Can thiệp, điều chỉnh dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm ruột mạn tính
TS.BS Phạm Thị Lan Anh - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm Đại học Y Dược TPHCM gửi thông điệp tại Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tổ chức, bệnh lý viêm ruột mạn tính ngày càng gia tăng. Trong khi đó, tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp và ảnh hưởng đến bệnh nhân, vì vậy cần phải sàng lọc đánh giá dinh dưỡng đầy đủ chính xác và phối hợp đa chuyên khoa để quản lý bệnh hiệu quả.
Vì sao người bệnh viêm ruột mãn tính bị suy dinh dưỡng?
Bệnh lý viêm ruột mạn (IBD) là tình trạng viêm ruột mạn tính, tái phát gồm bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng chảy máu. TS.BS Phạm Thị Lan Anh cho biết, tỷ lệ IBD ngày càng gia tăng ở cả các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á. “IBD là thách thức và là gánh nặng bệnh tật” - chuyên gia bày tỏ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 0,3% đến 0,5% dân số ở châu Âu và Bắc Mỹ mắc các bệnh IBD. Tùy vào vị trí tổn thương mà IBD gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, sụt cân, mệt mỏi, chảy máu trực tràng. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra IBD, trong đó chủ yếu liên quan đến di truyền, môi trường (liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống) và rối loạn điều hòa miễn dịch.
TS.BS Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh, suy dinh dưỡng là vấn đề thường gặp trong bệnh viêm ruột và là yếu tố tiên lượng xấu làm tăng tỷ lệ biến chứng và tử vong. Suy dinh dưỡng ở bệnh Crohn thường gặp nhiều hơn viêm loét đại trực tràng chảy máu, vì bệnh Crohn ảnh hưởng đến bất kỳ đoạn nào của đường tiêu hóa, trong khi viêm loét đại trực tràng chảy máu chỉ giới hạn ở đại trực tràng.
Lý giải về tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thường xảy ra trên bệnh nhân IBD là do diện tích hấp thu bề mặt ruột bị giảm, ăn kém do chán ăn, đau bụng, buồn nôn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng và mất chất dinh dưỡng qua tiêu chảy, trong khi cơ thể lại tăng nhu cầu năng lượng do viêm. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu xảy ra do mất máu đường tiêu hóa, giảm hấp thu, và/ hoặc do chế độ ăn không không cấp đủ sắt.
Do đó, chuyên gia cho rằng, việc đánh giá và theo dõi tình trạng dinh dưỡng ở tất cả bệnh nhân viêm ruột là cần thiết và cần sàng lọc ngay tại thời điểm chẩn đoán cũng như trong quá trình theo dõi định kỳ.
Những điểm cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân IBD
Theo TS.BS Phạm Thị Lan Anh, chiến lược điều trị IBD gồm có thuốc, thay đổi chế độ ăn và phẫu thuật. Trong đó, thuốc và chế độ dinh dưỡng luôn cần song hành với nhau. Can thiệp dinh dưỡng nhằm 2 mục tiêu chính duy trì và phục hồi tình trạng dinh dưỡng cho bệnh nhân IBD, và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chung cho mọi giai đoạn của bệnh.
Không có một chế độ ăn phù hợp với tất cả các bệnh nhân vì còn phải phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, chuyên gia cho biết. Tuy vậy cần nắm được một số lưu ý cũng như nguyên tắc sẽ giúp cho việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cá thể hóa cho bệnh nhân.
Theo đó, chế độ ăn có vai trò quan trọng trong cân bằng vi sinh vật đường ruột ở bệnh nhân IBD. Cụ thể, nếu chế độ ăn uống với các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ… sẽ làm giảm vi khuẩn có lợi và tăng tác nhân gây bệnh, làm tăng viêm. Trong đó, nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng lành mạnh (điển hình như chế độ ăn Địa Trung Hải) sẽ làm tăng vi khuẩn có lợi, giúp giảm viêm.
Các khuyến cáo cũng chỉ ra rằng, chế độ dinh dưỡng tăng cường rau xanh, trái cây, đặc biệt là thực phẩm giàu omega-3 sẽ hữu ích cho bệnh nhân IBD. Bên cạnh đó, đã có nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn siêu chế biến (không lành mạnh, chất phụ gia, đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ…) nguy cơ phát triển IBD, bệnh Crohn. “Đây là điều cần chú ý” - chuyên gia nói.
