“Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam”
Đây là nhận định của PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam tại Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024. Hội nghị quy tụ gần 130 đơn vị y tế trên cả nước về tham dự, với 14 bài báo cáo khoa học có giá trị từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm diễn ra trong ngày 27/7/2024. Qua đó bàn luận đến những tiến bộ, thay đổi về can thiệp dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa. Đồng thời hội nghị cũng mở ra một diễn đàn khoa học chất lượng, mang nhiều cơ hội thảo luận dành cho cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
5 phiên khoa học trong 1 ngày diễn ra hội nghị, đón nhận người tham dự đông gấp đôi dự kiến
Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức. Với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”, nội dung hội nghị thực hiện xuyên suốt trên 5 phiên.
Trong đó, phiên 1 đề cập tổng quan đến “Phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị và dự phòng bệnh lý tiêu hóa”. Phiên 2 chuyên sâu hơn về “Dinh dưỡng điều trị bệnh lý rối loạn hấp thu”, phiên 4 “Dinh dưỡng điều trị bệnh lý tiêu hóa trẻ em” và phiên 5 “Dinh dưỡng điều trị bệnh lý tiêu hóa người trưởng thành”. Ngoài ra, hội nghị còn có phiên 3 sẽ là hội thảo vệ tinh.
BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, hội nghị sẽ giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe.
“Ngay từ khi ban tổ chức lựa chọn chủ đề đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các báo cáo viên, số lượng đăng ký bài báo cáo vượt hơn mong đợi và hôm nay số người đến tham dự trực tiếp cũng như trực tuyến gấp 2 lần so với sự kiến. Bởi vì bên cạnh việc đẩy mạnh sự quan tâm bệnh lý không lây nhiễm thì chúng ta vẫn cần phải tập trung song hành về những bệnh lý “đứng giữa” như bệnh lý tiêu hóa” - Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM nhấn mạnh.
Chuyên gia cho biết thêm, hội nghị quy tụ các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học trong nước tham gia với vai trò chủ tọa, báo cáo cùng các chuyên gia đến từ quốc tế (Nhật Bản, Thái Lan) chia sẻ thêm kinh nghiệm trong các phiên thảo luận, từ đó tạo động lực và truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ không ngừng nghiên cứu, làm việc.
Bên cạnh đó, khách mời tham dự đến từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế. Đây là một tín hiệu vui cho thấy hội nghị đã thực sự tạo ra cơ hội nhằm nâng cao kỹ năng thực hành trong hệ thống y tế liên quan đến dinh dưỡng và các bệnh lý liên quan.
4,6 tỷ người mắc bệnh tiêu hóa trên thế giới
Đây là thông tin được BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cung cấp tại hội nghị dẫn chứng từ thống kê Global vào năm 2023, trong đó các bệnh tiêu hóa phổ biến nhất là bệnh lý đường tiêu hóa trên, bệnh lý gan mật tụy và bệnh lý đường tiêu hóa dưới. Qua đó nhấn mạnh rằng những con số này một lần nữa cho thấy những ảnh hưởng bệnh lý tiêu hóa lên sức khỏe như gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu, điều này thúc đẩy sự quan tâm, hành động của giới khoa học và cộng đồng.
Chuyên gia cho biết, trong khoảng 10 năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới để dự phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh lý tiêu hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ người được chẩn đoán và điều trị đúng không cao.
“Hầu hết những người mắc bệnh lý tiêu hóa đều trong độ tuổi lao động và bản thân bệnh lý sẽ trở thành gánh nặng rất lớn với tuổi thọ, sức đề kháng, dinh dưỡng và nhiều vấn đề liên quan. Nhiều người mắc bệnh nhưng nghĩ đây chỉ là rối loạn tiêu hóa thông thường mà bỏ qua các vấn đề chẩn đoán sớm và điều trị đúng.
Chúng ta cần biết rằng, bệnh lý tiêu hóa hoàn toàn có thể phòng ngừa được và những can thiệp trong bệnh lý tiêu hóa có thể đi từ điều trị đến hỗ trợ nâng cao sức khỏe, sức đề kháng” - BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp chia sẻ.
Cán bộ y tế tuyến cơ sở - mắt xích quan trọng trong chăm sóc dinh dưỡng lâm sàng
PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII là hội nghị trọng điểm của Hội Dinh dưỡng Việt Nam trong năm 2024 do LCH Dinh dưỡng TPHCM chủ trì thực hiện.
Bệnh lý tiêu hóa có liên quan mật thiết đến lối sống, dinh dưỡng, thực phẩm, cơ cấu bữa ăn… Do đó, LCH đã tách thành một chủ đề riêng biệt về dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa, thu nhận được nhiều bài báo cáo là rất đáng ghi nhận. Chuyên gia kỳ vọng, sau hội nghị, các báo cáo viên sẽ tiếp tục chắt lọc thông tin đăng tải trên Tạp chí Dinh dưỡng Thực phẩm giúp bạn đọc tiếp cận thuận tiện hơn.
Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đánh giá, LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM là thành viên tích cực, năng động trong nhiều hoạt động bổ ích của Hội Dinh dưỡng Việt Nam, liên tục nhiều năm chuyển một phần hoạt động về khoa học thành những hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng mang tính quốc tế. “Đây là một trong những điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam” - ông nói.
Đồng thời, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái nhìn nhận sáng kiến cũng như sự thúc đẩy của Sở Y tế TPHCM, Hội Y học TPHCM trong việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở. Chuyên gia nên lên thực trạng, chương trình Dinh dưỡng Quốc gia, các hoạt động về chiến lược quốc gia về dinh dưỡng trong những năm trước đây đã đạt thành công mĩ mãn về việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tuy nhiên đến nay hoạt động mạng lưới y tế cơ sở quan tâm đến dinh dưỡng thiếu hụt hơn so với tuyến huyện, tỉnh và tuyến trung ương.
“Trong đó, các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng lâm sàng vẫn đang được đẩy mạnh. Song, thực tế dinh dưỡng lâm sàng không giống như chăm sóc lâm sàng của các bệnh khác, mà cần xuyên suốt, quản lý từ bệnh viện đến gia đình và ngược lại. Những vấn đề dinh dưỡng nếu không có chăm sóc tại y tế cơ sở, gia đình vào cuộc thì bệnh những bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là hội chứng chuyển hóa sẽ bị chậm một nhịp trong mắt xích chăm sóc dinh dưỡng lâm sàng. Chúng ta sẽ mất đi đội ngũ tận tâm và gần với bệnh nhân hơn, đó là người ở tuyến y tế cơ sở” - PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái thẳng thắn nói.
Trước bối cảnh này, chuyên gia cho biết, Hội Dinh dưỡng Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng sáng kiến đặc biệt này của TPHCM, chỉ đạo các chi hội và sẽ tăng cường mời cán bộ y tế cơ sở tham gia trong các hội nghị sắp tới, thực hiện cả trực tuyến để tạo điều kiện cho vùng sâu, vùng xa đều có thể kết nối.
TPHCM phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM bày tỏ niềm vui khi Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM ngày càng phát triển, tổ chức được những hội nghị quan trọng để không chỉ công bố các hoạt động khoa học, nghiên cứu mà còn đưa ra kiến thức tổng quan cho rất nhiều người đang cần chăm sóc dinh dưỡng, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Chuyên gia cho rằng, gánh nặng bệnh tật lớn nhất hiện nay đã thay đổi từ bệnh lây nhiễm sang bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh tiêu hóa là vấn đề sức khoẻ cần được quan tâm vì ảnh hưởng đến của cộng đồng, liên quan đến lối sống, tuổi thọ của con người. Và tiêu hóa và dinh dưỡng lại là 2 vấn đề luôn song hành với nhau.
Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin thêm, nhiều năm qua, Thành phố liên tục quan tâm đầu tư phát triển cả y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Trong đó, đề án phát triển y tế cộng đồng thực hiện nhằm bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn 2021-2030 là bước quan trọng nhằm đánh giá lại toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời gian qua. Trong đó, đề ra giải pháp mới và toàn diện với 4 mục tiêu.
Đáng chú ý nhất là nâng chất lượng dân số, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực nhằm cải thiện các chỉ số sức khỏe cho người dân, thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó tập trung vào các hoạt động dinh dưỡng cộng đồng và dinh dưỡng lâm sàng.
Hai là quản lý chăm sóc sức khỏe người dân liên tục, lâu dài tại trạm y tế cơ sở, thông qua việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Điều này góp phần làm tăng cường khả năng phát hiện sớm điều trị, phòng ngừa cũng như chăm sóc toàn diện cho người dân. Một trong những giải pháp đầy hứa hẹn hiện nay đang được Sở Y tế TPHCM triển khai là tăng cường chất lượng khám BHYT một số bệnh cơ bản như tăng huyết áp, đái tháo đường, tư vấn dinh dưỡng, vận động phục hồi chức năng kết hợp y học cổ truyền tại trạm y tế. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại sức thu hút của trạm y tế của người bệnh, đồng thời góp phần phát triển y tế cơ sở, nâng cao chăm sóc người dân trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một bước đột phá được Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đề cập đó là TP thông qua chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. “Đây là lực lượng cánh tay nối dài hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở cùng chung vai với ngành y tế thành phố trong công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trên cả nước, hiện nay chỉ TPHCM mới có mạng lưới này. Hy vọng thông qua đó, những công tác về tư vấn truyền thông dinh dưỡng, lối sống sẽ đến tận tay người dân” - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh.
Phyco Việt Nam - hàng nội địa Pháp giúp tăng cường chất chống oxy hóa cũng góp mặt trong Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình