Hotline 24/7
08983-08983

Dự phòng biến chứng, suy giảm nhận thức cho bệnh nhân sau đột quỵ

Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023 - Tiếp cận đa chuyên khoa do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược - Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức, diễn ra trong 2 ngày (27/10 và 28/10/2023) với hai hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và trực tuyến qua zoom.

Trong đó, hội nghị dành cho điều dưỡng, kỹ thuật viên được tổ chức vào chiều ngày 27/10 gồm 2 phiên Hội thảo điều dưỡng và Hội thảo phục hồi chức năng sau đột quỵ, với 6 bài báo cáo, thu hút 800 người tham gia trên cả hai hình thức.

Vào ngày 28/10/2023, sau phiên toàn thể Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023 chia thành 2 phiên song song. Trong đó, phiên song song thứ hai đề cập đến các vấn đề “Dự phòng biến chứng, suy giảm nhận thức sau đột quỵ”.

Hơn 1/3 bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ sau cơn đột quỵ tái phát

ThS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 đã mang đến bài báo cáo “Suy giảm nhận thức sau đột quỵ: Tiêu chuẩn và các test chẩn đoán”.

ThS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cho biết, tại Hong Kong (Trung Quốc) có khoảng 17,6% người bệnh có suy giảm nhận thức sau đột quỵ (ghi nhận ở thời điểm sau 3 tháng); Singapore có 37,32% những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ (thời điểm ghi nhận sau 6 tháng); tại Mỹ (theo thống kê nhiều tiểu bang) ghi nhận tỷ lệ sa sút trí tuệ sau đột quỵ khoảng 30% (ghi nhận ở tháng thứ 3).

PSCI phổ biến nhất trong năm đầu tiên sau đột quỵ, xảy ra ở 60% những người sống sót sau đột quỵ. Khoảng 44% cá nhân bị suy giảm nhận thức toàn bộ từ 2 - 6 tháng sau đột quỵ.

ThS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175

Tỷ lệ mắc bệnh suy giảm nhận thức sau đột quỵ thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và tiền sử tái phát đột quỵ. Ghi nhận khoảng 10% bệnh nhân bị sa sút trí tuệ trước cơn đột quỵ đầu tiên; 10% phát triển bệnh sa sút trí tuệ mới ngay sau cơn đột quỵ đầu tiên; hơn 1/3 mắc chứng mất trí nhớ sau cơn đột quỵ tái phát.

Ngoài ra, suy giảm nhận thức trước đột quỵ hoặc suy giảm nhận thức sau đột quỵ và sa sút trí tuệ có thể xuất hiện ở những bệnh nhân bị xuất huyết nội sọ và cao hơn ở bệnh nhân xuất huyết não thùy.

Trong xuất huyết dưới nhện, suy giảm ít nhất 1 lĩnh vực nhận thức khá phổ biến. Tỷ lệ suy giảm nhận thức toàn bộ sau SAH khoảng 26 - 43% sau 3 tháng và 21% sau 12 tháng.

Theo ThS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa có 5 mô hình thời gian của PSD dựa trên quan sát lâm sàng có thể thay đổi: Khi bắt đầu đột quỵ và ổn định; khi bắt đầu đột quỵ và tiến triển; tiến triển sau đột quỵ tái phát; tiến triển khi bắt đầu đột quỵ với sự hiện diện của suy giảm nhận thức từ trước; tiến triển từ 3 - 6 tháng sau đột quỵ.

Chức năng nhận thức sau đột quỵ có thể bị ảnh hưởng bởi các biến chứng đột quỵ khác (như hạ natri máu, mê sảng, trầm cảm) cũng như do suy giám nhận thức trước đột quỵ và các bệnh lý thần kinh liên quan đến tuổi tác cùng tồn tại.

Để loại trừ các nguyên nhân đôi khi phải thực một số xét nghiệm căn bản và đánh giá những vấn đề liên quan đến rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ hoặc suy giảm thính lực, thị lực và trầm cảm sau đột quỵ.

Để chẩn đoán phân biệt sẽ đặt ra suy giảm nhận thức trước đột quỵ. Nguyên nhân bao gồm các rối loạn nhận thức mạch máu như bệnh mạch máu não nhỏ tiềm ẩn liên quan đến các yếu tố nguy cơ đột quỵ và các bệnh thoái hóa thần kinh liên quan đến tuổi tác như Alzheimer. Hoặc sa sút trí tuệ hỗn hợp, thường là sự kết hợp giữa bệnh mạch máu và các bệnh lý thoái hóa thần kinh không hồi phục, đặc biệt là Alzheimer.

Các yếu tố nguy cơ suy giảm nhận thức có thể do trước đó có đột quỵ nhẹ gây ra chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi. Các yếu tố dễ bị tổn thương như: tuổi tác, bệnh mạch máu não và thoái hóa thần kinh trước đó. Những người có trình độ học vấn cao hơn và trí thông minh trước khi mắc bệnh có thể bệnh sẽ nhẹ hơn. Hoặc trầm cảm sau đột quỵ đi kèm cũng là một yếu tố quan trọng liên quan đến suy giảm nhận thức sau. Hai chứng rối loạn này thường tồn tại cùng nhau và có thể thông qua các cơ chế chung.

Một vấn đề nữa là mối liên quan đến các kết cục sau đột quỵ khác. Suy giảm nhận thức sau đột quỵ có thể liên quan đến các kết quả bất lợi như: rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, thay đổi tính cách hành vi hoặc thay đổi về tâm lý thần kinh.

Hoặc một số yếu tố nguy cơ khác như: tuổi, mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, tiền sử đột quỵ, nhiều bệnh đi kèm,…

Các vấn đề này đều có mối liên quan, tương quan với nhau từ đó gây giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh sau đột quỵ và đặc biệt là người bệnh suy giảm nhận thức sau đột quỵ.

Về test sàng lọc và chẩn đoán, ThS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa chia sẻ: “Hiện tại, không có tiêu chuẩn vàng cho test sàng lọc nhận thức sau đột quỵ. Có rất nhiều bài kiểm tra được sử dụng trong các nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, ưu tiên những bài kiểm tra sàng lọc nhận thức ngắn gọn (dưới 30 phút).

Trong đó, bài kiểm tra Trạng thái Tâm thần Tối thiểu và Đánh giá Nhận thức Montreal là những bài kiểm tra nhân thức được nghiên cứu rộng rãi nhất. Bên cạnh đó, MoCA thường được khuyến nghị đặc biệt trong các giai đoạn bán cấp sau đột quỵ vì nhạy hơn với suy giảm nhận thức nhẹ”.

Vì vậy, việc lựa chọn công cụ sàng lọc tốt nhất còn căn cứ vào nhiều yếu tố như: đặc điểm nhân khẩu học (tuổi, giới tính, trình độ học vấn), văn hóa và ngôn ngữ, hoàn cảnh thực hiện (thời gian, đầu giường/phòng khám/chăm sóc sức khỏe từ xa), sự hiện diện của các khuyết tật khác liên quan đến đột quỵ.

Rất đông người tham dự Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023 - Tiếp cận đa chuyên khoa do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Trường Đại học Y Dược - Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức

Hầu hết các công cụ sàng lọc chưa thể xác định biểu hiện không đồng nhất của tình trạng thiếu hụt nhận thức sau đột quỵ và có thể bỏ sót những thay đổi nhận thức tinh tế (nhưng có tác động) sau đột quỵ.

Những suy giảm như thờ ơ, mất ngôn ngữ, các yếu tố nhân khẩu học như giáo dục, ngôn ngữ hoặc văn hóa, có thể khiến các công cụ sàng lọc nhận thức trở nên không đầy đủ. Vì vậy, việc đánh giá tâm lý thần kinh toàn diện nên được điều chỉnh phù hợp và sử dụng các dữ liệu quy chuẩn.

Việc phát hiện sớm tình trạng suy giảm nhận thức ở các đơn vị đột quỵ cấp rất quan trọng. Tuy nhiên, còn có những nhược điểm tiềm ẩn bao gồm: chi phí và khả năng dán nhãn sai (người bệnh bị suy giảm nhận thức trên cơ sở điểm kiểm tra thấp nhưng đôi khi vẫn có những yếu tố gây nhiễu như thiên vị văn hóa, thành kiến giáo dục).

Nếu chẩn đoán dương tính giả có thể gây tổn hại ảnh hưởng và tâm lý hoặc làm giảm khả năng tự chủ của người bệnh.

Do đó, việc sàng lọc phải rất cẩn trọng và các hệ thống chăm sóc đột quỵ cần được cung cấp nguồn lực để sẵn sàng cho việc sàng lọc và đánh giá nhận thức cho bệnh nhân ở các mức độ khác nhau.

Đối với suy giảm nhận thức sau đột quỵ là một quản lý liên ngành, bao gồm nhiều thành phần (BS lão khoa, thần kinh, BS chăm sóc ban đầu và đặc biệt là vai trò của các KTV về ngô ngữ trị liệu).

Tại Việt Nam chưa có BS tâm lý học thần kinh và điều dưỡng. Do vậy, việc quản lý những bệnh nhân suy giảm nhận thức sau đột quỵ là một hợp tác liên ngành ngoài giai đoạn cấp và bán cấp sau đột quỵ để theo dõi và quản lý tối ưu các khiếm khuyết về nhận thức.

Sa sút trí tuệ sau đột quỵ chiếm 25%, đứng sau nhóm bệnh lý Alzheimer

Chương trình được tiếp nối với phần trình bày “Dự phòng và điều trị sa sút trí tuệ sau đột quỵ” của TS Trần Công Thắng - Giảng viên bộ môn Thần kinh Đại học Y Dược TPHCM.

Nghiên cứu cho thấy, sa sút trí tuệ sau đột quỵ (sa sút trí tuệ mạch máu) chiếm 25%, đứng sau nhóm bệnh lý Alzheimer (55%) và có khoảng 30 - 60% bệnh nhân suy giảm nhận thức sau đột quỵ.

Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thoái hóa, ảnh hưởng bởi tình trạng của bệnh lý mạch máu não nên sẽ tăng dần. Sau 2 năm, tỷ lệ sa sút trí tuệ sau đột quỵ có thể tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Một vấn đề khác là khi đột quỵ xảy ra, nguy cơ tử vong do nhóm đột quỵ khoảng 1.4, nhưng nếu có thêm sa sút trí tuệ, nguy cơ là 2.3. Như vậy, sa sút trí tuệ thúc đẩy tử vong ở người bệnh đột quỵ.

Khác với người giảm trí nhớ thông thường, người sau đột quỵ có thể bị mất ngôn ngữ. Chính vì vậy, làm test để phát hiện người bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ gặp nhiều khó khăn.

TS Trần Công Thắng nhấn mạnh: “Không phải bệnh nhân đột quỵ bị suy giảm nhận thức nào cũng chẩn đoán là sa sút trí tuệ sau đột quỵ mà phải xem các sang thương mạch máu có thể gây ra sa sút trí tuệ sau đột quỵ như: nhồi máu não lớn hoặc nhồi máu não nhiều lỗ nhỏ, ổ khuyết,…

Để phòng ngừa sa sút trí tuệ sau đột quỵ, phải tìm hiểu nguyên nhân gia tăng bởi yếu tố nào. Nếu một người có sút trí tuệ trước đột quỵ hoặc đột quỵ tái phát sẽ gia tăng tỷ lệ sa sút trí tuệ sau đột quỵ.

Vì vậy phải điều trị ngay từ khi não bắt đầu bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ bằng cách phòng ngừa và loại bỏ các yếu tố nguy cơ đó”.

TS Trần Công Thắng - Giảng viên bộ môn Thần kinh Đại học Y Dược TPHCM

Theo hướng dẫn vào năm 2011 của ASA, đối với những người chưa bị đột quỵ và chưa bị suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ cần quan tâm bao gồm: Thứ nhất là khuyến cáo người bệnh bỏ thuốc lá; thứ hai là thay đổi lối sống và thứ ba là kiểm soát huyết áp tốt.

Nếu đột quỵ đã xảy ra, tình trạng nhồi máu não đa ổ hoặc đột quỵ tái phát là nguyên nhân chính. Do đó, để khả năng sa sút trí tuệ sau đột quỵ thấp hơn phải ngừa đột quỵ thứ phát (tái phát).

Năm 2018, Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam (VnADA) đã đưa ra hướng dẫn, bên cạnh những nhóm thuốc điều trị làm tăng hoạt động của acetylcholine thông qua kháng men acetylcholinesterase (Donepezil), những nhóm thuốc dinh dưỡng thần kinh như Cerebrolysin cũng có những nghiên cứu tốt với mức độ bằng chứng 1 và 2, hạng khuyến cáo B. Có thể sử dụng kết hợp điều trị sau đột quỵ để phòng ngừa, cũng như điều trị sa sút trí tuệ sau đột quỵ

Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị khác cũng hỗ trợ cho việc hoạt động của não bộ. Người bệnh chỉ cần vận động, suy nghĩ, tham gia vào các hoạt động cuộc sống là các vùng não đã được hoạt động và được cứu.

Một liệu pháp mới gần đây được đề cập đến là kích thích từ trường xuyên sọ. Hiện nay, đang được áp dụng trên tập luyện phục hồi chức năng sau đột quỵ và cải thiện chức năng nhận thức sau đột quỵ, đặc biệt là cải thiện trầm cảm, một yếu tố rất quan trọng.

“Đây là phương pháp điều trị hứa hẹn trong thời gian sắp tới. Tại Việt Nam đã có nhiều trung tâm trang bị máy phương tiện này” - TS Trần Công Thắng nhận định.

Khi đột quỵ xảy ra, nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh (acetylcholine) bị suy giảm. Đây là chất trung gian kích thích từ tế bào thần kinh này qua tế bào thần khác. Khi tế bào thần kinh thiếu kích thích, thiếu năng lượng về điện sẽ tự chết đi.

Do đó, sau khi đột quỵ xảy ra trong vòng khoảng 30 giây, 50% acetylcholine sẽ giảm; nếu đột quỵ vùng thiếu máu khoảng 10 phút thì đến 83% lượng acetylcholine bị suy giảm.

Động kinh tái phát sau đột quỵ nên được điều trị như bệnh động kinh

PGS.TS Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược Huế đã trình bày bài báo cáo cuối phiên sáng với chủ đề “Kiểm soát và dự phòng động kinh sau đột quỵ”.

Nghiên cứu cho thấy, co giật hay động kinh sau đột quỵ là một biến chứng rất thường gặp ở bệnh nhân sống sót sau đột quỵ, với tỷ lệ 11% trên tổng số ca động kinh ở người lớn.

Ở người trên 65 tuổi, PSS chiếm 30 - 49% tất cả các cơn co giật mới khởi phát. Đây là con số đáng kể, đặc biệt là ở bệnh nhân sau đột quỵ. Bản thân đột quỵ đã gây ra tàn phế và chính cơn co giật, động kinh sau đột quỵ làm tăng tỷ lệ tử vong nhiều hơn.

Theo định nghĩa có 2 nhóm: Nhóm động kinh sớm, cơn khởi phát trong vòng 1 tuần, phản ánh những tổn thương cấp tính và có thể hồi phục được. Trong khi các cơn động kinh muộn, phát sinh từ các tổn thương kéo dài mãn tính và là di chứng của các tổn thương não.

Bệnh động kinh sau đột quỵ là động kinh không có yếu tố khởi phát xảy ra hơn 1 tuần sau đột quỵ (đỉnh điểm trong khoảng 6 - 12 tháng)

Một nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ khởi phát cơn theo dõi trong 10 năm là 33% đối với những cơn xảy ra trong vòng 1 tuần sau đột quỵ và 71,5% ở những bệnh nhân có cơn xảy ra từ tuần thứ hai trở đi.

PGS.TS Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Ở bệnh nhân bị nhồi máu, xuất huyết hay dị dạng xuất huyết não, tổn thương ban đầu là do ngộ độc thần kinh, hiện tượng thiếu máu não, dẫn đến những cơn co giật sớm.

Đối với bệnh nhân bị động kinh, co giật muộn có khá nhiều cơ chế để dẫn đến động kinh muộn là các tình trạng viêm mãn tính, thoái hóa thần kinh, chết tế bào theo chương trình,…

Các yếu tố thúc đẩy tái phát cơn ở bệnh nhân động kinh sau đột quỵ có liên quan đến bệnh nhân trước đây có cơn co giật hoặc bệnh nhân có cơn co giật sớm”.

PGS.TS Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược Huế

Nghiên cứu cho thấy, ở bệnh nhân tổn thương tuần hoàn trước hoàn toàn hoặc tuần hoàn trước một phần, tỷ lệ gặp động kinh sau đột quỵ cao hơn nhiều so với nhồi máu não ổ khuyết và tổn thương tuần hoàn sau.

Nghiên cứu mới nhất (2021), giữa nhóm điều trị sớm và điều trị trì hoãn thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Cùng với đó, nhóm tái phát nếu điều trị ngay hoặc trì hoãn không điều trị thì khác biệt rất có ý nghĩa thống kê.

Động kinh tái phát sau đột quỵ nên được điều trị như bệnh động kinh và điều trị theo phác đồ của bệnh động kinh. Các thuốc chống động kinh thế hệ mới và điều trị theo cơ chế sinh bệnh là các thuốc chọn lựa, vừa điều trị dự phòng cơn động kinh sau đột quỵ, vừa hỗ trợ quá trình ưu Việt hóa của các thuốc điều trị trong dự phòng đột quỵ tái phát.

>>> Hội nghị Đột quỵ quốc tế 2023: Lần đầu tiên có hội nghị dành riêng cho điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành đột quỵ

>>> Hội nghị đột quỵ quốc tế 2023 tiếp cận đa chuyên khoa, quy tụ dàn chuyên gia hùng hậu

Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023 là nơi quy tụ các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong nước và quốc tế đến từ Áo, Canada, Úc, Nhật Bản, Nga, Malaysia, cùng với gần 2000 hội thảo viên từ khắp mọi miền đất nước, và khoảng 500 hội thảo viên tham dự online.

Nội dung hội nghị gồm các báo cáo cập nhật mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có một phiên Hội nghị chuyên ngành Đột quỵ cho riêng điều dưỡng, kỹ thuật viên.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X