Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Trần Chí Cường tư vấn cách phòng ngừa đột quỵ trong dịch bệnh COVID-19

Trong chương trình tư vấn ngày 20/4, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về cách nhận biết cũng như hướng xử trí khi xảy ra đột quỵ trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc đón xem.

1. TS.BS Trần Chí Cường là một trong những BS tham gia rất nhiều chương trình truyền thông về bệnh đột quỵ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thầm lặng nhưng rất nguy hiểm này. Nhờ những buổi truyền thông liên tục như vậy, nhiều người trong chúng ta đã “thuộc bài” rằng đột quỵ có hai kiểu là đột quỵ nhồi máu não (80% trường hợp) và xuất huyết não (20% trường hợp).

Xin BS cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra đến nay, tình hình bệnh đột quỵ diễn ra như thế nào (đột quỵ kiểu nào, mức độ ra sao)? Tổng số bệnh nhân đột quỵ có thay đổi so với 3 tháng đầu của những năm trước không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Trong mùa dịch COVID-19, xã hội căng thẳng, lo lắng. Chỉ riêng việc cập nhật mỗi ngày các con số tử vong do COVID-19 thế giới mỗi ngày cũng làm cho vấn đề bệnh tật, căng thẳng xã hội gia tăng.

Vấn đề đáng ngại nhất trong thời gian vừa qua theo ghi nhận tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cũng như tại các Trung tâm cấp cứu đột quỵ nói chung đó là số lượng bệnh nhân đột quỵ có sự gia tăng đáng kể.

Đặc biệt, số lượng bệnh nhân xuất huyết não tăng nhiều hơn. Mặc dù trên thực tế nhồi máu não chiếm đến 80% nhưng trong dịch bệnh COVID-19, nhất là khoảng tháng 3 và 2 tuần đầu tháng 4 số lượng bệnh nhân xuất huyết não tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Một điểm ghi nhận khác là thân nhân bác sĩ hoặc chính bác sĩ đột quỵ khá nhiều. Hiện vẫn chưa biết có sự liên quan hay không, nhưng có thể là áp lực, căng thẳng, công việc nhiều hơn và nhiều lý do tác động khác. Riêng với bệnh nhân, do dịch bệnh COVID-19 phức tạp khiến họ lo lắng, không dám đi khám, dẫn đến bệnh đột quỵ gia tăng.

Trong năm 2019, số lượng bệnh nhân cấp cứu đột quỵ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ khoảng 800 trường hợp. Tuy nhiên, theo thống kê từ tháng 1 đến cuối tháng 3/2020 vừa qua có đến 400 trường hợp bệnh nhân đột quỵ. Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 đã chiếm 50% con số so với năm 2019. Điều nay cho thấy có sự gia tăng rất đáng kể.

Thậm chí, trong tuần vừa rồi có những thời điểm trong vòng 24 giờ đồng hồ chúng tôi tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân đột quỵ. Số lượng bệnh nhân xuất huyết não và bệnh nhân đến trễ giờ vàng sau 6 giờ chiếm đa số các trường hợp.

Tiến sĩ vừa nhắc đến giờ vàng. Vậy xin hỏi giờ vàng trong đột quỵ là gì, mang ý nghĩa như thế nào ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Giờ vàng được định nghĩa là thời điểm tốt nhất để cứu bệnh nhân đạt được hiệu quả cao nhất. Giờ vàng được quy định là 4,5 giờ đối với bệnh nhân đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu nhỏ. Nếu bệnh nhân đến trong khung giờ này và được chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu nhỏ thì ngay tức khắc sẽ được tiêm thuốc tiêu sợi huyết (hay còn gọi là rTPA). Lưu ý, đây là thời gian tốt nhất nhưng phải đến càng sớm càng tốt chứ không phải đợi đúng bong 4,5 tiếng mới tiêm.

Mốc giờ vàng thứ 2 cũng dành cho đột quỵ nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu lớn, thời gian để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cứu sống bệnh nhân tốt nhất là trong vòng 6 giờ đầu. Ngoài mốc thời gian 6 giờ thì tổn thương não ngày càng nặng, sẽ mất dần cơ hội cứu bệnh nhân. Một số trường hợp may mắn có thể cứu sống sau 6 giờ, tuy nhiên tốt nhất vẫn là đến càng sớm càng tốt và trước 6 giờ.

cách phòng ngừa đột quỵ trong dịch bệnh COVID-19

2. Trong mùa dịch bệnh COVID-19, ngại đi khám bệnh là tâm lý chung của nhiều người. Riêng đối với bệnh đột quỵ, việc người dân chần chừ đi khám bệnh hoặc tái khám những bệnh lý mạn tính như: cao huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… điều này có thể đưa đến những nguy cơ gì, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường: Về góc độ ngành Y, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những chỉ thị của Chính phủ trong việc cách ly, giãn cách xã hội cũng như trong việc hạn chế tiếp xúc, tụ tập nơi đông người, tránh ra ngoài khi không có việc cần thiết.

Tuy nhiên, riêng với đột quỵ hoặc bệnh nhân có yếu tố nguy cơ của đột quỵ hoặc mang sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, đang điều trị trong phác đồ theo dõi đặc biệt cần phải dùng thuốc theo liệu trình nghiêm ngặt thì vẫn nên đi tái khám định kỳ. Vì kể cả trong ngành Y tế hay quy định của Nhà nước cũng không hạn chế ra ngoài trong những trường hợp khẩn cấp.

