Hotline 24/7
08983-08983

Những sai lầm thường gặp khiến bệnh lý đường tiêu hóa trở nên nguy hiểm?

Không đi khám bệnh, tự ý mua thuốc Tây và sử dụng thuốc Đông Y,... là những sai lầm thường gặp trong điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa mà mọi người hay mắc phải. Để giải quyết vấn đề này mời quý vị theo dõi phần tư vấn của ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân.

Phần 1: Làm sao phân biệt xuất huyết tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa?

Phần 2: Những sai lầm thường gặp khiến bệnh lý đường tiêu hóa trở nên nguy hiểm?

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa?

Hệ thống tiêu hóa có nhiều cơ quan, nên chắc hẳn việc chẩn đoán và điều trị không dễ dàng. Với kinh nghiệm của mình, xin hỏi BS thấy rằng trong chẩn đoán và điều trị thường gặp những khó khăn nào?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Đối với các bệnh lý đường tiêu hóa thì cũng không quá khó để chẩn đoán, vì với tiến bộ của y học ngày nay chúng ta có rất nhiều thiết bị, dụng cụ, phương tiện, phương pháp để giúp chẩn đoán sớm bệnh lý đường tiêu hóa. Vấn đề là người bệnh có nhận thức được bệnh của mình và đến đúng cơ sở có chuyên khoa hay không.

Chúng ta có những phương pháp chẩn đoán đường tiêu hóa bao gồm: nội soi dạ dày, đại tràng đây là một phương pháp đơn giản và tiện nghi cho bệnh nhân, vì hầu hết các cơ sở đều thực hiện dưới dạng gây mê nhẹ nhàng, người bệnh không có cảm giác đau đớn trong suốt quá trình nội soi.

Với phương pháp nội soi thì hầu như chẩn đoán được chính xác gần 100% tất cả các bệnh lý tổn thương từ thực quản đến hậu môn.

Ngoài ra, còn có siêu âm là phương pháp đơn giản nhất, ít xâm lấn. Tiếp đến là chụp CTscan đến MRI đến PET/CT,… Có những chẩn đoán khó chẳng hạn như u tụy vị trí của nó ở sâu và triệu chứng kín đáo thì các BS có thể phải làm phẫu thuật nội soi để nhìn thấy được tổn thương, sau đó cắt một mẫu mô để thử và chẩn đoán xác định.

2. Bệnh lý tiêu hóa có “thời gian vàng” để cấp cứu không?

Cấp cứu các bệnh lý tiêu hóa liệu có “thời gian vàng” giống như các bệnh lý khác như đột quỵ, nhồi máu cơ tim… không thưa BS? Những bệnh lý nào trong tiêu hóa việc cấp cứu nhanh chóng, sơ cứu đúng cách đóng vai trò quan trọng ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Đã nói về cấp cứu thì tất cả những bệnh lý nào liên quan đến cấp cứu đều có khoảng thời gian nhất định để xử lý. Mặc dù bệnh lý về đường tiêu hóa ít nhắc đến thời gian vàng hơn. Tuy nhiên tất cả các bệnh lý khi đã cấp cứu thì đều phải xử lý nhanh, kịp thời và hiệu quả. Nếu xử lý không đến nơi đến chốn, chậm thì khi thời gian cấp cứu qua đi sẽ để lại cho người bệnh những di chứng và biến chứng nặng nề.

Chúng ta không nên chậm trễ trong quá trình xử lý cấp cứu. Tất cả những bệnh về bệnh lý ngoại khoa của ống tiêu hóa như: viêm ruột thừa, viêm túi thừa hay áp xe gan, đau bụng cấp do chấn thương ổ bụng, thủng ống tiêu hóa,… nếu chúng ta không kịp thời xử lý sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ

 

3. Sai lầm trong việc xử lý các bệnh đường tiêu hóa?

Những sai lầm thường gặp khiến tình trạng cấp cứu bệnh lý đường tiêu hóa khiến tình trạng bệnh nặng thêm? Như vậy, khi có những triệu chứng bất thường nên làm gì và không nên làm gì?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Thật ra trong dân gian chúng ta thường xuyên phạm phải những sai lầm trong vấn đề xử lý các bệnh đường tiêu hóa. Cái hay gặp nhất trong dân gian đó là khi mắc bệnh người ta không đi khám BS. Do tình hình chung ở những nước đang phát triển thì thuốc được bán rất thoải mái ở các nhà thuốc. Bệnh nhân vì lu bu bận rộn nên thường chỉ ra nhà thuốc tây để mua thuốc uống. Cũng như BS Tuệ đã chia sẻ, đối với những bệnh ngoại khoa của đường tiêu hóa thì việc uống thuốc không đúng sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Chẳng hạn như đau bụng do xoắn ruột mà nếu không được đi cấp cứu kịp thời thì khối ruột xoắn này sẽ hoại tử và người bệnh có thể tử vong do viêm phúc mạc.

Cụ thể nhất như viêm ruột thừa, khi bệnh nhân đau bụng cứ nghĩ là đau bao tử bình thường và sau đó bệnh nhân ra nhà thuốc tây để mua thuốc uống thì khối viêm ruột thừa đó có thể vỡ ra gây viêm phúc mạc.

Một trường hợp viêm túi mật cấp nếu nặng mà không được điều trị thì sẽ nguy hiểm. Có trường hợp sẽ lui bệnh nhưng có trường hợp sẽ vỡ túi mật gây viêm phúc mạc mật ngườu bệnh bị nhiễm trùng và tử vong.

Chính vì vậy, người bệnh nên ý thức việc chẩn đoán được sớm bệnh lý đường tiêu hóa, nên thăm khám đúng với chuyên khoa; đến một cơ sở có BS chuyên khoa khám để tránh sai lầm đáng tiếc.

Một sai lầm nữa đó là bệnh nhân sử dụng thuốc Đông y; chúng tôi thường xuyên cấp cứu những trường hợp bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng suy tế bào gan cấp rất nặng và có những trường hợp không cứu chữa được; vì suy tế bào gan tối cấp là vượt tầm khả năng cứu chữa của BS mà nguyên nhân là do bệnh nhân uống thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

Chúng ta nên uống thuốc đông y từ những bệnh viện đông y chính thống, thuốc có nguồn gốc, kiểm soát.

Lời khuyên chân thành nhất của tôi là khi bạn gặp vấn đề về sức khỏe nói chung và đặc biệt bệnh lý đường tiêu hóa nói riêng; nếu thấy khó chịu không tự mình xử lý được thì nên đến gặp BS.

4. Kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa

Nhiều người cho rằng chỉ cần nội soi đã yên tâm hệ tiêu hóa của mình hoàn toàn khỏe mạnh, liệu điều này có đúng không? Ngoài nội soi, hiện nay có những kỹ thuật nào giúp chẩn đoán, phát hiện bệnh lý đường tiêu hóa?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Điều này cũng đúng 1 phần, tức là nội soi tiêu hóa giúp chẩn đoán sớm những tổn thương ở đường tiêu hóa. Nếu không nội soi thì rất khó nhận biết, vì lúc đó bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng.

Một đặc điểm khó chịu của những bệnh lý ác tính ở đường tiêu hóa đó là triệu chứng rất muộn, kể cả bệnh nhân là một vị giáo sư, bác sĩ rất nổi tiếng trong ngành y khoa không may mắc phải các u ác tính, ung thư đường tiêu hóa thì việc chẩn đoán cũng muộn giống như mọi người bình thường, nếu vị giáo sư, bác sĩ này không đi tầm soát chẩn đoán bệnh sớm.

Trường hợp nếu nội soi xong, kết quả bình thường thì người bệnh có thể yên tâm không có bệnh. Tuy nhiên, kết quả đó không có nghĩa là giữ mãi suốt đời hoặc trong 1 thời gian dài.

Hiện nay, tùy theo các tổ chức về y khoa, về đường tiêu hóa trên thế giới có khác nhau 1 chút. Mỗi một tổ chức sẽ có khuyến cáo gần gần nhau chứ không hẳn giống nhau.

Cho nên lời khuyên dành cho bệnh nhân là nếu người nhà, người thân có bệnh lý ác tính về đương tiêu hóa, ví dụ bố, mẹ, anh chị bị ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản,… thì thời gian giữa 2 lần tầm soát sẽ rút ngắn lại.

Tùy theo cơ địa từng người mà quyết định thời gian nào cần tầm soát lại.

Thật sự, điều mọi người thường sợ nhất đó là ung thư đường tiêu hóa, còn những bệnh lý khác về đường tiêu hóa thì có thể chữa được, ít gây nguy hiểm tính mạng.

Do đó, để chẩn đoán bệnh ngoài nội soi, hiện nay có rất nhiều thiết bị, phương tiện tầm soát chẩn đoán sớm bệnh lý đường tiêu hóa như xét nghiệm máu, y khoa gọi là chất chỉ điểm ung thư giúp định hướng bước đầu những bệnh lý ác tính đường tiêu hóa mà bác sĩ có thể nghĩ đến, với những triệu chứng lâm sàng bệnh nhân kể. Xét nghiệm máu cũng ít tốn kém và ít xâm lấn nhất để tìm các bất thường.

Nếu trên siêu âm nhìn thấy tổn thương hoặc gợi ý nào đó trong ổ bụng mà chưa rõ thì tiếp theo bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp CT bụng (có thuốc cản quang hoặc không).

Cộng hưởng từ (MRI) cũng là phương pháp chẩn đoán khá chính xác những khối u ở đường tiêu hóa.

5. Khi nào nên tầm soát chuyên sâu hay cơ bản?

Một gói khám cơ bản sẽ bao gồm những xét nghiệm gì và chuyên sâu sẽ thực hiện thêm các cận lâm sàng nào? Những yếu tố nào giúp người bệnh quyết định nên tầm soát chuyên sâu hay cơ bản thưa BS?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Nghe chữ cơ bản là biết đơn giản rồi, tức là tùy theo nhu cầu người bệnh, cơ địa người bệnh mà bác sĩ khám tổng quát có thể chọn cho bệnh nhân gói khám.

Gói khám cơ bản chỉ phản ánh những xét nghiệm thông thường như chức năng gan, thận, xem người bệnh có tiểu đường hay không, tăng acid uric (bệnh gout),… bác sĩ cũng có thể tích hợp chụp Xquang tim phổi, đo điện tâm đồ hoặc siêu âm tim để phát hiện bệnh lý mãn tính ở phổi, rối loạn nhịp tim.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có những bệnh lý khác đi kèm hoặc cơ địa đặc biệt (có bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột mắc bệnh ung thư ở cơ quan nào đó chẳng hạn) thì nên chia sẻ với bác sĩ để bác sĩ chọn cho 1 gói khám tầm soát ung thư.

Ở bệnh viện Gia An hiện nay có xây dựng nhiều gói khám chuyên biệt, chẳng hạn như tầm soát ung thư nam, ung thư nữ,…

Hoặc trên bệnh nhân có cao huyết áp, tiểu đường, bác sĩ có thể tư vấn gói khám để tầm soát bệnh lý mạch vành. Vì người có cao huyết áp, tiểu đường khă năng mắc bệnh mạch vành sẽ cao hơn người bình thường và triệu chứng thầm lặng.

Khi bệnh lý mạch vành xảy ra biến chứng, cơn đột quỵ do nhồi máu cơ tim thì nguy hiểm tính mạng và chi phí điều trị tốn kém rất nhiều.

Đối với người trẻ, khỏe không có bệnh lý đi kèm, không có tiền sử bệnh, không cao huyết áp, tiểu đường, tiền căn nhồi máu, và không có tiền căn người nhà bị ung thư thì để tiết kiệm mình có thể chọn gói khám cơ bản.

Còn với những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt, có nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm, có tiền sử người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư hoặc làm việc trong môi trường có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp thì nên chọn gói khám chuyên biệt.

Và việc chọn gói khám sao cho phù hợp sẽ được bác sĩ tổng quát xem xét, do đó khi thăm khám bệnh nhân nên kể hết cho bác sĩ các triệu chứng gặp phải, mang hết hồ sơ y khoa cũ để bác sĩ xem, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân gói khám phù hợp, chính xác, tiết kiệm và hiệu quả.

ThS.BS Đào Thị Mỹ VânThS.BS Đào Thị Mỹ Vân

6. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa tại BV Gia An 115

BV Gia An 115 hiện được trang bị những kỹ thuật gì để chẩn đoán, điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa? Hiện có kỹ thuật nào có thể khảo sát toàn bộ hệ tiêu hóa không ạ, từ dạ dày, ruột non, ruột già, đại tràng…? Vậy nếu muốn tầm soát toàn bộ hệ tiêu hóa thì cần phải làm những gì, thưa BS?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Hiện tại bệnh viện Gia An 115 được trang bị đầy đủ hầu hết máy móc, thiết bị và phương tiện chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa.

Bệnh viện có đơn vị nội soi tiêu hóa hiện đại, với máy nội soi thế hệ mới nhất. Chúng tôi có thể chẩn đoán, tầm soát hầu hết bệnh lý đường tiêu hóa ở tất cả lứa tuổi và cơ địa bệnh nhân.

Có đội ngũ bác sĩ gây mê chuyên nghiệp, khi bệnh nhân tới bệnh viện nội soi thì sẽ được bác sĩ gây mê thăm khám, đánh giá kỹ tình trạng nội khoa và được nội soi an thần, nghĩa là bệnh nhân ngủ 1 giấc dậy là đã nội soi xong.

Ngoài ra, bệnh viện chúng tôi cũng có 1 đơn vị gan mật với các bác sĩ có thể làm được thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng.

Đối với các bệnh lý đường mật, chẳng hạn như sỏi mật, ung thư tiêu hóa, ung thư gan, ung thư tụy, khối u gây tắc mật,… với thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng thì bác sĩ nội soi có thể đặt vào trong đường mật bệnh nhân 1 ống kim loại hay gọi stent, qua đó giải quyết được vấn đề tắc nghẽn đường mật hoặc giúp lấy sỏi ra ngoài thay vì phẫu thuật.

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng trang bị máy chụp CTscan, MRI hiện đại để chẩn đoán sớm các bệnh lý, khối u ở đường tiêu hóa.

Với kỹ thuật nội soi hiện nay, nếu không sử dụng thêm kỹ thuật nội soi với robot thì sẽ khảo sát gần hoàn toàn được đường tiêu hóa. Tuy nhiên, sẽ có 1 phần của ruột non mà khảo sát thông thường khó có thể nhìn được toàn bộ, nhưng vẫn có thể kết hợp với các kỹ thuật khác để chẩn đoán.

Hầu hết các bệnh lý của ống tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn, tại Bệnh viện Gia An 115 có thể khảo sát giúp chẩn đoán xác định cho bệnh nhân.

7. Cách bảo vệ hệ tiêu hóa và tăng cường đề kháng cho cơ thể

Thưa BS, như từ đầu chương trình đã nhắc đến vai trò của hệ tiêu hóa quyết định đến 70% hệ thống miễn dịch của cơ thể. Vậy làm cách nào để bảo vệ hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, tăng cường đề kháng cho cơ thể? Làm thế nào để hạn chế mắc bệnh tiêu hóa ở cộng đồng?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Như chúng ta đã biết cơ quan tiêu hóa là cơ quan chính chịu trách nhiệm đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể. Con người không thể sống nếu không ăn uống.

Với những hỗ trợ dinh dưỡng đường tiêu hóa như nuôi ăn tĩnh mạch chẳng hạn, bác sĩ có thể giúp người bệnh sống thêm 1 thời gian, vài tuần đến tối đa 1-2 tháng, chứ không thể kéo dài hơn.

Cho nên, khi ông trời ban cho chúng ta 1 đường tiêu hóa tốt, nghĩa là một vón quà vô giá thì mình cần ý thức bảo vệ nó.

