Khi tập thể dục, thể thao, người bệnh nên khởi động trước, giãn cơ đúng cách để hạn chế tình trạng đau nhức lưng, cứng cơ sau khi ngủ dậy.
Thiếu hoạt động thể chất
Thói quen lười vận động làm cho các cơ dần yếu đi do không được sử dụng, đặc biệt là vùng cơ bụng và lưng. Tình trạng này có thể gây đau nhức cho người bệnh trong suốt thời gian dài.
Bệnh lý cột sống tiềm ẩn
Các bệnh lý cột sống tiềm ẩn như thoát vị đĩa đệm, đau cơ xơ hóa cũng gây ra tình trạng đau nhức lưng sau khi ngủ dậy. Hiện nay, chưa có các phương pháp chữa trị triệt để các triệu chứng bệnh này, chỉ định dùng thuốc chỉ nhằm giãn cơ, giảm hoặc cải thiện tình trạng khó chịu ở vùng lưng.
Người bệnh có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ về massage, châm cứu hoặc vật lý trị liệu để làm giảm cơn đau nhức vùng lưng. Bạn nên lựa chọn đơn vị, trung tâm thực hiện các liệu pháp uy tín nhằm tránh nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
Cách khắc phục đau lưng khi ngủ dậy
Điều chỉnh tư thế ngủ hợp lý
Người đau lưng có thể cải thiện tình trạng này bằng cách thay đổi tư thế nằm, tránh gây áp lực lên cột sống ảnh hưởng tới vị trí đau:
- Nằm nghiêng và đặt gối kê giữa 2 chân: Nằm nghiêng người sang một bên và đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối.
- Nằm ngủ với tư thế bào thai: Đây là tư thế nằm tốt cho người bệnh đau lưng do thoát vị đĩa đệm. Bạn hãy nằm nghiêng ngường, co gối gần ngực, người cong nhẹ. Lợi ích của tư thế này là giúp giảm áp lực lên cột sống, hạn chế tình trạng khởi phát cơn đau. Tuy nhiên, người bệnh nên thường xuyên đổi bên khi ngủ để tránh gây mất cân bằng.
- Nằm sấp và đặt gối dưới bụng: Bạn chỉ cần nằm sấp trên giường rồi kê một chiếc gối dưới xương chậu và vùng bụng để hỗ trợ nâng đỡ cột sống.
Chọn nệm và gối phù hợp
Nhiều người thắc mắc rằng đau lưng nên nằm nệm gì để cải thiện được vấn đề này. Theo các chuyên gia, nếu gặp phải tình trạng đau lưng thì nên hạn chế các loại nệm quá mềm sẽ khiến lưng bị cong khi nằm. Thay vào đó, nên chọn dòng nệm có độ đàn hồi vừa phải để giữ cho cột sống được thẳng khi nằm. Ngoài ra bạn cũng nên sử dụng các loại gối hỗ trợ cột sống cổ nhằm tránh tình trạng nằm gối quá cao hoặc chèn nhiều gối khi ngủ.
Thực hiện bài tập giãn cơ trước khi ngủ
Khi nằm trên giường, bạn nên vươn tay qua đầu hết mức và căng chân theo hướng ngược lại, sau đó, đưa gối gần ngực và giữ căng lưng. Sau khi ngồi dậy, hãy đặt chân xuống sàn với tư thế hai chân dang rộng bằng vai rồi đứng lên, đưa tay qua đầu gối và kéo căng toàn bộ có thể trước khi vào giấc ngủ.
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống điều độ, kiểm soát cân nặng để tránh tình trạng thừa cân, tạo áp lực cho cột sống. Ngoài ra, cần bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hệ xương như canxi, kali trong bữa ăn hằng ngày, uống đủ nước cũng sẽ giúp hạn chế các cơn đau thắt, hồi phục nhanh chóng.
Đặc biệt, với những ai làm việc văn phòng ngồi nhiều, thì lựa chọn một chiếc ghế ngồi có chiều cao hợp lý là sự lựa chọn hoàn hảo. Cứ 1,2 giờ nên đứng dậy vận động, thực hiện các động tác nhẹ nhàng để cột sống thắt lưng được thư giãn.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Thông thường, nếu cơn đau lưng gây ra do nằm sai tư thế hoặc hoạt động quá sức thì có thể phục hồi sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngủ dậy bị đau lưng có các biểu hiện sau, bạn cần đi thăm khám bác sĩ từ sớm:
- Cơn đau kéo dài trong nhiều tuần và không được cải thiện dù bạn đã nghỉ ngơi dài.
- Đau nhức dữ dội đi kèm với tê bì, cứng khớp.
- Cơn đau lan xuống vùng chi dưới, vùng hông.
- Người bệnh không thể hoạt động như bình thường.
- Cơn đau đi kèm với triệu chứng ớn lạnh, sốt cao, rối loạn chức năng ruột, bàng quang.
Hy vọng, bài viết trên đã giúp bạn hiểu nguyên nhân đau lưng và cách phòng ngừa. Lưu ý, khi cơn đau kéo dài và chăm sóc tại nhà không hiệu quả thì nên đi thăm khám để tránh những biến chứng về sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình