Phần 2: Loãng xương - Phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách
Theo BS.CK2 Phạm Văn Tú - Trưởng Khoa – Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, loãng xương là căn bệnh âm thầm và để lại hậu quả rất nặng nề. Vì vậy việc điều trị loãng xương bằng thuốc: liệu trình, thời điểm uống và tái khám là rất quan trọng.
10. Làm thế nào để biết quá trình điều trị đang có hiệu quả?
Có thể thấy các bác sĩ hiện nay không chỉ thực hiện chuyên môn để điều trị cho bệnh nhân mà còn là chuyên gia tâm lý để giữ cho bệnh nhân của mình tuân thủ phác đồ điều trị. Thưa BS, sau khi các bệnh nhân uống thuốc điều trị thì làm thế nào để bệnh nhân biết được đang có hiệu quả ạ?
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Điều trị loãng xương là quá trình lâu dài. Thông thường, sau 1 năm bệnh nhân quay lại mới thấy hiệu quả. Lưu ý để đánh giá hiệu quả trước và sau 1 năm bệnh nhân nên đến đúng cơ sở trước đây để kiểm tra lại với máy đo mật độ xương cũ.
Không thể từ loãng xương điều trị thành không loãng xương. Chỉ cần sau 1 năm bệnh nhân uống thuốc đầy đủ và quay lại kiểm tra mật độ xương chỉ giảm khoảng 5% là đã thành công và tiếp tục liệu trình điều trị (sử dụng thuốc).
Cứ như vậy đến sau 3 năm sử dụng thuốc truyền và 5 năm sử dụng thuốc uống sẽ đánh giá lại mật độ xương và đánh giá nguy cơ loãng xương trong vòng 10 năm tới là cao, thấp hay trung bình để quyết định ngừng thuốc hay tiếp tục sử dụng.
11. Làm sao để khắc phục tác dụng phụ của thuốc điều trị loãng xương?
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Khi điều trị loãng xương, một số bệnh nhân thường bỏ thuốc vì các tác dụng phụ của thuốc, do đó bệnh nhân cần được hướng dẫn cách sử dụng thuốc đúng để hạn chế tác dụng phụ. Ví dụ:
- Uống thuốc với 1 cốc nước lớn khoảng 200ml để thuốc trôi xuống, tránh mắc thuốc ở thực quản (vì người cao tuổi có nhiều nếp gấp thực quản) gây viêm thực quản.
- Sau khi uống xong phải giữ tư thế thẳng (khoảng 30 phút) để tránh dịch dạ dày trào lên thực quản gây viêm.- Uống vào buổi sáng, trước khi ăn, nếu uống thuốc sau khi ăn thì hiệu quả hấp thu thuốc sẽ giảm.
Từ đó, bệnh nhân sẽ dừng thuốc và hiệu quả điều trị không đạt.
12. Chi phí điều trị loãng xương ra sao và có được BHYT chi trả không?
Thưa BS, chi phí điều trị loãng xương ra sao và có được BHYT chi trả không? Bác của em được chẩn đoán loãng xương nhưng gia đình không có điều kiện nên bác cứ lần lựa điều trị, em sợ cứ để như vậy thì bệnh sẽ nặng thêm. Mong BS cho lời khuyên ạ!
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Vì thuốc loãng xương sử dụng thời gian kéo dài nên ảnh hưởng đến tài chính của người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay BHYT đã chi trả cho loại thuốc này, đối với các bệnh viện từ tuyến 1 trở lên (bệnh viện tuyến thành phố đến tuyến trung ương) đều chi trả cho các thuốc uống, cũng như thuốc truyền.
Một vấn đề khác là khi sử dụng thuốc loãng xương sẽ phòng ngừa được gãy xương. Vì nếu gãy xương chi phí điều trị sẽ rất tốn kém, kể cả đã điều trị vẫn để lại hậu quả rất lớn đối với lao động, sinh hoạt của bệnh nhân. Nên điều trị loãng xương sẽ tiết kiệm về mặt chi phí so với khi xảy ra tình trạng gãy xương.
13. Nên làm gì nếu quên uống thuốc loãng xương?
Thưa BS, ngoại em dùng thuốc điều trị loãng xương loại 1 tuần/viên thường uống vào chủ nhật nhưng ngoại hay quên, như tuần vừa rồi thì dùng thuốc không đúng ngày, đến tận thứ 4 mới nhớ. BS cho em hỏi, nên làm gì với những trường hợp quên uống thuốc như thế này ạ?
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Khi quên thuốc loãng xương bệnh nhân uống vào ngày gần nhất, ngay khi nhớ ra. Với thuốc 1 tuần/viên thì không nên uống 2 viên trong 1 ngày. Ví dụ chủ nhật quên uống thuốc thì có thể uống vào thứ 2, thứ 3 hoặc thứ 4,… và đến tuần tiếp theo lại uống vào chủ nhật.
