Hotline 24/7
08983-08983

“Chán ăn không phải là điều tất yếu của tuổi già”

Đây là thông điệp được TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đưa ra tại Hội nghị Dinh dưỡng mở rộng lần thứ XII do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tổ chức vào ngày 27/7/2024 tại TPHCM.

Cứ 3-4 người cao tuổi sẽ có 1 người chán ăn

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh dẫn chứng một nghiên cứu năm 2013 kết quả cho thấy có 15-30% người cao tuổi (cứ 3-4 người trong cộng đồng có 1 người) chán ăn, trong đó nữ nhiều hơn nam, thường gặp hơn ở nhà dưỡng lão, người bệnh nằm viện và có xu hướng tăng theo tuổi.

Chuyên gia lý giải, chán ăn là tình trạng giảm cảm giác thèm ăn và/ hoặc giảm lượng thức ăn hấp thụ ở người già. Đồng thời đánh giá chán ăn là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, đặc biệt là người bệnh nằm viện. Đây cũng được xem là một thách thức lớn trong y học lão khoa. Do vậy, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh đề nghị vấn đề này cần được chú trọng để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Song vấn đề là, chán ăn ở người cao tuổi có nhiều nguyên nhân phức tạp như thay đổi về sinh lý, bệnh lý đến các yếu tố xã hội môi trường. Cụ thể, hormone ghrelin (kích thích cảm giác đói) thường bị giảm ở người cao tuổi, trong khi tăng leptin (tăng tín hiệu chán ăn) cũng góp phần vào tình trạng này.

Hơn nữa, cảm giác của mùi và vị sẽ giảm theo độ tuổi, vì vậy làm giảm lượng thức ăn tiêu thụ ở người già. Chưa kể, người cao tuổi còn giảm nụ vị giác hơn thời trẻ do bệnh tật, thuốc men, hút thuốc, đồng thời bị mất mặn và ngọt trước, do đó ăn uống lúc nào cũng thấy nhạt miệng, mất cảm giác ngon. Tình trạng giảm tiết nước bọt ở người già dẫn đến làm giảm hòa tan thức ăn và tiếp xúc của thức ăn với các nụ vị giác.

Trên hết, tại Việt Nam, các yếu tố nguy cơ gây chán ăn ở người già, không chỉ xuất phát từ  sinh lý mà còn có kinh tế xã hội, nuốt khó, nhai khó (do răng yếu, mất răng, yếu cơ, giảm tiết nước bọt… cảm thấy không muốn nhai trong khi lại không thích ăn cháo, không thích ăn nghiền), cảm giác cô đơn và mất tính kết nối trong bữa ăn, tình trạng ngồi xe lăn, nằm một chỗ, mắc các bệnh lý cấp/ mạn.

Chán ăn có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong

Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn nhấn mạnh, chán ăn thường gặp ở người già nhưng không phải là điều tất yếu, không phải “già thì chán ăn”. Một thống kê cho thấy, có đến gần 40% nhân viên y tế (bao gồm nhiều lĩnh vực Nội - Ngoại , Phẫu thuật, Dược sĩ, chuyên gia Dinh dưỡng, tư vấn viên tâm lý…) cho rằng chán ăn là tất yếu của tuổi già. Điều này sẽ đưa đến tâm lý chấp nhận và chỉ dừng ở mức độ giảm bệnh, bớt đau mà không quan tâm đến dinh dưỡng.

Trong khi đó, chán ăn dẫn đến nguy cơ duy dinh dưỡng, suy mòn cơ (sarcopenia) và yếu (frailty). Khi chán ăn, người lớn tuổi giảm khứu giác/ vị giác, nhai nuốt khó khăn, điều này đưa đến ăn uống đơn điệu, thường là thức ăn lỏng hoặc xay nghiền. Hậu quả là nguy cơ suy dinh dưỡng do thiếu năng lượng và nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng (protein, vitamin D, zinc).

Tiếp theo sau đó, suy dinh dưỡng do thiếu protein-năng lượng và các vi chất dinh dưỡng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như giảm khối lượng cơ, tăng nguy cơ té ngã và tỷ lệ tử vong cao hơn. Tình trạng viêm mãn tính cũng góp phần làm giảm cảm giác thèm ăn và chậm tiêu hóa. Một số nghiên cứu cho thấy chán ăn có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh cho biết, hiện có rất nhiều phương tiện đánh giá tình trạng chán ăn. Trong đó, bảng câu hỏi SNAQ đơn giản, mất ít thời gian giúp nhanh chóng nhận diện và đưa đến sự can thiệp sớm, chỉ với 4 câu hỏi đơn giản bao gồm: mức độ thèm ăn thế nào; có cảm thấy no nhanh khi ăn, vị của thức ăn như thế nào, thường ăn mấy bữa một ngày. Tổng điểm 14 trên 20 sẽ cho thấy người bệnh có nguy cơ cao chán ăn và có khả năng mất ít nhất 5% cân nặng trong vòng 6 tháng.  

Kết hợp tổng hòa nhiều yếu tố trong điều trị chán ăn

Không có thuốc cụ thể điều trị chán ăn tuổi già, mà việc điều trị là sự tổng hòa của các yếu tố bao gồm cải thiện chất lượng bữa ăn, thích nghi môi trường, điều chỉnh thuốc, chẩn đoán và điều trị bệnh lý. Hiện nay có một số loại thuốc được thử nghiệm để kích thích sự thèm ăn ở người lớn tuổi (Corticosteroids, Growth hormone, Metoclopramide…) nhưng không được khuyến nghị dùng trên lâm sàng, theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh.

Về chuẩn bị bữa ăn, nên cải tiến kết cấu và sự ngon miệng của món ăn, tăng mùi vị, đa dạng và hỗ trợ bữa ăn (khi cần). Việc bổ sung dinh dưỡng không trực tiếp điều trị chán ăn, mà chỉ giải quyết hậu quả là suy dinh dưỡng protein năng lượng và sụt cân. Ngoài ra, bổ sung đủ protein giúp hạn chế mất khối cơ và sức mạnh của của cơ, phòng chống sự yếu cơ.

Các yếu tố giúp bữa ăn của người cao tuổi ngon miệng cũng được chuyên gia đề cập, gồm có tạo lập và duy trì thói quen ăn đúng giờ, luôn có bữa ăn phụ lành mạnh, đảm bảo uống đủ nước, thường xuyên vận động. Bên cạnh đó, người cao tuổi nên ăn cùng gia đình, bổ sung vitamin, khoáng chất cũng như tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để có kế hoạch dinh dưỡng cụ thể, đây đều là những “chìa khóa” quan trọng để ăn ngon miệng hơn.

Song song đó, cần kiểm tra chán ăn có do các nguyên nhân bệnh lý gây ra (chẳng hạn như có nhai nuốt khó, chứng khó tiêu, các nguyên nhân về thần kinh - đột quỵ, Alzheimer, Parinson; rối loạn nội tiết - bệnh lý tuyến giáp, tăng canxi máu; tâm lý - trầm cảm; bệnh hô hấp - COPD; bệnh tim mạch - suy tim; ung thư…). Mặt khác có thể điều chỉnh thuốc gây giảm cảm giác thèm ăn (kháng sinh, lợi tiểu, giảm mỡ máu, kháng viêm…). Đây là điều nên được chú trọng hơn, bởi hiện nay các bác sĩ điều trị ít quan tâm đến vấn đề này.

Cuối cùng, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh khuyến cáo, sự hỗ trợ và quan tâm của gia đình là điều cần thiết, những bữa ăn có người thân sẽ giúp người cao tuổi ngon miệng hơn, đồng thời trợ giúp cho các hoạt động trong bữa ăn. “Giải quyết các yếu tố gây chán ăn và cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện sức khỏe và mang đến niềm vui cho người cao tuổi cũng như gia đình” - chuyên gia nhấn mạnh.  

>>> Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng là điểm sáng trong hoạt động dinh dưỡng Việt Nam

>>> Những điểm mới trong điều trị, dự phòng bệnh lý tiêu hóa bằng y học hiện đại và y học cổ truyền

>>> Có nên sử dụng nước kiềm thường xuyên trong sinh hoạt và điều trị các bệnh lý tiêu hóa?

>>> Can thiệp, điều chỉnh dinh dưỡng cho bệnh nhân viêm ruột mạn tính

Hội nghị Dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần thứ XII năm 2024 do Liên chi hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp cùng Hội Dinh dưỡng Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tổ chức ngày 27/7/20247 với chủ đề “Dinh dưỡng trong bệnh lý tiêu hóa”. Số lượng học viên và đại biểu tham dự trực tiếp gấp 2 lần dự kiến của Ban tổ chức và hơn 600 học viên tham dự trực tuyến.

Bên cạnh đó, chương trình có khách mời tham dự đến từ hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh thành cùng 24 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước. Trên hết, hội nghị đón hơn 1/3 số lượng đại biểu là cán bộ công tác tại tuyến cơ sở, trạm y tế.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM tin rằng, thông qua hội nghị giúp các cán bộ y tế biết thêm về những nghiên cứu đang diễn ra, những tiến bộ - thay đổi trong can thiệp dinh dưỡng cũng như các sản phẩm dinh dưỡng mới, công nghệ mới và kỹ thuật mới trong điều trị, cải thiện và nâng cao sức khỏe.

 

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X