Hotline 24/7
08983-08983

“Chỉ 4% bệnh nhân ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm”

Đó là lý do thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước đến với Hội nghị Cập nhật nội soi điều trị ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm và các bệnh lý mật tụy do Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức ngày 16/10/2024 để chia sẻ những cập nhật kiến thức y khoa mới nhất cũng như kinh nghiệm lâm sàng. Sau đây là một nội dung nổi bật được đề cập trong chương trình.

Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn 3 bước quan trọng chuẩn bị thực hiện kỹ thuật ESD

BS Kinoshita Koshi - Trưởng khoa Nội tiêu hóa & Nội soi, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren đã chia sẻ những kinh nghiệm trong “Phát hiện ung thư sớm dạ dày: Cập nhật các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư tiêu hóa giai đoạn sớm” từ Nhật Bản.

Theo Trưởng khoa Nội tiêu hóa & Nội soi, Bệnh viện Trung ương Kyoto Minire, bước đầu tiên và tiên quyết nhất trong kỹ thuật cắt bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) chính là phát hiện bệnh sớm. Điều này đòi hỏi sự cẩn trọng của bác sĩ khi thực hiện nội soi tầm soát.

Tiếp theo, sự chuẩn bị cẩn thận về mọi mặt, từ người bệnh đến máy móc, không bao giờ là thừa trong việc phát hiện sớm tổn thương, cũng như xác định chính xác tổn thương của người bệnh có phải ung thư hay không.

BS Kinoshita Koshi nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ cắt những tổn thương là ung thư. Tổn thương không phải ung thư, lành tính thì không cần can thiệp”.

Trong trường hợp đã xác định chính xác tình trạng ung thư, phải cân nhắc khả năng có thể cắt bỏ qua nội soi. Những loại ung thư sớm không thể cắt bỏ bằng nội soi phải chuyển sang ngoại khoa.

BS Kinoshita Koshi - Trưởng khoa Nội tiêu hóa & Nội soi, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren

Cuối cùng, để thực hành cắt ung thư sớm qua nội soi, các bác sĩ cần có quá trình học tập. 5 bước trong quy trình đào tạo được chuyên gia người Nhật Bản đề cập bao gồm:

1. Đọc tài liệu để tiếp thu kiến thức.

2. Quan sát các bác sĩ giàu kinh nghiệm

3. Tham gia hỗ trợ trong các ca can thiệp

4. Thực hành thành thạo trên động vật

5. Trực tiếp thực hiện trên người bệnh dưới sự giám sát của các bác sĩ có kinh nghiệm.

Vai trò của phân tầng nguy cơ thời gian thực trong phát hiện sớm ung thư tiêu hóa

Tiếp nối chương trình, BS.CK2 Nguyễn Đức Thông - Trưởng khoa Nội soi trình bày phần báo cáo về “Tình hình nội soi can thiệp tại Bệnh viện Nguyễn Trãi”

Kể từ khi được thành lập từ năm 2010 đến nay, khoa Nội soi của Bệnh viện Nguyễn Trãi đã có thể thực hiện hầu hết các thủ thuật nội soi tiêu hóa như nội soi dạ dày - đại tràng, cắt polyp, cầm máu qua nội soi, mở dạ dày ra da, lấy dị vật...

Mỗi năm, bệnh viện thực hiện nội soi chẩn đoán khoảng 10.000 – 12.000 ca liên quan đến bệnh lý dạ dày và 4.000 – 4.500 ca về đại tràng. Bên cạnh đó, cắt polyp, nội soi cầm máu, thắt vòng, mở dạ dày ra da... cũng trở thành thường quy tại đơn vị.

Báo cáo của BS.CK2 Nguyễn Đức Thông chỉ ra, nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp xuất huyết tiêu hóa điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi là loét tá tràng (43,6%) và loét dạ dày (34,7%). Trong khi đó, viêm túi thừa đại tràng là nguyên nhân thường gặp nhất khiến bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dưới, chiếm 31,1%.

Phương tiện cầm máu được cập nhật ngày càng tiến bộ và hiện đại hơn

 

Việc phát triển kỹ thuật cắt bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) tại Bệnh viện Nguyễn Trãi hiện nay đang gặp phải những trở ngại như chương trình tầm soát, nhận thức và nhân lực, công tác đào tạo, trang thiết bị. Trong đó, BS.CK2 Nguyễn Đức Thông nhấn mạnh, chương trình tầm soát và nhận thức của bác sĩ nội soi là yếu tố chính dẫn đến việc bỏ sót những tổn thương ở giai đoạn sớm. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều bệnh viện ở miền Nam Việt Nam.

Theo một nghiên cứu hồi cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thực hiện từ năm 2014 - 2019, chỉ có 4% trong 1.606 ca ung thư dạ dày được phát hiện trong giai đoạn sớm. Nghiên cứu khác được thực hiện tại Huế từ năm 2013 - 2019, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 7,6%. Các con số thống kê này thấp hơn rất nhiều so với Hàn Quốc (63,6%) và Nhật Bản (trên 70%).

Lý giải về sự chênh lệch này,  BS.CK2 Nguyễn Đức Thông cho biết, Việt Nam chưa có chương trình tầm soát cấp quốc gia. Bệnh nhân chỉ được tầm soát cơ hội, nghĩa là bệnh nhân đến khám vì triệu chứng của những bệnh lý khác. Việc có chương trình theo dõi nội soi chuyên biệt dành cho nhóm nguy cơ cao là cực kỳ cần thiết.

BS.CK2 Nguyễn Đức Thông - Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy

Trên những bệnh nhân có nguy cơ cao viêm teo hay chuyển sản ruột nặng, cần phải tiếp cận một cách có hệ thống hơn, phân tầng các nhóm nguy cơ, theo dõi đặc biệt. Điều này cần đến sự phối hợp giữa bác sĩ nội soi, bác sĩ gan mật, bác sĩ điều trị lâm sàng để có một chương trình theo dõi sát sao, được tiếp cận phân tầng nguy cơ thời gian thực: Bệnh nhân có hồ sơ lưu trữ đầy đủ hình ảnh nội soi chất lượng cao. Sau những lần kiểm tra định kỳ, bác sĩ có thể đối chiếu, đánh giá những thay đổi cực kỳ nhỏ.

Các bệnh nhân này nên thực hiện nội soi ở những phòng khám chuyên biệt, được dành thời gian soi lâu hơn, sử dụng các ống nội soi phóng đại nhằm phát hiện sớm các tổn thương.

BS.CK2 Nguyễn Đức Thông nhấn mạnh, bác sĩ nội soi cần chú ý các kỹ thuật để tránh bỏ sót tổn thương, có thể kể đến như bơm đủ hơi, bơm rửa niêm mạc, rút máy chậm (double check). Bác sĩ nên quan sát kỹ, đầy đủ, thu thập hình ảnh theo hệ thống, từ đó nhận diện chính xác tổn thương sớm.

Đối với vấn đề nhân lực, việc đào tạo ESD không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân mà cần mở rộng cho cả đội ngũ. Trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Nguyễn Trãi nhận định việc duy trì liên tục và nhân rộng các hình thức đào tạo chính là động lực phát triển ESD và nội soi can thiệp.

Spyglass - Triển vọng mới trong điều trị bệnh lý mật tụy

TS.BS Phạm Công Khánh - Trưởng khoa Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Tâm Anh (TPHCM) thông tin, bệnh lý mật tụy khá phổ biến trong thực hành lâm sàng nội khoa và ngoại khoa, cả lành tính và ác tính. Bác sĩ đồng thời nhấn mạnh về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh, qua đó đề cập đến “Vai trò của Spyglass trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý mật tụy”.

Trong điều trị bệnh lý mật tụy, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đóng một vai trò hết sức to lớn. ERCP là một thủ thuật sử dụng ống nội soi có cửa sổ hình ảnh và thủ thuật bên, kết hợp với tia X để quan sát ống tụy và ống mật. Ngoài điều trị bệnh lý mật tụy, ERCP cũng được dùng để lấy sỏi mật, điều trị các bệnh lý như viêm tụy cấp, viêm tụy mạn hoặc lấy một mẫu mô nhỏ mang đi phân tích (sinh thiết).

TS.BS Phạm Công Khánh - Trưởng khoa Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Tâm Anh (TPHCM) 

Spyglass ra mắt lần đầu tiên vào năm 2007 và đến năm 2015 lại ra mắt hệ thống Spyglass thế hệ kế tiếp cho chẩn đoán nâng cao và điều trị các bệnh về tuyến tụy và đường mật.

Spyglass là một hệ thống ống nội soi nhỏ linh hoạt với đèn chiếu sáng và camera siêu nhỏ gắn ở cuối thông qua đường miệng, giúp cung cấp hình ảnh trực tiếp của đường ống dẫn mật, ống gan. Kỹ thuật nội soi Spyglass cho phép quan sát rõ đường mật, tăng khả năng chẩn đoán tổn thương phức tạp tụy và đường mật, các trường hợp hẹp đường mật và ống tụy chính, giúp thực hiện các kỹ thuật điều trị dưới sự hướng dẫn của nội soi, đánh giá đốt sóng u đường mật.

Với những trường hợp sỏi khó và hẹp đường mật không xác định, Spyglass gần như là chỉ định tuyệt đối cần phải sử dụng để nội soi đường mật. “Đây là kỹ thuật an toàn và khả thi, đồng thời giảm tỷ lệ chẩn đoán muộn, giảm nguy cơ tai biến và chi phí do lặp lại ERCP” - TS.BS Phạm Công Khánh cho biết.

EUS là biện pháp chẩn đoán nhạy nhất trong việc phát hiện khối u tụy

Để làm rõ vai trò của “Nội soi trong quản lý ung thư tuyến tụy”, TS.BS Nguyễn Lâm Tùng - Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhận định: “ERCP và EUS (siêu âm nội soi) chỉ là công cụ để giải quyết những bài toán mà thực tế chuyên ngành đặt ra, từ chẩn đoán đến điều trị”.

TS.BS Nguyễn Lâm Tùng cho biết, ung thư tụy là một căn bệnh thật sự ác tính. Ngay cả ở giai đoạn sớm, tiên lượng sống của bệnh nhân cũng không khả quan. Hiếm có bệnh nhân ung thư tụy nào có thể kéo dài sự sống hơn 1 năm.

Tính trên 100 bệnh nhân mới phát hiện ung thư tụy, 40 trường hợp đã có di căn xa, 40 trường hợp tiến xa tại chỗ và chỉ 20 trường hợp có thể phẫu thuật, nhưng trong đó có đến 7 người phát hiện không thể mổ ngay trong phòng can thiệp. Trong 100 bệnh nhân ung thư tụy, chỉ có khoảng 6 người có thể mổ triệt căn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nhầm lẫn trong chẩn đoán ung thư tụy khá cao, nhiều trường hợp sau khi cắt bỏ tụy mới phát hiện bệnh nhân chỉ mắc một bệnh lý lành tính. Điều này chứng tỏ hệ thống y tế đang gặp vấn đề trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt

Tỷ lệ mổ nhầm tại Việt Nam cao gần gấp 3 lần trên thế giới (30% so với 11%)

TS.BS Nguyễn Lâm Tùng khẳng định: “EUS là biện pháp chẩn đoán nhạy nhất trong việc phát hiện khối u tụy”. Qua nghiên cứu của nhiều tác giả khác nhau, độ nhạy của EUS luôn đạt khoảng 95% so với CT - chỉ đạt từ 60 - 85%. Đồng thời, EUS vẫn phù hợp với những khối u có kích thước nhỏ. Với những khối u dưới 2cm, độ nhạy của EUS không thay đổi, đạt trên 90%.

Thống kê trên 63 ca u tụy trong 6 tháng đầu năm 2024, với kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của nội soi siêu âm (EUS-FNA), các bác sĩ phát hiện 55 ca ung thư và 8 ca bệnh tụy mạn. Trong đó, chỉ có 2 trường hợp ung thư tụy nhưng kết quả sinh thiết âm tính. Độ đặc hiệu của phương pháp này lên đến 100%, đồng nghĩa với việc không có trường hợp nào bị nhầm lẫn viêm tụy bị chẩn đoán thành ung thư, bệnh nhân sẽ không gặp tình huống mổ nhầm.

TS.BS Nguyễn Lâm Tùng - Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

EUS còn có vai trò phụ trợ trong việc đánh giá giai đoạn, đặc biệt là đánh giá di căn gan, hạch lympho (hạch bạch huyết) và xâm lấn mạch máu. TS.BS Nguyễn Lâm Tùng đánh giá, khoảng 8% bệnh nhân ung thư tuyến tụy được xem là có thể cắt bỏ nhưng lại phát hiện di căn gan.

TS.BS Nguyễn Lâm Tùng kết luận siêu âm nội soi là phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy tốt nhất hiện nay, có thể lấy được mô để xác nhận. Đồng thời, phương pháp này có vai trò phụ trợ trong chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối.

Ngày 16/10/2024, lần đầu tiên Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Cập nhật nội soi can thiệp điều trị ung thư sớm đường tiêu hoá và các bệnh lý mật tụy”, vừa bàn luận chuyên sâu về lý thuyết, vừa có phiên thực hành, thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo nhân viên y tế trong lĩnh vực này.

Hội nghị được chia thành 2 phiên, trong đó phiên 1 là báo cáo khoa học và phiên 2 là thực hành. Ở phiên 1 diễn ra vào buổi sáng, các chuyên gia đã đề cập đến các vấn đề như việc phát hiện sớm ung thư dạ dày; Báo cáo tình hình nội soi hiện tại và phương hướng phát triển kỹ thuật cắt dưới niêm mạc điều trị ung thư sớm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi; Vai trò của spyglass trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý mật tụy; Nội soi trong quản lý ung thư tuyến tụy.

Phiên 2 diễn ra trong buổi chiều cùng ngày, các bác sĩ khoa Nội soi, Bệnh viện Nguyễn Trãi sẽ thực hiện can thiệp 1-2 ca chẩn đoán và điều trị ung thư sớm, áp dụng kỹ thuật spyglass trong 1-2 ca bệnh lý mật tụy.

>>> Lần đầu tiên Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức Hội nghị Khoa học quốc tế

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X