Hotline 24/7
08983-08983

5 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh gan nhiễm mỡ - Bạn có đang mắc phải?

Gan nhiễm mỡ là một trong những bệnh lý âm thầm nhưng nguy hiểm, có thể tiến triển thành ung thư gan mà không cần trải qua giai đoạn xơ gan. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả nếu được phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống hợp lý.

Gan nhiễm mỡ - “kẻ giết người thầm lặng” nhưng có thể phòng ngừa

Theo ThS.BS Lưu Thị Minh Diệp - Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai, gan nhiễm mỡ xảy ra khi lượng mỡ trong gan chiếm trên 5% trọng lượng gan, gây ảnh hưởng đến chức năng gan. Không chỉ xuất hiện ở người thừa cân, béo phì, bệnh còn có thể gặp ở người gầy do rối loạn chuyển hóa hoặc yếu tố di truyền.

Có 5 nhóm nguyên nhân chính gây nên bệnh gan nhiễm mỡ, bao gồm:

1. Chế độ ăn uống không lành mạnh: Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường, chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn và uống rượu bia thường xuyên.

2. Thừa cân, béo phì: Mỡ thừa tích tụ trong cơ thể dễ chuyển hóa và tích lũy ở gan.

3. Ít vận động: Lối sống tĩnh tại làm giảm khả năng đốt cháy mỡ, từ đó thúc đẩy quá trình tích mỡ tại gan.

4. Rối loạn chuyển hóa: Các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp… làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.

5. Di truyền: Một số người có cơ địa dễ mắc bệnh do yếu tố di truyền.

Các phương pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng rõ ràng. Một số biểu hiện có thể gặp gồm: mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau tức vùng bụng phải, sụt cân không rõ nguyên nhân, nổi mề đay, ngứa da... Ở giai đoạn nặng, bệnh có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Để phát hiện gan nhiễm mỡ, người bệnh có thể được chỉ định:

- Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng gan và các chỉ số chuyển hóa như men gan (AST, ALT, GGT), đường huyết, lipid máu.

- Siêu âm gan: Phương pháp phổ biến, không xâm lấn, giúp đánh giá tình trạng gan tổng quát.

- CT scan hoặc MRI: Cho hình ảnh chi tiết, hỗ trợ đánh giá mức độ nhiễm mỡ.

- FibroScan: Đánh giá độ xơ hóa và nhiễm mỡ trong gan một cách chính xác, không xâm lấn.

- Sinh thiết gan: Áp dụng với các trường hợp nghi ngờ có biến chứng nghiêm trọng.

Thời gian ban đầu, tình trạng gan nhiễm mỡ hầu như không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh khó nhận biết

Phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ: Thay đổi từ thói quen hằng ngày

Theo BS Diệp, việc điều trị gan nhiễm mỡ phụ thuộc vào mức độ bệnh và nguyên nhân. Quan trọng nhất là thay đổi lối sống:

- Ăn uống khoa học: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo và đường tinh luyện.

- Tăng cường vận động: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm mỡ và duy trì cân nặng hợp lý.

- Giảm cân khoa học: Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng gan nhiễm mỡ.

- Kiểm soát bệnh nền: Điều trị tốt các bệnh như tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp.

- Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ.

Bác sĩ khuyến cáo, gan nhiễm mỡ nếu phát hiện sớm và kiểm soát tốt sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm. Mỗi người cần chủ động bảo vệ gan bằng cách duy trì lối sống lành mạnh và đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X