Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao phân biệt xuất huyết tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa?

Xuất huyết tiêu hóa thường bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa khiến người bệnh chủ quan, vậy làm sao để phân biệt 2 tình trạng này? Hãy theo dõi phần tư vấn của ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân ngay bài viết dưới đây!

Phần 1: Làm sao phân biệt xuất huyết tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa?

Phần 2: Những sai lầm thường gặp khiến bệnh lý đường tiêu hóa trở nên nguy hiểm?

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vai trò Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện Gia An 115

Trạm cấp cứu vệ tinh tại Bệnh viện Gia An 115 từ khi chính thức đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả như thế nào? Trong đó, chủ yếu là những trường hợp liên quan đến bệnh lý nào, thưa bác sĩ?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Ngày 27/4/2020 Trạm vệ tinh cấp cứu 115 của Gia An chính thức trở thành trạm thứ 32 của Trung tâm cấp cứu 115. Từ đó đến nay cũng gần 1 năm, Trạm vệ tinh cấp cứu của Bệnh viện Gia An đã nhận tất cả các cuộc gọi điều phối từ trung tâm cấp cứu 115.

Mọi trường hợp cấp cứu của Trạm vệ tinh cấp cứu Bệnh viện Gia An 115 hầu như xảy ra ở các trường hợp bệnh lý không riêng gì nội tiêu hóa; trong đó có: đột quỵ não, thông tim can thiệp, can thiệp mạch máu não, những bệnh lý về ngoại khoa, chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, nhi khoa,… tất cả chúng tôi đều đáp ứng được và tiếp nhận ở những vùng lân cận như: quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, quận 6, 8.

2. Người nhà và bác sĩ đã phối hợp như thế nào trong cấp cứu bệnh nhân?

Song song với hiện trường, việc kết nối như thế nào giữa người bệnh với các bác sĩ tại bệnh viện để đảm bảo thời gian, tránh biến chứng, di chứng sau này?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Sự kết nối giữa nhóm cấp cứu ngoài hiện trường với các BS của bệnh viện là cực kì quan trọng. Thời điểm Trạm vệ tinh cấp cứu của bệnh viện Gia An 115 mới thành lập vào khoảng tháng 5/2020 lúc đó chúng tôi có nhận một trường hợp cấp cứu của một cụ bà 82 tuổi bị đau bụng và nôn ói; khi đến nơi cụ bà suy kiệt rất nặng, thể trạng chỉ còn 27kg.

Người nhà cho biết, 2 ngày trước cụ bà có đi cầu táo bón nhiều, đau bụng. Vì đi lại khó khăn nên không đưa vô bệnh viện chỉ mua thuốc về nhà uống, nhưng không bớt mà ngày càng đau và bụng chướng hơn, nên lúc này người nhà mới gọi cấp cứu.

Sau khi đến nhà bệnh nhân thăm khám và chẩn đoán sơ bộ, chúng tôi nhận định đây là một bệnh lý tiêu hóa về ngoại khoa. Sau đó, đã di chuyển bệnh nhân về BV Gia An 115 và phối hợp làm cận lâm sàng CTScan bụng mới phát hiện cụ bà bị hoại tử ruột do xoắn ruột. Đây là một bệnh lý rất hiếm, vì bà có một dị tật bẩm sinh là bất sản mạc treo đại tràng nhưng trước giờ bà không biết. Nên khi đau bụng bà cứ nghĩ là đau bụng bình thường rồi mua thuốc uống.

Cuối cùng đã xảy ra một biến chứng nặng nề đó là hoại tử ruột. Chúng tôi đã hội chẩn cùng các đồng nghiệp của mình tại bệnh viện Gia An 115 cụ thể là ThS.BS Nguyễn Thế Toàn - đã cấp cứu liền cho cụ bà trong đêm.

Có thể thấy, không chỉ trường hợp cụ bà 82 tuổi này, mà tất cả những trường hợp chúng tôi thực hiện đều có sự phối hợp. Khi ra ngoài hiện trường có những bệnh lý chúng tôi chẩn đoán và đưa về bệnh viện Gia An để phối hợp cùng đồng đội - các BS của bệnh viện; đều có những quy trình báo động đỏ.

Chúng tôi có sự kết hợp nhất giữa tất cả các liên chuyên khoa như: chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, gây mê hồi sức hoặc những khoa liên quan đến các bệnh lý; cụ thể là bệnh lý tiêu hóa. Tất được chuẩn bị sẵn sàng để đón bệnh nhân.

Khi bệnh nhân về tới cụ thể là cụ bà 85 tuổi vừa về đến bệnh viện thì tất cả những BS chuyên khoa đã ở đó và phối hợp rất nhịp nhàng với nhau. Từ lúc bệnh nhân vô bệnh viện đến lúc quyết định phẫu thuật chưa đến 1 tiếng đồng hồ vì chúng tôi đã có đầy đủ xét nghiệm cận lâm sàng cũng như CT Scan bụng.

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân và BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật TuệThS.BS Đào Thị Mỹ Vân và BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ trong chương trình Livestream: Nghe bác sĩ kể chuyện những ca bệnh nội tiêu hóa bên lằn ranh sinh tử, phát sóng lúc 14g30 ngày 4/2

3. Những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp?

Bệnh đường tiêu hóa ở Việt Nam tương đối phổ biến, bởi nước ta thuộc vùng nhiệt đới kèm theo tập quán ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh. Vậy xin hỏi BS, những bệnh lý đường tiêu hóa thường hay gặp nhất là gì?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Thông thường chúng ta sẽ gặp phải một số bệnh lý cấp tính của đường tiêu hóa như: rối loạn tiêu hóa do ăn phải thức ăn chứa độc tố khiến ói mửa, tiêu lỏng,… nhưng đó là những biểu hiện nhẹ.

Ở mức độ nặng hơn nếu trong thực phẩm có chứa một lượng lớn vi trùng hoặc độc tố nhiều thì có thể bạn sẽ gặp phải những bệnh lý như nhiễm trùng đường ruột, nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể sẽ biến chứng nặng nề.

Ngoài ra, những bệnh lý cấp tính về đường tiêu hóa khác chúng ta có thể gặp: viêm ruột thừa cấp, bệnh viêm túi mật cấp, xuất huyết tiêu hóa, …

4. Bệnh lý đường tiêu hóa nào gây nguy hiểm cho bệnh nhân?

Nhiều người khi nghe đến chữ “nội” trong chủ đề bệnh lý tiêu hóa liền nghĩ ngay đến bệnh nhẹ, điều trị bằng thuốc là chủ yếu, không có tình trạng nặng. Liệu quan điểm này đúng sai ra sao? Bệnh lý nào trong đường tiêu hóa là tình trạng khẩn cấp thưa BS?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Theo tôi đây là một quan điểm không hoàn toàn đúng. Mới thoáng qua thì nghe có vẻ như bệnh lý đường tiêu hóa là một vấn đề của nội khoa. Có thể nếu như người bệnh được thăm khám chẩn đoán và xử trí kịp thời thì sẽ cứu được sinh mạng; tuy nhiên vấn đề của bệnh lý đường tiêu hóa cũng có những trường hợp phải cấp cứu. Có những bệnh lý đường tiêu hóa sẽ khiến bệnh nhân tử vong, đó là những trường hợp như:

- Xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, bệnh nhân viêm ruột thừa nếu không được chẩn đoán, phẫu thuật thì sẽ bị vỡ và gây viêm phúc mạc toàn thể.

- Viêm túi mật cấp nếu không được chẩn đoán đúng sẽ làm vỡ túi mật và gây nên tình trạng viêm phúc mạc mật,…

- Bệnh nhân đi tiêu chảy bình thường mà nếu tình trạng nặng sẽ đưa đến khả năng mất nước và làm suy thận cấp, lúc này nếu như bệnh nhân không được thăm khám, chẩn đoán điều trị kịp thời thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

5. Làm sao phân biệt xuất huyết tiêu hóa và rối loạn tiêu hóa?

Xuất huyết tiêu hóa thường bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa khiến người bệnh chủ quan, vậy làm sao để phân biệt 2 tình trạng này ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Đối với người bệnh ung thư nhất là ung thư đường tiêu hóa thì càng có những trường hợp phải cấp cứu. Ví dụ:

- Người bệnh có một khối u ở dạ dày mà trước đó không được chẩn đoán, một vết loét ở dạ dày ác tính thì nguy cơ vết loét chảy máu rất cao; chảy máu, xuất huyết ồ ạt mà không chữa thì người bệnh có thể rơi vào trường hợp sốc mất máu và tử vong.

- Trường hợp bệnh nhân có búi dãn mạch thực quản thì người bệnh có thể có những đợt ho, ói ra máu; xuất huyết tiêu hóa số lượng lớn. Người bệnh có khi thình lình, bất chợt ói ra 1l máu trước mặt BS mà không thể can thiệp kịp.

Đối với ung thư đường tiêu hóa, những u ở đại tràng chẳng hạn cũng thường xuyên gây ra những biến chứng như có thể vỡ u, một khối ở gan cũng có thễ vỡ bất thình lình và không gây tử vong. Khi vỡ khối u thì điều nguy hiểm nhất với người bệnh đó mất máu; khối u đại tràng hay khối u gan, một khối u lách, tụy cũng đều có thể vỡ. Đối với người bệnh ung thư đường tiêu hóa thì những tình huống khẩn cấp càng thường gặp hơn cho nên việc theo dõi, chẩn đoán và xử trí là ất cần thiết.

Xuất huyết tiêu và rối loạn tiêu hóa không thật sự giống nhau.

- Rối loạn tiêu hóa: người bệnh đau bụng, chướng bụng, rối loạn đi tiêu, tiêu lỏng, phân vàng.

- Xuất huyết tiêu hóa: chảy máu từ đường tiêu hóa, có nhiều nguyên nhân gây ra việc chảy máu đường tiêu hóa. Đối với những bệnh nhân xơ gan, viêm gan siêu vi B, C lâu ngày, lá gan bị xơ thì sẽ có một hiện tượng xảy ra là tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giãn tĩnh mạch thực quản gây ra một xuất huyết tiêu hóa ồ ạt và đó là xuất huyết tiêu hóa trên.

Hoặc xuất huyết chảy máu từ một ổ loét của dạ dày tá tràng thì cũng được gọi là xuất huyết tiêu hóa trên bởi nó nằm ở phần trên của ống tiêu hóa.

Đường tiêu hóa của chúng ta bắt đầu từ miệng xuống thực quản -> dạ dày -> tá tràng -> ruột non -> đại tràng ->ống hậu môn và kết thúc ống tiêu hóa.

Sự khác nhau của xuất huyết ống tiêu hóa trên và dưới:

- Nếu bệnh nhân xuất huyết ở vùng trên thì bệnh nhân có thể ói ra máu đột ngột nếu xuất huyết lượng nhiều.

- Nếu xuất huyết tiêu hóa ở phần dạ dày, tá tràng thì bệnh nhân sẽ có biểu hiện triệu chứng lâm sàng là đi cầu ra phân đen như bã trầu và có mùi tanh đặc biệt.

- Nếu xuất huyết tiêu hóa dưới nghĩa là sang thương gây ra xuất huyết tiêu hóa nằm ở vùng ruột thấp có thể là gần hậu môn, trực tràng chẳng hạn. Nếu người bệnh bị trĩ thì khi đi cầu thấy có một dòng máu tươi đỏ.

Để phân biệt xuất huyết tiêu hóa trên và dưới thì thường dựa vào màu sắc của máu. Vì thế người bệnh nên để ý tính chất phân của mình khi đi cầu hoặc dịch khi ói ra để mô tả cho BS biết từ đó giúp chẩn đoán đúng vị trí bị xuất huyết tiêu hóa hơn.

6. Vì sao đau bụng có thể dẫn đến tình trạng cấp cứu nguy kịch?

Ngoài trường hợp kể trên, BV Gia An 115 cũng đã cấp cứu thành công cho người đàn ông bị hoại tử ruột non, viêm phúc mạc do đau bụng nhưng ngại đến bệnh viện. Vì sao một triệu chứng đau bụng thông thường có thể dẫn đến tình trạng cấp cứu nguy kịch như vậy ạ? BS có thể chia sẻ thêm về ca bệnh này để khán thính giả hiểu thêm về tình huống lúc đó.

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Bệnh nhân là một người đàn ông quốc tịch Đài Loan, bị đau bụng nhưng vì dịch bệnh nên ông ngại đến bệnh viện, ở nhà tự mua thuốc uống. Đến lúc bụng không bớt đau nhưng ngày càng chướng lên thì lúc này bệnh nhân gọi cấp cứu 115 và trung tâm cấp cứu 115 chuyển qua trạm cấp cứu 115 của bệnh viện Gia An.

Khi chúng tôi đi đến và khám thì nghĩ đây là một bệnh lý đường tiêu hóa mà liên quan đến cấp cứu ngoại khoa. Chúng tôi xử trí ban đầu và sau đó chuyển về bệnh viện Gia An 115 kết hợp cận lâm sàng, xét nghiệm, CT Scan bụng. Nhưng sau đó chúng tôi phát hiện bệnh nhân có hoại tử ruột, xoắn ruột và kèm theo suy thận do tự uống thuốc không phù hợp. Chúng tôi đã hội chẩn mời những đồng nghiệp ngoại khoa của bệnh viện Gia An xử lý và mổ cấp cứu; sau đó bệnh nhân dần được phục hồi. Hiện, bệnh nhân đã khỏe mạnh hoàn toàn và trở lại cuộc sống bình thường.

Qua đây, tôi cũng khuyên mọi người khi có triệu chứng đau bụng, nôn ói thì đừng nên coi thường. Đôi khi chúng ta nghĩ đau bụng, nôn ói liên quan đến các bệnh lý về viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản; điều này đúng. Tuy nhiên có những bệnh lý cũng có những triệu chứng tương tự như vậy nhưng nó lại là một cấp cứu ngoại khoa và đặc biệt nếu chúng ta xử lý chậm thì ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài cũng như tính mạng của người bệnh.

7. Nội soi phát hiện polyp bác sĩ sẽ xử trí như thế nào?

Một vấn đề thường gặp ở đường tiêu hóa đó là đi khám phát hiện ra polyp. Điều này làm nhiều người lo lắng, sợ polyp này là ung thư, hoặc “vỡ” ra gây nguy hiểm tính mạng. Xin hỏi BS, khi phát hiện polyp bác sĩ sẽ xử trí như thế nào ạ? Liệu có trường hợp nào polyp đường tiêu hóa biến chứng trở thành một vấn đề cấp cứu ngoại khoa không ạ?

ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân:

Bất kì một tổ chức nào từ thành ruột nhô vào trong lòng ruột thì gọi là polyp.  Đối với người bình thường tỉ lệ có polyp ở ruột và đại tràng khá cao. Nếu như polyp không bị biến chứng, không viêm, không chảy máu thì sẽ không có triệu chứng; hầu hết nếu không đi soi dạ dày tầm soát thì người bệnh không biết.

Vấn đề nguy hiểm của polyp là nó có thể trở thành ác tính. Hầu hết những ung thư đại tràng đều biến thể từ một polyp tuyến ở đường tiêu hóa; đó cũng là một trong những nguy hiểm mà chúng ta cần tầm soát để chẩn đoán sớm được bệnh polyp đường ruột và ngăn ngừa ung thư.

Polyp nếu tăng sinh lành tính thì nó là polyp bình thường không vấn đề gì. Tuy nhiên nó có thể trở thành loạn sản và có thể là một polyp tiền ung thư và chính nó là tiền đề của ung thư đại tràng về sau. Do đó, hiện nay người ta sẽ nội soi đại tràng thường xuyên để chẩn đoán sớm được polyp.

May mắn một điều là qua nội soi đại tràng thì BS có thể cắt bỏ polyp có cuống hoặc không có cuống một cách dễ dàng. Khi cắt bỏ đi BS sẽ lấy đưa đi xét nghiệm, và tùy theo kết quả giải phẫu bệnh từ polyp của người bệnh ở mức độ nào từ đó có những bước xử trí tiếp theo.

8. Làm sao khi bị rối loạn tiêu hóa hoặc hóc dị vật?

Tết Nguyên đán gần kề, mọi người thường có quan niệm tết nhất ngại đi bệnh viện. Tuy nhiên, nếu chẳng may có những tình huống khẩn cấp xảy ra như viêm ruột thừa, ngộ độc thực phẩm, nuốt dị vật thì mọi người có thể làm gì để giúp bệnh nhân trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến không, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK2 Nguyễn Thắng Nhật Tuệ:

Khi chúng ta có bất kì một triệu chứng nào của rối loạn tiêu hóa như: nôn ói, đau bụng thì điều quan trọng nhất là không nên làm gì hết. Bệnh nhân nên nằm ở một tư thế giảm đau an toàn và nhờ người thân gọi cấp cứu 115 hoặc gọi trực tiếp vào số cấp cứu của bệnh viện Gia An 115: 028 62655 115 chúng tôi sẽ đến và xử trí đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất để giải quyết vấn đề này.

Nếu gặp phải tình trạng nguy hiểm hơn như hóc dị vật,… thì lúc này chúng ta chỉ có vài giây để cấp cứu người bệnh đây được gọi là nghiệm pháp Heimlich - nghiệm pháp ấn bụng để tống dị vật hay thức ăn khiến nghẹt đường thở ra ngoài.

Sắp tới đây bệnh viện Gia An 115 của chúng tôi sẽ có lớp huấn luyện cộng đồng trong đó có biện pháp Heimlich này. Nếu mọi người có quan tâm thì xin đăng ký, chúng tôi sẽ giúp quý vị có thêm những kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân xung quanh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X