2/3 bệnh nhân ung thư dạ dày đến khám ở giai đoạn di căn
Vì vậy, trong Hội nghị Khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi toàn quốc 2024 (VASEL 2024) diễn ra vào ngày 22/11/2024, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, BS.CK2 Lâm Quốc Trung - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã nhấn mạnh vai trò của liệu pháp miễn dịch, đây dần trở thành điều trị tiêu chuẩn cho ung thư dạ dày tiến xa/di căn.
BS.CK2 Lâm Quốc Trung - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, Việt Nam là một trong những nơi ghi nhận tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất trên thế giới. Trên thế giới, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 5 và tỷ lệ mới mắc khoảng 1 triệu ca/năm và tỷ lệ tử vong trên 500.000 ca.
Theo Globocan, tại Việt Nam ung thư dạ dày đứng hàng thứ 5 và 2/3 bệnh nhân đến ở giai đoạn 3 và 4. Ở giai đoạn di căn, nếu trước đây chỉ điều trị chăm sóc giảm nhẹ thì tiên lượng sống còn của bệnh nhân khoảng 4 - 6 tháng. Tuy nhiên, sau này có điều trị toàn thân (hóa trị) thì có thể cải thiện nhưng khiêm tốn, chỉ khoảng 6 - 11 tháng.
Thời gian sống sót sau 5 năm bị hạn chế ở những bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn 4 chỉ trải qua phẫu thuật. Theo nghiên cứu, ở Nhật Bản tỷ lệ sống sót sau 5 năm sau khi cắt bỏ dạ dày triệt để là 16,4% và ở Hàn Quốc 23,2%.
Theo BS.CK2 Lâm Quốc Trung, khi điều trị sẽ tùy theo tổng trạng của bệnh nhân, cũng như bệnh lý kèm theo và các vấn đề khác. Điều trị đơn chất là 1 thuốc hóa trị, tỷ lệ đáp ứng khoảng 20% và thời gian đáp ứng ngắn.
Nếu muốn cải thiện, thường phối hợp hóa trị từ đó tăng hiệu quả tuy nhiên phải cân nhắc về tính an toàn, tác dụng phụ, chất lượng cuộc sống. Hiện tại, phải phối hợp 2 hoặc 3 thuốc mới tăng được hiệu quả cho bệnh nhân, tuy nhiên khả năng sống còn chỉ < 1 năm.
Vai trò của các dấu ấn sinh học trong ung thư đường tiêu hóa
Hiện nay, sử dụng các dấu ấn sinh học để xác định đặc tính phân tử của ung thư đường tiêu hóa. Phân loại dựa trên phân nhóm mô học và đặc tính phân tử giúp lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp:
- HER2: Biểu hiện quá mức HER2 được tìm thấy ở 15 - 25% bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến dạ dày hoặc GEJ giai đoạn tiến xa.
- MMR/MSI: Khoảng 3,6% bệnh nhân ung thư dạ dày có MSI-H/dMMR.
- PD-L1: Biểu hiện PD-L1 thay đổi tùy thuộc vào hệ thống tính điểm được sử dụng và nghiên cứu cụ thể. Biểu hiện PD-L1 đối với tế bào vảy và ung thư dạ dày được xác định là điểm số dương tính kết hợp (CPS).
Về dấu ấn HER2, test HER2 được khuyến cáo cho những bệnh nhân bị ung thư dạ dày không thể phẫu thuật, tiến triển tại chỗ, tái phát hoặc di căn và ung thư biểu mô tuyến đoạn nối dạ dày - thực quản (GEJ) có khả năng điều trị bằng liệu pháp nhắm đích HER2. Tình trạng HER2 được đánh giá bằng phương pháp IHC và FISH. Các phương pháp kiểm tra bộ gen như NGS hiện không được khuyến khích.
Theo nghiên cứu KEYNOTE-811, thay vì chỉ kết hợp với HER2 là Herceptin hoặc Trastuzumab thì sẽ kết hợp thêm liệu pháp miễn dịch là Pembrolizumab 200mg cho những trường hợp bệnh nhân có HER2+. So sánh với phác đồ tiêu chuẩn cộng với Trastuzumab về tiêu chí chính là sống còn và sống còn không bệnh thì khi kết hợp thêm Pembrolizumab thì trung vị thời gian sống còn của bệnh nhân có thể đạt đến 20 tháng.
BS.CK2 Lâm Quốc Trung thông tin: “Ở nhóm phối hợp Pembrolizumab, giảm 27% nguy cơ bệnh tiến triển, gần 20% bệnh nhân sống không bệnh tiến triển sau 3 năm, gần 3/4 bệnh nhân có đáp ứng khi điều trị, tỷ lệ các biến cố bất lợi tương tự nhau”.
Về dấu ấn MSI-H/dMMR, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ MSI-H trong đường tiêu hóa đối với ung thư dạ dày là khoảng 6,3%. Hiệu quả của Pembrolizumab trong các phân ích hậu kỳ ung thư dạ dày có MSI-H là 46% bệnh nhân đáp ứng và gần 17% bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn.
Theo BS.CK2 Lâm Quốc Trung, khi bệnh nhân có MSI-H sử dụng liệu pháp miễn dịch thì trung vị sống còn của bệnh nhân gần như chưa đạt được con số để ghi nhận trong khi hóa trị chỉ 8,1 tháng. Nên kiểm tra MSI của bệnh nhân, nếu có MSI-H phải sử dụng liệu pháp miễn dịch, thay vì phương pháp hóa trị thông thường.
Về dấu ấn PD-L1, các loại ung thư khác nhau có thể biểu hiện PD-L1 khác nhau. Do đó, phương pháp đánh giá để tối ưu lợi ích lâm sàng phải tùy thuộc loại khối u.
“Dữ liệu từ phân tích kéo dài củng cố vững chắc điều trị tiêu chuẩn của Pembrolizumab PD-L1 CPS ≥ 1 ở bệnh nhân ung thư dạ dày từ bước 3, đạt được 11,6% tỷ lệ đáp ứng” - BS.CK2 Lâm Quốc Trung chia sẻ.
BS.CK2 Lâm Quốc Trung kết luận, tại Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong những ung thư hàng đầu, đa phần bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn tiến xa/di căn, tiên lượng hạn chế.
Vai trò của các dấu ấn sinh học trở nên rõ ràng trong việc quyết định nhóm bệnh nhân sẽ được hưởng lợi từ liệu pháp điều trị tiên tiến, góp phần tạo nên xu hướng cá thể hóa điều trị. Liệu pháp miễn dịch ngày càng cho thấy rõ vai trò và dần trở thành điều trị tiêu chuẩn cho ung thư dạ dày tiến xa/di căn.
>>> Bệnh nhân ung thư dạ dày có rất nhiều thuốc và cơ hội để điều trị
Trong 3 ngày từ 21/11 - 23/11/2024, Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức Hội nghị Khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi toàn quốc 2024 (VASEL 2024) với chủ đề “Chia sẻ tri thức - Định hình tương lai”, diễn ra tại TPHCM, quy tụ 428 chuyên gia trong và ngoài nước với hơn 500 bài báo cáo, gần 2.000 đại biểu tham dự. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình