Hotline 24/7
08983-08983

Tổng quan về bệnh viêm gan B

Viêm gan B (HBV) là bệnh mà ai cũng có thể mắc phải, nếu không điều trị kịp thời rất dễ đe dọa đến tính mạng. Trên thế giới, ước tính có hơn 2 tỷ người từng hoặc đang bị HBV, khoảng 400 triệu người mắc HBV mạn tính, gần 1 triệu người chết/năm. Hãy cùng AloBacsi cập nhật ngay kiến thức về bệnh gan để nhận biết sớm và phòng tránh nguy cơ lây nhiễm nhé!

I. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh lây truyền do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus này có thể sống ở nhiệt độ 100 độ C trong 30 phút và -20 độ C trong 20 năm. Khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày, với thời gian ủ bệnh kéo dài từ 30-180 ngày.

Bệnh xảy ra ở mọi đối tượng, chiếm khoảng hơn 20% dân số Việt nam hiện nay, trong đó ước tính 8.8% ở nữ và khoảng 12,3% ở nam. Nếu không được điều trị sẽ dễ dẫn đến viêm gan mạn tính và hậu quả là suy gan, xơ gan, cuối cùng ung thư gan.

Nhiễm viêm gan B có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc kéo dài (mạn tính).

virus viêm gan BViêm gan B là một trong các bệnh về gan nguy hiểm nhất do siêu vi viêm gan B (HBV) gây ra.

II. Ai phát hiện ra virus viêm gan B?

TS.BS Baruch S. Blumberg - nhà nhân chủng học y tế là một trong những người đã phát hiện ra virus viêm gan B.

Trước đó, ông và các cộng sự của mình đã đi khắp mọi vùng miền trên Thế giới để thu thập các mẫu máu và nghiên cứu tìm kiếm sự khác biệt di truyền có liên quan đến một căn bệnh hay không.

Tuy nhiên, thời đó công nghệ chưa hiện đại để phân tích được dữ liệu của họ, do đó ông đã quyết định sử dụng kháng thể của bệnh nhân Hemophilia c để kiểm tra. Vì theo ông những người mắc bệnh này sẽ tạo ra được kháng thể chống lại protein huyết thanh hoặc kháng nguyên từ những lần được truyền máu.

Sau khi nghiên cứu thành công về virus viêm gan B vào năm 1967, đến năm 1976, TS.BS Baruch S. Blumberg đã nhận được giải thưởng Nobel về y học.

III. Triệu chứng bệnh viêm gan B?

Bệnh viêm gan B được chia thành: viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.

Đối với, viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của viêm gan B thường kéo dài dưới 6 tháng, với biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sốt, nhức tay chân, đau hạ sườn, có thể vàng da mắt,...

Hệ thống miễn dịch của bạn có khả năng loại bỏ virus viêm gan B cấp tính khỏi cơ thể, tuy nhiên bệnh điều trị khỏi sớm hay muộn cũng còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, nhưng nếu không can thiệp sớm dễ biến thành viêm gan B mạn tính.

dấu hiệu thường gặp viêm gan BCác triệu chứng của viêm gan B mà bệnh nhân có thể dễ nhận biết

Còn viêm gan B mạn tính sẽ có diễn biến âm thầm và kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn, vì hệ thống miễn dịch của bạn lúc này không thể chống lại nhiễm trùng, và gây tổn thương viêm, hoại tử tế bào gan.

Triệu chứng gồm có: sốt, kiệt sức, rối loạn tiêu hóa (táo bón, đầy hơi, trướng bụng), vàng da, nước tiểu sậm, đau khớp, ăn mất ngon, ói mửa... đặc biệt là xuất huyết dưới da. Nhiễm viêm gan B mạn tính có thể kéo dài suốt đời, có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan. Tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể phòng ngừa biến chứng nếu điều trị tốt.

IV. Các đường lây truyền bệnh viêm gan B?

Virus viêm gan B không lây lan khi hắt hơi hoặc ho, nhưng được truyền từ người này sang người khác bằng 3 con đường chính sau:

Thứ nhất, qua đường máu khi tiêm, hiến máu, truyền máu, xăm,…nhưng chỉ xảy ra nếu dụng cụ thực hiện không được khử trùng sạch sẽ và đúng cách. Ngoài ra, nếu người lành tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân như dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu,... cũng có thể lây nhiễm.

Thứ 2, qua đường tình dục nếu bạn không sử dụng biện pháp phòng tránh an toàn khi “yêu” kể cả cùng giới hay khác giới, hay từ quan hệ bằng miệng, âm đạo và cả hậu môn đều có thể bị nhiễm bệnh.

Cuối cùng, từ mẹ sang con. Trong suốt thai kỳ đến khi sinh con, mẹ đều có thể lây truyền bệnh cho em bé và mỗi giai đoạn sẽ có mức độ khác nhau. Ví dụ như tam cá nguyệt đầu tiên tỷ lệ lây nhiễm chiếm khoảng 1%, tam cá nguyệt thứ 2 khoảng 10%, đến tam cá nguyệt thứ 3 con số tăng lên 70%, và đặc biệt sau khi sinh có thể lên tới 90%.

bà bầu mắc viêm gan b dễ lây cho conBà bầu nhiễm viêm gan B trẻ sinh ra có nhiều khả năng bị lây truyền

V. Đối tượng nguy cơ bệnh viêm gan B

1. Đối tượng có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B

- Trẻ sơ sinh từ mẹ bị nhiễm bệnh

- Người tiêm chích ma túy bất hợp pháp.

- Người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với người nhiễm HBV, hoặc đồng giới.

- Người sống cùng nhà với bệnh nhân HBV.

- Người sống trong các nhà tù.

- Nhân viên y tế tiếp xúc với máu và các chế phẩm máu.

- Những người thường xuyên truyền máu, chạy thận nhân tạo, ghép tạng.

Ngoài ra, với những ai du lịch đến các nơi thường bị nhiễm viêm gan B như Trung Quốc, Đông Nam Á, quần đảo Thái Bình Dương, châu Phi cận Sahara, và lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ,… cũng có khả năng lây nhiễm bệnh.

2. Đối tượng có nguy cơ tái nhiễm viêm gan B

Những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cả anti-HBc và HBsAg về cơ bản sẽ có nguy cơ tái nhiễm bệnh viêm gan B cao hơn những người dương tính với cả anti-HBc và anti-HBs.

bệnh nhân tái nhiễm viêm gan BBệnh nhân có thể tái nhiễm viêm gan B nếu đang hóa trị ung thư

Ngoài ra, những người khác có nguy cơ bao gồm:

- Đang hóa trị ung thư

- Dùng liệu pháp ức chế miễn dịch như:

+ Rituximab và các loại thuốc khác liên quan đến điều trị viêm gan B

+ Steroid liều cao

+ Chất chống TNF

- Bị nhiễm HIV đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus cũng có hoạt tính chống lại HBV

- Trải qua cấy ghép tủy xương

- Đang được điều trị virus viêm gan C

VI. Phòng ngừa bệnh viêm gan B như thế nào?

1. Phòng chủ động

Viêm gan B có thể được ngăn ngừa thông qua việc tiêm chủng, gồm 3 hoặc 4 mũi vắc xin, được tiêm trong vòng 6 tháng. Liều đầu tiên được gọi là liều dự sinh sẽ được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Nó có hiệu quả từ 90 đến 95% trong việc ngăn ngừa bệnh viêm gan B.

Thuốc chủng ngừa viêm gan B được khuyến cáo cho:

- Trẻ sơ sinh

- Trẻ em và thanh thiếu niên không được tiêm chủng khi mới sinh

- Những người làm việc hoặc sống trong trung tâm dành cho người khuyết tật

- Những người sống chung với bệnh nhân viêm gan B

- Nhân viên y tế, nhân viên cấp cứu và những người khác tiếp xúc với máu

- Bất kỳ ai bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV

- Nam quan hệ tình dục đồng giới

- Những người có nhiều bạn tình

- Bạn tình của người bị viêm gan B

- Những người tiêm chích ma tuý bất hợp pháp hoặc dùng chung bơm kim tiêm

- Người bị bệnh gan mạn tính

- Người bị bệnh thận giai đoạn cuối

- Du khách dự định đến một khu vực trên thế giới có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao

tiêm ngừa để phòng tránh viêm gan BNên chủ động tiêm ngừa để phòng tránh viêm gan B

2. Phòng lây truyền từ mẹ sang con

Trường hợp HBsAg (+) khi mang thai: Hãy tiêm vắc xin với kháng thể kháng HBV sau sinh cho trẻ. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin còn lại theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Còn nếu mẹ có HBV-DNA > 106 copies/ml (200.000 IU/mL) khi mang thai thì 3 tháng cuối thai kỳ nên dùng thuốc kháng virus (lamivudine hoặc tenofovir). Xét nghiệm lại HBV DNA sau sinh 3 tháng và theo dõi định kỳ để phát hiện, điều trị kịp thời.

3. Phòng không đặc hiệu

Ngoài ra, còn có các cách khác để giảm nguy cơ mắc viêm gan B bao gồm:

- Không quan hệ tình dục không an toàn, trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắn bạn tình của mình không bị nhiễm viêm gan B hoặc bất kỳ bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nào khác.

- Nếu có ý định sơn móng tay, chân, xỏ khuyên hoặc xăm hình, hãy tìm một cửa hàng uy tín. Hỏi về cách thiết bị được làm sạch và đảm bảo rằng nhân viên sử dụng kim tiêm vô trùng.

- Không dùng chung kim tiêm và tránh tiếp xúc với máu, dịch tiết của bệnh nhân.

- Băng bó, che kín các vết thương hở trên cơ thể.

- Sàng lọc máu và chế phẩm máu.

 

Nội dung bài viết:
I. Viêm gan B là gì?
II. Ai phát hiện ra virus viêm gan B?
III. Triệu chứng bệnh viêm gan B?
IV. Các đường lây truyền bệnh viêm gan B?
V. Đối tượng nguy cơ bệnh viêm gan B
1. Đối tượng có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B
2. Đối tượng có nguy cơ tái nhiễm viêm gan B
VI. Phòng ngừa bệnh viêm gan B như thế nào?
1. Phòng chủ động
2. Phòng lây truyền từ mẹ sang con
3. Phòng không đặc hiệu

 

Mời bạn đọc đón xem tiếp:

Phần 2: Tầm soát, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan B

Phần 3: Vắc xin và phác đồ tiêm phòng viêm gan B

Phần 4: Có thể chữa khỏi viêm gan B không?

Phần 5: Ai nên và không nên chủng ngừa viêm gan B?

Phần 6: Khi nào viêm gan B thành ung thư gan?

Phần 7: Dinh dưỡng cho người viêm gan B

Phần 8: Viêm gan B và phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X