Hotline 24/7
08983-08983

Những điểm mới trong điều trị, dự phòng bệnh lý tiêu hóa bằng y học hiện đại và y học cổ truyền

Trong phiên đầu tiên của Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM lần XII năm 2024 với chủ đề “Phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị và dự phòng bệnh lý tiêu hóa, các chuyên gia đã đem đến những kiến thức mới nhất trong việc điều trị các bệnh lý tiêu hóa thường gặp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp Đông - Tây y để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Những cập nhật mới trong điều trị bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp

Mở đầu chương trình hội nghị, báo cáo “Mô hình bệnh tật và những tiến bộ trong điều trị bệnh lý đường tiêu hóa” của TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) đem đến bức tranh toàn diện về sự gia tăng của các bệnh lý tiêu hóa trong việc gây ra gánh nặng bệnh tật lớn, đồng thời giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh

Những thay đổi về nhân khẩu học, các yếu tố kinh tế xã hội, cải thiện chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, dinh dưỡng, dân số già, thay đổi thói quen ăn uống và đô thị hóa ngày càng gia tăng là những nguyên nhân khiến bệnh tiêu hóa cũng ngày càng tăng.

“Gánh nặng bệnh tật toàn cầu đã dịch chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng bệnh tiêu hóa toàn cầu đã tăng lên trong 30 năm qua” - TS.BS Võ Hồng Minh Công nhận định.

Theo thống kê của Global công bố năm 2023, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thường mắc các bệnh lý đường tiêu hóa trên, bệnh lý gan mật tụy và bệnh lý đường tiêu hóa dưới. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng.

Bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, chiếm 70-75% và tỷ lệ tử vong trên toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng. Trong đó, tỷ lệ mắc các bệnh tiêu hóa năm 2017 là hơn 4,6 tỷ người trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, nhóm bệnh không lây nhiễm cũng là nhóm bệnh tật có tỷ lệ tử vong cao nhất. Ngoài các bệnh lý mạn tính như tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, ung thư, bệnh lý tiêu hóa cũng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tạo gánh nặng về chi phí điều trị. Các bệnh thường gặp là loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kich thích, viêm loét đại trực tràng.

Trong những thập niên qua, sự ra đời của kỹ thuật nội soi và thuốc PPI (thuốc ức chế bơm Proton) đã giúp giảm đáng kể những biến chứng ở đường tiêu hóa của bệnh lý dạ dày. Tuy nhiên, người ta dự đoán rằng từ năm 2022-2029, bệnh lý loét dạ dày sẽ ngày càng gia tăng.

Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra, chi phí điều trị bệnh lý loét dạ dày tá tràng hiện nay rơi vào khoảng 3,9 tỷ đô, tăng lên 4,7 tỷ đô vào năm 2029. TS.BS Võ Hồng Minh Công  nhấn mạnh: “Điều này chứng tỏ bệnh loét dạ dày tá tràng vẫn là một vấn đề tồn tại trong xã hội và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống”.

Trong dạ dày có 2 yếu tố song song: bảo vệ và phá hủy. Yếu tố bảo vệ gồm chất nhầy, hệ thống điện bicarbonate và prostaglandin. Yếu tố phá hủy gồm nhiễm Helicobacter pylori, dùng thuốc NSAIDs và lối sống không lành mạnh.

“Căng thẳng liên tục, ăn uống không điều độ, ăn thức ăn cay chua nóng, sử dụng bia rượu và hút thuốc lá là những yếu tố làm tăng yếu tố phá hủy. Khi yếu tố phá hủy tăng cao so với yếu tố báo vệ sẽ dẫn đến loét dạ dày tá tràng.” -  TS.BS Võ Hồng Minh Công cảnh báo.

Chúng ta cần thay đổi lối sống, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, ngưng NSAIDs, hạn chế sử dụng bia rượu và hút thuốc lá. Nên chọn các loại thực phẩm không ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và thành phần dinh dưỡng đầy đủ 4 yếu tố đạm, đường, béo và vitamin.

Hiện nay, nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm loét dạ dày là nhiễm Helicobacter pylori, tỷ lệ nhiễm tại Việt Nam rơi vào khoảng 70%.

Trên thế giới đã có rất nhiều guideline hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý do Helicobacter pylori, dựa vào hai yếu tố quan trọng là đề kháng kháng sinh và tiềm lực kinh tế. Năm 2022, đồng thuận để chẩn đoán và điều trị nhiễm Helicobacter pylori của Hội Tiêu hóa Việt Nam cũng dựa vào hai yếu tố trên.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản chiếm 13% trên thế giới và 25% ở Nam Á

Trào ngược dạ dày thực quản cũng là một bệnh lý tiêu hóa thường gặp, gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Ở Việt Nam chưa có thống kê nào ở quy mô toàn quốc nhưng theo nghiên cứu tại Trường Đại học Y Dược TPHCM cho thấy, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản chiếm 18,5% .

Một nghiên cứu ở vùng châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 cho thấy, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản không có tổn thương bào mòn (NERD) chiếm 40%, còn lại là GERD (trong đó GERD nặng chiếm 7%).

Cũng trong năm 2021, khu vực Đông Nam Á đưa ra guideline hướng dẫn điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản mức độ nhẹ đến trung bình như sau:

- Thay đổi lối sống: Giảm cân ở bệnh nhân thừa cân và béo phì; tránh ăn trong vòng trước 2-3 giờ trước khi ngủ; không hút thuốc; tránh các “thực phẩm kích hoạt” để kiểm soát triệu chứng bệnh; nâng cao đầu giường khi ngủ.

- Điều trị Alginates trong 2-4 tuần nhưng không cải thiện được triệu chứng thì nên phối hợp với PPI (đánh giá ở tuần thứ 4 và tuần thứ 8), sau đó giảm liều và ngưng thuốc khi triệu chứng đã cải thiện.

Hội chứng ruột kích thích được định nghĩa là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa dưới với biểu hiện đau bụng và rối loạn đi cầu. TS.BS Võ Hồng Minh Công cho biết: “Chất lượng cuộc sống của nhóm bệnh nhân hội chứng ruột kích thích và rối loạn tiêu hóa bị ảnh hưởng, nhưng phần lớn được giải thích liên quan đến yếu tố tinh thần”.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 46% bệnh nhân hội chứng ruột kích thích bị giảm năng suất làm việc, 30% mất nhiều ngày nghỉ do bệnh và 12% bị mất việc.

“Số lượng bệnh nhân quá đông, bệnh nhân than vãn nhiều và không hài lòng về sự chăm sóc gây nản lòng cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Một số bác sĩ có thái độ thờ ơ, không muốn lắng nghe và cho rằng bệnh nhân có bệnh “tâm lý”. Một số bệnh nhân lại lo lắng quá mức khiến tâm lý khó được giải tỏa” - TS.BS Võ Hồng Minh Công chia sẻ.

Người thầy thuốc có trách nhiệm cung cấp kiến thức về hội chứng ruột kích thích cho bệnh nhân và phải có sự đồng cảm với họ. Chuyên gia cho biết, ăn những thực phẩm dễ sinh hơi sẽ làm năng hơn các triệu chứng do tăng nhạy cảm tạng.

Gelsectan giúp phục hồi chức năng tiêu hóa ở bệnh nhân hội chứng ruột kích thích với cơ chế tác động kép: Tăng cường hàng rào bảo vệ và cải thiện cân bằng nội sinh tế bào ruột. Các tính chất bắt chước chất nhầy không chỉ giúp giảm nhẹ tất cả triệu chứng chính mà còn giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng.

Đông Nam Á có số lượng mắc viêm loét đại trực tràng cao thứ 3 ở châu Á. Tỷ lệ mắc bệnh viêm loét đại tràng là 1/100.000 dân và bệnh Crohn là 0,5/100.000. Khoảng 5% trường hợp xuất hiện biến chứng đường ruột sau 1 năm.

Trong điều trị bệnh lý này, các chuyên gia khuyến nghị nên áp dụng tăng bậc khi bệnh ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và giảm bậc với mức độ nặng. Chế độ ăn địa trung hải, ăn kiêng carbohydrate và ăn ít FODMAP được cho là phù hợp với những bệnh nhân viêm loét đại trực tràng.

TS.BS Võ Hồng Minh Công khẳng định dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa

Ngày nay, nhiều kỹ thuật hiện đại được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. “Trong đó dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị” - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẳng định.

Tích hợp y học cổ truyền để lấp đầy những khoảng trống trong điều trị bệnh lý tiêu hóa hiện nay

Trên cương vị Chủ tịch LCH Đông Tây Y kết hợp TPHCM, PGS.TS Nguyễn Thị Bay đã đem đến một phần báo cáo với nhiều kiến thức bổ ích và thú vị về việc “Ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị bệnh lý tiêu hóa”.

PGS.TS Nguyễn Thị Bay giải thích, trong y học cổ truyền, Tiểu trường có chức năng phân biệt thanh (chất sạch) - trọc (chất dơ). Thanh đi lên Phế, trọc đi xuống Đại trường. Đại trường có chức năng tế bí biệt trấp, giúp vận chuyển tân dịch đến chỗ phù hợp.

Y học cổ truyền đã tồn tại và phát triển từ hàng nghìn năm, Được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Theo quan điểm của y học cổ truyền, Các bệnh lý tiêu hóa thường liên quan đến sự rối loạn của hệ thống Tỳ - Vị, Đại trường và Tiểu trường.

