Hotline 24/7
08983-08983

Ăn nhiều thịt đỏ, thiếu chất xơ, thiếu vitamin D gây polyp, ung thư đại tràng

Tại Hội nghị Dinh dưỡng mở rộng lần thứ XII do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tổ chức, TS.BS Trần Quốc Cường - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh về các yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng, polyp đại tràng… có thể thay đổi được. Từ đó đưa ra các khuyến cáo để phòng ngừa hữu hiệu hơn.

Các bệnh lý đại tràng thường gặp tại Việt Nam

Giới thiệu về đại tràng, TS.BS Trần Quốc Cường cho biết, đây là nơi cư ngụ của hàng nghìn tỷ vi khuẩn giúp bảo vệ đại tràng và tổng hợp vitamin. Đại tràng có chức năng hấp thu nước (khoảng 10%) và chức năng tạo phân, đồng thời tổng hợp - hấp thu vitamin (nhất là vitamin K, vitamin nhóm B) nhờ hệ vi sinh đường ruột.

Tuy nhiên, đại tràng cũng là cơ quan tiếp xúc với lượng lớn các chất đi qua mỗi ngày nên có nhiều nguy cơ bệnh lý, gồm hội chứng ruột kích thích (tần suất mắc bệnh 12,6%, ≥ 20 tuổi), viêm loét đại tràng, polyp đại tràng (16,3% ≥ 40 tuổi), bệnh lý túi thừa đại tràng (13,5%, ≥ 40 tuổi) và ung thư đại tràng (5.000 ca mới/ năm).

Trong đó, polyp đại tràng, túi thừa đại tràng và hội chứng ruột kích thích là những bệnh lý phổ biến khoảng 1/100.000 dân. Hệ quả của những bệnh lý này đáng lo ngại nhất là ung thư đại tràng - một trong những bệnh lý thường gặp trên thế giới và Việt Nam, với các đặc điểm nằm trong top 5 ung thư thường gặp ở nam và nữ, chiếm 10% các loại ung thư, xếp thứ 2 về tử vong.

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong cao thường là do chẩn đoán muộn (số ca mắc mới gần như bằng số ca tử vong), tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn sớm khá thấp (chỉ chiếm 20-30%) và thiếu chương trình sàng lọc, điều trị đáp ứng cũng chỉ ở mức 30-40%.

TS.BS Trần Quốc Cường - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Các yếu tố nguy cơ gia tăng polyp, túi thừa và ung thư đại tràng

TS.BS Trần Quốc Cường chỉ ra, có rất nhiều yếu tố nguy cơ của polyp đại tràng, túi thừa và ung thư đại tràng bao gồm tuổi gia tăng, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều thịt đỏ, thiếu chất xơ, sử dụng thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động thể lực, thiếu vitamin D và tiền sử gia đình.

Trong đó, chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh về các yếu tố hoàn toàn có thể thay đổi được. Rất nhiều trong số đó là thói quen phổ biến của người Việt Nam như hút thuốc lá (tỷ lệ ở nam giới cao đến 43,5% và hút thụ động 48-70%); bia rượu thường xuyên (trung bình 43,8%); thiếu hoạt động thể lực (28,1%); ăn thiếu rau và trái cây (57,2%)…

Chuyên gia dẫn chứng, béo phì làm gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng 50% ở nam và 20% ở nữ giới do gia tăng các cytokine gây viêm. Thiếu vận động thể lực làm làm gia tăng ung thư ung thư đại tràng lên 25%. Tiêu thụ dư thừa thịt đỏ làm gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng lên 20-30% do nấu thịt đỏ ở nhiệt độ cao sinh ra các chất gây ung thư như N-nitroso compounds, hetecocyclic amines…

Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia ở mức vừa phải và mức độ nặng làm gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng lên 20% và 40% so với người không uống rượu bia. Ethanol được chuyển hóa bởi men dehydrogenase của vi khuẩn thành acetaldehyde, chất này tích tụ trong đại tràng do hoạt tính aldehyde dehydrogenase của niêm mạc đại tràng thấp. Từ đó acetaldehyde thúc đẩy quá trình trong methyl hóa DNA và sinh ra khối u.

Chiến lược dự phòng hữu hiệu nhất các bệnh lý đại tràng thường gặp

Vấn đề đáng chú ý là các bệnh lý này không có triệu chứng lâm sàng, đến khi đau bụng, tiêu chảy, táo bón, phân nhày; tiêu máu, thiếu máu thiếu sắt; sụt cân, suy dinh dưỡng; tắc ruột, thủng ruột thì các bệnh lý đã ở giai đoạn muộn.

Do đó, TS.BS Trần Quốc Cường tin rằng, trong các chiến lược dự phòng, điều trị sớm hay sàng lọc sớm không phải là nền tảng, bởi vì khi sàng lọc (xét nghiệm máu ẩn trong phân, nội soi) ít nhất cũng phải 40-45 tuổi, tích lũy quá trình dài những yếu tố gây viêm…

Chính vì vậy, chuyên gia nhấn mạnh, chiến lược hữu hiệu nhất là dự phòng nguyên phát, cần bắt đầu ngay từ giai đoạn bào thai, trẻ nhỏ. Điều này bao gồm dinh dưỡng thai kỳ hợp lý, nuôi con bằng sữa mẹ; xây dựng chế độ ăn lành mạnh (nhà trường, gia đình) với việc tăng cường rau xanh trái cây, hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, rượu bia; bỏ thuốc lá; theo dõi cân nặng thường xuyên; khuyến khích vận động thể lực.

Cụ thể, cần lưu ý, không ăn thịt đỏ quá 70 gram/người/ngày, nói không với thịt chế biến sẵn; ăn 3-4 đơn vị rau, 3 đơn vị trái cây/ ngày; hạn chế rượu bia 1-2 đơn vị cồn/ ngày; hạn chế đường đơn không quá 5% tổng năng lượng; vận động thể lực 150 phút cường độ trung bình/ngày.

Chất xơ có vai trò dự phòng polyp và ung thư đại tràng thông qua cơ chế gắn kết với các chất gây ung thư và đào thải ra ngoài. Ngoài ra, chất xơ còn giúp tăng nhu động ruột, giảm thời gian phân lưu lại trong đại tràng, từ đó giúp giảm thời gian tiếp xúc với các chất sinh ung thư với niêm mạc đại tràng. Ngoài ra chất xơ (prebiotic) còn là thực phẩm cho vi sinh đại tràng cũng có vai trò trong phòng ngừa ung thư đại tràng.

Chế phẩm từ sữa cũng có vai trò phòng ngừa ung thư đại tràng do chứa calcium giúp loại trừ các chất gây viêm và chất gây ung thư. Ngoài ra, vitamin D cũng có vai trò trong dự phòng ung thư đại tràng thông qua cơ chế bảo vệ tế bào niêm mạc đường ruột. Cuối cùng là sự toàn vẹn của hệ vi sinh đường ruột cũng góp phần trong dự phòng ung thư đại tràng.

Về béo phì, hiện nay cũng có nhiều giải pháp điều trị hiệu quả. Chuyên gia đề cập, đối với thuốc tiêm Liraglutide điều trị béo phì thường được chỉ định khi BMI > 30kg/m2, sớm hơn ở BMI 27kg/m2 nếu bệnh lý đi kèm, còn đối với phẫu thuật thu hẹp dạ dày chỉ định khi BMI > 35 bất kể yêu tố nguy cơ và sớm hơn ở BMI 30kg/m2 nếu có bệnh lý chuyển hóa.

Tuy vậy, chuyên gia không phủ nhận sàng lọc vẫn là yếu tố rất quan trọng trong xác định ung thư đại trực tràng, polyp cũng như túi thừa. Trong đó, xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm có giá trị đáng tin cậy cao. Ngoài ra, xét nghiệm ít xâm lấn khác như nội soi đại tràng (40-45 tuổi hoặc sớm hơn) mỗi 5 năm là cần thiết. Nhưng cần chú ý, các marker ung thư (ví dụ CEA), CT, xét nghiệm DNA, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu ít có giá trị sàng lọc.

Kiêng cữ đúng cách khi bị hội chứng ruột kích thích

Ngoài nguy cơ về ung thư đại tràng, hội chứng ruột kích thích cũng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến của đại tràng. Hội chứng ruột kích thích là một dạng của rối loạn chức năng đường ruột mãn tính đặc trưng bởi đau vùng bụng dưới, đầy bụng, trung tiện nhiều, thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu chảy hoặc táo bón). Bệnh được chẩn đoán sau khi đã được khám và loại trừ các bệnh lý đường ruột khác như viêm đại tràng, ung thư. Đây là một bệnh lý cũng khá phổ biến, cứ 7 người thì có 1 người bị bệnh.

Trong nhiều năm qua, các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích được nghĩ có liên quan đến chất béo, chất caffein (có trong trà, cà phê, nước coca, chất cồn, gluten… gây nên). Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất cho thấy hội chứng ruột kích thích còn do một số chất thuộc nhóm tinh bột kém hấp thu và có khả năng lên men tại ruột gây nên. Các chất này là một số đường đơn, đường đôi hoặc tinh bột chuỗi trung bình bao gồm Fructans, galacto-oligosacharides (GOS), fructose, lactose, một số polyols (ví dụ như sorbitol, manitol…).

Con người hoàn toàn không có men và không thể tiêu hóa fructans và GOS. Các chất còn lại có thể kém hấp thu tùy người. Những chất thuộc nhóm tinh bột kém hấp thu và có khả năng lên men nói trên có nhiều trong một số loại trái cây bao gồm táo, dưa hấu, xoài; có trong sữa và chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…) và có trong bánh mì; có trong một số loại rau cải như hành, tỏi, bông cải, các loại đậu hạt.

Do đó, chuyên gia khuyến nghị, những người mắc hội chứng ruột kích thích cần hạn chế hoặc ăn với lượng nhỏ các thực phẩm nêu trên. Ở những trường hợp nặng cần kiêng tuyệt đối các thực phẩm trên trong 6-8 tuần rồi sau đó ăn từ từ với lượng tí từng loại thực phẩm kể trên. Không cần kiêng cữ các chất trên cả đời, bệnh nhân có thể dùng thử lại từng thực phẩm một với lượng từ ít đến nhiều xem phản ứng với cơ thể và chỉ cần kiêng cữ tuyệt đối một số thực phẩm trong nhóm gây bệnh mà thực sự gây triệu chứng rõ ràng mà thôi.

Địa Trung Hải - chế độ ăn có tiềm năng trong điều trị viêm đại tràng

TS.BS Trần Quốc Cường cũng đề cập đến viêm đại tràng. Đây là một bệnh lý viêm mạn tính niêm mạc đại tràng với những đợt cấp xen kẽ ổn định, thuộc nhóm bệnh viêm đường ruột. Triệu chứng biểu hiện phổ biến nhất của viêm đại tràng là phân có máu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm gấp đi đại tiện, bài tiết nhiều chất nhầy trực tràng, tăng tần suất đi tiêu, đi tiêu về đêm, khó chịu ở bụng (đau, co thắt), tiểu không tự chủ, mệt mỏi, sốt, mất nước và suy dinh dưỡng.

Chuyên gia cho rằng, chế độ ăn Địa Trung Hải đã cho thấy kết quả tiềm năng trong điều trị bệnh nhân mắc viêm đại tràng do chứa nhiều thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Chế độ ăn kiêng loại trừ viêm đại tràng cũng có thể có hiệu quả cho bệnh viêm đại tràng. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng này cũng cần được nghiên cứu thêm. Lợi ích của việc bổ sung omega-3 và men vi sinh có thể có tác dụng điều trị bổ sung, tuy nhiên bằng chứng không phải rõ ràng.

>>> Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam

>>> Những điểm mới trong điều trị, dự phòng bệnh lý tiêu hóa bằng y học hiện đại và y học cổ truyền

>>> Có nên sử dụng nước kiềm thường xuyên trong sinh hoạt và điều trị các bệnh lý tiêu hóa?

>>> Can thiệp, điều chỉnh dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm ruột mạn tính

>>> “Chán ăn không phải là điều tất yếu của tuổi già”

>>> Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức ngày 27/7/20247 với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”. Số lượng học viên và đại biểu tham dự trực tiếp gấp 2 lần dự kiến của Ban tổ chức và hơn 600 học viên tham dự trực tuyến.

Bên cạnh đó, chương trình có khách mời tham dự đến từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, thông qua hội nghị giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X