Hotline 24/7
08983-08983

Thoát cảnh đoạn chi nhờ đặt stent nong động mạch

Ngày 5/4, thông tin từ Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ tại đây vừa điều trị thành công cho hai trường hợp tắc động mạch chi rất phức tạp. Cả hai bệnh nhân đều đã trên 80 tuổi, có nhiều bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm…

Suýt mất chân vì 1 vết xước nhỏ

Trường hợp đầu tiên là cụ N.V.A (82 tuổi, ở Bạc Liêu) có “thâm niên” hút thuốc lá trên 60 năm, tiền sử tăng huyết áp, thường xuyên tê nhức chân trái, nhất là khi đi lại. Theo lời kể của bệnh nhân A, cách nhập viện 10 ngày cụ có cảm giác như bị trật chân, nghĩ không đáng lo ngại nên ở nhà chườm nước nóng. Chỉ đến khi chân bắt đầu đau nhức nhiều hơn, cảm giác lạnh, không đi được nữa mới vào bệnh viện tỉnh, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ.

Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng cho cụ A. làm xét nghiệm máu phát hiện đường huyết cao, chụp CT động mạch hai chân phát hiện bị tắc hoàn toàn động mạch đùi nông bên trái từ vùng bẹn đến vùng khoeo dài 30cm, làm cho bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu chi trầm trọng, đi cách hồi, mất mạch mu chân. “Với tình trạng này, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ có nguy cơ hoại tử chi” - ThS Nguyễn Đào Nhật Huy cho biết.

Thoát cảnh đoạn chi nhờ đặt stent nong động mạchHình ảnh đoạn tắc động mạch đùi nông bên trái từ vùng bẹn đến vùng khoeo dài 30cm của bệnh nhân A. trước và sau khi can thiệp. Ảnh: Đức Thịnh

Trường hợp thứ hai là bà T.B.T (83 tuổi, ở An Giang) nhập viện trong tình trạng đau, ngón chân đang hoại tử, có tiền sử tăng huyết áp. Người nhà kể lại, cách đây 2 tháng, cụ T. va vào cửa nhà và bị xước chân. Thời gian đầu, vùng bị va đập bị thâm tím nhẹ. Nghĩ đôi ba ngày sẽ tự hết, nào ngờ vết bầm ngày một nhiều thêm, cụ T. được gia đình đưa vào bệnh viện trong địa bàn tỉnh, có chỉ định đoạn chi vùng hoại tử.

Một tuần sau điều trị, vết thương không chuyển biến tích cực mà tiếp tục bầm đen, cụ T. được chuyển lên Cần Thơ. Kết quả chụp CT động mạch chi phát hiện cụ T. bị tắc động mạch đùi khoeo chân phải.

Tắc động mạch chiHình ảnh trước và sau khi can thiệp của bệnh nhân T. Ảnh: Đức Thịnh

ThS.BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng đơn vị can thiệp DSA - Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đánh giá: “Khi nhập viện, ngón chân của bệnh nhân T. bị hoại tử nặng, nếu không tái thông được mạch máu chân, bệnh nhân phải cắt bỏ đến gối để tránh nguy cơ tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc lan rộng.

Rất may mắn là cả hai trường hợp trên chúng tôi đã can thiệp nội mạch tái thông thành công và đều không phải đoạn chi như cách điều trị thông thường cho những trường hợp này. Sau can thiệp nong và đặt stent cả hai bệnh nhân hiện ổn định, bớt đau nhức chân, mạch mu chân đã bắt được”.

Người hút thuốc lá, tiểu đường, đừng thờ ơ với tắc động mạch chi

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết thêm: “Tắc động mạch chi là bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi có tiền căn hút thuốc lá nhiều và tiểu đường nhiều năm không kiểm soát tốt đường huyết, đa số bệnh nhân thường phát hiện bệnh rất muộn”.

Triệu chứng thường gặp là nặng chân, lạnh chân, tê mỏi, đi cách hồi (đi một đoạn đường rất ngắn vài chục mét phải dừng nghỉ do chân thiếu máu gây tê mỏi, nghỉ vài phút thì đi tiếp được), nặng hơn nữa là tím các ngón chân, vết thương vùng bàn chân chậm lành, hoại tử khô nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ nhiễm trùng nhiễm độc rất nguy hiểm.

Theo TS Cường việc chẩn đoán bệnh hẹp động mạch chi khá dễ dàng bằng thăm khám mất mạch vùng bẹn, khoeo, mu chân, một bên chân bị lạnh hơn bên còn lại do máu nuôi kém. Ngoài ra, siêu âm doppler màu và chụp CT động mạch chi sẽ cho kết quả chính xác mức độ và vị trí hẹp.

Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ điều trị tắc động mạch chi

Bệnh viện ở Cần Thơ cứu người bị tắc động mạch chiTS.BS Trần Chí Cường thăm khám, đánh giá tình trạng của bệnh nhân sau can thiệp. Ảnh: Đức Thịnh

Việc điều trị bệnh động mạch chi sẽ tùy thuộc rất nhiều vào vị trí và mức độ động mạch bị tắc hẹp và tình trạng chức năng của chi bệnh. Ngoài các phương pháp kiểm soát bệnh kèm theo huyết áp tiểu đường, bỏ thuốc lá… động mạch chi có đường kính từ 2mm trở lên với mức độ hẹp nặng trên 70% có triệu chứng với các phương tiện máy móc hiện đại (DSA) bác sĩ can thiệp mạch có thể thông lại động mạch chi khá dễ dàng.

Tuy nhiên với kinh nghiệm hàng nghìn ca can thiệp mạch, TS Cường đánh giá, hai trường hợp trên là vô cùng khó khăn vì bệnh nhân bị tắc mạn tính và đoạn tắc rất dài đến 30cm, do đó khả năng không thông lại được là rất cao, đòi hỏi bác sĩ can thiệp phải có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hỗ trợ tốt.

Hiện nay, số bệnh viện thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch máu chi trên cả nước là chưa nhiều.

Trước thực trạng bệnh nhân thường đến muộn dẫn đến biến chứng phải đoạn chi, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã triển khai chương trình tầm soát bệnh tiểu đường miễn phí cho cộng đồng vào thứ 3 hàng tuần, qua đó giúp phát hiện, chẩn đoán chuyên sâu bệnh động mạch chi bệnh nhân tiểu đường, phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Bạn đọc quan tâm có thể gọi vào tổng đài miễn phí 1800 1115 để được tư vấn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X