Gia tăng tỷ lệ người trẻ “xương khớp lão hóa sớm”, vì sao?
BS.CK2 Trần Khánh phương - Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh 2 cho biết, do việc tiếp nhận thông tin phát triển và tính chất công việc, bệnh lý cơ xương khớp ở người trẻ được phát hiện nhiều hơn. Tuy nhiên vấn đề cơ xương khớp lành tính hay bệnh lý nghiêm trọng còn phụ thuộc vào dấu hiệu, bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
1. Tiếp cận thông tin sớm, đặc thù công việc thời đại mới làm trẻ hóa bệnh cơ xương khớp
Thưa BS, trong quá trình thăm khám, BS có nhận thấy số lượng người trẻ mắc bệnh xương khớp ngày càng gia tăng? Bệnh nhân trẻ tuổi nhất mà BS từng khám là bao nhiêu tuổi ạ?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Trong cuộc sống, mỗi thời điểm sẽ có hoàn cảnh tương ứng, trước đây các bạn trẻ thanh thiếu niên đã làm việc nặng nhiều, vác lúa, gánh nước từ năm 12-13 tuổi và lúc đó chắc chắn đã có vấn đề xương khớp nhưng điều kiện tiếp cận y khoa khó. Hiện nay trong thời đại thông tin, việc tiếp cận y khoa tốt hơn, các bạn trẻ dễ dàng tìm hiểu về vấn đề xương khớp sớm hơn, do đó sẽ có cảm giác người trẻ bị bệnh nhiều hơn.
Ngoài yếu tố tiếp cận thông tin y khoa, các đặc thù về công việc trong thời đại mới dẫn đến nhiều tình huống bệnh cơ xương khớp ở người trẻ xảy ra sớm hơn.
Bác sĩ đã từng thăm khám cho khá nhiều trường hợp các em học sinh từ độ tuổi sớm của cấp 2 (lớp 6, lớp 7) có các vấn đề xương khớp do những tình huống rất đáng tiếc. Ví dụ như ngồi sai tư thế trong thời gian dài, các em còn nhỏ chưa ý thức được hoặc ba mẹ không để ý. Cho đến khi xảy ra các triệu chứng đau mỏi quá sớm, khi đó ba mẹ mới giật mình và đưa con đến thăm khám. Những trường hợp này rất đáng phải suy nghĩ về vấn đề phủ rộng truyền thông sức khỏe xương khớp cho các bạn trẻ.

2. Tuổi của xương khớp có thể đi nhanh hơn tuổi thật của con người
Vậy đâu là những bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở người trẻ hiện nay, thưa BS? Trước đây, bệnh này thường gặp ở nhóm người lớn tuổi, vì sao giờ lại có nhiều bạn trẻ mắc phải?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Vấn đề phổ biến và ít đáng lo nhất là tình trạng đau mỏi cơ, đây là hiện tượng thường gặp, ngay khi đau các bạn trẻ sẽ dùng nhiều phương pháp hoặc đến gặp bác sĩ tư vấn. Tuy nhiên nếu để tình trạng này kéo dài hơn hoặc bệnh trầm trọng có thể dẫn đến thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng (gai cột sống).
Những trường hợp rất đặc thù do tính chất công việc, ví dụ như viêm gân ở vị trí nào đó trên cơ thể, tùy thuộc vào bệnh nhân sử dụng vị trí khớp nào nhiều hơn như: tay, chân, gối… sẽ bị viêm gân.
Một vấn đề khá đặc thù ở giới văn phòng hoặc thậm chí là học sinh, sinh viên là hội chứng ống cổ tay gây chèn ép dây thần kinh giữa do thường xuyên sử dụng cổ tay nhiều. Hoặc nhóm người này có thể gặp các tường hợp như thoái hóa khớp, xảy ra ở những người vận động quá ít hoặc quá nhiều. Không chắc chắn phụ thuộc vào tuổi vì khi nhắc đến thoái hóa, nhiều người nghĩ đến nhóm người độ tuổi già, trung niên. Tuy nhiên có những trường hợp tuổi của xương khớp đi nhanh hơn tuổi thật. Ví dụ người khoảng 30-40 tuổi nhưng tuổi xương khớp có thể 50-60 tùy và cơ địa và tình trạng sử dụng xương khớp.
3. Phân biệt đau cơ xương khớp tạm thời với bệnh lý nghiêm trọng
Nhiều bạn trẻ thường xuyên bị đau lưng, đau gáy, nhức mỏi tay chân, thậm chí đau khớp khi trời lạnh dù không có chấn thương. Làm thế nào để phân biệt đó chỉ là đau tạm thời hay dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng?
BS.CK2 Trần Khánh Phương trả lời: Thông thường, khi gặp triệu chứng đau dễ khiến bệnh nhân lo lắng, tuy nhiên không phải tất cả trường hợp đều cần đến gặp bác sĩ ngay và không ai muốn gặp bác sĩ nhiều đến vậy, ví dụ dịp Tết đi chơi thì không thể gặp bác sĩ nhận tư vấn.
Thứ nhất, đau có các tính chất gợi ý: đau lành tính, ít phải lo lắng hoặc những dấu hiệu đau có tính chất cần đến gặp bác sĩ. Nếu bệnh nhân đau nhưng có dấu hiệu thuyên giảm khi nghỉ ngơi, đó là đặc điểm tốt. Hoặc khi hoạt động sẽ đau, còn khi nằm, ngủ, cơn đau hoàn toàn biến mất, đó là những vấn đề người bệnh không cần quá lo lắng, và khi đi khám bác sĩ thường sẽ được hỏi các câu hỏi này đầu tiên. Đây là vấn đề do ngoại lực tác động vào, chỉ cần cắt đúng ngoại lực sẽ khỏi bệnh.
Thứ hai, khi đau, có một bài test rất đơn giản có thể làm tại nhà như nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc chườm lạnh vùng sưng đau tạm thời, hoặc dùng thuốc đơn giản như paracetamol để giải quyết cơn đau. Nếu những hoạt động nhỏ làm cơn đau giảm đi hoặc biến mất thì đó là bệnh lành tính, có thể có thời gian để chờ theo dõi và quan sát.
Ngược lại có những cơn đau phải lưu ý và đến khám bác sĩ chuyên khoa. Ví dụ đau kèm theo mất chức năng của một bộ phận trên cơ thể; đau kèm theo tê yếu hoặc mất sức một cánh tay, chân, khi nằm xuống nghỉ thì hết đau, vấn đề này sẽ cần theo dõi thêm. Tuy nhiên khi đau lưng kèm yếu một chân, 10 phần/1 chân chỉ cảm giác được 8 phần, đây là triệu chứng rất quan trọng cần khám ngay.
Một trường hợp khác là đau lưng nhưng mất chức năng tiêu tiểu, một vấn đề khá lạ nhưng có liên quan, là biểu hiện của chèn ép thần kinh, gây đau và mất chức năng của một bộ phận trên cơ thể, đó là những vấn đề cần lưu ý.
Ngoài ra, nếu tình trạng đau không phải thoáng qua rồi hết mà kéo dài, theo mốc mạn tính là trên 6 tuần, đau nghỉ ngơi không hết, dùng các biện pháp uống thuốc, massage… không có tác dụng mà kéo dài cần đi thăm khám bác sĩ. Hoặc đau kèm theo triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân, mệt mỏi toàn thân, ho, tiêu chảy kéo dài cần đi khám bác sĩ để kiểm tra tổng quát toàn thân xem liệu có vấn đề ảnh hưởng tới xương.
Tóm lại, có rất nhiều vấn đề và khá phức tạp về cơ xương khớp. Nếu giải quyết được nhanh, đơn giản, tự xử lý được thì bệnh nhân sẽ có thời gian để theo dõi. Nhưng nếu hoang mang, lo lắng, không biết đúng hay sai thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
>>> Chọn lựa ghế khi ngồi lâu, chơi thể thao đa dạng để bảo vệ xương khớp từ khi còn trẻ
>>> Điểm danh các thói quen xấu ảnh hướng đến xương khớp người trẻ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình