Hotline 24/7
08983-08983

Có nên sử dụng nước kiềm thường xuyên trong sinh hoạt và điều trị các bệnh lý tiêu hóa?

Đó là câu hỏi được đặt ra trong phiên đầu tiên của Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM lần XII năm 2024. Từ báo cáo của BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tại hội nghị đã mở ra một phần thảo luận sôi nổi xoay quanh tác dụng và tác hại của nước kiềm với độ pH cao.

Nước kiềm không có tác dụng chữa ung thư

“Nước Alkaline và sức khỏe: Sự thật và đồn thổi” là một trong những bài báo cáo được quan tâm nhất tại hội nghị

Nước kiềm và nước ion kiềm đang thu hút nhiều sự quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là về tác dụng của nó đối với sức khỏe con người. Mặc dù có nhiều thông tin khẳng định rằng nước kiềm có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận về việc sử dụng nước kiềm thực sự sẽ mang đến kết quả cải thiện sức khỏe.

Nước chiếm 60% tỷ trọng cơ thể nữ giới, hơn 65% tỷ trọng cơ thể nam giới và nhiều hơn nữa đối với trẻ nhỏ

Nước có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Nước chiếm hơn 60% trọng lượng cơ thể. Nước uống thông thường có độ pH là 7. Nước kiềm là nước có độ pH cao hơn nước uống thông thường và thường có độ pH từ 8-9,5.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng giải thích về cách phân loại nước kiềm. Theo đó, nước kiềm tự nhiên là nước khoáng tự nhiên có chứa các chất khoáng dạng hợp chất kiềm hóa được thẩm thấu từ trong vỏ trái đất như magie, silica, canxi, bicarbonate, kali….

Nước ion kiềm được tạo ra thông qua quá trình điện phân nước. Nước ion kiềm có độ pH cao, khả năng oxi hóa khử (ORP) thấp, hàm lượng hydro cao, hàm lượng oxy thấp.

Ở nước thông thường, các phân tử nước tự sắp xếp thành cụm khoảng 14 phân tử, nhưng trong nước kiềm, các cụm sẽ ít hơn 5 phân tử, do đó hydroxide (OH-) có hàm lượng cao hơn. Đó cũng là lý do nước kiềm trở thành dung môi tốt hơn; thẩm thấu tốt hơn, giảm độ nhớt của máu; có thể có khả năng trung hòa pH, cung cấp các chất khoáng kiềm, hoạt động như chất chống oxy hóa.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM cho biết lợi ích mà nước kiềm mang lại dựa trên khả năng trung hòa pH

Nhiều thông tin khẳng định rằng nước kèm có hiệu quả đối với người bị bệnh lý viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu, đái tháo đường, suy thận, viêm đại tràng là dựa trên những bằng chứng nghiên cứu ở động vật và một vài nghiên cứu lâm sàng.

Những lợi ích liên quan với nước kiềm dựa trên khả năng trung hòa pH, cung cấp các chất khoáng kiềm, hoạt động như chất chống oxy hóa thông qua khả năng oxi hóa khử âm. Nước kiềm được Nhật Bản và Hàn Quốc công nhận là có hiệu quả trong điều trị chứng tăng tiết dạ dày khó tiêu, tiêu chảy và bình thường hóa hệ vi sinh đường ruột.

Nghiên cứu của tác giảm Emma Wynn cho thấy nước kiểm có tác dụng giảm sự hủy xương trên phụ nữ dù trong tình trạng bị thiếm calcium. Một nghiên cứu tại Đức của tác giả Heinrich cho thấy nước khoáng giàu bicarbonate có thể giúp trung hòa axit dạ dày, từ đó giảm triệu chứng ợ nóng và khó tiêu,

Nghiên cứu tại Ý của Ciro Esposito và cộng sự cho thấy nước khoáng giànu canxi và magie có thể làm giảm viêm niêm mạc dạ dày và cải thiện chức năng tiêu hóa. Tương tự, nghiên cứu của Yamamoto và cộng sự tại Nhật Bản cũng ghi nhận nước khoáng thiên nhiên giúp cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày và giảm cảm giác đau nhức. Một số nghiên cứu cho thấy nước kiềm pH 8,5 làm tăng tuổi thọ ở nhóm chuột được can thiệp.

Trong một tổng quan hệ thống đăng vào năm 2022 của tác giả Sunardi tìm hiểu về hiệu quả sức khỏe của các loại nước cho thấy nước kiềm pH từ 8,6-9,5 chưa có hiệu quả sức khỏe rõ rệt. Một tổng quan hệ thống khác của tác giả Fenton chỉ ra, không thấy liên quan giữa nước kiềm và ung thư.

Có thể nói, chưa có chứng cứ khoa học ủng hộ quan điểm nước kiểm có thể chữa bệnh, phòng ngừa ung thư, giảm đau, giảm béo, tăng tiết sữa, tăng cường khả năng sáng tạo hay tăng cường miễn dịch. Mặc dù đã có 1 số nghiên cứu nhưng vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh việc sử dụng nước kiềm như 1 phương pháp điều trị cho bất kỳ bệnh lý nào.

Vấn đề với nước kiềm không phải là sự an toàn mà là những tuyên bố về sức khỏe được đưa ra. “Do đó, cần thêm nhiều nghiên cứu để khám phá thêm và tác dụng và cơ chế của nước kiềm trong các tình trạng sức khỏe khác nhau” - Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM kết luận.

Tranh luận sôi nổi về việc sử dụng nước kiềm trong đời sống hàng ngày

TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, nước kiềm có tác dụng bù nước cho những bệnh nhân tiêu chảy kéo dài

TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) nêu quan điểm “Tìm nguyên nhân là bước quan trọng nhất khi đối diện với một bệnh nhân tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy mạn. Bệnh nhân tiêu chảy nếu không được cấp nước đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn”.

Theo đó, nước oresol được đánh giá là một điện giải rất tốt để điều trị ván đề tiêu chảy. Đường tiêu hóa của những người bị tiêu chảy kéo dài sẽ mất HCO3- (mất kiềm) có thể sử dụng nước kiềm để hỗ trợ bù nước. Tuy nhiên, nước kiềm không có tác dụng điều trị tiêu chảy.

BS.CK2 Nguyễn Thế Dũng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM

BS.CK2 Nguyễn Thế Dũng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM bổ sung thêm rằng cần chú ý nhiều hơn khi bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần vì niêm mạc ruột đã mỏng đi. Đồng thời hết sức cân nhắc trong vấn đề sử dụng thuốc cầm vì khả năng che mờ triệu chứng.

“Tìm được nguyên nhân và sử dụng oresol là tiêu chí hàng đầu trong điều trị tiêu chảy” - BS.CK2 Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh.

TS Phan Thế Đồng - Phó Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM đóng góp ý kiến: “Nước kiềm uống không phải xút mà là carbonate, lành tính hơn và không làm bào mòn ống tiêu hóa. Tuy nhiên, ở môi trường kiềm, các muối khoáng không bị phân ly. Điều này khiến cơ thể khó hấp thu được các chất khoáng như sắt, canxi...”.

Bên cạnh đó, độ pH cao sẽ ảnh hưởng đến các ezyme tiêu hóa: Pepsin hoạt động ở độ pH 2, nước kiềm với độ pH 9 sẽ khiến enzyme này không hoạt động được, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Cả enzyme từ tuyến tụy hay enzyme trên thành ruột non cũng chỉ hoạt động ở pH trung tính.

TS Phan Thế Đồng đặt vấn đề: “Nước kiềm đi qua dạ dày xuống ruột có còn giữ độ pH cao hay không? Nếu vẫn còn, khả năng tiêu hóa của trở nên kém đi, khiến chúng ta khó hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn”.

TS Phan Thế Đồng - Phó Chủ tịch LCH Dinh dưỡng Thực phẩm lo ngại độ pH cao sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn và các hoạt chất của thuốc

Trong phần thảo luận, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam đặt ra câu hỏi “Thực phẩm chức năng với thành phần được chiết xuất từ các thảo dược y học cổ truyền nên được uống với nước thông thường hay nước kiềm?”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay, y học cổ truyền ứng dụng tất cả những gì có được từ tự nhiên vào vấn đề điều trị. Bệnh nhân cần phân biệt thuốc y học cổ truyền là thuốc thang sắc hay thực phẩm chức năng.

Trong trường hợp sử dụng thuốc thang, chuyên gia khuyên rằng nên tránh các bữa ăn ít nhất 1 tiếng và không uống trà trong khi dùng thuốc để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Chính vì vậy, để trả lời cho câu hỏi của PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái, PGS.TS Nguyễn Thị Bay cho biết, tốt nhất nên sử dụng nước sôi để nguội để tránh tương tác với các thành phần trong thuốc.

Đồng thời, Chủ tịch LCH Đông Tây Y kết hợp TPHCM khẳng định, thực phẩm chức năng là “một vấn đề hoàn toàn khác” bởi dù được chiết xuất từ dược liệu nhưng thành phẩm vẫn là thuốc Tây. Nước thông thường với độ pH bằng 7 vẫn là lựa chọn phù hợp nhất.

TS Phan Thế Đồng cho biết, lý do không sắc thuốc trong các ấm kim loại là kim loại sẽ liên kết và kết tủa với những hoạt chất có trong thảo dược. Nước kiềm sẽ “khóa” kim loại vào những hoạt chất của thuốc, khiến cơ thể không hấp thụ được các hoạt chất trong bài thuốc.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp đại diện chủ tọa đoàn kết luận: Sử dụng thường xuyên nước kiềm với pH > 9,8 sẽ cản trở hấp thu các chất dinh dưỡng, ức chế việc tiết pepsinogen, gây hại đến niêm mạc dạ dày và ảnh hưởng cân bằng kali trong máu. Không nên tin vào tất cả các tuyên bố quảng cáo tiếp thị mà nên chờ kết luận từ các nghiên cứu khoa học được thực hiện trong tương lai”.

Từ trái sang: BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, PGS.TS.BS Phạm Ngọc Khái, TS.BS Võ Hồng Minh Công làm chủ tọa phiên đầu tiên của Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM lần XII năm 2024

>>>“Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam”

>>> Những điểm mới trong điều trị, dự phòng bệnh lý tiêu hóa bằng y học hiện đại và y học cổ truyền

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức ngày 27/7/20247 với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”.

Số lượng học viên và đại biểu tham dự trực tiếp gấp 2 lần dự kiến của Ban tổ chức và hơn 600 học viên tham dự trực tuyến.

Bên cạnh đó, chương trình có khách mời tham dự đến từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, hội nghị giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe.

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X