Đặc biệt, nếu có những dấu hiệu sớm của đột quỵ thì phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất hoặc đến các Trung tâm cấp cứu đột quỵ, như ở miền Tây thì có Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Không chần chừ vì với đột quỵ chỉ trong thời gian ngắn bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê sâu, thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể ngưng tim, suy hô hấp, tử vong. Lúc đó, thời gian vàng không phải 4 giờ hay 6 giờ mà vỏn vẹn chỉ có 4 phút. Điều này có nghĩa là, bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng hô hấp mà không được xoa bóp tim, không được cấp cứu kịp thời thì chỉ trong vòng 4 phút não đã tổn thương hoàn toàn.

Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng tăng cường công tác truyền thông trên tivi, radio, báo đài… để thông tin về bệnh đột quỵ tiếp cận được với người dân. Nhưng trên thực tế, vẫn có bệnh nhân đến trễ và số lượng bệnh nhân đột quỵ vẫn gia tăng. Có nhiều trường hợp rất đau lòng, bệnh nhân bị tăng huyết áp không điều trị, theo dõi sát sao, sau đó tự ngưng thuốc huyết áp, dẫn đến huyết áp tăng đột biến rồi xuất huyết não, cuối cùng là tử vong.

Chúng ta phải hiểu rõ về giãn cách xã hội nghĩa là không tiệc tùng bên ngoài, không mua sắm, shopping nhưng phải quan tâm đến sức khỏe của mình. Đặc biệt, những ai có dấu hiệu cảnh báo của đột quỵ như tê yếu tay chân, nói khó, mặt méo 1 bên… thì hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đến cơ sở y tế gần nhất.

Đột quỵ không loại trừ bất kỳ ai, bất kỳ ngành nghề nào. Nếu chúng ta có yếu tố nguy cơ, đã từng được cảnh báo có nguy cơ đột quỵ hoặc có tiền sử đột quỵ thì cần phải quan tâm, tầm soát sớm, bất kể thời gian nào, kể cả trong đêm có dấu hiệu đột quỵ cũng phải đi cấp cứu, chứ không phải chờ sáng mai, chờ qua COVID-19 thì rất muộn.

3. Việc tầm soát đột quỵ có nên dời lại, chờ mùa dịch lắng xuống không ạ? Những ai không nên chần chừ tầm soát đột quỵ? Theo BS, những người đang quá căng thẳng tinh thần vì mùa dịch COVID (chẳng hạn như doanh nhân) có nên đi tầm soát đột quỵ sớm không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Đây là vấn đề trong tương lai chúng ta cần quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt là những ai đã từng xảy ra đột quỵ, người có cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc dấu hiệu đột quỵ thoáng qua.

Tại sao những người đã từng đột quỵ lại cần tầm soát trong thời gian sớm nhất? Vì các nhà khoa học đã có nghiên cứu, những người từng bị đột quỵ thì nguy cơ tái phát sẽ nhiều hơn những người chưa từng bị đột quỵ. Nhiều người vẫn còn nhiều người lơ là với suy nghĩ chủ quan đã đột quỵ thì sẽ không bị lại lần nữa. Đây là quan niệm sai lầm.

Chúng ta cần lưu ý rằng, bệnh nhân đã từng bị đột quỵ mà bị tái phát lần 2 thì nguy cơ tàn phế và tử vong sẽ cao hơn lần đầu và tổn thương đó sẽ bằng tổn thương cũ + tổn thương mới.

Những người sau đây nên tầm soát đột quỵ sớm nhất có thể:

- Có cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng có thể nhận biết như: tự nhiên ngất xỉu, mất ý thức thoáng qua sau đó tự phục hồi trở lại; tự nhiên cảm giác tê yếu nửa người (không mang được dép, yếu tay không cầm nắm được) sau đó tự hết.

- Có cơn đau đầu dữ dội, cảm giác đau như búa bổ mà chưa bao giờ trải qua cơn đau đầu như thế.

- Xảy ra cơn động kinh, đặc biệt là người trẻ, đang làm việc không uống rượu bia mà lên cơn động kinh, co giật tay chân, ngất xỉu, thậm chí cắn môi, cắn lưỡi, sau đó tự phục hồi lại.

Đây là những trường hợp bắt buộc phải tầm soát đột quỵ để tìm nguyên nhân, nếu có bệnh tiềm ẩn như phình mạch, dị dạng mạch máu não, tắc nghẽn mạch cảnh... thì điều trị sớm, mang lại hiệu quả tốt hơn cho bệnh nhân. Vì để đến khi bệnh xảy ra rồi thì việc điều trị hiệu quả không cao, nguy cơ tử vong và tàn phế luôn luôn hiện diện.

Tại Việt Nam, hiện đã có các trung tâm cấp cứu đột quỵ có thể tầm soát căn bệnh này mà không phải ra nước ngoài. Như tại miền Tây, với công nghệ của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ hiện đã ngang tầm với thế giới, chúng ta không cần tốn vài trăm triệu để ra nước ngoài tầm soát đột quỵ nữa.

4. Tầm soát đột quỵ là làm những gì, thưa BS? Và nếu phát hiện mạch máu não có vấn đề thì phải làm sao ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ chúng tôi sử dụng máy cộng hưởng từ thế hệ mới nhất trên thế giới, 3 Tesla.

Trước đây để quan sát được hệ thống mạch máu chúng ta phải tiêm thuốc tương phản vào mạch máu rồi sau đó mới kiểm tra được bệnh nhân có dị dạng, phình mạch hay không, còn hiện tại với máy thế hệ mới 3 Tesla không cần phải tiêm thuốc cản từ, do đó nguy cơ dị ứng là bằng 0, thời gian chụp cũng được rút ngắn, chỉ khoảng 15 phút.

Ngoài ra, trong tầm soát đột quỵ còn phải làm thêm các cận lâm sàng khác như siêu âm tim, đo điện tim, siêu âm mạch cảnh, làm test gắng sức để kiểm tra xem bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nào khác không, xét nghiệm máu để kiểm tra đường huyết, mỡ máu... Từ đó sẽ đánh giá một cách tổng quát. Việc tầm soát đột quỵ đóng vai trò quan trọng, nó có thể dự phòng được trên 80%.

Có những trường hợp chúng tôi phát hiện rất may mắn và cứu bàn thua trông thấy. Điển hình như một bệnh nhân bị đau đầu, sụp mi mắt, có triệu chứng buồn nôn, ói mửa, khi đi tầm soát thì phát hiện ra túi phình khổng lồ trên mạch máu não. Trường hợp này nếu không được phát hiện kịp thời sẽ có nguy cơ vỡ bất kỳ lúc nào, rất nguy hiểm. Vì trong các trường hợp có túi phình khổng lồ nếu để vỡ thì trên 90% là tử vong, 10% còn lại cũng tàn phế nặng. Nhưng nếu được tầm soát sớm để loại trừ thì hoàn toàn có thể chữa khỏi túi phình, bệnh nhân quay trở lại cuộc sống bình thường.

Đột quỵ và COVID-19

5. Với những trường hợp có hẹp mạch máu não, dị dạng mạch máu não hay có túi phình nhưng tình trạng còn nhẹ, chưa cần can thiệp thì việc theo dõi cần lưu ý điều gì? Những bệnh nhân này nếu ở xa trung tâm đột quỵ thì họ rất lo lắng ạ.

TS.BS Trần Chí Cường: Khi tầm soát đột quỵ chia ra làm 2 nhóm nguyên nhân.

- Thứ nhất là nhóm gây ra đột quỵ nhồi máu não (hay tắc nghẽn mạch máu). Khi tầm soát phát hiện trường hợp bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu não do tắc nghẽn mạch máu lớn thì phải can thiệp sớm. Chẳng hạn như bệnh nhân bị hẹp mạch máu từ trên 90% đường kính mạch máu trên 2mm và bệnh nhân đã có triệu chứng cần phải can thiệp sớm bằng cách đặt stent, nong bong bóng, bóc nội mạc... để tái lập dòng máu. Còn mức độ hẹp mạch máu dưới 70% thì phần lớn chỉ điều trị nội khoa, không cần xâm lấn. Mạch máu não từ đường kính 2mm trở lên đã được phân nhóm vào mạch máu lớn.

- Thứ hai là nhóm có nguy cơ xuất huyết não. Đầu tiên là  dị dạng mạch máu não. Đây là dị tật xảy ra trong giai đoạn bào thai, khi đứa trer sinh ra bên trong não có những búi mạch máu dư thừa. Nếu những dị tật bẩm sinh khác như ngón tay, ngón chân thừa thì có thể thấy ngay nhưng những dị tật trong não thì chúng ta không thể thấy được.

Khi phát hiện dị dạng mạch máu não, ngoài những trường hợp quá lớn chiếm nửa bán cầu không thể chữa khỏi còn lại đa số các trường hợp hoàn toàn có thể chữa khỏi được. Khuynh hướng của y học ngày nay là sẽ tìm cách điều trị dị dạng bằng các phương pháp như: mổ bóc (nếu dị dạng dưới 3cm ở vùng vị trí nông thì ngoại khoa có thể mổ và cắt dị dạng đó); hoặc can thiệp nội mạch để gây tắc (đưa ống từ đùi lên não, bơm những thuốc để làm tắc nghẽn hoàn toàn khối dị dạng); hoặc xạ phẫu Gamma Knife (chiếu tia vào để tiêu dị dạng).

Với những trường hợp dị dạng mạch máu não không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị động kinh kéo dài, nhức đầu thường xuyên hoặc căng quá mức gây vỡ và khi vỡ ra sẽ gây xuất huyết não. Dị dạng mạch máu não là nguyên nhân của phần lớn những trường hợp đột quỵ xuất huyết não ở người trẻ.

Nhóm thứ 2 là phình mạch, đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết não. Chúng ta có thể hiểu đơn giản như một chiếc ruột của xe đạp, nếu chạy lâu ngày không có tiền thay thì nó sẽ phình quá mức và bể. Tương tự, mạch máu cũng như vậy, khi nó phình ra đến một mức độ nào đó quá khả năng chịu đựng thì cũng sẽ vỡ.

Trong trường hợp tầm soát ra bệnh nhân có túi phình dưới 2mm, chưa có biểu hiện nhức đầu, tiền căn xuất huyết não thì có thể theo dõi hàng năm, nếu có diễn tiến động của túi phình thì phải có phương pháp điều trị, chẳng hạn như khi phát hiện chỉ có 2mm nhưng năm sau kiểm tra lại tăng lên 3mm thì phải điều trị ngay. Hoặc nếu tầm soát phát hiện túi phình từ 5mm trở lên, gây ra các triệu chứng nhức đầu, sụp mi mắt, ói mửa, người yếu một bên thì bắt buộc phải điều trị sớm

Các công nghệ, kỹ thuật điều trị hiện nay rất an toàn, tỷ lệ rủi ro và biến chứng chỉ dưới 2%. Do đó, nếu có trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có chuyên môn, trình độ tốt và được điều trị có kỹ thuật can thiệp nội mạch thì hoàn toàn có thể loại bỏ hoàn toàn túi phình để tránh nguy cơ xuất huyết não. Về mặt lý thuyết, túi phình càng lớn nguy cơ vỡ càng cao. Túi phình dưới 5mm nguy cơ vỡ thấp, tỷ lệ là 2/100 (100 trường hợp có 1-2 ca), không cần quá lo lắng.

Nhóm thứ 3 là tăng huyết áp. Đây là một nguy cơ rất cao trên bệnh lý dễ chẩn đoán nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Để phát hiện bệnh này, cách đơn giản nhất là đo huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy ở những người trên 50 tuổi thì có trên 50% dân số là có nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.

Việc đo huyết áp hàng ngay, theo dõi huyết áp định kỳ là đã giảm phần lớn các trường hợp xuất huyết não do tăng huyết áp. Nếu chúng ta để huyết áp từ 180mmHg trở lên thì những trường hợp đó rất dễ bị xuất huyết não do tăng huyết áp.

6. BS vừa cho biết những người đã từng bị đột quỵ là những người cần ưu tiên tầm soát để tránh nguy cơ tái phát. Vì sao khi tái phát thì bệnh lại nặng hơn? Trong mùa COVID-19, bên cạnh việc tầm soát thì những người từng bị đột quỵ nên làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình?

TS.BS Trần Chí Cường: Bệnh nhân đã có tiền sử đột quỵ thì lời khuyên tốt nhất là nhanh chóng tìm ra nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, phát hiện những yếu tố nguy cơ của bản thân. Có những yếu tố nguy cơ rất đơn giản mà có thể phòng ngừa được, đó là kiểm soát tốt bệnh nền và kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ như: đừng hút thuốc lá, đừng uống rượu bia, uống thuốc đều đặn nếu có tăng huyết áp, tiểu đường, nếu có thừa cân, béo phì thì luyện tập thể dục.

Điều quan trọng nhất, nếu đang là bệnh nhân sau đột quỵ thì cần phải tuân thủ việc điều trị thật tốt, không được ngưng thuốc đang.

Trong thời gian COVID-19, nếu chúng ta bị căng thẳng sẽ làm cho huyết áp, đường huyết tăng lên, do đó phải theo dõi, kiểm tra đường huyết, huyết áp định kỳ. Nếu không có kinh nghiệm trong việc đo đường huyết, huyết áp thì hãy đến các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện để được trợ giúp, chứ không nhất thiết phải là bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mới làm được.

Tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ hiện đã có chương trình tầm soát tiểu đường miễn phí, hướng dẫn đo huyết áp miễn phí. Đặc biệt, nếu có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe thì hãy gọi đến tổng đài 1800 1115 của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ hoặc hotline của AloBacsi 08983 08983 để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ nếu chẳng may có đột quỵ.

Như vậy, nếu chúng ta quan tâm đến sức khỏe của mình thì mọi chuyện sẽ được giải quết một cách tốt nhất.

7. Có thể nói, người bệnh tiểu đường là một trong những “ứng cử viên sáng giá” của bệnh đột quỵ. Đồng thời, họ cũng có nguy cơ bị bệnh nặng nếu chẳng may bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Vậy họ cần làm gì để an toàn đi qua mùa COVID, thưa BS? Việc bệnh nhân tự kiểm tra đường huyết tại nhà liệu có đảm bảo chính xác không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Đây là thời gian khó khăn cho bệnh nhân tiểu đường, vì họ thường được khuyên là nên vận động, giảm stress, tập thể dục nhưng hiện nay việc giãn cách xã hội cũng khiến cho tập thể dục, vận động khó khăn. Những điều này vô tình tạo nên áp lực, ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh COVID-19 cũng như bệnh tiểu đường thì sẽ có cách để thực hiện tốt nhất vấn đề điều trị.

Đối với người tiểu đường nếu căng thẳng quá mức, đặc biệt lo lắng về COVID-19 sẽ dẫn đến mất ngủ, đường huyết tăng, ít vận động gây thừa cân, gia tăng trọng lượng cơ thể... Nếu chẳng may một người tiểu đường nhiễm COVID-19 thì sẽ rất khó điều trị, vì tiểu đường làm ảnh hưởng miễn dịch, sức đề kháng suy giảm. Đường huyết cao làm cho một nhiễm trùng nhỏ có thể nặng nề hơn.

Do đó, người tiểu đường trong giai đoạn này cần phải tích cực uống thuốc đầy đủ, kiểm soát đường huyết, huyết áp, tăng cường vận động để kiểm soát cân nặng cơ thể, giảm stress… Nếu làm tốt những điều này chúng ta vượt qua giai đoạn COVID-19 một cách nhẹ nhàng.

Việc bệnh nhân tự kiểm tra đường huyết tại nhà liệu có đảm bảo chính xác không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Điều này rất tốt nhưng cần phải làm cho đúng. Lưu ý, khi mua một chiếc máy đo đường huyết tại nhà thì phải được nhân viên y tế tư vấn chứ không phải là người bán máy tư vấn. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn tường tận cho người bệnh cách đo, giá trị bình thường là bao nhiêu, vì mỗi loại máy sẽ sử dụng đơn vị đo lường khác nhau.

Ngoài ra, chúng ta phải chăm sóc cho máy đo đường huyết, thường xuyên kiểm tra. Vì nếu máy hết pin mà không thay pin mới hoặc bị dơ đầu đọc, que thử đường bị ẩm mốc hoặc hết hạn sử dụng thì sẽ cho kết quả sai. Một điểm cần nhớ là trong một tháng phải đến cơ sở y tế để đối chứng kết quả đo của máy và kết quả tại bệnh viện thì sẽ chính xác.

Nếu cẩn thận hơn, người bệnh có thể ghi lại các trị số đường huyết mỗi lần đo vào cuốn sổ tay, để được tư vấn tốt nhất khi đi khám và chính bản thân người bệnh cũng sẽ nắm được tình trạng đường huyết của mình để có hướng xử trí kịp thời.

Bí quyết phòng ngừa đột quỵ

8. Những người bệnh rối loạn nhịp tim cũng có nguy cơ đột quỵ nhồi máu não. Nhưng khá nhiều người chưa hiểu vì sao bệnh tim mạch có thể đưa đến đột quỵ não. Nhân dịp này nhờ BS giải thích để mọi người được rõ ạ.

TS.BS Trần Chí Cường: Với góc độ chuyên gia về can thiệp thần kinh, tôi xin phép chia sẻ một cách đơn giản cho khán giả dễ hiểu. Bởi về sau AloBacsi sẽ có những chuyên gia về Tim mạch nói sâu hơn về vấn đề này.

Riêng về đột quỵ do tim, đáng kể nhất là bệnh tăng huyết áp, nghĩa là khi tim bóp quá mức, sẽ làm huyết áp tăng lên, điều đó gây xuất huyết não (nghĩa là các mạch máu trên não rất dễ vỡ). Việc điều trị lúc này không phải trên não, mà là quay về điều tị bệnh tăng huyết áp.

Còn có một số trường hợp đột quỵ do nguyên nhân tim mạch, ví dụ bệnh nhân có loạn nhịp tim (người bình thường có nhịp đập 70-80 lần/ phút, nhưng có một số người đập 30 lần/ phút thôi) thì sẽ làm cho lưu lượng tưới máu lên não hạn chế, bệnh nhân dễ bị choáng. Trong trường hợp này, người ta gọi đột quỵ đó là đột quỵ do giảm tuần hoàn, chứ không phải là đột quỵ do xuất huyết não, tức là máu lên não không đủ cũng gây đột quỵ. Đó cũng là vấn đề khá quan trọng, nhưng tỷ lệ rất thấp và có thể an tâm.

Hoặc là trong trường hợp điều trị tăng huyết áp quá mức, nghĩa là bệnh nhân kiểm soát huyết áp quá mức có thể dẫn đến tụt huyết áp, và cũng dẫn đến một tỷ lệ nhỏ đột quỵ do tưới máu não không đủ.

9. Xin BS cho biết thêm là ngoài việc gây ra đột quỵ thì cục máu đông còn đưa đến những tình trạng gì nếu chẳng may nó mắc kẹt ở các mạch máu khác ngoài não?

TS.BS Trần Chí Cường: Cục máu đông là "kẻ thù" của mạch máu não. Ngoài ra, nó còn là "kẻ thù" của một số cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho cơ quan thứ hai ngoài não là phổi. Có nghĩa là, nếu cục máu đông hình thành ở chi dưới (chân), và vì một nguyên nhân nào đó trôi lên phổi thì nó gây nhồi máu phổi, thậm chí có những trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc phổi cấp tính và tử vong trước khi cục máu đông trôi lên não.

Trong nhóm nguyên nhân thứ hai gây đột quỵ do cục máu đông hoàn toàn chính xác nó là một góc của đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu và cũng nằm trong nhóm nguyên nhân nhồi máu não. Hình thành cục máu đông phần lớn liên quan đến bệnh lý tim mạch. Đó là những rối loạn nhịp tim, mà bệnh thông thường nhất chúng ta nghe chẩn đoán rất nhiều (và chiếm tỷ lệ cao) đó là rung nhĩ.

Có nghĩa là, nhịp tim đập có thể đếm được đối với người bình thường, đập đều 1, 2, 3, 4, 5... nghĩa là có thể dự đoán được nhịp đập tiếp theo. Nhưng đối với bệnh nhân rung nhĩ, tim đập kiểu khác: 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9. Khi nhịp tim biến đổi như thế (đập không đều) thì chính những khoảng nghỉ trong tim sẽ hình thành cục máu đông. Tới khoảng tim đập lại sẽ tống cục máu đông lên não và gây đột quỵ do tắc nghẽn cục máu đông.

Tuy nhiên, với những công nghệ hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận cục máu đông và hút/ kéo ra ngoài, do đó không nên quá lo lắng. Bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện trong thời gian 6 giờ vàng, 90% có thể phục hồi nguyên trạng hệ thống mạch máu. Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ chúng tôi đã làm thành công hàng chục ngàn trường hợp như vậy.

10. Thường thì người cao tuổi khi bị tê tê cánh tay, tê chân họ nghĩ là bệnh già, và trong mùa COVID lại càng ngại đến bệnh viện. Nhờ BS đưa ra những dấu hiệu nhận biết tình trạng tắc mạch chi để tránh những trường hợp đến bệnh viện quá muộn? Nên đi khám bệnh ở chuyên khoa nào, chúng ta có những phương tiện để tìm ra tắc mạch chi, thưa BS?

TS.BS Trần Chí Cường: Liên quan đến vấn đề tê tay chân, chúng ta cần phân biệt được các nhóm nguyên nhân sau đây:

- Nhóm nguyên nhân thứ nhất, không phải bệnh, mà do tì đè, ngồi lâu, khiến thần kinh không hoạt động tốt, hệ thống cấp máu không tốt. Ví dụ, khi ngồi chồm hổm hoặc quỳ gối lâu, khi đứng dậy sẽ bị tê. Hoặc do ngủ quá say hoặc quá lâu, ngày hôm sau thức dậy sẽ bị tê. Hoặc cũng do khi ngủ có người nằm trên cánh tay thì ngày hôm sau sẽ bị tê, thậm chí bị liệt luôn cánh tay, đây được gọi là Hội chứng sáng thứ 7.

- Nhóm nguyên nhân thứ hai, có những trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu cũng gây tê nhưng nguyên nhân không phải như nhóm thứ nhất, có thể là tự nhiên sáng thức dậy thấy tay lạnh. Dấu hiệu quan trọng nhất là mạch máu ở đoạn sau của ngọn chi đó sẽ bị mất. Thí dụ một tay tự nhiên lạnh (so sánh cả hai tay), là bởi do tay này bị tắc nghẽn mạch máu, kèm theo triệu chứng tê và mất mạch.

Thêm một dấu hiệu rất dễ nữa mà ai cũng làm được, đó là xem xét hồi lưu mạch máu. Có nghĩa là, bàn tay bình thường sẽ hồng hào, nhưng bàn tay của người tắc mạch máu sẽ trắng đi, khi ấn vào và buông ra sẽ không hồng lại (sau khoảng 5 giây), đó là do máu nuôi đang bị tắc nghẽn. Nếu bắt mạch ngọn xa của chi, trường hợp mạch quay hoặc mạch ở bàn chân không đập có thể chẩn đoán ngay là mất mạch, nghĩa là do máu không lưu thông được hoặc do tắc nghẽn mạch máu đoạn gốc.

- Nhóm nguyên nhân thứ ba là do thần kinh, nghĩa là do đột quỵ. Tê do đột quỵ không xảy ra đơn thuần mà kèm theo yếu, mất cảm giác. Đối với nhóm nguyên nhân tê do tắc nghẽn mạch máu, bệnh nhân tê là chính, kèm theo lạnh tay, mất mạch, nhưng trong trường hợp đột quỵ, mạch vẫn đập bình thường, hồi lưu mạch máu vẫn tốt (hai tay sờ vẫn ấm, ấn vào tay rồi buông ra vẫn hồng hào), nhưng khi kêu người bệnh đưa tay lên thì không đưa được, bởi vì do vừa tê vừa yếu. Lúc này nên nghĩ ngay đến là do đột quỵ chứ không phải do nguyên nhân mạch máu. Nguyên nhân mạch máu đến giai đoạn muộn mới gây yếu, giai đoạn đầu tê + lạnh là chính.

Nếu một người sáng ngủ dậy cảm giác tê tứ chi, cử động một lúc sẽ hết, đó là do tư thế hoặc máu không lưu thông tốt. Nhưng nếu tắc nghẽn thực sự thì cần bắt mạch máu xa, so sánh hai tay xem bên nào lạnh, quan sát hồi lưu mạch thì hoàn toàn có thể đánh giá được.

Nhấn mạnh riêng về đột quỵ, triệu chứng tê luôn luôn kèm theo mất cảm giác, sờ vào không biết ngón nào, và yếu (kêu người bệnh nắm tay nhưng không nắm được). Thêm nữa, cần quan sát nửa người, nếu tê yếu tay kèm yếu chân cùng bên thì đó là do đột quỵ chứ không phải do nguyên nhân nào khác. Vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác.

Mới cách đây khoảng chưa đầy 1 tháng, chúng tôi đã cấp cứu kịp thời một số trường hợp có thể gọi là may mắn. Một bệnh nhân có tiền căn tiểu đường và hút thuốc lá nhiều năm, sau đó một ngón chân bị hoại tử. Trên người bệnh tiểu đường mãn tính, đi một đoạn nghỉ một lúc, xoa bóp chân mới đi lại được, đó là tê do nguyên nhân mạch máu, gọi là đi cách hồi, chúng ta quan sát chi lạnh hay không, tím hay không, ngón chân có vết thương chậm lành hay không (do vấn đề tưới máu nuôi không tốt). Còn riêng về tê yếu do đột quỵ chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng có 3 dấu hiệu chính: tê yếu nửa người, ảnh hưởng giọng nói (nói đớ, không tròn câu, ú ớ), khuôn mặt bị méo (méo một bên). Nếu một người chỉ bị tê thì không đủ giá trị chẩn đoán.

11. Theo dõi các bản tin về Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ trên trang AloBacsi, MC rất ấn tượng với nhiều ca bệnh mà BS Cường và cộng sự đã điều trị. Đặc biệt là trường hợp bệnh nhân bị tắc mạch máu não được các bác sĩ đã hút ra 10 cục máu đông trong vòng 2 tiếng. Hay mới đây là tái thông đoạn động mạch chi bị tắc đến 30 cm. BS có thể cho biết những đoạn mạch máu bị tắc, hẹp dài như vậy đã được xử lý như thế nào không ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Tắc động mạch chi 30cm là một trong những ca lâm sàng điển hình, khó khăn nhất trong thời gian 15 năm tôi hành nghề. Bệnh nhân này hơn 80 tuổi, tiền căn hút thuốc lánhiều năm và đái tháo đường. Bệnh nhân đến bệnh viện với lý do đi không được, yếu chân hoàn toàn và chân tím do máu không nuôi nữa, mạch máu bệnh nhân tắc nghẽn từ chậu đùi đến đầu gối, hơn 30cm. Rất may bệnh nhân đến bệnh viện trong thời gian vàng, nghĩa là chân chưa quá tím. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng chân tím tái, hoại tử thì rất nhiều trường hợp phải cắt bỏ chân. Đối với trên bệnh nhân tiểu đường cắt bỏ chân thì nguy cơ tử vong rất cao và đương nhiên, không ai muốn đoạn chi và tàn phế cả.

Chúng tôi đã cố gắng điều trị cho trường hợp này mà không có phương pháp nào có thể thay thế được, đó là thông lại mạch máu bằng nội mạch. Nghĩa là chúng tôi phải đưa thiết bị từ đùi trái đi vòng qua phải, sau đó tiến hành can thiệp, hút cục máu đông ra và đặt 3-4 stent để phục hồi động mạch. Chỉ duy nhất phương pháp nội mạch sử dụng các thiết bị, máy móc hiện đại mới thấy chỗ nào tắc và thông lại, kéo cục máu đông ra.

Đây cũng là một trong những trường hợp khiến tôi rất ấn tượng và hiếm hoi bởi đoạn tắc 30cm đã thông lại được. Đoạn tắc 0.5cm, 1cm, thậm chí 5cm thì quá đơn giản, tôi đã thực hiện hàng trăm ngàn ca, nhưng đoạn tắc 30cm là dài nhất mà tôi thông lại được.

12. Đột quỵ đang trẻ hóa cũng là vấn đề BS Cường thường cảnh báo. Trong thời gian giãn cách xã hội, AloBacsi được biết có nhiều thanh thiếu niên đã giảm bớt việc vận động hằng ngày như: không đi chạy bộ nữa, không đi tập gym nữa, thậm chí nghỉ học ở nhà thì dành thời gian chơi game. Thưa BS, liệu có thống kê nào cho thấy mối liên quan giữa việc chơi game nhiều giờ với nguy cơ đột quỵ chưa ạ?

TS.BS Trần Chí Cường: Đây là câu chuyện đau lòng, và những bậc cha mẹ, phụ huynh hiện nay luôn đau đáu nỗi niềm rằng không biết trong thời gian đi làm, con cái ở nhà chơi game như thế nào. Thực sự vấn đề chơi game không liên quan trực tiếp đến đột quỵ, nhưng đã có rất nhiều những trường hợp nghiện game, sau đó dẫn đến bệnh tâm thần. Lứa tuổi học đường của chúng ta hiện nay bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chơi game online và điện thoại di động.

Trong ngành y, chúng tôi đã có những nghiên cứu là nếu sử dụng điện thoại di động nhiều, đối với người thuận tay trái, nếu u não xảy ra thì sẽ nằm bên trái. Có nghĩa là, sóng điện thoại rất mạnh, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tế bào não của các cháu. Do đó, nếu cha mẹ cho các con sử dụng điện thoại di động khi còn nhỏ thì nguy cơ tổn thương não sẽ càng nặng.

Cũng có một nguy cơ nhỏ, nếu cơ địa cháu bé có bệnh dị tật mạch máu não như tôi đã trình bày, thì vấn đề chơi game quá sức, thức thâu đêm suốt sáng là yếu tố tác động. Cũng có một số trường hợp chơi game tới sáng sau đó đột quỵ xuất huyết não là có trên một bệnh nền, tức là trường hợp đó bị dị dạng mạch máu não. Khi chúng ta gắng sức quá mức, hoặc gây áp lực cho bộ não thì mạch máu sẽ giãn ra quá mức, và nếu có bị huyết áp cao, gặp stress sẽ gia tăng đột quỵ xuất huyết não. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

13. Lời khuyên chung của BS gửi đến những người chưa bị đột quỵ, dễ bị đột quỵ và đã bị đột quỵ để bảo vệ sức khỏe của mình trong mùa dịch bệnh COVID?

TS.BS Trần Chí Cường: Chỉ có những người làm trong chuyên ngành đột quỵ, hoặc ngành y mới thấu hiểu những vấn đề chúng ta gặp phải trong cộng đồng. Nếu một quốc gia tiêu thụ một năm vài tỷ lít bia, đột quỵ ngày càng trẻ hóa, và cũng cách đây vài ngày, chúng tôi đã cứu những trường hợp đột quỵ sinh năm 1977, thậm chí một bạn sinh năm 1993 bị đột quỵ tắc nghẽn mạch máu do hút thuốc lá từ năm 15-16 tuổi. Khi cộng đồng chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có biết đến khái niệm đột quỵ và những ai sẽ là đối tượng nguy cơ để đột quỵ tìm đến thì chắc chắn hậu quả tất yếu là đột quỵ sẽ luôn xảy ra, và luôn gia tăng.

Một yếu tố nguy cơ bất biến và không thể tác động được là tuổi tác, những người càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao, chứ không phải là đột quỵ ở lúa tuổi dưới 30 giống như nước ta. Phần lớn ở Việt Nam hiện nay, lối sống ảnh hưởng rất nhiều. Vấn đề bán thuốc lá đại trà, không giới hạn tuổi tác, ai cũng có thể mua. Thậm chí có người còn cho một đứa bé 5 tuổi uống bia. Việc một năm tiêu thụ 5, 7 tỷ lít bia được khuyến khích, ca ngợi thì đó là vấn đề hết sức nguy hại cho cộng đồng mà chúng ta cần thay đổi tư duy về quan niệm, ít nhất cho bản thân và gia đình mình.

Thêm nữa, ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải tình trạng thức ăn bẩn, thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại trong đồ ăn. Điều này làm sức khỏe cộng đồng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nhân đây tôi cũng cảm ơn AloBacsi trong thời gian qua đã tuyên truyền trên mọi nẻo đường, luôn luôn cập nhật cái mới và tiếp cận rộng nhất, hiệu quả nhất để cộng đồng quan tâm.

Tuy nhiên, có rất nhiều người trong nhóm đối tượng nguy cơ đột quỵ không quan tâm. Và nếu có quan tâm thì đó là những người từng bị đột quỵ. Họ rút kinh nghiệm bản thân nhưng việc rút kinh nghiệm này hoàn toàn kém hiệu quả hơn nhiều so với chính người đó cách đây vài năm nhận ra như bỏ thuốc lá, không uống bia rượu, điều trị tốt các bệnh nền thì đã phòng tránh được đột quỵ. Điều đáng nói ở đây là làm sao để cho người dân nhận biết tốt nhất bệnh đột quỵ để phòng tránh một cách hiệu quả.

Một điều nữa mà tôi gửi lời cám ơn đến BCH Hội Y học TPHCM, đặc biệt là PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng như các thầy cô trong BCH Hội đã phối hợp tốt với AloBacsi. Tôi đã tham gia Hội Y học TPHCM, chính thức trở thành hội viên. Cách đây 7 năm, dưới sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy Dương Quang Trung, Hội Can thiệp Thần kinh đã ra đời. Với sự tham gia nhiệt tình và không biết mệt mỏi của các thầy cô, tôi nghĩ sức khỏe cộng đồng ngày một nâng cao.

Nhân đây tôi cũng muốn gửi gắm đến quý vị khán giả cũng như các cơ quan truyền thông báo đài nói chung, đó là giành thời gian tuyên truyền trên báo đài, trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, hạn chế những quảng cáo có hại cho sức khỏe, lồng ghép những chương trình có ích như của AloBacsi và Hội Y học TPHCM đang làm, thì việc tuyên tuyền sẽ được đáp lại bằng sức khỏe cộng đồng của hàng triệu người Việt Nam, hàng triệu gia đình sẽ giảm thiểu được tỷ lệ thương tật và tử vong do đôt quỵ.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là: một đất nước, một dân tộc muốn phát triển mạnh mẽ chính là nhờ vào nguồn nhân lực con người, đó là điều quyết định. Do đó, chúng ta làm gì cho sức khỏe cộng đồng tốt nhất sẽ giúp đất nước phát triển tốt nhất.

Hội Y học TPHCM và AloBacsi hợp tác sản xuất chương trình tư vấnPGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM (bìa phải) trao hoa và thư cảm ơn đến TS.BS Trần Chí Cường

Người bệnh COVID-19 có nguy cơ bị cục máu đông

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và TS.BS Trần Chí Cường đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Mời bạn đọc xem lại chương trình livestream cùng TS.BS Trần Chí Cường TẠI ĐÂY.

[DAP]

Đôi nét về TS.BS Trần Chí Cường

TS.BS Trần Chí Cường hiện là Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TPHCM, Phó chủ tịch Hội điện quang can thiệp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.

Ông nằm trong Ban Chấp Hành Hội can thiệp thần kinh Á Úc (AAFITN) và là thành viên Ban Biên Tập tạp chí Hội can thiệp thần kinh Thế giới (WFITN).

Ngoài ra, TS.BS Trần Chí Cường đã từng đảm nhiệm các chức vụ:

- Trưởng đơn vị can thiệp thần kinh đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

- Trưởng đơn vị đào tạo can thiệp nội mạch thần kinh - đột quỵ, Đại học Y dược TPHCM

Quá trình đào tạo:

- Tốt nghiệp Đại Học Y Khoa năm 2000 tại trường Đại học Y dược Cần Thơ

- Tốt nghiệp Bác Sĩ chuyên khoa 1 chuyên ngành phẫu thuật thần kinh (Ngoại Thần kinh) năm 2004 tại Đại học Y dược TPHCM

- Chứng chỉ đào tạo sơ bộ DSA Bệnh viện Chợ Rẫy 2004, Bệnh viện Bạch Mai 2005

- Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh (Ngoại Thần kinh) năm 2004 tại Đại học Y dược TPHCM

- Chứng chỉ đào tạo Thạc sĩ quốc tế về chẩn đoán điều trị can thiệp bệnh lý mạch máu hệ thần kinh do Đại học Y khoa Bicetre Pháp, Đại học Y khoa Toronto Canada, Đại học Mahidol Thái Lan tổ chức 2005-2006

- Chứng chỉ đào tạo chẩn đoán điều trị đột quỵ tại Đại học Y khoa Tennessee Mỹ 2009

- Chứng chỉ đào tạo giảng viên cao cấp Học viện quản lý giáo dục 2018

20 năm trong ngành Y, TS.BS Trần Chí Cường đã thực hiện trên 5.000 trường hợp chẩn đoán điều trị can thiệp nội mạch bệnh lý mạch máu não, tủy ngoại biên sử dụng máy chụp mạch máu xóa nền. Ông được các đồng nghiệp, bệnh nhân ưu ái gọi là "bàn tay vàng" trong điều trị đột quỵ, chuyên gia cấp cứu những ca khó nhằn.

TS.BS Trần Chí Cường còn là tác giả của rất nhiều công trình khoa học và các bài báo giá trị về bệnh Ngoại thần kinh, đột quỵ.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X