Hotline 24/7
08983-08983

Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng

Tại Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tổ chức, bài báo cáo của BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Thống Nhất đã cho thấy một bức tranh tổng quan về ảnh hưởng của lão hóa lên cấu trúc và chức năng vận động dạ dày đến tiếp cận chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng, cũng như những lưu ý về giải quyết tình trạng này ở người cao tuổi.

20% dân số bị khó tiêu chức năng trên toàn cầu

Chuyên gia đánh giá, chứng khó tiêu chức năng (Functional dyspepsia - FD) (KTCN) năng là một trong những rối loạn tiêu hóa chức năng phổ biến nhất. Đây là tình trạng rối loạn mạn tính và tái phát của các triệu chứng đường tiêu hóa trên nhưng không có tổn thương thực thể được phát hiện qua nội soi, xét nghiệm máu hoặc X-quang như loét dạ dày tá tràng, bệnh ác tính đường tiêu hóa, bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc bệnh lý mật tụy.

Theo đó, KTCN bao gồm ba dạng với sinh lý bệnh và nguyên nhân khác nhau được cho là hội chứng khó chịu sau ăn (PDS), hội chứng đau vùng thượng vị (EPS) và một dạng có các đặc điểm PDS và EPS chồng chéo nhau.

BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt mang đến Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII một bài báo cáo hấp dẫn về khó tiêu chức năng

Chuyên gia dẫn chứng thống kê cho thấy, tần suất của KTCN ít nhất là 20%, riêng tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận khoảng 14,6% dân số trên 15 tuổi ảnh hưởng bởi triệu chứng KTCN. Trong khi đó, KTCH có sự gia tăng gia tăng ở người cao tuổi. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc trên 1714 bệnh nhân ghi nhận KTCN gặp ở 11,3% ở người > 60 tuổi vs 9,9% ở người < 60 tuổi.

Về tiếp cận chẩn đoán KTCN, cần phân biệt nhiễm Helicobacter pylory (HP) và loét dạ dày tá tràng. Theo BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt đầu tiên là xem xét đánh giá lâm sàng, tiền căn bệnh lý, tiền căn sử dụng thuốc và hướng đến tìm nguyên nhân. Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu báo động, tuổi trên 40 sẽ nội soi dạ dày. Tuỳ theo tổn thương trên dạ dày để đưa ra chẩn đoán phù hợp.

Trong trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu báo động, không thuộc độ tuổi trên 40 thì tầm soát HP bằng phương pháp không xâm lấn. Nếu bệnh nhân có HP, tiến hành diệt trừ HP. Nếu diệt trừ HP, các triệu chứng không cải thiện sẽ làm thêm một số xét nghiệm về huyết học, sinh hóa, ký sinh trùng trong phân, siêu âm bụng để phân tích và tìm nguyên nhân. Trong một số trường hợp không tìm được nguyên nhân cần nghĩ đến KTCN nếu bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn ROME IV” - chuyên gia cho biết.

Triệu chứng khó tiêu chức năng chồng lấp với GERD, IBS

Các triệu chứng KTCN có thể do rối loạn nhu động ruột dạ dày (ví dụ khả năng điều tiết đáy vị hoặc làm rỗng dạ dày chậm), tăng nhạy cảm ở dạ dày (ví dụ cảm giác liên quan đến quá mẫn cảm với khí và đầy hơi) hoặc viêm dạ dày và tá tràng.

Yếu tố di truyền có thể xảy ra nhưng ít rõ ràng hơn so với các rối loạn tiêu hóa chức năng khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh tâm thần đi kèm và các đặc điểm và trạng thái tâm lý cũng có thể đóng một vai trò nào đó, mặc dù chúng không đặc hiệu cho chứng khó tiêu chức năng và ít rõ rệt hơn so với IBS.

Tiêu chuẩn ROME IV phân loại KTCN thành hội chứng khó chịu sau ăn (PDS ≥ 3 ngày/ tuần) với triệu chứng ăn mau no, đầy bụng sau ăn và hội chứng đau thượng vị (EPS) ≥ 1 ngày/tuần bao gồm triệu chứng nóng rát thượng vị, đau thượng vị. ROME IV nhấn mạnh tiêu chuẩn chẩn đoán KTCN khi các triệu chứng xuất hiện nhưng không bằng chứng bệnh thực thể thông qua nội soi tiêu hóa trên, xảy ra ≥ 3 tháng gần đây với triệu chứng khởi phát ≥ 6 tháng trước chẩn đoán.

Ngoài ra, KTCN trên người cao tuổi có thể có các triệu chứng phụ và cũng có thể là triệu chứng của những bệnh lý khác như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), IBS… cần phải chú ý, theo BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt. Bởi một nghiên cứu ghi nhận có đến 75,9% bệnh nhân GERD có kèm KTCN. Bệnh nhân chồng lắp GERD- KTCN triệu chứng nặng hơn cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống (gồm cả thể chất lẫn tinh thần) nặng hơn so với GERD hoặc KTCN đơn thuần.

Các triệu chứng được chuyên gia đề cập đến bao gồm đau hoặc nóng rát thượng vị sau ăn; chướng bụng vùng thượng vị; ợ hơi nhiều và buồn nôn thường gặp (nhưng nôn hoặc kéo dài ít gặp, vì vậy nếu rơi vào tình trạng này cần phải tìm nguyên nhân khác). Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng, ợ nóng không phải là triệu chứng đặc trưng của khó tiêu, nhưng là triệu chứng đi kèm thường gặp trong KTCN. Khi đau bụng liên quan đến bữa ăn (có thể xảy ra sau ăn, giảm sau khi ăn hoặc ngay trong lúc ăn) cần phải loại trừ cơn đau quặn mật; các triệu chứng thuyên giảm sau trung hay đại tiện thì ít gặp trong KTCN, có thể gặp trong IBS, vì vậy cần tìm nguyên nhân khác.

Thay đổi lối sống là tiêu chí hàng đầu trong điều trị khó tiêu chức năng

BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt nhấn mạnh điều này trong hội nghị và cho rằng, điều trị bằng thuốc chủ yếu dựa trên phân nhóm của chứng KTCN, chẳng hạn như thuốc tăng nhu động và thuốc giãn đáy vị đối với PDS và thuốc ức chế axit đối với EPS, trong khi các thuốc điều hòa thần kinh hoạt động trung ương và thuốc thảo dược chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Thay đổi lối sống sẽ bao gồm chế độ ăn uống và sinh hoạt. Người bệnh nên ăn chậm và chia nhiều bữa nhỏ, giảm chất béo, tăng thức ăn tươi, hạn chế thức ăn chế biến, giảm cà phê và rượu. Bên cạnh đó có thể thử chế độ ăn gluten-free và low-FODMAPS trong vòng 4-8 tuần, tuy nhiên chú ý ngưng nếu không có hiệu quả, cần cẩn thận ở những bệnh nhân quá lo lắng và không nên khuyến nghị chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt.

Chuyên gia khuyến nghị, trong trường hợp thay đổi lối sống, bệnh nhân không thuyên giảm thì cần tầm soát, tiệt trừ HP. Sau đó, nếu tiếp tục không cải thiện thì chia thành hội chứng khó chịu sau ăn hoặc hội chứng đau thượng vị và cả 2 nhóm này đều có thể sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI), có hoặc không có thuốc trợ vận động. “Trong 8 tuần nếu không cải thiện thì đánh giá - xem xét lại các thuốc chống trầm cảm ba vòng, và nếu không cải thiện nữa thì điều trị tâm lý. Cuối cùng, nếu các giải pháp trên đều không cải thiện thì đi tìm nguyên nhân khác” - BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt nói.

Trong điều trị KTCN cho thấy vai trò của PPI với mức độ chứng cứ cao khuyến cáo mạnh, mức độ đồng thuận 100%. Trong khuyến cáo 7 của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam năm 2022, khuyến cáo sử dụng PPI cho người bệnh bị khó tiêu chức năng cả 2 phân nhóm với liều chuẩn 1 lần mỗi ngày. Theo chuyên gia, tăng nhạy cảm với axit, giảm thanh thải axit tá tràng và thay đổi nhu động dạ dày do axit gây ra các triệu chứng khó tiêu là lý do chính ủng hộ liệu pháp ức chế tiết axit đối với KTCN.

Tương tự với thuốc trợ vận động tiêu hóa (prokinetic), trong tuyên bố 10 của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam năm 2022 khuyến nghị đây là phương pháp chọn lựa ưu tiên ở người bệnh KTCN với hội chứng khó chịu sau ăn. Prokinetic giúp giảm triệu chứng ợ nóng, trào ngược dạ dày lên thực quản, tăng giãn nở dạ dày, giảm triệu chứng ăn mau no, giảm triệu chứng đầy/ chướng bụng.

BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt khuyến cáo nên lựa chọn thuốc ít tác dụng phụ nhất và được khuyến cáo có thể sử dụng lâu dài, trong các prokinetics điều trị KTCN, Itopride được ghi nhận hiệu quả giảm ăn mau no, đầy bụng sau ăn và các triệu chứng tiêu hóa khác. Hơn nữa, hiệu quả Itopride trong điều trị KTCN trên bệnh nhân GERD khi phối hợp với PPI giúp cải thiện các triệu chứng như đầy bụng, ăn mau no, ợ nóng… sau 2 tuần. Itopride được dung nạp tốt, ít nguy cơ tương tác thuốc và không ảnh hưởng QT nên được ưa chuộng dùng hơn các prokinetics khác.

Lưu ý trong chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng ở người cao tuổi

Đề cập đến KTCN ở người cao tuổi, chuyên gia nhận định đây là một thách thức bởi vì cho đến nay vẫn không có tiêu chuẩn “vàng” trong chẩn đoán, nhiều bệnh lý tiêu hóa có triệu chứng tương tự và vấn đề sử dụng aspirin, NSAIDs; nhiễm HP gia tăng ở người cao tuổi cũng như tỷ lệ ung thư dạ dày cao ở các nước châu Á và Đông Nam Á ngày càng gia tăng.

Do đó, chuyên gia đề nghị cần nội soi để chẩn đoán KTCN ở người cao tuổi và đồng thời giúp loại trừ loét dạ dày tá tràng, ung thư, đặc biệt là bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên hay có dấu hiệu báo động.

Về việc sử dụng thuốc điều trị KTCN ở người cao tuổi cần chú ý vấn đề tương tác thuốc-thuốc, thuốc-bệnh. Vì vậy, lựa chọn thuốc trên người cao tuổi cần chú ý ít tác dụng phụ, ít tương tác thuốc. Trong đó, PPI tăng tác dụng phụ ở người cao tuổi, tương tác thuốc với clopidogrel - một loại thuốc thường dùng ở người cao tuổi. Ngoài ra, Prokinetics dùng trong hội chứng khó chịu sau ăn (ăn mau no, đầy bụng sau ăn) nên chọn thuốc ít ảnh hưởng tim mạch. Đối với thuốc chống trầm cảm 3 vòng chỉ nên sử dụng liều thấp bởi vì liều cao gây tác dụng phụ kháng cholinergic như bí tiểu, rối loạn giấc ngủ, nguy cơ té ngã.

Cuối cùng, BS.CK2 Ngô Thị Thanh Quýt tóm gọn lại các thông điệp cần truyền tải về KTCN. Một là cần chú ý thuốc trợ vận động được khuyến cáo sử dụng ưu tiên cho bệnh nhân KTCN ở phân nhóm khó chịu sau ăn. Hai là Itopride đã được chứng minh hiệu quả và dung nạp tốt cho bệnh nhân KTCN. Ba là bệnh nhân bị KTCN nên được điều trị bằng PPI với liều chuẩn mỗi ngày đối với cả hai phân nhóm. Bốn là KTCN nên điều trị PPI và/hoặc trợ vận động (itopride) 8 tuần, nếu không đáp ứng cần đánh giá lại và xem xét có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng.

>>> Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam

>>> Những điểm mới trong điều trị, dự phòng bệnh lý tiêu hóa bằng y học hiện đại và y học cổ truyền

>>> Có nên sử dụng nước kiềm thường xuyên trong sinh hoạt và điều trị các bệnh lý tiêu hóa?

>>> Can thiệp, điều chỉnh dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm ruột mạn tính

>>> “Chán ăn không phải là điều tất yếu của tuổi già”

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức ngày 27/7/20247 với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”. Số lượng học viên và đại biểu tham dự trực tiếp gấp 2 lần dự kiến của Ban tổ chức và hơn 600 học viên tham dự trực tuyến.

Bên cạnh đó, chương trình có khách mời tham dự đến từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, thông qua hội nghị giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X