Nhu cầu năng lượng của người bệnh IBD như người bình thường, thậm chí là hơn nếu cần thiết, dao động từ 25-30kcal/ngày, nếu có suy dinh dưỡng là 30-35 kcal/ngày và có thể tăng lên 35-40 kcal/ngày nếu suy dinh dưỡng nặng.
Protein cần cung cấp từ 1,2-1,5g/kg/ngày đối với thể hoạt động và 1-1,2g/kg/ngày đối với thể lui bệnh. Trong trường hợp suy dinh dưỡng, nhu cầu protein tăng lên 1,5-2g/kg/ngày. Ngoài ra, cần sử dụng sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng qua đường miệng (OSN) khi ăn uống không đạt đủ nhu cầu dinh dưỡng. Không có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt giúp lui bệnh cho thể hoạt động. Đồng thời cần bổ sung vi chất dinh dưỡng khi có nguy cơ thiếu, bao gồm acid folic, vitamin B12, các vitamin tan trong dầu, sắt, kẽm và canxi.
TS.BS Phạm Thị Lan Anh lưu ý, đặc điểm thiếu dinh dưỡng ở bệnh nhân IBD khác hoàn toàn với những bệnh lý khác. Trong khi ở một số bệnh cần quan tâm suy dinh dưỡng, thừa cân - béo phì, thì trong bệnh lý IBD cần kiểm tra tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng (chủ yếu do ăn uống kém, kém hấp thu), đặc biệt là lưu ý đến tương tác thuốc. Điển hình, nếu bệnh nhân đang điều trị corticoid cần quan tâm tình trạng thiếu canxi, nếu bệnh nhân tiêu chảy cần kiểm tra tình trạng thiếu kẽm để bổ sung phù hợp.
Bên cạnh dinh dưỡng, chuyên gia cũng nhấn mạnh về những tác động của hành vi lối sống đến IBD. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, IBD sẽ làm tăng gia nguy cơ mất ngủ, hoặc khi bệnh nhân bị stress sẽ làm bùng phát bệnh IBD. Đó là lời lý giải cho tình trạng “tại sao cùng chế độ ăn trên cùng một bệnh nhân, nhưng có lúc sẽ làm đầy hơi, đau bụng, khó chịu, khó tiêu nhưng có lúc lại không bị”.
"Song song đó, vận động thể lực cũng rất quan trọng, “khi chúng ta đi bộ thì ruột cũng đi bộ”. Đi lại giúp tăng hoạt động của nhu động ruột, làm giảm đầy hơi, bệnh nhân sẽ ăn ngon hơn. Đi bộ cũng tiết ra hormone làm chúng ta cảm thấy vui vẻ hơn” - TS.BS Phạm Thị Lan Anh cho biết.
Nguyên tắc xử lý các triệu chứng IBD giai đoạn bùng phát
Trong hội nghị, TS.BS Phạm Thị Lan Anh cũng hướng dẫn xử lý các triệu chứng IBD giai đoạn bùng phát. Đối với tiêu chảy, bệnh nhân cần chú ý bù nước 2 - 2,5 lít /ngày, bao gồm nước lọc, nước canh, đồ uống thể thao, nước trái cây pha loãng và trà loãng. Tránh đồ uống có đường, rượu và đồ uống có chứa caffeine. Hạn chế hoặc tránh các thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm giàu chất xơ không tan và những thực phẩm chứa đường.
Đối với triệu chứng đầy bụng khó tiêu, cần hạn chế các loại thực phẩm thường gây ra đầy hơi; tránh thực phẩm chiên và cay, rượu bia và đồ uống có gas; hạn chế các loại đậu, rau họ cải, nấm, hành, tỏi và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt; tránh dùng ống hút, không nói chuyện trong khi ăn và nhai kẹo cao su. Lưu ý, ăn chậm nhai kỹ, ghi nhật ký các món ăn để có thể tạm thời loại bỏ từng loại thực phẩm khỏi chế độ ăn nếu gây các triệu chứng khó chịu, theo chuyên gia.
>>> Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam
>>> Những điểm mới trong điều trị, dự phòng bệnh lý tiêu hóa bằng y học hiện đại và y học cổ truyền
>>> Có nên sử dụng nước kiềm thường xuyên trong sinh hoạt và điều trị các bệnh lý tiêu hóa?
>>> “Chán ăn không phải là điều tất yếu của tuổi già”
Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức ngày 27/7/20247 với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”. Số lượng học viên và đại biểu tham dự trực tiếp gấp 2 lần dự kiến của Ban tổ chức và hơn 600 học viên tham dự trực tuyến. Bên cạnh đó, chương trình có khách mời tham dự đến từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế. BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, thông qua hội nghị giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình