Hotline 24/7
08983-08983

Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các thuốc điều hòa phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ

Nhận định trên được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, đề cập tại Hội nghị khoa học thường niên năm 2024 do Hội Y học TPHCM tổ chức ngày 21/12/2024.

Với bài báo cáo “Những tiến bộ của y học hiện nay và thách thức bất tận của bệnh nhiễm trùng”, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Chủ tịch LCH Truyền nhiễm TPHCM, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết, các đại dịch đã đe dọa nhân loại từ xa xưa.

Trong những câu chuyện cổ, sách vở vẫn nhắc đến “thần chết đen” - “hắc tử” - “cái chết đen” đã đe dọa con người trong suốt 2.000 năm gây khoảng 200 triệu ca tử vong, làm giảm 30 - 60% dân số khu vực có dịch.

Ghi nhận có 3 đợt lịch lớn vào thế kỷ 6, thế kỷ 14 và thế kỷ 19. Riêng thế kỷ 14 (1346 - 1353) có khoảng 10 triệu người đã tử vong do dịch hạch.

Dịch gây ra do bệnh nhiễm trùng, đây là bệnh có đặc trưng riêng biệt so với các bệnh khác:

- Bệnh nhiễm trùng do tác nhân gây bệnh là vi sinh vật.

- Là sự tương tác giữa vi sinh - ký chủ - môi trường.

- Bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra trên người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh: Cơ địa bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh. Nếu hồi phục sẽ có miễn dịch bảo vệ đối với tái nhiễm.

- Có tính lây truyền (Transmissibility): Bệnh có thể tạo ra các trận dịch, thậm chí là đại dịch (toàn cầu). Bệnh lây truyền qua trung gian truyền bệnh đặc hiệu (vector).

- Bệnh nhiễm trùng có thể điều trị khỏi (đây là điểm đặc biệt so với các bệnh khác): Đối với một cá thể có thể bình phục hoàn toàn từ một tình trạng rất nặng, thậm chí đe dọa tử vong. Đối với cộng đồng có thể ngăn chặn và chấm dứt dịch.

- Có thể phòng bệnh hiệu quả, thậm chí loại trừ một số dịch bệnh như bệnh bại liệt: bằng cách tạo miễn dịch chủ động (tiêm ngừa vắc xin) hoặc ngăn ngừa các vector trung gian truyền bệnh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Chủ tịch LCH Truyền nhiễm TPHCM, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam trình bày về những nội dung liên quan đến “Những tiến bộ của y học hiện nay và thách thức bất tận của bệnh nhiễm trùng”

Bệnh nhiễm trùng là một thách thức bất tận. Vì các tác nhân gây bệnh luôn tiến hóa (do đột biến) nhằm thích ứng cao với mọi áp lực (bao gồm hệ miễn dịch của ký chủ, kháng sinh, các yếu tố môi trường). Từ đó, con người phải luôn đối mặt với sự xuất hiện của các tác nhận mới trỗi dậy/tái trỗi dậy/đề kháng với kháng sinh hiện có.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định: “Luôn có một cuộc chiến không có hồi kết giữa “biện pháp trị liệu thông minh” của con người với sự “biến đổi thích nghi” của vi sinh vật. Dẫn đến thách thức của bệnh nhiễm trùng là bất tận đối với con người và sự đáp trả của con người đối với thách thức này cũng bất tận”.

Đại dịch cúm năm 1918 - 1919, xảy ra ở châu Âu, chủ yếu là ở Tây Ban Nha nên gọi là đại dịch cúm Tây Ban Nha đã làm 50 triệu người tử vong. Sau 100 năm lại có đại dịch COVID-19.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, hiện nay, có rất nhiều bệnh mới nổi/tái nổi liên tục xuất hiện. Đặc biệt, nguồn gốc của những bệnh này thường là các bệnh nhiễm trùng từ động vật sang người, đang xảy ra trên khắp thế giới và không biết được khi nào một trong các tác nhân này sẽ bùng phát mạnh lên, lan rộng ra và gây đại dịch toàn cầu.

Đề kháng kháng sinh có thể gây tử vong cao hơn COVID-19

Vũ khí loài người dùng để đối phó với bệnh nhiễm trùng chỉ mới tìm ra trong khoảng 100 năm gần đây. Năm 1928, Alexander Fleming phát hiện ra Penicillin, có khả năng kháng khuẩn. Tại thời điểm đó, Penicillin được xem như thần dược.

Năm 1950 - 1960 là “kỷ nguyên vàng” của kháng sinh, rất nhiều loại kháng sinh được tìm ra và vi khuẩn kháng thuốc cũng bắt đầu xuất hiện. Vi khuẩn có thể kháng một loại kháng sinh, cho đến kháng nhiều loại kháng sinh và cuối cùng là kháng toàn thể các loại kháng sinh.

Cho đến hiện nay, số lượng phát minh ra kháng sinh ngày càng giảm dần, 2 - 10 năm mới có một loại kháng sinh mới. Kháng thuốc là hiện tượng tất yếu của các loại vi sinh vật vì cơ chế kháng thuốc là cơ chế đột biến. Cơ chế tác động của kháng sinh là kháng sinh gắn vào những vị trí khác nhau trên cấu trúc của vi sinh vật, khi vị trí đó bị thay đổi thì kháng sinh không còn gắn vào dẫn đến kháng kháng sinh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu bày tỏ: “Rất lo ngại tình hình tử vong do kháng thuốc trong thời gian tới sẽ gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh kháng thuốc hiện nay trên thế giới. Ước tính đến năm 2050, có khoảng 10 triệu người tử vong/năm, nhiều hơn đại dịch COVID-19”.

Hội nghị khoa học thường niên năm 2024 do Hội Y học TPHCM tổ chức ngày 21/12/2024, quy tụ hơn 1.000 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp

Để ứng phó với thách thức bất tận của bệnh nhiễm trùng cần có chiến lược tiếp cận bao quát trên nhiều “mặt trận” khác nhau (tiếp cận toàn diện, hệ thống). Nghiên cứu khoa học, phân tích nghiêm túc rút bài học kinh nghiệm các trận dịch quá khứ là biện pháp không thể thay thế để ứng phó lại các đợt bùng phát của các tác nhân mới/tái trỗi dậy trong tương lai.

Chiến lược đối phó với các bệnh nhiễm trùng trong tương lai tập trung vào 2 nhóm: Nghiên cứu sâu hơn về vai trò của hệ thống miễn dịch vì loài người đã đối phó với dịch bệnh hàng ngàn năm nay nhưng kháng sinh chỉ mới có khoảng 100 năm gần đây. Như vậy, trước đó con người tồn tại với thế giới vi sinh vật là nhờ hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Các loại thuốc trong tương lai phát triển để điều trị chống lại vi sinh vật sẽ tập trung vào 2 hướng: những loại thuốc tiếp tục tác động trực tiếp vào các tác nhân vi sinh vật và tác động vào cơ thể chủ để điều trị bệnh nhiễm trùng.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: “Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra hướng chọn lựa các tác nhân ưu tiên để nghiên cứu, vì chúng ta không biết được trong thời gian tới tác nhân X gây đại dịch lần nữa sẽ thuộc nhóm nào. Bằng cách lựa chọn các họ virus, vi sinh vật đại diện để nghiên cứu toàn thể về cơ chế bệnh sinh, miễn dịch cơ thể, các chẩn đoán, tạo ra kháng thể,… để khi xuất hiện một tác nhân X đã được chẩn đoán sẽ nhanh chóng phát triển kỹ thuật để ứng phó với tác nhân này”.

Nếu trong những năm đầu của thế kỷ 20, y học tìm ra những loại thuốc tác động trực tiếp vào trong vi sinh vật để tiêu diệt các vi sinh vật thì xu hướng hiện nay là tìm ra các loại thuốc để điều hòa các phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ để ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật, gọi là phương pháp điều trị trực tiếp vào ký chủ và đã có hiệu quả trong lĩnh vực ung thư.

Vắc xin là "vũ khí" quan trọng để đối phó với bệnh nhiễm trùng

Về vai trò của vắc xin, đây là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất để đối phó với bệnh nhiễm trùng. Sự phát minh ra vắc xin đã giúp nhân loại giảm, cũng như loại trừ một số bệnh nhiễm trùng quan trọng, điển hình là vắc xin COVID-19.

Tuy nhiên, một trong những thách thức của vắc xin trong đại dịch là thời gian tạo ra vắc xin. Trong quá khứ, để tạo ra vắc xin vô cùng khó khăn, xác suất ứng viên vắc xin từ phase 2 đến cấp phép lưu hành trong vòng 10 năm chỉ khoảng 10%. Thời gian trung bình của vắc xin từ phase 2 đến cấp phép là 4,4 năm.

Vắc xin SARS-CoV-2 được cấp phép trong vòng 18 tháng kể từ khi bắt đầu đại dịch là một sự kiện lịch sử chưa từng có tiền lệ trong việc phát triển vắc xin, ngoại trừ vắc xin cúm. Đây là cơ hội của vắc xin mRNA.

Trong tương lai, việc nghiên cứu về vắc xin một cách tổng thể (Vaccinomics), nghiên cứu cho từng họ của các vi sinh vật, cũng như tìm ra những loại vắc xin có thể bao phủ nhiều biến thể khác nhau (PAN-VIRUS VACCINES) là một trong những hướng y học hiện nay mong muốn đạt đến để có thể đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Cần phát triển các kỹ thuật chẩn đoán để có thể chẩn đoán nhanh các bệnh nhiễm trùng. Từ những kỹ thuật cơ bản trong phòng xét ngiệm, phải tiến đến phát triển những kỹ thuật tại chỗ. Sau đó, sử dụng điện thoại thông minh kết hợp vào để có thể chẩn đoán ngay tại thực địa.

Đồng thời, khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, với những dữ liệu lớn (deep learning) cho phép phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, xây dựng chính sách và phát triển vắc xin để đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Trên thang tiến hóa hàng tỷ năm, loài người chỉ mới xuất hiện trong khoảng 2 - 4 triệu năm. Do đó, con người phải biết cách cùng tồn tại và tiến hóa với thế giới sinh vật.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh: “Bệnh nhiễm trùng tiếp tục là gánh nặng thách thức đe dọa sức khỏe loài người như đã từng xảy ra trong suốt lịch sử tiến hoá. Những tiến bộ của y học hiện đại cho phép tiếp cận nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống các tác nhân gây bệnh nhiễm trùng”.

Các biện pháp tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm tạo phản ứng bảo vệ thông qua nghiên cứu và phát triển các loại thuốc thuốc sinh học, các vắc xin thế hệ mới sẽ là giải pháp cơ bản để “sống chung” với thế giới vi sinh vật.

Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín, nhận được sự quan tâm và mong chờ của tất cả các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước.

Năm 2024, hội nghị mang đến chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong Thực hành Lâm sàng", mong muốn mang đến kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, thành tựu đỉnh cao của các chuyên khoa.

Hội nghị đón nhận gần 200 y bác sĩ tham dự trực tiếp và hơn 800 y bác sĩ theo dõi trực tuyến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X