Chúng ta không thể sống nếu ăn vào mà không tiêu hóa được, hoặc ói ra hết hay ăn vào nhưng không hấp thu. Vì vậy, một đường tiêu hóa tốt sẽ giúp chúng ta có sức khỏe tốt, và có sức khỏe tốt mới có thể làm được những việc khác trong cuộc sống của mình.

Mọi người có thể bảo vệ đường tiêu hóa của mình 1 cách đơn giản và không tốn kém bằng cách thay đổi chế độ ăn uống thông minh, tức là nên chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc an toàn, không nên ăn thực phẩm có nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn, hoặc chứa độc tố.

Một thói quen xấu mà mọi người thường mắc phải là uống nhiều rượu. Trong khi lá gan giữ vai trò như một nhà máy thải hóa chất, lọc chất độc, nên nếu uống rượu thường xuyên gan sẽ phải làm việc và đào thải liên tục, đến lúc nào đó gan sẽ mệt mỏi và dẫn đến xơ gan.

Tóm lại, nên ăn uống có chọn lọc, khẩu phần ăn cân bằng, ăn nhiều rau, chất xơ, hạn chế thức ăn không có lợi cho sức khỏe.

CÂU HỎI BẠN ĐỌC

Chào bác sĩ! Gần đây em bị ợ hơi, bụng có đau ở phần trên và nóng rát cổ họng khi sáng thức dậy, vậy có phải triệu chứng bệnh đau dạ dày không? Nếu nội soi dạ dày có đau không? Và những phương pháp nào phát hiện đau dạ dày?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Rối loạn tiêu hóa sẽ biểu hiện nhiều triệu chứng như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, ăn uống kém tiêu,… đây cũng là triệu chứng thông thường của viêm dạ dày.

Đối với viêm dạ dày có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

Viêm dạ dày cấp sẽ diễn ra ồ ạt hơn, bệnh nhân đau bụng nhiều, có thể đang ngủ cảm thấy bụng đau đến nỗi phải thức giấc.

Tuy nhiên, có trường hợp người bệnh sẽ không đau nhiều như vậy, mà đau âm ỉ, đau kéo dài, đau từ ngày này qua ngày khác, kèm ợ hơi, ợ chua, thì đây là biểu hiện hay gặp nhất của viêm dạ dày mạn tính.

Nhưng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng cũng có thể là triệu chứng che dấu 1 bệnh lý khác. Vì vậy để làm rõ vấn đề này bệnh nhân có thể làm kỹ thuật nội soi dạ dày.

Hiện nay, với nội soi dạ dày và đại tràng sẽ thực hiện bằng gây mê, người bệnh không đau đớn và thoải mái trong lúc làm. Sau nội soi người bệnh thức dậy sẽ bình thường trở lại.

Nghe các BS chia sẻ về Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện Gia An 115 tôi thấy ngưỡng mộ, quá tuyệt vời. Đồng thời có thắc mắc mong bác sĩ giải đáp, giả sử có trường hợp khẩn cấp thì muốn liên hệ tới trạm của Gia An 115 thì gọi vào số nào? Ngoài bệnh lý đường tiêu hóa, Trạm còn cấp cứu cho những tình huống nào?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Khi bạn có triệu chứng bệnh cần phải cấp cứu thì có thể gọi vào tổng đài cấp cứu 115. Từ trung tâm cấp cứu 115 sẽ chuyển cho Trạm vệ tinh cấp cứu bệnh viện Gia An 115 để di chuyển tới chỗ bệnh nhân cần hỗ trợ.

Hoặc bạn có thể gọi vào số cấp cứu Trạm vệ tinh cấp cứu bệnh viện Gia An 115 là 028 6265 5115.

Trạm vệ tinh cấp cứu bệnh viện Gia An 115 không chỉ cấp cứu về các bệnh lý đường tiêu hóa, mà còn cấp cứu tất cả các trường hợp liên quan đến sức khỏe như: tim mạch, đột quỵ, chấn thương, tai nạn giao thông, sản khoa, nhi khoa,…

Chi phí khi gọi cấp cứu như thế nào, thưa bác sĩ. Liệu cấp cứu có được tính BHYT? Cảm ơn bác sĩ nhiều.

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Không chỉ bệnh viện Gia An 115 mà từ trung tâm cấp cứu 115 hay trạm vệ tinh khác đều không được BHYT chi trả.

Cho nên, tất cả trường hợp gọi cấp cứu người bệnh đều phải trả chi phí.

Tuy nhiên, chi phí này không cao, đã được đồng nhất từ trung tấm cấp cứu 115 qua Sở Y tế kiểm duyệt. Nên dù bạn có gọi cho trung tâm cấp cứu 115 hay Trạm vệ tinh bệnh viện Gia An 115 hoặc trạm vệ tinh khác đều có chi phí bằng nhau, bạn có thể yên tâm.

Chào bác sĩ, trước khi đi nội soi tôi cần chuẩn bị như thế nào?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Nội soi bao gồm nội soi dạ dày và nội soi đại tràng.

Nếu kết hợp nội soi dạ dày và đại tràng chung 1 lần hoặc riêng lẻ đều được.

Nhưng khuynh hướng hiện nay sẵn người bệnh tới bệnh viện thì bác sĩ sẽ lời khuyên nên làm cùng 1 lần luôn, trừ điều kiện bệnh nhân không cho phép hoặc cấp cứu cần nội soi dạ dày như xuất huyết dạ dày chẳng hạn thì nên nội soi riêng.

Để chuẩn bị, với nội soi dạ dày cần nhịn ăn trước 6 giờ trước khi nội soi. Còn với nội soi đại tràng người bệnh cần rửa ruột, thông thường người bệnh sẽ được bác sĩ thăm khám từ hôm trước và tư vấn, hướng dẫn phát cho gói thuốc uống trong đêm, đến sáng sẽ đi tiêu nhiều lần để làm sạch lòng ruột.

Vì khi nội soi nếu đường tiêu hóa vẫn còn phân sẽ che mất tổn thương, làm việc chẩn đoán có thể thiếu sót.

Do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để bác sĩ có thể quan sát tổn thương và chẩn đoán đúng bệnh.

Em có đi nội soi dạ dày được chẩn đoán hang vị sung huyết và Hp+, Bác sĩ cho uống liệu trình gồm 4 thuốc là metronidazol, tetaxilin, esomeprazol. Sau khi uống 6 ngày em không thấy đỡ mà cứ ăn vào là buồn nôn, khó tiêu, người lại rất mệt mỏi. Vậy em có nên uống tiếp thuốc hay cần đi khám lại?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Điều trị vi khuẩn Hp ở dạ dày hiện nay là một thử thách. Vì những năm trước Hp chưa kháng thuốc, bác sĩ sẽ điều trị theo kinh nghiệm, thời gian điều trị khoảng 2 tuần có phối hợp kháng sinh và thuốc bảo vệ dạ dày khác như Nexium.

Còn hiện tại, vi khuẩn Hp đã có thể kháng thuốc, một số trường hợp uống kháng sinh sẽ không thể tiêu diệt được Hp mà bắt buộc phải điều trị theo kháng sinh đồ. Tức là trong lúc nội soi, bác sĩ sẽ lấy một bệnh phẩm từ dịch dạ dày và đưa qua 1 quá trình nuôi cấy làm kháng sinh đồ. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng kháng sinh nào cho hiệu quả.

Trường hợp của bạn sau khi uống 6 ngày mà vẫn còn triệu chứng thì tôi khuyên bạn nên quay trở lại gặp bác sĩ cho toa điều trị xem mình có không hòa hợp với 1 loại kháng sinh nào đó không.

Bác sĩ có thể cân nhắc đổi kháng sinh khác, nếu tác dụng phụ của nó ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân.

Bạn không nên tự ý ngưng thuốc hoặc đổi kháng sinh, vì sẽ làm vi trùng Hp thêm kháng thuốc và việc điều trị sẽ khó khăn hơn về sau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X