Bên cạnh đó, các hệ thống tạng phủ khác như Tâm, Can, Phế và Thận cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến các rối loạn đường tiêu hóa, trong đó, Can và Thận thường có vai trò nổi bật.

Ví dụ, Can khí uất kết có thể làm rối loạn hoạt động của Tỳ - Vị, Đại trường và Tiểu trường. Thận dương hư suy yếu có thể làm giảm chức năng của Tỳ. Một số hội chứng bệnh thường gặp bao gồm Tỳ Vị hư nhược, Can khí phạm Tỳ Vị, Tỳ Thận dương hư, Tỳ Vị thấp nhiệt, Vị âm hư, Vị hỏa uất,...

GS.TS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch LCH Đông Tây Y kết hợp TPHCM

Các liệu pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc y học cổ truyền và châm cứu, cũng như một số phương pháp không dùng thuốc khác. Việc lựa chọn phương pháp nào cần dựa trên pháp trị cho từng hội chứng bệnh, cần phân biệt rõ hư - thực và hàn - nhiệt.

Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc tử. Có nghĩa là  người bệnh cơ địa nóng mà dùng phải thuốc tính nhiệt thì sẽ bứt rứt, phát điên; hoặc người bệnh cơ địa lạnh mà dùng thêm thuốc mát lạnh thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng- PGS.TS Nguyễn Thị Bay lưu ý.

Gừng được biết đến là một loại thực phẩm nhưng đồng thời cũng là một vị thuốc, pháp trị của y học cổ truyền là ôn trung (làm ấm cơ thể và làm ấm đường tiêu hóa). Đối với phụ nữ mang thai có triệu chứng buồn nôn và nôn, gừng được ghi nhận có thể tốt hơn chăm sóc thông thường và giả dược, có tác dụng tương tự như thuốc giảm nôn và an toàn hơn thuốc chống nôn.

Trong 22 RCT (nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng) trên 1.7.87 bệnh nhân bị nôn do hóa trị, kết hợp các bài thuốc chứa Bán hạ với thuốc chống nôn 5-HT3RA mang lại hiệu quả và an toàn tốt hơn so với chỉ sử dụng 5-HT3RA.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các rối loạn đường tiêu hóa, bao gồm viêm loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng chức năng, khó tiêu chức năng, hội chứng ruột kích thích, rối loạn hấp thu và các tình trạng viêm mãn tính...

Cụ thể, một số vị thuốc như Bạch truật, Phục linh, Đẳng sâm, Nhân sâm, Sơn tra, Khương hoàng (Nghệ), Can khương (Gừng), Hoàng liên, Bán hạ; và một số bài thuốc cổ như Lục quân tử, Hương sa lục quân, Phụ tử lý trung, Tiêu dao,... đã được chứng minh có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột, bảo vệ hàng rào niêm mạc ruột, thúc đẩy bài tiết dịch tiêu hóa, điều hòa nhu động ruột, điều hòa miễn dịch, kiểm soát tình trạng viêm giảm nhạy cảm tạng, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, điều hòa trục não ruột và nhiều tác dụng có lợi khác thông qua tác động đa mục tiêu.

Trong nghiên cứu được thực hiện với quy mô quốc gia tại Đài Loan, có 15,5% người bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng điều trị bằng y học cổ truyền. Bài thuốc được sử dụng nhiều nhất là Ban hạ tả tâm thang với pháp trị hòa vị giáng nghịch, khai kết trừ bĩ. 10 vị thuốc dùng nhiều nhất: Hải phiêu tiêu, Diên hồ sách, Bạch chỉ, Bối mẫu, Đại hoàng, Hậu phác, Đan sâm, Mộc hương, Xuyên luyện tử, Sa nhân.

Bên cạnh đó, châm cứu cũng đã cho thấy tác dụng tương tự như việc sử dụng thuốc y học cổ truyền. Trong đó, các huyệt vị như Trung quản, Nội quan, Túc tam lý, Thiên xu, Tỳ du, Vị du,... đã được nghiên cứu nhiều.

Những phát hiện này không chỉ được xác nhận qua các thí nghiệm trên động vật mà còn qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, củng cố bằng chứng về tính hiệu quả và an toàn.

Đúc kết lại phần báo cáo, PGS.TS Nguyễn Thị Bay nhận xét: Việc tích hợp y học cổ truyền vào điều trị tiêu chuẩn theo y học hiện đại một cách hài hòa là rất quan trọng nhằm lấp đầy những khoảng trống trong điều trị hiện nay, từ đó tăng cường hiệu quả điều trị và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh”.

>>> “Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam”

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức ngày 27/7/20247 với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”.

Số lượng học viên và đại biểu tham dự trực tiếp gấp 2 lần dự kiến của Ban tổ chức và hơn 600 học viên tham dự trực tuyến.

Bên cạnh đó, chương trình có khách mời tham dự từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, hội nghị sẽ giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X