Một mẹo nhỏ để hướng dẫn bệnh nhân loãng xương là đối với thuốc 1 tuần/viên thì nên uống vào chủ nhật vì không nhầm lẫn với các ngày thứ hoặc thuốc 1 tháng/viên nên uống vào ngày rằm hoặc mồng 1.
14. Đến bệnh viện nào để được tầm soát và điều trị loãng xương?
Thưa BS, mẹ em năm nay 63 tuổi, bị gãy cổ xương đùi. Hiện em muốn được tầm soát và điều trị loãng xương cho mẹ thì em có thể đến những bệnh viện nào? Xin BS chia sẻ thông tin giúp em ạ?
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Nhiều người cho rằng đã gãy xương thì không cần điều trị loãng xương. Tuy nhiên khi gãy xương thì càng cần điều trị loãng xương để không gãy tiếp.
Gãy cổ xương đùi là tình trạng rất nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và chất lượng cuộc sống sau này. Vì vậy, bạn phải đưa mẹ đến khoa Cơ xương khớp của các bệnh viện, nơi có máy đo mật độ xương để đánh giá mức độ loãng xương và quyết định sử dụng thuốc.
Hiện nay, hầu hết tất cả các bệnh viện như bệnh viện tỉnh, bệnh viện thành phố đều có khoa Cơ xương khớp. Tại đây, có các bệnh sĩ chuyên khoa có khả năng kê đơn điều trị thuốc loãng xương cho bệnh nhân.
Nên đến thăm khám và điều trị loãng xương càng sớm càng tốt để phòng ngừa vấn đề gãy xương tiếp theo.
15. Thuốc loãng xương có phải uống suốt đời không?
Kính chào BS, mẹ em đang uống thuốc loãng xương 1 tuần/lần, đã được 2 năm. Em muốn hỏi là mẹ em cần uống thuốc này đến khi nào và có cần điều trị suốt đời như thuốc tăng huyết áp và đái tháo đường không ạ?
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Các thuốc loãng xương cần có thời gian sử dụng và đánh giá hiệu quả điều trị, cũng như một số tác dụng phụ mà thuốc gây ra.
Với trường hợp này, khi đã dùng thuốc 2 năm thì nên đo lại mật độ xương. Đến gặp bác sĩ Cơ xương khớp để xem thuốc có hiệu quả không, để tiếp tục điều trị hoặc chuyển sang thuốc khác.
Bên cạnh đó, sẽ kiểm tra tác dụng phụ của thuốc nếu không gây tác dụng phụ mà thuốc có hiệu quả thì tiếp tục dùng thêm 3 năm để hoàn thành quá trình điều trị 5 năm như các khuyến cáo.
Sau đó, đo lại mật độ xương và đánh giá nguy cơ gãy xương trong vòng 10 năm tới của bệnh nhân để quyết định tiếp tục điều trị hay dừng thuốc.
Lưu ý, khi dùng thuốc không thể bỏ bớt liều và cần đo mật độ xương định kỳ hằng năm, nếu mật độ xương giảm phải khởi động lại quá trình điều trị thuốc loãng xương.
16. Uống canxi và vitamin D mỗi ngày có đủ để điều trị loãng xương?
Thưa BS, cho em hỏi mẹ em năm nay 57 tuổi, được chẩn đoán loãng xương 1 năm. Ở nhà mẹ em uống canxi và vitamin D mỗi ngày. Như vậy đã đủ hay chưa và mẹ em có cần điều trị thêm thuốc gì không thưa BS?
BS.CK2 Phạm Văn Tú trả lời: Quá trình hình thành bộ xương có 3 giai đoạn:
- Từ lúc sinh ra đến khi 30 tuổi: Luôn luôn diễn ra quá trình hủy xương và tạo xương mới. Giai đoạn này tế bào tạo xương hoạt động mạnh hơn tế bào hủy xương, dẫn đến hình thành bộ xương.
- Đến năm 30 tuổi: Quá trình này dừng lại, gọi là khối lượng xương đỉnh. Tùy theo từng người, trung bình khoảng 10 năm thì hoạt động của tế bào tạo xương và tế bào hủy xương cân bằng nhau, làm bộ xương đi ngang.
- Sau đó bắt đầu quá trình tế bào hủy xương hoạt động mạnh hơn tế bào tạo xương. Khi đó, dẫn đến mật độ xương giảm và gây ra loãng xương. Đặc biệt phụ nữ sau mãn kinh thì quá trình mất xương diễn ra rất nhanh, có người mất 2%/năm và sau 10 năm sẽ mất 20% xương.
Do đó, khi loãng xương mà chỉ uống vitamin D và canxi thì giống như xây nhà mất 10 năm thì người phá nhà chỉ mất 1 tuần. Nên ngoài việc sử dụng vitamin D và canxi thì bắt buộc phải dùng thuốc ức chế tế bào hủy xương mới giữ tế bào hủy xương lại để không phá hủy xương.
Cảm ơn BS.CK2 Phạm Văn Tú - Trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Công ty Gigamed đã đồng hành cùng AloBacsi thực hiện chương trình này.
>>> Phần 1: Loãng xương - Phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình