Giải pháp để ngành y học cổ truyền tại TPHCM phát triển đúng tiềm năng
Y học cổ truyền Việt Nam đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân nhưng công tác nghiên cứu và ứng dụng các công trình nghiên cứu về y dược cổ truyền còn nhiều bất cập. Tại Hội nghị Khoa học thường niên 2024 của Hội Y học, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đã nêu lên thực trạng cũng như đề xuất giải pháp để ngành y học cổ truyền tại TPHCM phát triển đúng tiềm năng.
Mở đầu báo cáo, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay - Chủ tịch LCH Đông - Tây Y kết hợp TPHCM khẳng định: “Y học cổ truyền ngày càng phổ biến và được sự quan tâm của toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã vào cuộc để quản lý việc sử dụng y học cổ truyền”.
Trước đây, y học cổ truyền thường được nhắc đến bằng thuật ngữ TCM - Traditional Chinese Medicine, dịch là y học cổ truyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau sự tham gia của WHO, thuật ngữ này được thay đổi thành CAM - Complimentary Alternative Medicine, từ gọi chung cho những phương pháp sử dụng phương tiện tự nhiên vào y trị.
Y học cổ truyền của nước ta gồm Đông y và các phương pháp kinh nghiệm dân gian từ xưa, từ khi xuất hiện những người Việt Nam đầu tiên cho đến ngày nay. Định nghĩa y học cổ truyền có thể được hiểu là “sử dụng phương pháp từ tự nhiên như dùng thuốc - dược liệu và không dùng thuốc - dưỡng sinh, châm cứu và các phương pháp khác như khí công, yoga, xoa bóp, bấm huyệt...
Tuy nhiên, y học hiện đại lại hiểu CAM như y học bổ sung hoặc y học hỗ trợ. Ngoài ra còn có thuật ngữ TCIM - Traditional; Complimentary Alternative Medicine, nghĩa là y học truyền thống nhưng có kết hợp y học hiện đại vào chăm sóc sức khỏe. Sau này, trong các báo cáo, WHO đều dùng thuật ngữ TCIM.
“Việc sử dụng y học cổ truyền hay bất cứ một phương pháp nào can thiệp trên người bệnh để chăm sóc, điều trị hay phòng bệnh đều phải trải qua nghiên cứu khoa học để đánh giá khách quan về tính an toàn, hiệu quả” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay thông tin.
Những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực y học cổ truyền tại TPHCM
Đến nay, WHO đã quản lý được 175 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng y học cổ truyền. Cũng có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật về sử dụng y học cổ truyền . Y học cổ truyền là xu hướng của thời đại.
Tại TPHCM, tổng số đề tài nghiên cứu khoa học trong 5 năm (2019 - 2024) là hơn 322 đề tài, trong đó bệnh viện tuyến thành phố thực hiện 285 đề tài và bệnh viện tuyến quận, huyện thực hiện 37 đề tài. Số bài báo được đăng tải trên tạp chí trong nước là 51 và 10 bài báo quốc tế.
Khoa Y học cổ truyền của Trường Đại học Y Dược TPHCM đã làm khá nhiều công trình nghiên cứu, thống kê 296 bài báo trong nước và 141 bài báo quốc tế. Về lĩnh vực công bố quốc tế, thuốc chiếm 41% và châm cứu 38%.
“Số lượng báo cáo chưa tương xứng với số lượng công trình nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó cũng chưa có bài báo ở mức độ phân tích gộp hay tổng quan hệ thống” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay nhận định.
Với y học hiện đại kết hợp Đông - Tây y, các bác sĩ luôn lấy bệnh của y học hiện đại làm nền, từ đó tìm những bệnh cảnh lâm sàng trong y học cổ truyền, áp dụng những kinh nghiệm từ xưa đến nay trong việc điều trị. Chuyên gia dẫn chứng nghiên cứu của tác giả Trần Hòa An trên 116 bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), tìm ra được các đặc điểm, kiểu chứng y học cổ truyền, tìm ra tỷ lệ các hội chứng lâm sàng y học cổ truyền và giải thích các biểu hiện lâm sàng kèm theo trên người bệnh.
Điều này có thể tiến đến chẩn đoán, xác định các bệnh cảnh lâm sàng y học cổ truyền trên COPD, sau đó nghiên cứu các bài thuốc điều trị bệnh cảnh. Kết quả của công trình nghiên cứu này đã thắp lên một số tín hiệu lạc quan trong tương lai, chỉ ra triển vọng nghiên cứu y học cổ truyền với tương quan các rối loạn trong y học hiện đại. Xa hơn nữa có thể xây dựng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng lâm sàng để có thể sử dụng kho tàng kinh nghiệm từ ngàn xưa.
Từ các bài thuốc kinh điển, chuyên gia y học cổ truyền phải đặt ra những câu hỏi để thiết kế công trình nghiên cứu phù hợp. Nghiên cứu về thuốc có nhiều việc cần làm, chẳng hạn như nghiên cứu dược liệu, bào chế, phối hợp dược liệu, do đó mang tính phức tạp cao.
Những thách thức cần vượt qua
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay nhấn mạnh: “Lý thuyết y học cổ truyền hiện nay chưa hoàn toàn có sự thống nhất. Bên cạnh đó, hầu như các nghiên cứu khoa học chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn của cá nhân tác giả để đạt tầm cỡ”.
Một thách thức khác là nhà quản lý vẫn chưa đầu tư đúng mức vào cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học của y học cổ truyền. Các nghiên cứu khoa học sẽ chứng minh được tính hiệu quả, độ an toàn và tin cậy của các bài thuốc, dựa vào đó xóa bỏ các ranh giới, e dè.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay đề xuất cần sớm xây dựng một đội ngũ có kiến thức và kỹ năng sử dụng các nguyên lý, phương pháp của y học chứng cứ thông qua các tổ chức, các buổi cập nhật kiến thức y khoa liên tục về hệ thống y học chứng cứ hiện nay cho các thầy thuốc y học cổ truyền để họ mạnh dạn hơn trong nghiên cứu khoa học.
Báo cáo viên cũng kêu gọi các chuyên gia y học cổ truyền hãy chia sẻ nhiều hơn, thống nhất với nhau về tiêu chuẩn chẩn đoán y học cổ truyền nhằm mang lại lợi ích cho những lớp kế tục sẽ dễ dàng hơn trong tiếp cận y học cổ truyền.
Chủ tịch LCH Đông - Tây Y kết hợp TPHCM kết luận: “Hiện nay, xu hướng xã hội đang thích dùng y học cổ truyền do thấy được những lợi ích mà nó mang lại nhưng các nhà khoa học lại chưa làm đủ để chứng minh”.
>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các thuốc điều hòa phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ
>>> Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương
>>> Muốn tránh đột tử, hãy tầm soát sức khỏe trước khi thi đấu thể thao
>>> Tiến bộ mới về chẩn đoán, quản lý giúp giảm biến chứng, cứu sống bệnh nhân viêm gan B
>>> Bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi mô kẽ trong viêm khớp dạng thấp
>>> Cập nhật các tiến bộ trong điều trị vết thương khó lành
>>> Vai trò quan trọng của ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý dụng cụ phẫu thuật
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình