Phân chất sỏi niệu giúp nhận diện chính xác loại sỏi, điều trị và phòng ngừa hiệu quả
TS.BS Đỗ Anh Toàn - Bệnh viện Bình Dân cho biết, sỏi niệu có nhiều loại khác nhau, trước đây việc nhận diện không dễ dàng. Hiện nay đã có xét nghiệm phân chất sỏi niệu giúp nhận diện chính xác loại sỏi, từ đó điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn.
1. Nhận biết bản chất sỏi niệu bằng cách nào?
Sỏi niệu có nhiều loại khác nhau. Vậy, làm thế nào có thể nhận diện được chính xác loại sỏi đang có trong cơ quan tiết niệu của bệnh nhân, thưa BS?
TS.BS Đỗ Anh Toàn - Trưởng khoa Phẫu thuật sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân - GV Trường Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Nhận diện chính xác loại sỏi là một vấn đề không hề dễ dàng. Nếu sỏi có thể lấy được thông qua phẫu thuật, đó sẽ là nguyên liệu quý giá để phân tích.
Trường hợp không thể lấy được mảnh sỏi để phân chất, bác sĩ phải dựa vào các xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu và hình ảnh học.
Hiện nay, dựa vào các xét nghiệm máu và nước tiểu, có thể dự đoán được bản chất của sỏi.
Bên cạnh đó, nhờ sự phát triển các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT, MRI chất lượng cao, bác sĩ có thể dự đoán tương đối chính xác bản chất viên sỏi.
Phân chất sỏi là một sự tiến bộ đáng được ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân. Mỗi ngày, Bệnh viện Bình Dân có 20 - 30 trường hợp điều trị sỏi, vì thế chúng tôi có nguồn nguyên liệu khá lớn là các mảnh sỏi được lấy ra từ bệnh nhân.
Có 2 phương pháp chính để phân chất sỏi là nhiễu xạ tia X và quang phổ hồng ngoại. Đây cũng là những phương pháp được đánh giá là chính xác nhất để phân tích thành phần viên sỏi.
2. Người bệnh được khuyến khích phân chất sỏi để có hướng điều trị phù hợp
Xin hỏi BS, những ai có chỉnh định xét nghiệm phân chất sỏi? Xét nghiệm này có bị giới hạn độ tuổi không?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Chúng tôi khuyến khích người bệnh nên tham gia phân chất sỏi vì những lợi ích mang lại rất lớn. Đầu tiên, có thể biết được thành phần viên sỏi, từ đó có tư vấn chế độ dùng thuốc, ăn uống phù hợp.
Chi phí để thực hiện xét nghiệm này chỉ khoảng 1 triệu đồng/lần, hoàn toàn phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang có chương trình hỗ trợ nghiên cứu cho Bệnh viện Bình Dân, do đó, những bệnh nhân đồng ý xét nghiệm phân chất sỏi thận được thực hiện hoàn toàn miễn phí.
3. Quy trình lấy mẫu xét nghiệm phân chất sỏi tại Bệnh viện Bình Dân
Thưa BS, tại Bệnh viện Bình Dân, quy trình xét nghiệm phân chất sỏi diễn ra như thế nào?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Quy trình lấy mẫu xét nghiệm phân chất sỏi tại Bệnh viện Bình Dân như sau:
- Hiện nay, bệnh nhân có thể được điều trị sỏi bằng nhiều cách, như nội soi ngược dòng từ dưới lên, nội soi từ trên xuống (tán sỏi thận qua da), mổ mở. Nếu thực hiện phương pháp mổ mở, có thể lấy được mảnh sỏi.
- Sau đó sẽ có quy trình vệ sinh mảnh sỏi, bỏ vào túi và vận chuyển đến trung tâm xét nghiệm.
- Bằng 2 phương pháp hiện đại là nhiễu xạ tia X và quang phổ hồng ngoại, kết quả phân chất sỏi sẽ có trong khoảng 24h.
- Dựa trên kết quả phân chất sỏi niệu, bác sĩ điều trị sẽ đánh giá và tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn uống, dùng thuốc...
4. Sỏi càng lớn càng dễ xét nghiệm phân chất
Để có thể lấy được viên sỏi để phân chất, bệnh nhân phải phẫu thuật hay tán sỏi ngoài cơ thể? Những viên sỏi kích thước nhỏ có thể phân chất được không, thưa BS?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Có nhiều cách để lấy viên sỏi ra khỏi cơ thể bệnh nhân như tán ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi lấy sỏi, nội soi ngược dòng tán sỏi, mổ mở... Sỏi càng to sẽ càng dễ phân chất hơn.
Tán sỏi ngoài cơ thể khó lấy được những mảnh sỏi lớn, thường sẽ được tống xuất ra khỏi cơ thể bệnh nhân qua đường tiểu với kích thước như những hạt cát. Việc thu gom các mảnh sỏi này tương đối khó khăn nhưng nếu thu lại được, có thể ứng dụng kỹ thuật quang phổ hồng ngoại để phân chất sỏi.
Đối với những viên sỏi có kích thước bằng hạt đậu xanh trở lên, cần ít nhất 2 mảnh trở lên để phân chất theo phương pháp nhiễu xạ tia X .
Nội soi ngược dòng hoặc tán sỏi qua da là đủ để lấy được mảnh sỏi. Một số người bệnh được khuyên theo dõi kỹ để lấy được sỏi qua đường tiểu, gửi đi làm xét nghiệm.
5. Khi nào cần làm lại xét nghiệm phân chất sỏi?
Trong quá trình điều trị sỏi tiết niệu, bệnh nhân có cần lặp lại quy trình phân chất sỏi không hay xét nghiệm này chỉ cần thực hiện 1 lần, thưa BS?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Trường hợp bệnh nhân có 1 viên sỏi lớn nhưng buộc phải điều trị nhiều lần, chẳng hạn do sỏi san hô, có thể phải tán sỏi thận qua da 2 - 3 lần. Trong lần đầu điều trị, có thể gửi mảnh sỏi đi phân chất, những lần sau không cần làm như vậy.
Trường hợp bệnh nhân đã điều trị sỏi nhưng thời gian sau đó xuất hiện sỏi mới, chúng tôi sẽ khuyên thực hiện lại phân chất sỏi. Bản chất viên sỏi mới có thể thay đổi do chế độ ăn uống sinh hoạt... Bên cạnh đó, chi phí cho xét nghiệm này không đáng kể, có thể thực hiện phân chất sỏi để thu thập tài nguyên.
6. Nguyên tắc chung trong điều trị sỏi niệu
Dựa trên kết quả phân chất sỏi, các phương pháp phòng ngừa và điều trị sỏi cho bệnh nhân khác nhau như thế nào, thưa BS?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Tùy vào bản chất viên sỏi, bệnh nhân được hướng dẫn cách điều trị, phòng ngừa khác nhau. Tuy nhiên điểm chung là bệnh nhân phải bổ sung đủ nước, không được để nước tiểu cô đặc.
Người sinh hoạt trong nhà, trong môi trường lạnh cần cung cấp khoảng 1,5 - 1,8l nước/ngày. Người vận động nhiều, làm việc dưới trời nắng có thể cần hơn 2l nước. Uống nước đủ là đảm bảo bản thân không bị khát, nước tiểu đủ trong.
Bệnh nhân cần có chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh, hạn chế gia vị mặn, cân đối các chất dinh dưỡng trong bữa ăn. Cuối cùng, đừng quên tái khám định kỳ.
Ngoài ra, việc điều trị, phòng ngừa còn dựa theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Những người bị rối loạn chuyển hóa, ví dụ bị cường tuyến cận giáp phải tập trung điều trị bướu tuyến cận giáp, cường tuyến cận giáp. Thông thường, phải phối hợp với bác sĩ chuyên khoa nội tiết để có phác đồ điều trị phù hợp.
Nếu bệnh nhân có rối loạn về chuyển hóa purin, gout, tăng axit uric máu, phải tập trung vào chế độ ăn, dùng thuốc để điều trị axit uric máu.
Khi bệnh nhân gặp vấn đề nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây tái phát, cần thiết kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, những bất thường về giải phẫu của người bệnh, chẳng hạn hẹp khúc nối, hẹp niệu quản, dị vật,... buộc phải được điều trị triệt để.
7. Tỷ lệ thành phần không đồng nhất ở các vị trí trên 1 viên sỏi
Trong quá trình công tác, BS đã tiếp nhận trường hợp nào có nhiều loại sỏi tiết niệu trong cơ thể chưa? Những trường hợp này phải giải quyết như thế nào ạ?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Kỹ thuật phân chất sỏi mới được triển khai 2 - 3 năm gần đây do đó hiện tại chưa có số liệu thống kê để khẳng định có hay không.
Muốn biết trong cơ thể bệnh nhân liệu có các viên sỏi với nhiều bản chất khác nhau không, cần phải lấy nhiều viên sỏi để phân phân chất. Chúng tôi cho rằng, lấy 1 mẩu nhỏ cũng có thể đại diện cho cả viện sỏi.
Trên 1 viên sỏi san hô lớn, nếu lấy 2 phần làm xét nghiệm phân chất, kết quả có thể không khớp 100% vì viên sỏi được cấu tạo từ nhiều thành phần như canxi, oxalat, photphat... Tỷ lệ thành phần không thể đồng nhất ở các vị trí trên 1 viên sỏi.
Tuy nhiên, để có thể chứng minh bằng nghiên cứu, hiện tại chúng tôi chưa thể có câu trả lời chính xác.
8. Hy vọng giảm bớt gánh nặng điều trị sỏi niệu bằng chương trình phòng ngừa hiệu quả
Có thông tin cho rằng, 60% công việc của các bác sĩ khoa tiết niệu hiện nay liên quan đến sỏi thận. Con số này có đúng với tình hình thực tế tại Bệnh viện Bình Dân?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Thông tin này phản ánh phần nào gánh nặng về điều trị soi tại Bệnh viện Bình Dân, tuy nhiên, con số 60% chỉ là ước lượng tương đối.
Sỏi tiết niệu là mặt bệnh mà nhiều người mắc. Lượng bệnh nhiều giúp bác sĩ chúng tôi nâng cao kinh nghiệm, có thể triển khai các kỹ thuật hiện đại trong điều trị.
Bệnh viện Bình Dân hiện nay gần như triển khai tất cả kỹ thuật mới, tiên tiến để điều trị sỏi niệu.
Với khối lượng điều trị quá lớn, chúng tôi phải đồng thời phát triển các chế độ điều trị phòng ngừa. Hy vọng với chương trình phòng ngừa tái phát sỏi hiệu quả, lượng bệnh nhân cần quay lại điều trị sẽ giảm đi.
9. Bệnh viện Bình Dân tiên phong trong việc đưa ra giải pháp phòng ngừa sỏi
Theo BS, nguyên nhân khiến nhiều người Việt Nam gặp vấn đề sỏi thận là gì?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Việt Nam đang nằm trong vùng vành đai sỏi của thế giới, có thể liên quan đến các nguyên nhân địa lý, thói quen ăn uống, sự quan tâm đến sức khỏe. Người dân chưa có sự chủ động phòng ngừa sỏi và chủ động phòng ngừa tái phát sỏi sau điều trị.
Khối lượng công việc mỗi ngày của một bác sĩ tiết niệu quá nhiều, do đó, chưa có sự chú trọng đúng mức cho kiểm soát, dự phòng, quản lý nhóm người bệnh đã từng điều trị sỏi.
Bệnh viện Bình Dân đặt mục tiêu tiên phong trong việc đưa ra giải pháp phòng ngừa sỏi, mong muốn giảm được số bệnh nhân tái phát.
Chúng tôi đồng thời triển khai những kỹ thuật điều trị hiệu quả và chuyển giao cho các cơ sở bạn, các bệnh viện tỉnh để tuyến dưới có thể điều trị những trường hợp không quá phức tạp, nhờ đó giảm áp lực cho bệnh viện tuyến cuối.
Trong một tương lai mang tầm vĩ mô, các bệnh viện tuyến cơ sở có thể điều trị được các bệnh lý thông thường. Tổng lượng bệnh tập trung về bệnh viện tuyến cuối sẽ được cải thiện.
10. Uống đủ nước giúp phòng ngừa sỏi niệu
Nhiều người cho biết dù đã uống trên 2l nước mỗi ngày nhưng vẫn bị sỏi thận. Xin hỏi BS, nguyên nhân những người này bị bệnh là gì và việc uống nước nhiều có tác dụng phòng ngừa sỏi thận ở mức độ nào?
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Điều này cũng giống như quan niệm hút thuốc lá liên quan đến ung thư phổi, nhưng trong thực tế, có những người hút thuốc lá rất nhiều nhưng vẫn sống thọ. Do đó, không thể dựa vào trường hợp bệnh nhân uống nhiều nước vẫn mắc sỏi và khuyến cáo một cách cực đoan rằng uống nhiều nước không đem lại ý nghĩa gì trong việc phòng ngừa bệnh.
Uống nước nhiều sẽ hạn chế tái phát sỏi, nhưng chỉ giảm đi chứ không hoàn toàn giải quyết vấn đề tái phát sỏi. Uống đủ nước còn làm chậm quá trình tái phát sỏi, nếu có. Tốc độ lớn lên của viên sỏi cũng chậm đi.
Sỏi tái phát có nhiều nguyên nhân, trong đó có những rối loạn chuyển hóa quá nặng, không thể kiểm soát hoặc các bệnh lý hẹp niệu quản, có dị vật... Những nguyên nhân này là cơ hội để hình thành sỏi dù bệnh nhân đã uống nước nhiều.
Uống đủ nước chắc chắn có thể giúp phòng ngừa sỏi.
11. Làm sao phòng ngừa sỏi tiết niệu?
BS có lời khuyên nào gửi đến cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa sỏi.
TS.BS Đỗ Anh Toàn trả lời: Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, đánh giá một cách đầy đủ. Nếu chưa bị sỏi, cần chú ý cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, tái khám 6 - 12 tháng/lần.
Những bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị sỏi cần tự ý thức về nguy cơ cao tái phát sỏi. Cần tuân theo những khuyến cáo của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, theo dõi và kiểm soát nghiêm ngặt các bệnh lý nền để hạn chế nguy cơ tái phát sỏi về sau.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình