Hotline 24/7
08983-08983

Bản đồ cấp cứu đột quỵ: làm sao để biến những chấm đen trên giấy thành mạng lưới sống động?

Phiên “Cấp cứu đột quỵ trước bệnh viện: hiện thực và tương lai” của Hội thảo đột quỵ quốc tế 2023 tại Hà Nội đưa ra hiện trạng, thách thức và giải pháp cấp cứu trước viện của đột quỵ não tại Việt Nam.

Phiên “Cấp cứu đột quỵ trước bệnh viện: hiện thực và tương lai” chỉ gồm 2 bài báo cáo nhưng đã đưa ra rất nhiều vấn đề của cấp cứu đột quỵ trước viện tại Việt Nam hiện nay và các giải pháp tháo gỡ, những việc cần làm. (Xem video phiên báo cáo TẠI ĐÂY)

Chủ tọa phiên  “Cấp cứu đột quỵ trước bệnh viện: hiện thực và tương lai”: PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai và GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam

Xử trí đột quỵ trước bệnh viện bao gồm:

- ABC: đảm bảo đường thở, hỗ trợ hô hấp, kiểm soát huyết áp phù hợp

- Test đường huyết

- Vận chuyển nhanh chóng

- Thông báo cho các trung tâm đột quỵ trước khi đến

- Tiêu sợi huyết trước bệnh viện (Việt Nam chưa có)

- Đơn vị đột quỵ lưu động (Việt Nam chưa có)

Để cấp cứu đột quỵ trước viện đạt hiệu quả, đòi hỏi: cộng đồng nhận biết sớm; gọi cấp cứu 115 sớm; khám, đánh giá, nhận biết, xử trí nhanh chóng; chuyển đến bệnh viện phù hợp. Thế nhưng TS.BS Nguyễn Thành, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết có đến 30% trường hợp gọi cấp cứu sau khi đột quỵ xảy ra sau 3 tiếng đồng hồ (3 giờ).

TS.BS BS Nguyễn Thành, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội 

Ở bài báo cáo “Hiện trạng và phương hướng cấp cứu trước viện ở Việt Nam”, TS.BS Nguyễn Thành cho biết: nhân viên cấp cứu ngoại viện nên làm quen với bảng đánh giá đột quỵ đơn giản trước bệnh viện để xác định tình trạng bệnh nhân, nhưng chúng ta vẫn chưa có khuyến cáo bảng điểm cụ thể nào.

Vấn đề tiêu sợi huyết trước bệnh viện cũng còn nhiều thách thức: nhiều nước chưa làm được, không phân biệt được nhồi máu não và xuất huyết não ngoài bệnh viện, thiếu hướng dẫn lâm sàng, thiếu khung pháp lý, kinh phí/ cơ chế mua thuốc, chi phí thuốc tiêu sợi huyết mua bên ngoài rất cao sẽ do bên nào chi trả, thuốc phải bảo quản từ 2-8 độ C…

Việc đáp ứng của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội với đột quỵ cũng còn nhiều khó khăn khác: mạng lưới cấp cứu mỏng, chưa có bản đồ mạng lưới đột quỵ và cơ chế liên lạc, thời gian di chuyển phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan (tắc đường), chi phí/ cơ chế thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện…

Đơn vị đột quỵ lưu động MSU/STEMO
Bên trong xe cấp cứu đột quỵ lưu động MSU/STEMO

Trên thế giới đã có nhiều nước (Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan…) triển khai đơn vị đột quỵ lưu động MSU/STEMO, bản chất là một xe cứu thương có trang bị máy chụp CT trên xe, cùng với đó là một đội gồm: bác sĩ đột quỵ, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng, lái xe.

Tuy nhiên, chiếc xe này có giá khoảng 2 triệu USD và phí duy trì hàng năm 300.000-600.000 USD/năm. Ngoài ra, vì có máy CT trên xe nên chỉ vận hành được ở những vùng có địa hình bằng phẳng. Đây cũng là nghịch lý vì vùng sâu vùng xa, ít có trung tâm đột quỵ mới là nơi cần hơn thì xe lại không đến được do đường sá khó đi.

Để đẩy mạnh đáp ứng của cấp cứu ngoại viện đối với đột quỵ trong tương lai, TS Thành nhấn mạnh trước hết là phải hoành thành mạng lưới cấp cứu đột quỵ, bản đồ các bệnh viện/trung tâm đột quỵ phải là bản đồ “sống” chứ không chỉ là những cái chấm trên giấy. Các điểm trên bản đồ phải liên hệ được với nhau, phải có số liệu cập nhật, thông báo cho nhau kịp thời từ ngoại viện đến nội viện. Phải có một người điều phối được các điểm trong bản đồ này.

TS.BS Đào Việt Phương - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai 

Tiếp theo, bài báo cáo của TS.BS Đào Việt Phương - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai gồm: Vai trò của cấp cứu đột quỵ sớm; Hệ thống cấp cứu trước viện là làm gì?; Các mô hình cấp cứu trước viện trong đột quỵ cấp, Thực trạng và giải pháp cấp cứu trước viện tại Việt Nam.

Trong đó, TS Phương so sánh 3 mô hình cấp cứu trước viện Drip & ship, Mothership, MSU (Ship & drip) ở các nước, đối chiếu với thực tế tại Việt Nam. Hiện tại việc liên hệ trước bệnh viện của chúng ta đang khó khăn.

3 mô hình cấp cứu đột quỵ trước viện được áp dụng trên thế giới

Trong khi các bác sĩ tranh thủ từng chút, từ khi bệnh nhân vào viện đến khi tiêu huyết khối quy trình chuẩn là 60 phút, thậm chí có những đơn vị đã rút xuống 40-30 phút thì việc vận chuyển trước viện lãng phí tận hơn 300 phút. Hiện nay, trung bình một bệnh nhân khởi phát đột quỵ đến khi tới được bệnh viện mất khoảng 310 phút.

TS.BS Đào Việt Phương vẫn không quên cách đây 2 năm, có bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não đã tiêm tiêu sợi huyết ở Bệnh viện Thanh Nhàn rồi nhưng vì có tắc mạch lớn nên liên hệ chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Không may lúc đó là 5 giờ chiều 8/3, xe cấp cứu đã mất tận 1 tiếng rưỡi để đi 3km vì tắc đường.

10 trạm cấp cứu đột quỵ tại Hà Nội (năm 2023)

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam - Chủ nhiệm bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: “Ở nước ta triển khai chiếc xe MSU/STEMO không phải là một phương án khả thi, có tiền mua 2 triệu USD và tiền vận hành 600.000 USD lại càng không khả thi.

Mạng lưới đột quỵ cũng là ước ao của chúng tôi. Mạng lưới này phải có trung tâm điều phối, ấn nút là biết chỗ nào nhận bệnh được, có bao nhiêu giường trống, chỗ nào gần nhất để chuyển bệnh nhân đến. Ai cũng biết thời gian là não nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được.

Bây giờ chính phủ kêu gọi số hóa, hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành cùng các nhà quản lý, đơn vị kỹ thuật (IT) để sớm có trung tâm điều phối cấp cứu trước viện”.

GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam - Chủ nhiệm bộ môn Y học cấp cứu ngoại viện, ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội 

GS Bình đưa ra những việc có thể làm trước mắt, làm tốt hơn trước để khắc phục khó khăn hiện nay:

Đầu tiên là tích hợp cấp cứu đột quỵ não trong cấp cứu trước viện nói chung. Không chỉ não mà tim, chấn thương khác đều cần cấp cứu sớm.

Thứ hai là thành lập các trung tâm điều phối. Đây chính là “bộ não”, là “xương sống” của cấp cứu trước viện. Các nước khác đều làm được rồi, chúng ta làm sau sẽ thừa hưởng những kinh nghiệm, phần mềm có sẵn.

Thứ ba đó là kết nối chuyển viện, hãy cung cấp cho đồng nghiệp của mình những thông tin đầy đủ nhất có thể. Hiện nay vẫn còn những giấy chuyển viện viết tay vài dòng nguệch ngoạc, rất khó hiểu.

Thứ tư là đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về đột quỵ để toàn dân hiểu về bệnh này. Người dân phải hiểu được tầm quan trọng của tầm soát đột quỵ ở người có nguy cơ, và khi đột quỵ xảy ra thì phải đi bệnh viện sớm, đừng cố tự chữa ở nhà đến khi bệnh nhân hôn mê mới gọi xe cấp cứu”.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Chi - Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, một trong hai vị chủ tọa cũng hi vọng đến 1/1/2024 khi luật khám chữa bệnh mới được công bố sẽ tháo gỡ khó khăn cho cấp cứu trước viện.

Mời xem thêm các bản tin của kênh AloBacsi về Hội nghị Đột quỵ 2023:

Hội nghị đột quỵ quốc tế 2023 tiếp cận đa chuyên khoa, quy tụ dàn chuyên gia hùng hậu

Hội nghị Đột quỵ quốc tế 2023: Lần đầu tiên có hội nghị dành riêng cho điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành đột quỵ

- Phục hồi chức năng vận động, đánh giá rối loạn nuốt trên bệnh nhân đột quỵ: Đâu là thời điểm “vàng”?

- Dự phòng biến chứng, suy giảm nhận thức cho bệnh nhân sau đột quỵ

- Đột quỵ chảy máu não: Cập nhật điều trị 2023

- Can thiệp nội mạch trong đột quỵ: Năm 2023 có gì mới?

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X