Có thể chữa khỏi viêm gan B không?
Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus được truyền từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn và đường máu. Nếu không điều trị, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
I. Có thể chữa khỏi viêm gan B không?
Viêm gan B được phân thành viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính. 95% những người bị viêm gan B cấp tính hồi phục hoàn toàn. Một số người thậm chí có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Tuy nhiên, những người bị viêm gan B mạn tính cần điều trị để kiểm soát tình trạng bệnh. Viêm gan B mạn tính cũng làm tăng nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Bệnh viêm gan B do virus HBV gây ra.
1. Điều trị viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính không phải lúc nào cũng cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân theo dõi các triệu chứng và xét nghiệm máu thường xuyên để xác định xem liệu virus có còn trong cơ thể hay không.
Trong thời gian hồi phục, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước; hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, không nên sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan. Đồng thời có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan nếu bác sĩ chỉ định.
2. Điều trị viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính có hai thể: thể virus hoạt động và thể virus không hoạt động.
Khi bệnh nhân ở thể virus viêm gan B không hoạt động, có thể chỉ cần theo dõi các triệu chứng và kiểm tra gan thường xuyên.
Nếu bệnh nhân ở thể virus viêm gan B hoạt động, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, thường bao gồm thuốc tiêm và thuốc kháng virus nhằm ức chế sao chép virus viêm gan B, giúp giảm các triệu chứng cũng như ngăn ngừa tổn thương gan.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần khám sức khỏe định kỳ để xét nghiệm máu nhằm xác định tải lượng virus và sức khỏe gan. Dựa trên kết quả, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
II. Khi nào bắt buộc điều trị viêm gan B
1. Trường hợp nào cần dùng thuốc điều trị viêm gan B?
- Xét nghiệm HBsAg (kháng nguyên bề mặt siêu vi B) dương tính: người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B;
- Xét nghiệm HBeAg (kháng nguyên vỏ nhân của virus viêm gan B) dương tính: virus viêm gan B đang hoạt động;
- Xuất hiện các triệu chứng lâm sàng viêm gan B: vàng da, vàng mắt, chán ăn, mệt mỏi;
- Enzym gan alanin aminotranferase (ALT) tăng gấp 2 lần trở lên.
2. Trường hợp nào không cần dùng thuốc điều trị viêm gan B?
Người lành mang mầm bệnh:
- HBsAg dương tính: người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B;
- HbeAg âm tính: virus đang ngủ yên, ít khả năng lây nhiễm, không có dấu hiệu lâm sàng.
3. Trường hợp nào chưa cần dùng thuốc điều trị viêm gan B?
Người "dung nạp được miễn dịch":
- HBsAg dương tính: người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B;
- HBeAg dương tính: virus đang hoạt động, không có dấu hiệu lâm sàng.
Người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn tính:
- HBsAg dương tính: người bệnh đã nhiễm virus viêm gan B;
- HBeAg âm tính: virus đang ngủ yên, đã có dấu hiệu lâm sàng.
Người bệnh viêm gan B không hoạt tính: virus từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt.
Những trường hợp không cần và chưa cần dùng thuốc phải theo dõi chặt chẽ, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện lâm sàng thì cần đi khám ngay để kịp thời dùng thuốc.
4. Điều trị viêm gan B mạn tính được chỉ định khi nào?
- ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.
- HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV-DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).
Mắc bệnh viêm gan B không nhất thiết phải uống thuốc điều trị.
III. Những thuốc nào điều trị viêm gan B?
Viêm gan B cấp tính thường không cần điều trị thuốc mà chủ yếu là nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý và uống nhiều. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus hoặc nhập viện theo dõi để ngăn ngừa các biến chứng.
Điều trị viêm gan B mạn tính bao gồm:
Thuốc tiêm Peg-interferon alfa 2a
- Tiêm một lần một tuần trong 48 tuần.
- Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm các triệu chứng như sốt, đau cơ và khớp khi bắt đầu dùng thuốc, sau đó các triệu chứng sẽ giảm dần theo thời gian.
Entecavir và tenofovir
Đây là thuốc kháng virus, được dùng bằng đường uống mỗi ngày. Entecavir và Tenofovir có tác dụng giảm tải lượng virus, khả năng dung nạp tốt và ít tác dụng phụ. Tenofovir là thuốc được ưu tiên sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
Bên cạnh đó, Lamivudine, Adefovir và Telbivudine cũng được dùng cho người bệnh viêm gan B mạn tính.
Liều khuyến cáo cho mỗi loại thuốc như sau:
- Tenofovir: 245mg mỗi ngày;
- Entecavir: 0,5 hoặc 1,0mg/ ngày, tùy thuộc vào tiền sử điều trị trước đó;
- Lamivudine: 100mg/ ngày (liều lượng này khác với liều lượng được sử dụng trong phối hợp thuốc để điều trị nhiễm HIV);
- Adefovir: 10mg mỗi ngày;
- Telbivudine: 600mg mỗi ngày.
Bệnh nhân điều trị viêm gan B cần tuân thủ đúng phác đồ do bác sĩ chỉ định.
IV. Điều trị viêm gan B trong thời gian bao lâu?
1. Thời gian điều trị viêm gan B cấp tính
Điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan B cấp tính thường không cần thiết vì khoảng 95% người bệnh có thể loại bỏ virus trong vòng khoảng 6 tháng.
2. Thời gian điều trị viêm gan B mạn tính
Khi bệnh nhân viêm gan B mạn tính được bác sĩ chuyên khoa chỉ định điều trị, hầu hết mọi người sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus dạng uống (bằng miệng).
Thông thường, điều khó khăn nhất khi điều trị viêm gan B là nhớ uống thuốc. Bệnh nhân có thể phải dùng thuốc kháng virus trong 3-5 năm, và một số người có thể phải dùng thuốc suốt đời. Mục đích của việc điều trị viêm gan B không phải là chữa khỏi virus mà là kiểm soát virus để ngăn chặn những tổn thương gan xảy ra trong tương lai.
Một số bệnh nhân viêm gan B mạn tính sẽ được dùng thuốc Peg-interferon alfa 2a tiêm một lần một tuần trong 48 tuần.
V. Có phải dùng thuốc viêm gan B suốt đời không?
Thuốc điều trị viêm gan B chỉ có thể ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B chứ không loại bỏ hoàn toàn, do đó khi người bệnh dừng thuốc, có khả năng virus viêm gan B bùng phát trở lại khiến cho việc điều trị khó khăn hơn. Vì vậy, rất nhiều trường hợp phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí cả đời.
Một số trường hợp điều trị viêm gan B có hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét ngưng thuốc nhưng vẫn phải được theo dõi chặt chẽ vì nguy cơ tái phát cao.
Điều trị viêm gan B là cả một quá trình lâu dài, bệnh nhân cần phải kiên trì điều trị và theo đúng hướng dẫn, tuyệt đối không được tự ý ngừng hoặc dùng thêm thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm men gan, chức năng gan, tầm soát biến chứng xơ hóa gan, ung thư gan, đánh giá chức năng thận…
Phần 1: Tổng quan về bệnh viêm gan B
Phần 2: Tầm soát, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan B
Phần 3: Vắc xin và phác đồ tiêm phòng viêm gan B
Phần 5: Ai nên và không nên chủng ngừa viêm gan B?
Phần 6: Khi nào viêm gan B thành ung thư gan?
Phần 7: Dinh dưỡng cho người viêm gan B
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình